Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Ngưng khoan dầu có giữ được Trường Sa?

Ngưng khoan dầu có giữ được Trường Sa?

bauxitevn7:31 AM

Bùi Quang Vơm
BBC ngày 24-7-2017 đưa tin Chính phủ Việt Nam yêu cầu REPSOL ngưng khoan dầu và ngừng kế hoạch khai thác dầu tại lô 130-03 - bãi Tư Chính thuộc phạm vi chủ quyền của Việt Nam với lí do Trung Quốc đe doạ "sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò".
REPSOL đã chính thức rút giàn khoan, ngưng hoạt động, nhưng nguồn tin "lề phải" cho biết rằng REPSOL tạm ngưng hoạt động vì lí do thời tiết biển Đông không thích hợp và sẽ quay lại vào tháng 11-2017.
Không có đủ thông tin để có thể khẳng định được điều gì nhưng nhìn lại sự việc từ sau khi tướng Phạm Trường Long đùng đùng bỏ dở chuyến thăm Việt Nam hôm 18-6-2017, theo suy luận thông thường thì khả năng Trung Quốc tấn công Trường Sa là có thật, không phải chỉ là đe doạ.
Phó chủ tịch Quân uỷ, nhân vật thứ hai theo thang bậc chính trị, nhưng là người cao nhất của Quân đội Trung Quốc, nếu phải bỏ về sau khi tuyên bố: "Tất cả các hòn đảo tại Trường Sa là của Trung Quốc từ thượng cổ", thì không thể không tin con người này sẽ không làm gì .

Theo BBC, Phạm Trường Long đã khởi hành chuyến công du quân sự sang Phần Lan và Tây Ban Nha từ ngày 12-6-2017 cho đến khi ghé vào Hà Nội ngày 18-6.
Phần Lan là một cường quốc thăm dò và khai thác dầu khí. Tây Ban Nha là nơi có trụ sở của REPSOL, công ty mẹ của Talisman - Việt đang thực hiện hợp đồng với Việt Nam khoan thăm dò và khai thác dầu khí lô 136-03 thuộc bãi Tư Chính.
Báo cáo trước đó của REPSOL cho biết đã có kết quả xác định một mỏ dầu và khí lớn, mặc dù mũi khoan chưa đạt tới độ sâu thiết kế.
Chuyến đi của Phạm Trường Long được phỏng đoán về một cuộc thương thảo hợp tác thăm dò hay khai tác dầu khí tại vùng biển Đông với các công ty Phần Lan và gặp trực tiếp REPSOL để một là mua chuộc REPSOL từ bỏ hợp tác với Việt Nam, hai là đe doạ gây khó khăn để công ty này rút khỏi hợp đồng.
Như vậy, có khả năng Phạm Trường Long đã có tin tức về kết quả thăm dò từ trước khi đi.
Có thể khẳng định, chiều 18-6, Phạm Trường Long đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam ngưng thăm dò và khai thác dầu tại khu vực này và bị lãnh đạo Việt Nam kiên quyết từ chối. Phạm Trường Long nổi giận, tuyên bố sẽ thu hồi Trường Sa và huỷ chuyến thăm, bỏ về.
Theo báo chí chính thống, buổi chiều 18-6, cuộc đón tiếp của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch diễn ra tốt đẹp. Hai bên đã tiến hành hội đàm thân mật và cùng chứng kiến việc kí kết các Hiệp định hợp tác an ninh và đào tạo. Nhưng Phạm Trường Long bỏ về ngay trong buổi tối 18-6. Báo đưa tin và ảnh các cuộc gặp lần lượt với Tổng bí thư , Chủ tịch nước và cuối cùng là với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Như vậy có thể thấy rằng chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người không chấp nhận yêu cầu của Phạm, vì nếu chuyện xảy ra hoặc với ông Trọng, hoặc với ông Quang thì cuộc gặp ông Phúc đã có thể không diễn ra. Cũng có thể yêu cầu chỉ được Phạm đưa ra trong cuộc gặp với ông Phúc.
Không biết Bộ Chính trị đã kịp hội ý chưa nhưng xét hành trình của Phạm có thể phỏng đoán thế này: Chương trình Phạm sang thăm Việt Nam, kí kết một số hiệp định hợp tác an ninh và đào tạo cán bộ, sau đó tham dự giao lưu biên giới hai nước đã có kế hoạch từ trước, vào hai ngày 18 và 19-6. Nhưng Phạm đã lên đường từ ngày 12-6, đi qua Phần Lan và Tây Ban Nha. Ý định yêu cầu Việt Nam ngừng khai thác dầu khí có từ trước, là mục đích chính của chuyến đi, nhưng được giấu kín.
