Bắt giữ người trái luật
bauxitevnFri 7:38 AM
1. Luật rừng ở đâu? Hay là chuyện... thiệt tình
Anh Đào
Đi uống nước không mang giấy tờ, 2 cô gái bị đưa vào trung tâm bảo trợ.
Hai thiếu nữ đi uống cafe bị hốt về Trung tâm bảo trợ xã hội suốt 10 ngày. Thật trớ trêu, chuyện lại xảy ra ở ngay Thủ Đức chứ không phải ở... chốn rừng rú.
Bí thư Quận 1 vừa có một bức thư, lời lẽ phải chăng, xin lỗi về phát ngôn của "người hùng cô đơn" Đoàn Ngọc Hải.
"Phát biểu của ông Đoàn Ngọc Hải là có thực nhưng là sự lỡ lời, không xuất phát từ suy nghĩ của đồng chí Hải hoặc tập thể quận 1 về bất kỳ sự so sánh, đánh giá nào có tính hạ thấp địa phương bạn. Đó là một lời nói bột phát trong lúc nóng nảy nhất thời giữa cá nhân người thực thi công vụ với cá nhân người vi phạm; tuy nhiên có thể gây ngộ nhận… Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, mong các đồng chí chia sẻ, thông cảm, bỏ qua" – thư viết.
Giải thích với tài xế lái xe vi phạm trên đường Võ Văn Kiệt trong buổi chiều ra quân dẹp vỉa hè ngày 21.9, "người hùng cô đơn" bảo thế này: "Mình sống ở quận 1 là phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh sống". Và Cà Mau sau đó phản ứng bằng một văn bản đề nghị làm rõ.
Thiệt tình! Nhưng đúng, đó chỉ là cách nói hoàn toàn không hàm í xúc phạm. Một công dân, dù là ở quận 1, ở TP hay ở bất cứ đâu đều phải biết và có nghĩa vụ sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Nhưng thật trớ trêu, ngay tại Thủ Đức, chứ không phải... U Minh, vừa xảy ra câu chuyện thiệt không thể tin nổi.
Hai thiếu nữ, ban ngày ban mặt, ngồi uống cafe bị cơ quan chức năng "hỏi giấy"! Và khi không trình được giấy tờ tuỳ thân, 2 cô bị hốt (đưa) về Trung tâm bảo trợ xã hội suốt 10 ngày.
Đa phần người dân liên hệ bản thân ngay: Mấy người đi ngồi cafe mà để ý chuyện phải mang theo giấy CMND. Mấy nơi, trừ TP HCM, rảnh chuyện đi hỏi giấy người ngồi cafe!
Nhưng phải chăng câu chuyện này còn là một điển hình về sự lạm quyền? Liệu cơ quan chức năng có được tuỳ tiện kiểm tra cá nhân công dân trong khi họ hoàn toàn không có bất cứ vi phạm hoặc biểu hiện vi phạm trực tiếp nào?!
Có lẽ Thủ Đức đang nợ 2 công dân / cô gái đáng thương kia, đang nợ dư luận không chỉ là một lời xin lỗi.
Hãy giải thích đi, cho dư luận một câu trả lời thuyết phục. Hãy nói đây là một vi phạm nghiêm trọng trong thực thi pháp luật mà người vi phạm phải bị xử lý nghiêm?!
Bởi nếu vụ này chìm xuồng, hoặc không được giải thích xử lý thoả đáng, nó sẽ là một vết nhọ trên khuôn mặt thành phố.
Bởi biết đâu khi ấy người ta lại chẳng có thêm thành ngữ: Không biết luật thì về... Thủ Đức!
A.Đ.
2. Hai cô gái đi uống cà phê không mang giấy tờ, bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội
Viết Dũng
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (bên trái) và Ngô Thị Kiều.
Hai cô gái đi uống cà phê bị chính quyền phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TP HCM) kiểm tra, đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội diện “người vô gia cư” vì không có giấy tờ tùy thân.
