Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Cao điểm Vị Xuyên: Thất trận, lính Trung Quốc nổi loạn bắn chỉ huy

Cao điểm Vị Xuyên: Thất trận, lính Trung Quốc nổi loạn bắn chỉ huy

bauxitevn7:50 AM

Trong 6 năm chiến đấu phòng ngự chống Trung Quốc lấn chiếm ở mặt trận Vị Xuyên đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhưng ít có trận nào được báo chí Trung Quốc nói đến nhiều như trận ngày 31-5-1985 trên cao điểm A6B (phía Trung Quốc gọi là cao điểm 211). Khu vực này cùng Bốn Hầm, 772… là nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất. Địch dội xuống đây hàng trăm ngàn quả đạn pháo khiến đỉnh núi bị bạt thấp đi mấy mét, đá trở nên trắng xóa vì đạn pháo, nên được lính ta gọi là "Lò vôi thế kỉ". Nhưng chính tại nơi này, cán bộ chiến sĩ ta đã kiên cường tiến công giành lại trận địa, bám trụ cho đến khi đối phương phải rút quân về bên kia biên giới.
clip_image001
Vị trí đóng quân xen kẽ khu vực trước khi xảy ra trận đánh (chữ màu đỏ là quân Trung Quốc giữ, chữ màu đen là quân ta giữ). Ảnh do tác giả cung cấp.

Trận A6B đã đi vào lịch sử hào hùng của quân đội ta như một trận phản kích, phòng ngự thắng lợi. Đối với đối phương, đây là một trận thất bại cay đắng, được nhắc đến nhiều, ngoài tổn thất lớn, cũng bởi sau trận này đã xảy ra vụ binh biến chưa từng có: lính vác súng bắn chỉ huy quân đoàn vì bất tài, nướng quân vô ích…
Mạng Thiết Huyết (Tiexue.net) của Trung Quốc hiện vẫn đang đăng trên mục "Lịch sử Trung Quốc" của Diễn đàn lịch sử Thiết Huyết bài viết về trận huyết chiến A6B và chuyện xảy ra sau đó với nhan đề: "Hổ phụ sinh khuyển tử: Túc Nhung Sinh, con trai Túc Dụ và trận thảm bại ngày 31-5 của Quân đoàn 67" tại địa chỉ: http://bbs.tiexue.net/post _ 3404616_ 1. html. Ngoại trừ những chi tiết bịa đặt, phóng đại thắng lợi, che giấu thất bại, bài báo đã phản ánh phần nào thực tế cuộc chiến đấu ác liệt này. Xin lược dịch dưới đây để bạn đọc tham khảo (đề mục nhỏ do chúng tôi đặt).
Bất ngờ bị mất điểm cao 211
Cao điểm 211 (tức A6B) ở khu vực cửa khẩu Na La - mặt trận Lão Sơn (tức cụm cao điểm 1509, phía tây sông Lô thuộc xã Thanh Thủy - huyện Vị Xuyên - tỉnh Hà Giang) do Quân đoàn 1 (QĐ1) chiếm được ngày 11-2-1985. 
clip_image001[4]
Một góc nhìn khác về A6B (cao điểm 211) với các trận địa 1, 2, 3 (chỗ khoanh đỏ là nơi hàng chục lính Trung Quốc bị chết). Ảnh do tác giả cung cấp.
Ngày 18-5-1985, Quân đoàn 67 (QĐ67) sau khi ra luân chiến đã tiếp nhận bàn giao trận địa từ Quân đoàn 1. 13 ngày sau, vào lúc 5h10’ ngày 31-5-1985, Quân khu 2 Việt Nam nhân lúc QĐ67 đứng chân chưa vững đã phát động cuộc tấn công "M-1" pháo kích mãnh liệt toàn bộ mặt trận suốt 45 phút. Đến 5h55’, khi pháo binh chuyển làn, Tiểu đoàn 4 (d4) - Trung đoàn 982 (e982) của Việt Nam đã chia làm hai hướng tiến công 3 điểm cao 211, 156 và 166; cùng lúc d5/e982 của họ nghi binh tiến công các cao điểm 140, 142. 