Có thể lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn bất ngờ. Cũng có thể quyết tâm khai thác đã được xác định trước và Hà Nội đã lường trước phản ứng của Trung Quốc.
Kết quả thống kê cho biết tỉ lệ tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,1%. Chỉ tiêu 6,7% đã đề ra và Quốc hội phê chuẩn đứng trước nguy cơ phá sản vì những quý tiếp theo buộc phải đạt bình quân từ 7,5% trở lên. Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Công Thương thống nhất trình Chính phủ và Quốc hội phê chuẩn phương án tăng sản lượng khai thác dầu khí lên 3,5 triệu tấn, hi vọng với đà tăng của giá dầu thế giới, chỉ tiêu 6,7% tăng trưởng cả năm có thể duy trì, vì nếu điều chỉnh giảm tăng trưởng, sức ép thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ không còn khả năng kiểm soát. Kế hoạch nâng sản lượng khai thác dầu lên khoảng 3,5 triệu tấn, tức là tăng 2 triệu tấn so với sản lượng hiện tại sẽ làm tăng 0,4% GDP, được xây dựng với quyết tâm lớn của lãnh đạo từ đầu tháng 4.
Ổn định xã hội, tức là ổn định của chế độ kết hợp với chủ quyền quốc gia đã đẩy lãnh đạo Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ dám từ chối yêu cầu của Trung Quốc. Nhưng chống lại Trung Quốc, xung đột là khó tránh khỏi. Cần phải tìm chỗ dựa.
Ông Phúc cần phải đi Mỹ. Ông Phúc bắn tin sẵn sàng đi thăm Mỹ trên Facebook. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đi vận động hành lang từ cuối tháng 3. Và cuối cùng là ông Phạm Bình Minh đi Mỹ, đem về giấy mời của Tổng thống Trump cho ông Phúc vào 23-4. Nhìn cơ cấu đoàn tuỳ tùng, trong đó ngoài ông Phạm Bình Minh, nhân vật thứ hai là ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, ngồi liền bên trái ông Phúc trong mọi cuộc toạ đàm, cho thấy ngoài mục đích trực tiếp là "kiếm tiền", nhiệm vụ quan trọng chính lại là tìm kiếm một bảo đảm an ninh trên biển. Hơn thế, có thể ông Tô Lâm có sứ mệnh truyền đạt với Chính Phủ Mỹ một bí mật nào đấy, có quan hệ tới lợi ích của Mỹ. Nhưng cứ theo những gì trông thấy thì chuyến đi này thất bại. Ông Trump lạnh nhạt, dửng dưng, miễn cưỡng. Không biết, phía sau, ông Tô Lâm có "kiếm" gì không nhưng báo chí tuyệt không ồn ào như thường lệ, sau mỗi chuyến xuất ngoại của lãnh đạo. Và Nhật Bản, có lẽ hiểu nỗi thất vọng này, đã "rộng vòng tay cứu vớt". Ông Phúc mừng như chết đuối vớ được cọc. Chưa có lần nào ông Phúc có những lời tri âm "có cánh" và cảm động như lần này.
Nhưng Nhật không phải Mỹ và không thể thay thế Mỹ. Nếu có xung đột Việt - Trung thì Nhật cũng chỉ đứng nhìn vì động thủ là rơi vào bẫy của Trung Quốc, Senkaku sẽ mất trắng.
Còn phía Trung Quốc, chắc chắn Phạm Trường Long tìm cách dằn mặt Việt Nam để trả hận. Nổi giận và bỏ dở chuyến đi là một thất bại, xấu mặt thiên triều nhưng Hà Nội đã hỗn xược, đã dám vuốt râu hùm. 
Tuy vậy, muốn trị được Hà Nội, phải cô lập nó. Trước hết là lôi Mỹ ra khỏi cuộc chơi. Ngày 4-7, đúng ngày Quốc khánh Mỹ, Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo có tầm bắn đạt tới 6.000 km, chạm Alaska và tuyên bố sẵn sàng tặng cho Mỹ nhiều "món quà bất ngờ". Tiếp tục, những ngày gần đây, tình báo Mỹ phát hiện "những di chuyển cho thấy có khả năng Bắc Triều Tiên lại chuẩn bị phóng tên lửa". Đặc biệt, những vụ tranh cãi ồn ào khác thường về các chuyện bê bối khác nhau đe doạ chiếc ghế tổng thống của Trump, gây hoang mang dư luận và tạo ra nguy cơ làm tê liệt hoàn toàn khả năng phản ứng với tình hình thế giới của Trump. Khớp với mong muốn của Bắc Kinh.