Trình bày với PV, bà Lê Thị Mỹ Nghĩa (54 tuổi, quê Tiền Giang, hiện ngụ tại phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM) cho biết, khoảng 15h ngày 18/9, con gái bà là Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi) và bạn tên Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê tỉnh Đồng Nai) từ quận 2 xuống quán của người quen tại khu phố 5, phường Tam Bình (quận Thủ Đức) uống cà phê.
Đến 16h, lực lượng công an phường Tam Bình đi tuần tra kiểm tra hành chính các hộ kinh doanh trên địa bàn.
Khi kiểm tra quán cà phê nơi Nhung và Kiều ngồi, hai cô gái không xuất trình được chứng minh thư hay bất cứ giấy tờ nào chứng minh nhân thân nên bị mời về trụ sở Công an phường Tam Bình làm việc.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (con gái bà Nghĩa)
Chủ quán nơi Nhung và Kiều uống cà phê đã tới Công an phường Tam Bình xin bảo lãnh cho cả hai. Tuy nhiên, Công an phường này nói đã lập hồ sơ, đưa Nhung và Kiều vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội ở 463 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.
"Khoảng hơn 17h cùng ngày, tôi nhận được điện thoại của anh chủ quán cà phê nói Nhung và Kiều đang bị mời làm việc tại Công an phường Tam Bình. Anh này nói tôi mau cầm giấy tờ rồi qua chở đến công an bảo lãnh cho cả hai về nhà.
Sau đó, tôi lấy giấy tờ qua xin bảo lãnh con, nhưng nhận được thông báo chính quyền phường Tam Bình đã đưa con tôi đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội ở đường Nơ Trang Long, theo diện "người vô gia cư"", bà Nghĩa bùi ngùi nói.
Bà Lê Thị Mỹ Nghĩa chia sẻ sự việc với PV.
Theo lời bà Nghĩa, bà đem giấy tờ gồm sổ hộ khẩu bản gốc, CMND photo công chứng của bà và Nhung đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội trên xin bảo lãnh cho con về. Tuy nhiên, cán bộ Trung tâm này nói "chưa đúng thủ tục", yêu cầu bà về quê tại tỉnh Tiền Giang xin giấy xác nhận của chính quyền địa phương về nhân thân, sau đó mới giải quyết được.
Bà Nghĩa bày tỏ: "Con gái tôi không phạm pháp tại sao lại bắt nó đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội? Mẹ con tôi đều là những người nông dân chân chất, không hiểu biết gì về pháp luật. Bé Nhung chỉ thiếu giấy tờ tùy thân bên mình, vậy mà chỉ chưa đầy 2 giờ đồng hồ, cán bộ phường đã đưa con tôi vào đó. Họ làm vậy có khác nào làm khó mẹ con chúng tôi?".
Chiều 19/9, bà Nghĩa bắt xe về quê ở Tiền Giang xin giấy xác nhận nhân thân, bảo lãnh Nhung ra khỏi Trung tâm. Gia đình Kiều ở tỉnh Đồng Nai cũng đang làm giấy tờ xin xác nhận nhân thân, bảo lãnh cô gái này về.
Đến sáng 27/9, hai cô gái vẫn trong Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Chính quyền nói gì việc đưa Nhung và Kiều vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội?
Sau khi tiếp nhận thông tin từ bà Nghĩa, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền phường Tam Bình ngay trong chiều 19/9. Tại đây, ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch phường Tam Bình yêu cầu PV để lại câu hỏi phỏng vấn và nói sẽ trả lời sớm nhất về vụ việc.
Sáng 22/9, chính quyền phường Tam Bình đã gửi văn bản số 363/UBND trả lời chúng tôi.
Văn bản do ông Quốc ký cho hay, thực hiện kế hoạch số 191/KH-CAP ngày 18/9/2017 của Công an phường Tam Bình về việc phòng ngừa, đấu tranh kéo giảm tội phạm hình sự trên địa bàn, lúc 16h ngày 18/9, tổ công tác của công an phường tiến hành kiểm tra khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, khu phố 5, phường Tam Bình.
Tổ công tác kiểm tra hành chính quán cà phê MU, có địa chỉ tại A42, đường D chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, khu phố 5.
