Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Trách nhiệm của Nhà nước trong các vụ chết trong đồn công an

Trách nhiệm của Nhà nước trong các vụ chết trong đồn công an

bauxitevn7:31 AM

RFA
clip_image002
Bà Nguyễn Thị Ái đầm đìa nước mắt ôm di ảnh con trai, anh Phạm Ngọc Nhung. RFA photo

Nghi ngờ
Từ đầu năm nay, liên tục xảy ra các vụ chết trong đồn công an gây chấn động dư luận, điển hình như vụ anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở Vĩnh Long, được Công an tỉnh này nói là tự sát trong đồn ngày 3/5. Hay anh Phạm Ngọc Nhung, 26 tuổi, ở TP.HCM được nói là chết do té ngã chấn thương sọ não vào ngày 17/1. Gần đây nhất là đầu tháng 7, vụ một thanh niên tên Nguyễn Hồng Đê được tìm thấy treo cổ chết trong phòng hỏi cung của công an thành phố Phan Rang – Tháp Chàm,... Người thân của các nạn nhân trong các vụ việc trên đều không đồng tình với kết luận nguyên nhân tử vong của cơ quan chức năng và đã cầu cứu khắp nơi từ trung ương đến địa phương để làm rõ cái chết của thân nhân nhưng không nhận được kết quả gì.
Trước đó báo cáo của Bộ Công an công bố năm 2015 cũng cho biết từ năm 2011 đến năm 2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà giam giữ, trại giam trên toàn quốc.  Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát. Báo cáo không đề cập đến trường hợp nào được nói là hậu quả của nhục hình, ép cung.
Những tội vặt vãnh như vậy nếu có khởi tố cũng 1, 2 năm tù nhưng tại sao người ta lại chấp nhận tự tử chết?
- Nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân
Truyền thông trong nước thường im lặng trong các vụ việc này, nếu có đưa tin thường chỉ trích dẫn lời nói của cơ quan chức năng chứ không nhắc đến nguyên nhân vì sao gia đình người chết không bằng lòng với kết luận đó. Chính điều này lại càng làm cho dư luận thêm nghi ngờ về tính minh bạch của kết luận chính quyền đưa ra.
Nói với đài RFA, luật sư Võ An Đôn, đoàn luật sư Phú Yên, người từng bào chữa vụ án 5 công an dùng nhục hình đánh chết người dân (ông Ngô Thanh Kiều) ở Phú Yên, giải thích lý do ông nghi ngờ về kết luận công dân tự sát trong đồn công an:
Những người đa số vô đồn công an là thanh niên, nhỏ tuổi, yêu đời tại sao mới vào đồn công an có 1 ngày, 1 đêm là tự tử? Điều đó không bao giờ đáng tin. Thứ hai vào đó làm gì có lúc nào mà tự tử, cảnh sát, công an lúc nào cũng canh họ, kiểm soát họ làm sao họ tự tử được. Đó là điều hết sức vô lý.
Còn cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Quốc Quân thì nói rằng bản thân ông có nghi ngờ một số vụ được nói là tự tử, nhưng bên cạnh đó ông cho rằng cũng có một vài vụ người dân thực sự tự tử. Theo ông vấn đề đặt ra với những trường hợp này là vì sao họ lại tự tử:
Vấn đề là ai và áp lực nào dẫn đến sự tử tử đó. Đó là còn chưa nói đến chuyện người dân bị đánh rất nhiều, khi thì do chính công an, khi thì công an sai khiến, khi thì những tù nhân mâu thuẫn với nhau.
clip_image004
Ông Nguyễn Hữu Tấn, người chết trong đồn công an. Courtesy of baovinhlong
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những trường hợp phạm tội nhẹ mà tự tử khiến ông hết sức nghi ngờ:
Một số trường hợp người dân không phạm tội gì nặng hết. Những tội vặt vãnh như vậy nếu có khởi tố cũng 1, 2 năm tù nhưng tại sao người ta lại chấp nhận tự tử chết? Phi lý! Trừ khi những tội phạm có khả năng tử hình thì người ta mới nghĩ đến cái chết. Những chuyện phi lý đó dẫn đến nghi ngờ của người dân là chính đáng.
Nhà nước có quan tâm?
