THƯ CỦA NHÀ GIÁO DỤC PHẠM TOÀN VỀ NHÓM CÁNH BUỒM VÀ “HÀNH TRÌNH TRÍ TUỆ” CỦA TRẺ EM VIỆT NAM
bauxitevnFri 7:18 AM
Sáng thứ Ba, 15 tháng 11 năm 2016
Thưa các anh chị, thưa các bạn
Tôi là Toàn đây, hôm nay trong lúc chờ thùng sách giáo khoa cuối cùng từ nhà in vận chuyển về “trụ sở” nhóm, chuẩn bị cho buổi Hội thảo ra mắt sách vào 18 giờ ngày 19 tháng 11 năm 2016 mang tên HÀNH TRÌNH TRÍ TUỆ, lại được thay mặt nhóm Cánh Buồm gửi thư này tới tất cả các anh chị và các bạn.
Nhóm Cánh Buồm buổi ra đời chỉ có “một con gà trống già và mấy con gà nhép” như lời miêu tả đầy nghi hoặc, sau khi hoàn thành bộ sách giáo khoa Tiểu học gồm 10 cuốn Văn và Tiếng Việt từ Lớp 1 đến Lớp 5, vài giờ nữa đã có thêm bọn “đàn anh” gồm 8 cuốn Văn và Tiếng Việt từ Lớp 6 đến Lớp 9. Công sức đó được tiếp nối vào công sức bọn “gà nhép” bởi… xin không ví von, vì có thể không “vừa ý” tác giả Nguyễn Thế Anh, 90 tuổi, có bài đủ cho hoạt động học Văn Lớp 9 trong hơn nửa năm học. Và cũng không “vừa ý” các tác giả khác, người ở Hồ Chí Minh, người ở Canada, người ở Huê Kỳ, nhiều người ở cộng hòa Pháp, cả em “gà nhép” của Nhóm đang học ở Australia, và số đông tác giả ở Hà Nội.
Bộ sách năm nay được Nhóm đánh giá là đủ sức tự đứng vững để báo cáo toàn xã hội vốn đã ở dạng phôi thai chắc là từ năm học 1978-1979 khi người sáng lập Cánh Buồm gặp anh Hồ Ngọc Đại – người bạn và người thầy về ý tưởng đổi mới Giáo dục phổ thông; và cả việc gặp anh Nguyễn Quang A – người bạn đã cảnh tỉnh mộng mơ dạy Tiếng Việt cho người Việt khắp nơi bằng nụ cười “cho trẻ em Việt Nam trong nước trước, anh ạ!”.
Bộ sách năm nay được Nhóm phê duyệt công bố cả ở dạng sách giấy và sẽ ở cả dạng sách Open-Book đã từ hình thù phôi thai xa xôi – vài thập kỷ ở thời Internet là đủ để thuộc về Tiền sử thời Hiện đại – được trải nghiệm trên thực địa tương đối rộng để có thể chuốt lại như hình hài ngày hôm nay. Một bộ sách đi đúng đường được dắt dẫn bởi lý thuyết tâm lý học hoạt động–phát triển.
Thư này hôm nay được thảo vào buổi sớm đẹp trời mà đêm qua lại có mặt trăng rất to – có đủ Âm và có đủ Dương. Cho bạn Toàn này được quyền lim dim mắt nhớ đến những bạn trẻ và già đã lao động hết mình cho hình thù 18 cuốn sách thành một hệ thống có tư tưởng riêng rõ ràng dễ hiểu và có một chuỗi kỹ thuật thực thi dễ áp dụng như đã được chứng thực ở nhiều chục cô giáo Tiểu học ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, cả ở một Trung tâm “dạy bù học bù” mang cái tên dễ thương Ô Xinh ở Hà Nội – chưa kể đến những gia đình đã chủ động dùng sách này cho riêng con em.
Thưa các anh chị, thưa các bạn,
Công việc đã xong được một khúc, nhưng là khúc rất quan trọng để những cuộc tranh luận về Cải cách Giáo dục không rơi vào viển vông hoặc phục vụ những ý đồ khó kiểm soát. Bây giờ, xã hội có thể lấy bộ sách 18 cuốn của Nhóm Cánh Buồm để bàn nhau “Giáo dục phổ thông là vậy sao?”; “Ngoài hai môn Văn và Tiếng Việt, cách làm các môn khác như thế nào?”; “Làm gì nữa để hoàn thiện những cái “mẫu” đã có?”…
Nhóm Cánh Buồm không có trách nhiệm và giữ độc quyền trả lời tất cả các câu hỏi. Nhóm Cánh Buồm làm một công việc của phòng thí nghiệm. Sản phẩm của nó sẽ gợi ra nhiều sản phẩm khác của những ai có tấm lòng lo lắng cho sự phát triển bền vững của Dân tộc. Những ai có lòng sẽ TỰ DO đem sản phẩm dâng cho xã hội. Và xã hội chắc chắn sẽ đối đãi một cách DÂN CHỦ với mọi đóng góp. Một cách diễn đạt khác là: mọi người cùng chung tay vì đất nước, không vì điều gì khác, chỉ vì một nghĩa vụ hồn nhiên đóng góp hết sức mình cho nền Giáo dục quốc dân và là quốc dân Việt Nam ngay ngày hôm nay.
Thư này gửi các anh chị và các bạn để thông báo, để chia vui, để cám ơn, và để mời các anh chị cùng các bạn tham dự cuộc Hội thảo ra mắt sách giáo khoa mới hồi 18 giờ ngày 19 tháng 11 năm nay tại Hội trường lớn của Trung tâm Văn hóa Khoa học Cộng hòa Pháp tại Hà Nội – cũng là một ân nhân của công việc làm của nhóm Cánh Buồm từ năm 2008 đến nay và mãi mãi.
Rất thân thiết và kính trọng,
Phạm Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.