Tổ công tác yêu cầu 2 đương sự Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều xuất trình các loại giấy tờ tùy thân để kiểm tra, nhưng cả hai không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào. Tổ công tác mời hai đương sự trên về trụ sở công an phường làm việc.
Cùng với chị Nhung, Kiều cũng bị chính quyền phường Tam Bình đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Văn bản nêu, trong quá trình tiếp xúc làm việc, hai đương sự khai các thông tin gồm: Nguyễn Thị Tuyết Nhung, sinh năm 1996, quê Tiền Giang, không đăng ký tạm trú tại TP HCM, có mẹ ở TP HCM song đương sự không rõ ở đâu và không liên lạc được; Ngô Thị Kiều, sinh năm 2000, quê quán Đồng Nai, không đăng ký tạm trú tại TP HCM, không có nhân thân tại TP.
Trong suốt quá trình làm việc, hai đương sự không trình được bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Mặc dù công an phường yêu cầu cả hai gọi điện nhờ người thân mang giấy tờ đến để làm thủ tục bão lãnh về, nhưng hai cô gái không hợp tác và không gọi cho ai.
Bà Nghĩa đã về quê xin giấy xác nhận nhân thân, bảo lãnh Nhung ra khỏi Trung tâm Hỗ trợ xã hội
Đến 19h45 ngày 18/9, Công an phường Tam Bình phối hợp với cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội lập hồ sơ đưa Nhung và Kiều vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Việc làm trên theo quy định của UBND TP HCM về quản lý người ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có cư trú ổn định trên địa bàn TP HCM.
"Tổ công tác công an phường và UBND phường Tam Bình không gây khó dễ cho hai đương sự (Nhung và Kiều – PV), trong suốt quá trình làm việc đã tạo điều kiện cho hai đương sự trình bày cũng như liên hệ với gia đình cung cấp giấy tờ nhằm giải quyết cho hai đương sự ra về.
Tuy nhiên, hai đương sự trên không hợp tác và cũng không liên hệ với gia đình, người thân để cung cấp các giấy tờ tùy thân theo yêu cầu", văn bản nêu.
Khi PV đặt câu hỏi, tại sao chỉ chưa đầy 2h đồng hồ đã đưa Nhung và Kiều và Trung Trung tâm Hỗ trợ xã hội?, ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch phường Tam Bình nói như đã trả lời trong văn bản.
PV tiếp tục đặt câu hỏi, Nhung và Kiều chỉ là khách uống cà phê bình thường, có phải ai uống cà phê quên mang giấy tờ cũng có thể bị kiểm tra, đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội?, ông Chiến nói: "Chỉ kiểm tra hành chính bình thường, chứ không có nghi ngờ gì hai người này phạm tội gì đâu. Do Nhung và Kiều không mang giấy tờ nên đưa về phường xử lý".
Về thông tin bà Nghĩa nói Nhung có nhờ chủ quán cà phê gọi điện về bảo đem giấy tờ tới đưa về, nhưng trong văn bản trả lời của UBND phường khẳng định "Nhung bất hợp tác, không liên lạc với ai"?, ông Chiến bảo "như đã trả lời hết trong văn bản, không nói gì thêm được".
Luật sư nói gì khi đưa hai cô gái vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội sau gần 2 giờ làm việc?
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết:
Căn cứ quy định tại Điều 25 Nghị định 136/2013 và Quyết định 29/2017 của UBND TP HCM, trường hợp đưa 2 cô gái này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là không thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở hỗ trợ xã hội.
Để đưa một người vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thì chỉ khi có căn cứ người đó không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng. Việc xác định một người không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó tạm trú/thường trú.
"Theo tôi, mới chỉ 2 tiếng đồng hồ mà cơ quan chức năng đã đưa 2 chị này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật vì còn phải xác minh cụ thể.
Hơn nữa, theo thông tin của người nhà thì họ đã đưa giấy tờ tùy thân để bảo lãnh, nhưng các cơ quan này vẫn không chấp nhận là không có căn cứ. Vì giấy tờ tùy thân là căn cứ thể hiện người đó có hộ khẩu tại đâu.