Ngày 8-6, Trung quốc cho quân đội đổ bê-tông làm đường tại biên giới chung với Buthan và Ấn Độ. Gây căng thẳng biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc tăng cường quân đội, huy động thiết bị tới biên giới và tuyên bố chuẩn bị chiến tranh tổng lực. Ấn Độ phải tăng từ 400 lên 2.500 quân và huy động cả hải quân, không quân chuẩn bị cho chiến tranh. Ấn Độ là một đối tác quan trọng của Việt Nam trên biển Đông.
Ngày 21-7, Trung Quốc tập trận "Phối hợp trên biển 2017" chung với Nga tại biển Ban-tích. Nga vốn có những kí ức về đóng góp cho thắng lợi của Việt Nam trong các cuộc chiến chống cả Mỹ và Trung Quốc.
Từ 12-7, Trung Quốc liên tục đưa rất nhiều tàu chiến và tàu đánh cá tới khu vực Trường Sa. Trang Facebook của nhà báo Huy Đức đưa con số 200 còn trên trang của Thuỳ Trang Nguyễn, con số đó là 400. Không xác định được chính xác con số nào nhưng thông tin "có rất đông tàu Trung Quốc được huy động tới quanh khu vực Trường Sa" là xác thực. Thời báo Hoàn Cầu không thừa nhận nhưng không bác bỏ.
Chỉ một mồi lửa là cuộc chiến biển Đông có thể nổ ra. Tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân sẽ được phóng từ căn cứ tên lửa Quế Lâm. Chỉ một quả tên lửa có sức công phá hạt nhân là đủ để nhanh chóng san phẳng Trường Sa Lớn dài 600 m, rộng chưa tới 300 m, thủ phủ của huyện đảo. Và ít nhất 200 con tàu đang áp sát sẽ bao vây và đổ bộ lên đảo đã chỉ còn là bụi. Chỉ nửa ngày, Trường Sa lớn lọt hoàn toàn vào tay Trung Quốc.
Chống lại được loại tên lửa hành trình này, chỉ có hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối - THAAD - của Mỹ. Nhưng theo luật Mỹ, THAAD chỉ được phép lắp đặt trên đất Mỹ và lãnh thổ các quốc gia đồng minh có hiệp ước với Mỹ.
Khi không còn Trường Sa lớn, chủ quyền của Việt Nam với toàn bộ 28 thực thể còn lại trở thành vô nghĩa.
Trước một nguy cơ mất đảo, mới thấy Việt Nam hoàn toàn cô độc. Nhật không đủ sức. Ấn Độ đang tự lo thân chưa xong. Nga không còn như thời Liên Xô, lại đang cần Trung Quốc để chống lại thế giới. Với châu Âu thì một Việt Nam độc đảng, phản nhân quyền hay một Việt Nam sụp đổ dưới tay Trung Cộng chẳng khác gì nhiều. Mỹ thì ông Trump từng nói: "Tôi là người ngay thẳng và không ưa những kẻ "2 lưỡi"; những tay lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thậm chí còn có 3-4 lưỡi...
Không có TPP gì cả, không có tạo điều kiện hay viện trợ gì cả, và không có cho nhập khẩu hưởng lợi từ Mỹ nữa... Và nếu họ còn chơi trò "lợi dụng" thì chúng ta nên rút quân khỏi biển Đông... để cho "anh em chúng nó xé xác nhau".
Ngày 10-7, Trung Quốc đưa ra điều kiện "nếu không ngưng khai thác sẽ tấn công các căn cứ tại Trường Sa". 
Ngày 18-7, "đồng chí Phăn-khăm Vị-pha-văn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thay mặt Đảng và Nhà nước Lào trao tặng Huân chương Vàng quốc gia và Huân chương Tự do hạng nhất cho lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam".
Ngày 19/07, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Vương quốc Cam-pu-chia và ra tuyên bố chung nhấn mạnh "trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không để bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào sử dụng lãnh thổ nước này để đe dọa đến an ninh nước kia".
Có thể thấy một hiện tượng lạ là chưa bao giờ một tuyên bố chung ngoại giao lại được ghi rõ "làm bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Anh, mỗi tiếng hai bản và các bản đều có giá trị như nhau".Nó giống một bản hợp đồng kinh tế. Có phải vì bản tính lá mặt lá trái của lãnh đạo Cam-pu-chia, hay ông Trọng đề phòng một chính phủ mới của phe đối lập chống Việt sắp giành quyền lập chính phủ?
