TGĐ Bkav Nguyễn Tử Quảng bị điều tra vì xâm phạm nghiêm trọng đến An ninh Quốc gia
Đề nghị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, khởi tố ông Nguyễn Tử Quảng-Tổng giám đốc Bkav có dấu hiệu chiếm đoạt trái phép tài sản nhà nước và xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Đây là kết luận của thanh tra Bộ GDĐT sau thời gian làm việc tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Sáp nhập trái phép Trung tâm Bkis vào công ty cổ phần Bkav
Ngày 25/07, Thanh tra Bộ GDDT đã có buổi làm việc với trường ĐH Bách Khoa HN và đại diện Bộ Giáo dục đào tạo để công bố kết quả thanh tra trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tại buổi công bố, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GDĐT đã thông báo nhiều điểm sai phạm. Cụ thể, “Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa- Bkis” thuộc sở hữu của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đã bị sáp nhập trái phép vào công ty Cổ phần Bkav. Và các sản phẩm thuộc sở hữu của Bkis đã chuyển sang thuộc sở hữu của Bkav. Cả hai đều do ông Nguyễn Tử Quảng làm Giám đốc trực tiếp điều hành.
Bkis tiền thân là nhóm Bkav. Sản phẩm đầu tiên của Bkis chính là phần mềm Bkav do Nguyễn Tử Quảng, sinh viên khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội viết năm 1995.
Tháng 12/2001, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiệu trưởng lúc bấy giờ là ông Hoàng Văn Phong (5/1997- 11/2002), thành lập trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (Bkis), ông Nguyễn Tử Quảng làm giám đốc trung tâm. Nhóm nòng cốt phát triển phần mềm Bkav trở thành thành viên của Bkis.
Nhiệm vụ của Bkis là nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, triển khai phần mềm và giải pháp trong lĩnh vực an ninh mạng, phòng chống virus máy tính. Đặc biệt hỗ trợ chuyên môn cho các cơ quan chức năng của Bộ GDĐT trong công tác phòng chống, truy tìm tội phạm tin học. Tham gia các hoạt động phòng chống tấn công phá hoại bằng công nghệ thông tin, xây dựng luật pháp về tội phạm tin học. Đồng thời hợp tác với các tổ chức an ninh mạng và cứu hộ sự cố máy tính, chia sẻ thông tin về an ninh thông tin. Ngoài ra Bkis còn tham gia công tác đào tạo nhân lực mảng an ninh mạng và công nghệ thông tin.
Trong quá trình hoạt động, Bkis đã được được nhiều thành tựu cũng như sản phẩm đóng góp cho ngành CNTT nước nhà: phần mềm Bkav, phần mềm điều hành tác nghiệp trực tuyến eOffice, phần mềm một cửa điện tử Bkav eGate. Hơn hết là giúp đỡ nước bạn trong việc tìm ra lỗ hổng của Chrome, nguồn gốc hacker của các cơ quan chính phủ Mỹ, Hàn…
Ngày 25/06/2009, Bkis thực hiện tái cơ cấu tổ chức, thành lập thêm: Bkis Security, Bkis Soft, Bkis R&D, Bkis Telecom và Bkis HCM. Và hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thời điểm này là ông Nguyễn Trọng Giảng (6/2008- 10/2014).
Cuối 2011, Bkis tuyên bố tự giải thể theo quyết định của hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Trọng Giảng vào thời điểm đó. Thế nhưng toàn bộ tài sản của Bkis và các dự án mà trung tâm Bkis nghiên cứu và phát triển lại không được thu hồi về Đại học Bách Khoa Hà Nội theo đúng quy định pháp luật. Ngay cả website chính thức của Bkis hiện tại cũng chỉ nói về công ty cổ phần Bkav chứ không phải Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa. Cũng theo kết luận thanh tra, tất cả các lĩnh vực hoạt động của công ty cổ phần Bkav đều trùng khớp với hoạt động của Bkis trước đây.
Như vậy, trung tâm Bkis (thuộc sở hữu Đại học Bách Khoa) đã bị sáp nhập trái phép vào công ty cổ phần Bkav (công ty tư nhân do ông Nguyễn Tử Quảng làm tổng giám đốc). Theo thanh tra, việc sáp nhập giữa 2 công ty này hiện tại không hề thông qua giấy tờ hay có bất kỳ thông tin chính xác xác nhận sự việc.
Trung tâm Bkis có nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn CNTT cho các cơ quan của Bộ GDĐT, truy tìm tội phạm an ninh, giúp bảo mật hệ thống an ninh Quốc gia. Đó là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và ảnh hưởng lớn đến an ninh của quốc gia. Trong khi đó, Bkav là một công ty tư nhân chuyên về kinh doanh, phát triển phần mềm diệt virus làm lợi nhuận. Vậy việc sáp nhập Bkis với Bkav đã làm ảnh hưởng đến những bí mật an ninh quốc gia nghiêm trọng.
Vì vậy, thanh tra Bộ GDĐT cho rằng việc Bkav thâu tóm trái phép Bkis có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, đồng thời sử dụng trái phép tài sản nhà nước cho việc kinh doanh cá nhân.
Kiến nghị xử lí của thanh tra Bộ GDĐT
Với những hậu quả nghiêm trọng, đồng thời xem xét những khuất tất trong việc sáp nhập giữa Bkis và Bkav. Cơ quan thanh tra Bộ GDĐT kiến nghị xử lí đối với những cá nhân, tập thể.
Thanh tra Bộ GDĐT kiến nghị với Bộ GDĐT xem xét, điều tra và đưa ra những biện pháp xử lí kỷ luật đối với ông Nguyễn Trọng Giảng- Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (6/2008- 10/2014). Trong thời gian tại chức, ông Nguyễn Trọng Giảng đã để xảy ra việc sáp nhập trái phép trung tâm Bkis (thuộc Đại học Bách Khoa) với công ty Bkav, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, làm tổn thất tài sản nhà nước.
Thanh tra Bộ GDĐT cũng kiến nghị với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xem xét, điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc công ty cổ phần Bkav về hành vi chiếm đoạt tài sản nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Đề nghị Bộ GDĐT và Bộ Công an sớm điều tra, đưa ra những biện pháp xử lí thích đáng đối với những cá nhân, tập thể nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Quang Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.