Hai cô gái này chưa xuất trình được giấy tờ tùy thân chứ không thuộc diện người ăn xin, lang thang, không có nơi cư trú ổn định như UBND phường Tam Bình nêu. Chỉ khi xem xét các giấy tờ tùy thân, xác minh cụ thể mới có căn cứ xác minh về nhân thân, công việc và nơi cư trú của họ. Từ đó mới có căn cứ đưa vào Trung tâm", luật sư Hùng nói.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM)
Luật sư Hùng nói: "Tôi vẫn chưa hiểu lý do tại sao lại kiểm tra 2 cô gái này, vì nếu họ chỉ là khách uống cà phê sao tự nhiên lại vào kiểm tra giấy tờ tùy thân? Bởi không phải muốn kiểm tra bất cứ lúc nào và ở đâu thì kiểm tra nếu không có căn cứ người đó vi phạm pháp luật".
V.D.
3. Mẹ mất ăn mất ngủ bỏ làm vì con bất ngờ bị CA quận Thủ Đức bắt nhốt vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (1)
An Huy
Ngày 27.9, trao đổi với báo Thanh niên, bà Lê Thị Mỹ Nghĩa (54 tuổi, quê Tiền Giang, hiện ngụ P. 21, Q. Bình Thạnh TP. HCM) cho biết, sau gần 10 ngày chạy ngược xuôi làm giấy tờ gửi cơ quan chức năng chứng minh con bà có nhân thân đầy đủ, không phải người vô gia cư, thì lúc 16 giờ chiều 27.9, Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM đã chấp nhận để con gái bà là Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi) và người bạn tên Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) về với gia đình.
Theo bà Nghĩa, Nhung là đứa con duy nhất trong gia đình. Sau khi ly dị chồng thì một mình bà nuôi Nhung khôn lớn. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn nên học xong lớp 10, Nhung phải nghỉ học ở nhà chăm sóc ông bà ngoại tuổi cao, thường hay bệnh tật ở quê. Năm 2016, bà đón con gái lên Sài Gòn đi làm công ty.
Chiều 18.9, con bà cùng bạn là Ngô Thị Kiều từ Quận 2, xuống một quán cafe khu vực P.Tam Bình (Q.Thủ Đức) uống nước, thì bất ngờ bị công an vào kiểm tra giấy tờ.
Theo bà Nghĩa, do đi chơi quên mang theo giấy tờ tùy thân nên con bà và người bạn bị đưa về công an P.Tam Bình (Q.Thủ Đức) và được chuyển lên Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM (Q.Bình Thạnh) 2 giờ sau đó.
“Khoảng 17 giờ, ngày 18.9, tôi đang làm việc thì bất ngờ nhận điện thoại của chủ quán cà phê nơi hai con uống nước, nói con tôi cùng bạn đang bị giữ ở công an P.Tam Bình (Q.Thủ Đức) và biểu cầm giấy tờ tùy thân lên đón con về. Tôi nghe vậy không biết con mình phạm pháp gì mà bị bắt giữ. Tôi vội thuê xe ôm đem giấy tờ đến công an P.Tam Bình nhưng tại đây công an nói đã đưa con vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP thuộc diện người vô gia cư”, bà Nghĩa cho biết.
Cũng theo bà Nghĩa, trong khoảng 10 ngày con gái bị giữ ở Trung tâm hỗ trợ xã hội TP, bà mất ăn mất ngủ. Bà phải xin nghỉ làm và lên Trung tâm hỗ trợ xã hội để làm thủ tục nhận con. Theo lời bà Nghĩa kể, dù trình giấy tờ nhân thân của con gái đầy đủ nhưng bà cũng không được đưa con gái về.
“Tôi làm đầy đủ mọi thủ tục trên này, rồi đón xe về xã An Hữu, H.Cái Bè (Tiền Giang) làm giấy tờ xác nhận của chính quyền, vui mừng đem lên TP.HCM nộp vàoTrung tâm hỗ trợ xã hội nhận con. Nhưng giấy tờ xong, họ lại nói chờ họp thống nhất ý kiến rồi mới cho về. Mãi đến chiều nay thì con tôi mới được về với gia đình, thấy sức khỏe con bình thường tôi cũng yên tâm. Gặp con, tôi mừng như muốn khóc. Gia đình cô bé Kiều cũng bổ sung được giấy tờ và thả ra trong hôm nay”, bà Nghĩa nói.