Ngay trong ngày 24-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân thị sát, "thăm" và làm việc với lãnh đạo của Formosa giống như một cuộc trấn áp tại chỗ. Ai có thể biết cùng đi với ông có bao nhiêu mật vụ?
Hà Nội đã đề phòng Trung Quốc từ phía Lào và Cam-pu-chia. Hà Nội sợ rằng chính người Trung Quốc mới là chủ nhân của Formosa.
Việt Nam đơn độc. Việt Nam không có chỗ dựa nào khi nguy khốn. Đó là một sự thật cay đắng. Việt Nam không có bạn, mặc dù từ hai chục năm nay, Đảng Cộng sản thực thi chính sách làm bạn với tất cả? Tất cả đều là bạn nên khi cần một người bạn thì không có ai. Ai cũng nghĩ "hắn đâu có thiếu bạn"!
Chính sách "chế độ trên hết" chứ không phải "dân tộc trên hết" là nguyên nhân của sự cô độc này.
Nếu tai qua nạn khỏi thì bằng quyết định ngừng thăm dò và khai thác dầu, lần thứ hai Hà Nội thoát chết.
Lần trước, khi Trung Quốc bắn hạ chiếc máy bay SU-30MK2 ngày 14-6-2016, rồi ngay sau đó bắn hạ tiếp chiếc CASA 212, hai chiếc máy bay thuộc loại hiện đại nhất của không quân Việt Nam, Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định là rủi ro kĩ thuật và cố tình kêu gọi sự giúp đỡ của Trung Quốc. Bằng cách đó, Hà Nội đã vô hiệuhoá âm mưu khiêu khích của Trung Quốc, tránh cho một cuộc chiến xảy ra khi hạm đội hải quân Trung Quốc còn đang tập trận bắn đạn thật tại sát phía đông nam Trường Sa.
Quyết định ngưng khai thác dầu là cách rút củi ra khỏi bếp lửa. Phạm Trường Long không còn lí do để "trừng phạt". Nhưng sau đấy, tiếp đến là gì?
Là hợp tác khai thác? Hợp tác sẽ không có chiến tranh lập tức nhưng lại là sự thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ngay tại khu vực thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, biến đường 9 đoạn thành ranh giới hợp pháp.
Hợp tác khai thác nghĩa là liên doanh, nghĩa là ăn chia theo tỉ lệ góp vốn và tỉ lệ sản lượng khai thác. Trung Quốc nhiều tiền. Trung Quốc có nhiều thiết bị có ưu thế công nghệ. Như vậy, liên doanh thực ra là trao quyền khai thác cho Trung Quốc, từ chỗ chủ quyền quyết định biến thành một bộ phận ăn theo, phụ thuộc.
Nhưng âm mưu thâm độc lại nằm ở chỗ khi đã chấp nhận hợp tác, quyền chủ quyền là ngang bằng, đường 9 đoạn được mặc nhiên thừa nhận. Trung Quốc sẽ âm thầm thu hồi tất cả các thực thể đang còn thuộc về Việt Nam, từng cái một cho đến hết.
Rõ ràng bài toán này chỉ có một lời giải: Không có hợp tác khai thác, nhưng không thể để xảy ra chiến tranh. Nếu Việt Nam cô độc như hiện nay, không hợp tác, thì hoặc không có khai thác, hoặc sẽ có chiến tranh. Dù có mỏ dầu khí dưới đáy biển, cũng coi như không có. Như vậy, rút lại là: Không hợp tác và không cô độc.
Liên minh với Mỹ, trở thành đồng minh có hiệp ước với Mỹ là con đường duy nhất phải chọn vào lúc này để không cô độc. Đảng Cộng sản sẽ không mất gì, không tốn kém gì. Tất cả sẽ được giải thoát cùng một lúc. Quy chế kinh tế thị trường lập tức được thừa nhận. Hiệp định tự do thương mại song phương Việt - Mỹ lập tức được kí kết, hàng nhập khẩu vào Mỹ của Việt Nam sẽ lập tức không còn quota. Tín dụng với Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế sẽ không còn bị giới hạn...
Cái duy nhất bị mất là chế độ độc đảng phi dân chủ. Muốn cầm quyền, Đảng Cộng sản phải cạnh tranh năng lực quản trị và đạo đức, tư cách với các đảng phái chính trị khác, không phải tự nhiên được cầm quyền theo điều 4 Hiến pháp như hiện nay.
B.Q.V
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.