Khi báo cáo về số người chết trong đồn công an được Bộ Công an đưa ra trước Quốc hội năm 2015, chính những đại biểu cũng lên tiếng nói rằng kết luận nguyên nhân tử vong của Bộ không thuyết phục và đã yêu cầu Bộ Công an và Viện Kiểm sát cần điều tra làm rõ. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói: “Báo cáo của Bộ Công an cho biết có 226 đối tượng chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý, do đối tượng tạm giữ tạm giam tự sát. Vậy có nguyên nhân thứ yếu không?Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề ội Đỗ Mạnh Hùng thì đề nghị Bộ Công an làm rõ “điều kiện giam giữ như thế nào để dẫn đến số người bị tạm giam, tạm giữ chết nhiều như vậy, nhiều hơn cả bệnh lý”. Nguyên nhân đó là gì?”. Đây là một trong số một vài lần hiếm hoi chuyện công dân chết trong đồn công an được Nhà nước đề cập đến.  Tuy nhiên từ đó đến nay chuyện người dân chết trong đồn công an không những không dừng lại, mà còn xảy ra thường xuyên. Vấn đề này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Nhà nước trong việc kiểm soát tình trạng này. Luật sư Võ An Đôn nhận định như sau:
Những vụ này xảy ra rồi đều chìm xuồng, lắng xuống dù rõ ràng chứng cứ người dân đưa ra nhưng đều bao che cho nhau hết.
- Luật sư Võ An Đôn
Nếu người ta quan tâm thì đã điều tra làm rõ rồi. Nhưng những vụ này xảy ra rồi đều chìm xuồng, lắng xuống dù rõ ràng chứng cứ người dân đưa ra nhưng đều bao che cho nhau hết.
Luật sư Lê Quốc Quân lại cho rằng Nhà nước hầu như chỉ chọn cách im lặng đối với những vụ này:
Tôi thấy chủ yếu là dân chúng và những người yêu chuộng sự minh bạch, công lý thì người ta mới quan tâm và đòi hỏi. Chứ còn phía Nhà nước họ im lặng, trừ khi những vụ quá vỡ lỡ rồi, thu hút đặc biệt sự quan tâm của dư luận thì người ta cũng công bố một vài điều lấy lệ.
Nhà hoạt động dân chủ, môi trường Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh người vừa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa kết án 10 năm tù theo điều 88 Bộ luật hình sự đã từng soạn một tập tài liệu lấy tiêu đề “Stop police killing civilians”, mà cô dịch là “Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường”, trong đó thu thập các thông tin về những vụ người chết khi làm việc với công an. Tuy nhiên, Tòa án Khánh Hòa cho rằng mục đích tập tài liệu là để người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, đồng thời xúc phạm và làm hạ uy tín của lực lượng Công an nhân dân. Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng đây là một điều hết sức bất công bởi vì đáng ra Nhà nước phải ủng hộ, cổ xúy những dự án như thế để tìm ra sự thật về những cái chết trong đồn công an. Nhưng đằng này Nhà nước lại quy đó vào một trong những tội để kết án cô.
Ông Lê Quốc Quân khẳng định những vụ việc dân chết trong đồn công an này thuộc trách nhiệm của Nhà nước vì người dân chết trong khi họ đang bị tạm giam tại đồn công an, một cơ quan thuộc sự quản lý của Nhà nước:
Nếu một nhà nước công khai minh bạch thì tất cả những cái chết đó phải được điều tra, làm rõ và công bố cho người dân biết về nguyên nhân cái chết và ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết đấy. Điều này khi đưa ra công luận sẽ giải quyết hết những nghi ngờ. Nhưng hiện tại các kết luận giám định, và việc không ai chịu trách nhiệm đều như một mớ bong bong và cuối cùng không ai biết được. Như vậy càng làm cho dân chúng tăng cường nghi ngờ hơn.
Nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân lại nói rằng ông mong quyền lực của công an sẽ được giảm đi vì hiện tại việc bắt người, giam người, điều tra, khởi tố đều có công an “nhúng tay”. Theo ông, như vậy quyền lực công an quá lớn sẽ dẫn đến lạm quyền:
Thực tế một điều là quyền lực công an hiện tại hầu như tất cả các cơ quan đều sợ hãi cả, kể cả Quốc hội, Tòa án, và thậm chí báo chí cũng quá sợ hãi cho nên chỉ đăng theo lời công an chứ không dám trái lại.
Ông cho rằng công an hiện nay là lá chắn bảo vệ chế độ vì vậy được chế độ trao cho quyền lực rất lớn nên họ dễ lộng hành.
Luật sư Võ An Đôn cho biết thêm rằng điều tra là căn cơ để làm sáng tỏ những vụ người chết trong đồn công an. Tuy nhiên ông nói rằng hiện nay các cơ quan điều tra, giám định không hoạt động độc lập mà do Công an quản lý nên sẽ không đưa ra những kết quả không có lợi cho họ. Mà một khi kết luận giám định nói là tự tử, vụ việc sẽ khép lại tại đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.