Kinh tế quốc phòng và quốc phòng làm kinh tế
bauxitevn7:30 AM
Bạch Hoàn
(Dân Việt) Thật trớ trêu, đất của quân đội, với nhiệm vụ thiêng liêng là đảm bảo an ninh quốc phòng, trong trường hợp này lại bị doanh nghiệp dùng để sản xuất phân bón giả.
Khi sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) rơi vào tình trạng quá tải đến mức lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam phải đưa ra một đề xuất hết sức lạ lùng, đó là khi máy bay trả khách ở Tân Sơn Nhất xong đi đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ, sang hôm sau bay trở lại TP.HCM để đón khách và cất cánh tiếp, trong khi cạnh đó là một sân golf với đất đai mênh mông chỉ phục vụ cho thú vui của một thiểu số người, dư luận mới đặt ra câu hỏi tại sao đất quốc phòng lại biến thành một sân golf như vậy?
Mà đâu chỉ có sân golf Tân Sơn Nhất nằm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất được xây dựng trên đất quốc phòng. Tại Hà Nội, sân golf Long Biên cũng nằm trên đất quốc phòng, cạnh sân bay quân sự Gia Lâm.
Toàn cảnh sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất
Khi Công ty Cổ phần Sản xuất, thương mại Thuận Phong (Đồng Nai) bị phát hiện sản xuất phân bón giả, kém chất lượng quy mô lớn, dư luận lại một lần nữa biết đến tình trạng đất quốc phòng đang được cho tư nhân thuê lại.
Cụ thể, Công ty Thuận Phong thuê đất của Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, để sản xuất phân bón. Thật trớ trêu, đất của quân đội, với nhiệm vụ thiêng liêng là đảm bảo an ninh quốc phòng, trong trường hợp này lại bị doanh nghiệp dùng để sản xuất phân bón giả.
Và mới đây, tại Đà Nẵng, một lần nữa, báo chí lại phải đưa tin về tình trạng đất quốc phòng cạnh sân bay Đà Nẵng được Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nam Sinh thuê. Công ty này lại đem phân lô và cho thuê lại, dẫn đến tình trạng xây dựng nhà xưởng trái phép.
Còn bao nhiêu những sân golf, những xưởng sản xuất phân bón giả, những khu đất quốc phòng bị tư nhân phân lô và xây dựng trái phép như vậy?
Có bao nhiêu nguồn lực quốc gia dành cho quân đội, bây giờ trở thành những toà nhà chung cư, những khách sạn… với danh nghĩa quốc phòng làm kinh tế?
Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về vấn đề kinh tế quốc phòng.
“Có một điều tôi nhấn mạnh, muốn làm quân đội mạnh lên trước hết chúng ta phải bảo vệ quân đội, bảo vệ những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trong đó chủ trương quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế đất nước là một ví dụ. Nhưng phải khẳng định rõ ràng và dứt khoát, là quân đội chỉ làm kinh tế ở những lĩnh vực cần thiết, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng chủ trương lãnh đạo của Đảng và phải thực hiện đúng pháp luật, không có ngoại lệ”, ông Vịnh nói.
Đã đến lúc, quân đội nhân dân cần tách bạch giữa kinh tế quốc phòng và quốc phòng làm kinh tế.
Kinh tế quốc phòng là tham gia sản xuất, chế tạo vũ khí, nghiên cứu khoa học, nâng cao công nghệ quân sự, tham gia làm kinh tế ở tuyến đầu của Tổ quốc, khi thời bình thì tăng gia sản xuất nơi biên ải xa xôi, để dân lùi về tuyến sau.
Quân đội nhân dân Việt Nam duyệt binh nhân 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Ngọc Thọ
Nếu đất nước có chiến tranh thì họ đã ở tuyến đầu, lập tức cầm súng đứng lên chiến đấu. Kinh tế quốc phòng buộc phải là những lĩnh vực phục vụ cho nhiệm vụ an ninh, quân sự mà dân sự không thể tham gia được. Những lĩnh vực này, quân đội thực hiện là cần thiết và hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, điều này khác hoàn toàn với quốc phòng làm kinh tế. Sẽ thật khó hiểu khi lực lượng quân sự lại tham gia vào cả những ngành dân sự như may mặc, xây dựng, bất động sản, bảo hiểm… Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước cũng không nên tham gia, chưa nói đến lực lượng quốc phòng.
Đơn giản là vì, tất cả những lĩnh vực ấy, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đảm đương và thậm chí hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều.
Hơn thế nữa, khi quốc phòng làm kinh tế, với những lợi thế về nguồn lực đất đai, nhân lực, tài lực… sẽ dẫn đến nguy cơ làm méo mó nền kinh tế bởi tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng.
Ngay từ khâu thu hồi đất để phục vụ cho dự án đầu tư, doanh nghiệp tư nhân thì chật vật, chạy vạy đủ đường, nhưng quân đội làm kinh tế thì có sẵn quỹ đất quốc phòng. Trong khi đó, đất quốc phòng thì việc thu hồi đương nhiên sẽ thuận tiện.
Đến khâu sử dụng đất, theo Luật đất đai, đất quốc phòng lại được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Như vậy, quân đội làm kinh tế được hưởng một cơ chế ưu ái hơn hẳn các thành phần kinh tế khác. Đó là sự ưu ái về một tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng là đất đai. Trong khi các dự án đầu tư khác, nếu không thuộc danh mục được ưu đãi đầu tư, thì hẳn nhiên nhà đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất.
Chính phủ, trong nhiều năm qua vẫn đề nghị các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Điều đó là cần thiết cho việc tăng cường giao lưu thương mại quốc tế và phát triển kinh tế đất nước.
Nhưng, rõ ràng là không một nền kinh tế thị trường nào chấp nhận một thành phần kinh tế mà sự tồn tại của nó không đảm bảo được tính cạnh tranh bình đẳng. Bởi đây là thứ cốt lõi của kinh tế thị trường.
Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc cần phải rà soát đất đai quốc phòng đang quản lý, đảm bảo sử dụng đúng mục đích quốc phòng, không để đất quốc phòng trở thành những xưởng sản xuất phân bón giả hay những trung tâm tiệc cưới… Nếu đất quân đội chưa có nhu cầu sử dụng, nên giao lại cho các địa phương để đấu giá công khai, minh bạch. Đây là một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước.
Các lĩnh vực kinh tế mà dân sự có thể tham gia, phía quân đội nên từng bước giao lại cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Sau đó SCIC phải thoái vốn bằng hình thức đấu giá công khai. Hãy dành các nguồn lực ấy cho tư nhân thực hiện. Khi đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ có nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Nhà nước lại dùng ngân sách ấy để nuôi lực lượng quốc phòng.
Nhiều nước trên thế giới vẫn làm như vậy. Và họ vẫn có một nền kinh tế thịnh vượng, một lực lượng quân đội tinh nhuệ, hùng mạnh.
Việt Nam cũng có thể trở thành một quốc gia giàu và mạnh. Từ trong sâu thẳm trái tim người Việt vẫn luôn yêu thương hình ảnh người lính, dù trong thời bình hay thời chiến.
Bởi từ trong máu thịt người Việt, ai cũng sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, sẵn sàng cống hiến tất cả nhân lực, tài lực bằng tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho những người lính ra chiến trường.
Quân đội, nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả là rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu để có hoà bình, để bảo vệ cho nền độc lập, để giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, để bảo vệ cho từng tấc đất máu thịt của quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.