Dưới sự yểm hộ của pháo binh, quân đội Việt Nam đã lợi dụng ưu thế binh lực, nhanh chóng đánh chiếm các chốt số 1, 2 của điểm cao 211. Tiểu đội chốt giữ ở đó cơ bản chết hết, chiến sĩ Lý Lâm Hải ở chốt số 1 bị bắt làm tù binh, tiểu đội trưởng Bào Hổ Dân bỏ trận địa, nhảy xuống thung lũng trốn, sau 7 ngày mới tìm về được trận địa bên kia. Sau đó quân Việt Nam nhiều lần tổ chức tiến công các điểm cao 140, 156, 166 đến tận 9h30’ tối mới ngừng. Điểm cao 211 không rộng lắm, nằm kề điểm cao 227 (tức A6A) do quân Việt Nam chốt giữ. Toàn bộ 211 chỉ có 3 điểm chốt. Nói cách khác, quân Việt Nam đã chiếm lại thành công toàn bộ cao điểm 211.
Bị mất trận địa nhưng báo cáo vẫn đang kiểm soát
clip_image002[4]
Hình ảnh nơi xảy ra trận đánh ác liệt. Cao điểm 211 (A6B) phía bên phải. 
Ảnh do tác giả cung cấp.
Ngày hôm đó, QĐ67 khi báo cáo Quân khu Côn Minh và Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc vẫn nói đang kiểm soát được cao điểm 211; nhưng Trung tướng Ngôi Phúc Lâm, Cục trưởng Cục Tác chiến/BTTM tỏ ý sẽ tự mình ra Lão Sơn kiểm tra công tác, yêu cầu QĐ67 cho gọi chiến sĩ ở cao điểm 211 xuống báo cáo. Không còn cách nào khác, QĐ67 ra lệnh bằng mọi giá phải chiếm lại các chốt số 1, 2 của 211.
Sư trưởng f199 khi đó là Thiếu tướng Trịnh Quảng Thần (sau này về hưu khi đang là Phó tư lệnh Quân khu tỉnh Sơn Đông) lên tiếng phản đối mạo hiểm xuất kích, cho rằng bộ đội vừa tiếp nhận trận địa, chưa thông thạo tình hình chiến trường, địa hình và tình hình bên kia, cần phải để quân lính có quá trình làm quen. 
Trịnh Quảng Thần nói: trận đầu rất quan trọng, không đánh thì thôi, nếu đánh phải thắng, chắc thắng hãy đánh. Ý kiến của Thần không những không được chấp nhận mà còn bị Tham mưu trưởng QĐ67 là Túc Nhung Sinh phê bình là "sợ chiến đấu", "dao động". Túc Nhung Sinh báo cáo vấn đề của Trịnh Quảng Thần lên Tư lệnh quân đoàn. Tức giận, Tư lệnh QĐ67 đã bãi quyền chỉ huy của Trịnh Quảng Thần, giao Túc Nhung Sinh vượt qua mặt cơ quan f199, trực tiếp sử dụng cơ quan quân đoàn tổ chức cho e595/f199 tổ chức phản kích nhằm lấy lại trận địa. 
Túc Nhung Sinh là con trai Đại tướng Túc Dụ (1907-1984, nguyên Ủy viên thường vụ Quân ủy, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc), mới được đề bạt làm Sư trưởng f200 được một năm, trước khi QĐ67 ra biên giới, nhờ chạy các mối quan hệ nên được đề bạt Tham mưu trưởng QĐ67. Chuyến đi "tráng men" (nguyên văn: mạ vàng) này của Sinh đã khiến quân lính f199 rơi vào bi kịch.
Sau khi QĐ67 thảm bại, Sinh ngồi im trên ghế Tham mưu trưởng QĐ67 5 năm, đến năm 1990 bị điều ngang về BTTM làm Cục phó Cục Quân vụ (quân lực), ngồi chơi xơi nước. Sau khi "Dương gia tướng" (ám chỉ anh em Dương Thượng Côn, Dương Bạch Băng) bị ngã ngựa, Trương Vạn Niên - bộ hạ cũ của ông Túc Dụ lên làm Phó chủ tịch Quân ủy - đã đề bạt Túc Nhung Sinh làm Tư lệnh QĐ24, tháng 11-1997 lại đề bạt Sinh làm Phó tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, phụ trách hậu cần, nội vụ, ngoại sự… Năm 1999, Sinh được phong hàm trung tướng sau 11 năm ngồi im với lon thiếu tướng.