A.H.
(1) Đầu đề do BVN thêm.
4. Lời sốc hai người đẹp bị đẩy vào trung tâm xã hội
Thu Hoài
(Gia đình) - Nhung cho biết, khi bị đưa về phường, cả 2 rất sợ và đều hợp tác với công an.
Về việc này, phóng viên liên hệ với ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch UBND phường Tam Bình (quận Thủ Đức) cho biết, việc đưa 2 cô gái là chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang, hiện đang tạm trú phường Thảo Điền, quận 2) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) vào trung tâm hỗ trợ xã hội là hoàn toàn có căn cứ pháp luật.
"Khu vực chúng tôi kiểm tra giấy tờ của 2 cô gái này an ninh rất phức tạp, hơn nữa khi mời lên phường, 2 cô gái này không chịu hợp tác với cơ quan chức năng trong việc gọi người nhà mang giấy tờ gốc lên. Bởi vậy, việc đưa 2 cô gái vào trung tâm, chúng tôi đã làm theo đúng quy trình và có cơ sở", ông Quốc cho biết.
Cũng theo ông Quốc, hiện ông chưa nắm được thông tin Nhung và Kiều được trung tâm hỗ trợ xã hội cho về nhà.
Cùng ngày, chia sẻ tâm trạng sau khi được ra khỏi trung tâm hỗ trợ xã hội, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung nói: "Lạy trời đất, em đã được cho về. Em rất sợ những ngày ở trong đấy, giờ vẫn còn run…".
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều. Ảnh: TTT
Chị Nhung kể, lúc về phường, cả 2 có nói là để quên giấy tờ ở nhà và có gọi cho mẹ mang giấy tờ đến. Tuy nhiên, do mẹ chị Nhung đang đi làm nên không mang lên ngay được. Tuy nhiên, một lát sau, anh Nghĩa (chủ quán cà phê nơi Nhung và Kiều uống) đã mang một số giấy tờ xin bảo lãnh cả hai, tuy nhiên công an vẫn không đồng ý.
"Em xin khẳng định là tụi em rất sợ, tụi em đã hợp tác với công an. Nếu không hợp tác, gọi cho mẹ em thì tại sao mẹ lại biết em ở đâu mà lên xin bảo lãnh em về", Chị Nhung nói thêm.
Cũng theo tâm sự của Kiều, lúc bị đưa lên trung tâm hỗ trợ xã hội, Kiều đã khóc rất nhiều.
"Nghĩ lại, mình chỉ uống cà phê chứ có làm gì đâu mà đưa tụi em lên đây. Mấy ngày nay, em khóc miết, không ăn uống được gì. Em chỉ mong muốn được ra khỏi trung tâm về với gia đình.
Chiều 27/9, lúc em đang ngủ thì được người ta đọc tên cho về mà em vui mừng hết sức. Em đã nghĩ là mình sẽ không ra được. Được trở về với gia đình, em vui mừng lắm. Lúc ra khỏi trung tâm, em và Nhung khóc nức nở", Kiều nói.
Như báo chí đưa tin, vào khoảng 15h ngày 18/9, chị Nhung và Kiều đi uống cà phê với nhóm bạn ở khu phố 5, phường Tam Bình. Khi cả nhóm đang uống nước thì công an phường Tam Bình ập vào kiểm tra hành chính chủ quán và các khách trong quán.
Khi chị Nhung với Kiều không trình xuất được giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân), công an phường Tam Bình đã mời về trụ sở để làm việc.
Gần 3 giờ sau, chính quyền phường Tam Bình đã đưa Nhung và Kiều về trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội theo diện người vô gia cư.
T.H.
Nguồn: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/loi-soc-hai-nguoi-dep-bi-day-vao-trung-tam-xa-hoi-3343973/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.