Trở lại câu chuyện ở mặt trận năm 1985. Ngày 1-6-1985, d1/e595/f199/QĐ67 do Túc Nhung Sinh tổ chức tập kết ở cao điểm 255, tiến hành phản kích định chiếm lại cao điểm 211. Tiểu đoàn phó Vương Triều Đông phụ trách chỉ huy tuyến 1. 
Sáng sớm, dưới màn mưa như trút, Đông dẫn phân đội xung kích xuất kích. Cùng lúc mũi thứ hai do Trung đội trưởng Trung đội 2 (b2)/Đại đội 1 Vương Trung Viễn chỉ huy cũng từ cao điểm 908 đánh xuống. Hai mũi đột kích vượt qua địa hình lồi lõm nhằm thẳng hai trận địa chốt số 1, 2 trên 211 xông tới. Lúc đó, quân Việt Nam trên 211 phát hiện 2 toán xung kích của ta (Trung Quốc), cuộc chiến lập tức bùng phát. Quân Việt Nam chiếm địa thế cao hơn, ném lựu đạn và bắn quét như mưa, đồng thời gọi pháo binh tiến hành phong tỏa hỏa lực. Pháo Trung Quốc cũng bắn chế áp lên 211.
clip_image003[4]
Lính Trung Quốc sau trận đánh đẫm máu. Ảnh do tác giả cung cấp
Đạn pháo của cả hai bên cùng bắn trùm lên 255 và 211, mảnh đạn bay tứ tung. Hai tiểu đội trưởng lần lượt chết trên đường xung phong. Dưới một mỏm đá cao 5m ở chân 211, hơn 10 lính xung kích tử trận, máu hòa vào bùn đất. Những người sống sót lui về chốt số 3 củng cố lại rồi xung phong tiếp. Quân Việt Nam ở 211 và 227 phối hợp đánh chặn. Sau khi quân Trung Quốc chiếm được trận địa số 1 và 2, quân Việt Nam ở 255 liền tổ chức bao vây, đẩy lui 8 lính còn sống sót, trong đó 5 đã bị thương về trận địa số 3. Sau khi chốt giữ mấy ngày ở chốt số 3, 5 lính bị thương đều bị chết…
Trong máy vô tuyến điện 861 không ngừng vang lên tiếng các mũi xung kích gọi nhau nhưng đại bộ phận họ sau đó đều chết và bị thương. Dưới màn mưa và đạn pháo, Đại đội 3 (c3) tổ chức 3 đợt xung phong nữa nhưng qua ngày thứ 2 chỉ còn sót lại 2 người.
Trong các ngày từ 2-6 đến 11-6, các đội viên xung kích của quân Trung Quốc cơ bản không có cách nào tiếp cận được cao điểm 211, mà người chỉ huy ở Sở chỉ huy tiền phương vẫn cứ liên tục thúc giục xung phong. Trong tình hình không thể giành lại được 211, QĐ67 vẫn ném nhiều binh lực và đạn dược, cố bằng mọi giá quyết giành lại cao điểm này. Trong chiến đấu, do hỏa lực pháo binh Việt Nam quá dữ dội, thi thể những lính xung kích bị chết không thể đem về được, cảnh tượng xác chết nằm phơi mình khắp nơi trông rất thê thảm. f199 phải tổ chức mấy đợt tiến công có yểm hộ để lấy xác. 
Trong cuộc chiến đấu kéo dài 11 ngày đó, e595/f199/qđ67 bị tổn thất nghiêm trọng: 2 tiểu đoàn bị quân Việt Nam đánh tan, biên chế từ đại đội đến trung đoàn hoàn toàn bị xóa. Để tăng viện cho e595, đơn vị dự bị của sư đoàn là d3/e597 cũng tổn thất nghiêm trọng. Hơn 120 đội viên đột kích mãi mãi nằm lại 211, số bị thương thì không sao tính xuể; mấy trăm hầm hố, hang động lớn nhỏ xung quanh khu vực này chỗ nào cũng chật kín thương binh. Sau trận đánh, khi rút về tuyến sau, số người còn tự mình đi về trận địa xuất phát được chỉ chiếm không tới 1/10. Cả e595 đã mất sức chiến đấu, không thể đảm đương được nhiệm vụ tác chiến, phải đưa ra khỏi mặt trận để chỉnh đốn. Để thay thế e595, Quân khu Tế Nam phải khẩn cấp thành lập e598 từ 3 tiểu đoàn lấy từ các e598, 599, 600 và đại đội pháo lấy từ f76 để đưa ra Vân Nam thay cho e595.
clip_image005
Mệnh lệnh của SCH Quân khu yêu cầu từ 4-6 tổ chức các cuộc xung phong cấp trung đội, đại đội quyết giành lại chốt 1 và 2. Trong đó khoác lác trận 31-5 đã tiêu diệt hơn 700 quân Việt Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.
Về mặt địa hình, cao điểm 211 không có giá trị quân sự gì lớn, nhưng vì nó được QĐ67 nhận bàn giao từ QĐ1 nên chỉ huy QĐ67 nhận định không thể để mất, tung lực lượng lớn binh lực vào chịu trận dưới hỏa lực pháo của Việt Nam. Đó là nguyên nhân chủ yếu gây nên trận thảm bại 11-6. Sau khi tin tức về thất bại của e595/f199/qđ67 lan truyền, toàn quân Trung Quốc đều sửng sốt. Thế nhưng, đối với các quan binh e595 đã bỏ mình trong trận đó, điều đáng tiếc không chỉ có thế. 
Trong số họ, đại bộ phận sau đó đã không được tôn vinh đúng mức. Trong danh sách gần 100 liệt sĩ được khen thưởng huân chương, ngoài Giả Kha, không thấy có tên các quan binh của e595 chết trong trận 11-6. 
Quân lính phẫn uất bắn chỉ huy
Quân binh f199 từ trên xuống dưới cực kì phẫn nộ đối với thủ trưởng QĐ67. Rất nhiều người viết đơn tố cáo, kiện lên tới Quân ủy và Tổng bộ, chỉ trích Tham mưu trưởng QĐ67 không nghe ý kiến bộ đội, đánh nhau trên giấy, gây nên thất bại nghiêm trọng ngay trận đầu ra quân. Bộ Tổng tham mưu lần lượt cử các đoàn do Cục trưởng Quân huấn Thác Hiệp dẫn đầu xuống điều tra. Sau khi điều tra, kết luận khẳng định không phải do lãnh đạo f199 sợ chiến đấu mà do thủ trưởng QĐ67 khi đó không phán đoán chính xác tình hình địch, ta, chỉ huy vượt cấp, sau khi thất bại lại đùn đẩy trách nhiệm cho sư đoàn là không đúng, đề nghị "nghiêm khắc phê bình" QĐ67. Túc Nhung Sinh cũng cảm thấy mất mặt, dẫn nhóm cán bộ cơ quan rút về Bộ tư lệnh quân đoàn; Sư trưởng Trịnh Quảng Thần được phục hồi quyền chỉ huy, các trận sau đó lại do Sư bộ f199 tổ chức chỉ huy.
Trận thảm bại 31-5 của QĐ67 còn sinh ra một chuyện có một không hai trong cuộc chiến tranh đánh Việt Nam kéo dài 10 năm: một chiến sĩ quê Tảo Trang sống sót trên cao điểm 211, trong khi ăn sáng đã mang súng xông vào nhà ăn Sở chỉ huy quân đoàn, nhằm Túc Nhung Sinh bắn quét. Sinh nhanh chóng chui xuống gầm bàn nấp tránh nên không bị thương nhưng người cảnh vệ của Sinh bị bắn chết. Tư lệnh Quân đoàn Trương Chí Kiên bị trúng vào vai, hơn chục quan binh khác cũng trúng đạn bị thương. Cảnh tượng khi đó rất hỗn loạn, mấy ngày sau vẫn không làm rõ được điều gì đã xảy ra. Người lính đã nổ súng sau đó rút ra ngoài an toàn, mấy ngày sau mới phát hiện anh ta đã tự sát chết dưới hồ nước phía sau Sở chỉ huy, tay vẫn ôm khẩu tiểu liên đã dùng gây án. Do chết đã lâu ngày nên thi thể đã thối rữa. QĐ67 lại được thông báo toàn quân thêm lần nữa.
Sau khi sự việc xảy ra, các đoàn của Quân ủy, Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia tới tấp về Bộ tư lệnh QĐ67 điều tra nguyên nhân sự cố. Khi bị nhân viên điều tra thẩm vấn trong bệnh viện, Tư lệnh Trương Chí Kiên đã khóc, nói: "Tôi không thể nào nghĩ đến chuyện chiến sĩ của mình lại vác súng bắn tư lệnh quân đoàn của họ như thế!".
Thu Thủy (chuyển ngữ từ Tiexue.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.