Ai kiện, kiện ai và kiện nơi đâu mới trúng chỗ?
bauxitevnMon 7:39 AM
Thiện Tùng
Tai họa đến với con người thường do thiên tai hoặc do nhân tai. Không ai kiện thiên tai, chỉ kiện nhân tai. Thảm họa môi trường miền Trung, ai kiện, kiện ai, kiện nơi đâu mới trúng chỗ – đó là ba yếu tố phải xác định trước khi khởi kiện.
Vừa qua, nhân dân miền Trung lâm hai thảm họa: Formosa xả độc và thủy điện thượng nguồn xả lũ. Rõ ràng hai thảm họa này do con người gây ra, thuộc nhân tai, người bị hại có quyền kiện. Nhưng kiện nơi đâu mới đúng chỗ? Đó là điều dư luận xã hội đang tranh cãi.
Ai kiện?
Những người dân bị thiệt hại do Formosa chôn, xả thải và do các đập thủy điện xã lũ đều có quyền kiện. Từng người hay hộ gia đình phải lập bản kê khai những thiệt hại cụ thể của riêng mình kèm theo đơn khởi kiện, thông qua chính quyền sở tại xét duyệt chuẩn y. Đi nộp đơn kiện từng cá nhân hay tập thể chỉ là hình thức, tùy chọn.
Kiện ai?
Dĩ nhiên là kiện tổ chức hay cá nhân gây thiệt hại cho mình. Trong thảm họa môi trường miền Trung, những người bị hại được quyền kiện một trong hai đối tượng: 1/ Kiện hai kẻ trực tiếp gieo thảm họa là Formosa và những đập thủy điện xả lũ. 2/ Kiện nhà cầm quyền, nơi sinh ra hai con ác quỷ này.
Trẻ chết vì thủy điện xả lũ đột ngột. Ảnh Phương Anh
Trong hai đối tượng trên, kiện nơi đâu mới đúng chỗ?
Nhân tai dồn dập, đẩy người dân vào đường cùng, chỉ có kiện mới sinh tồn. Vừa qua, những người bị hại khởi kiện đối tượng 1, có lẽ sai địa chỉ nên bị phản ứng:
Phản ứng từ Formosa: Trong khi người dân khởi kiện đòi bồi thường và biểu tình đòi trục xuất Formosa thì lãnh đạo Formosa thản nhiên nói đại ý: Chuyện dân kiện cáo hay biểu tình, đó là việc của Chính phủ Việt Nam, Formsa không quan tâm. Vậy là việc Formosa ký kết làm ăn với nhà cầm quyền Việt Nam. Chỉ nhà cầm quyền Việt Nam mới đủ tư cách nói chuyện với họ?
Phản ứng từ đập thủy điện: Khi bị người dân lên án những đập thủy điện ở thượng nguồn xả lũ đột ngột gây thảm họa cho cư dân ở hạ lưu, những người quản lý thủy điện tỉnh bơ, nói đại khái: Là người được phân công phụ trách, khi đập chứa quá tải, để khỏi bị vỡ đập, không còn cách nào khác, chúng tôi xả nước đúng “quy trình” để cứu đập, không để ý đến thảm họa của người dân ở hạ nguồn. Vậy là họ đã thật lòng, cố làm tốt chức trách bảo vệ an toàn đập do cấp trên giao, còn dân ở hạ lưu bị thiệt hại thế nào không thuộc trách nhiệm của họ?
Phản ứng của Tòa án:Người dân bị hại đi nạp đơn kiện, Tòa án thị xã Kỳ Anh đóng cửa không tiếp. Trước áp lực đông đảo của công chúng, Tòa án Kỳ Anh buộc phải mở cửa nhận đơn. Nhưng sau đó vài ngày, Tòa án Kỳ Anh trả lại tất cả đơn kiện, không thụ lý vụ án, cho rằng không đủ chứng cứ, chứng lý, hết thời hiệu, v.v.
Phản ứng của nhà cầm quyền: Thường ngày nói không biết mệt: Chính quyền của dân, vì dân, do dân. Trong khi dân bị nhân tai, lẽ ra chính quyền phải đứng về phía dân xử trị những kẻ gieo thảm họa cho dân, nhưng ngược lại, chính quyền lại đứng về phía những kẻ thủ ác: Với Formosa, nhà cầm quyền đưa hàng ngàn Công an, Quân đội túc trực bảo vệ tầm gần, tầm xa, quyết không cho dân bị hại tụ tập khiếu kiện hay biểu tình “gây rối” đối với Formosa; ra công văn yêu cầu Giám mục Nguyễn Thái Hợp, người phụ trách giáo phận Vinh, trục xuất linh mục Đặng Hữu Nam ra khỏi tỉnh Nghệ An về tội dẫn đầu giáo dân xứ Quỳnh Lưu đi khởi kiện Formosa; đe dọa, khủng bố linh mục Trần Đình Lai, người dẫn đầu giáo dân hạt Kỳ Anh biểu tình đòi trục xuất Formosa ra khỏi Việt Nam, v.v. Đối với những đập thủy điện, nhà cầm quyền chỉ nhắc nhở qua loa, mặc nhận cho họ tiếp tục xả lũ hết lần này đến lần khác, gây thảm họa cho dân trên diện rộng: hơn 40 người chết, nhà cửa bị sụp đổ, tài sản bị lũ cuốn trôi. Chưa vừa, nhà cầm quyền còn tìm cách cản trở, cho thông tin truyền thông chôm chỉa châm chích lực lượng tự phát đến vùng lũ cứu trợ theo tinh thần thiện nguyện.
Từ những phản ứng trên cho thấy, kiện nhà cầm quyền mới đúng. Bởi, chính nhà cầm quyền cho Formosa vào Việt Nam. Và cũng chính nhà cầm quyền chủ trương xây dựng những đập thủy điện ở thượng nguồn. Đây là những “đứa con” do nhà cầm quyền “sinh ra”, chỉ có nhà cầm quyền mới đủ tư cách, quyền hạn xử lý nó?
Nếu dưới thể chế chính trị Dân chủ, từ dưới lên, mọi việc từ dân mà ra rồi trở về với nhân dân theo kiểu vòng tròn khép kín thì dễ. Đàng này, ở Việt Nam ta còn đang là thể chế chính trị Độc tài dán nhãn Dân chủ, thực chất chỉ từ trên xuống, không khép kín. Quản lý xã hội theo kiểu úp chụp từ trên xuống, theo trình tự: “Bộ chộ Tỉnh, Tỉnh chỉnh Huyện, Huyện khiển Xã, Xã nã Thôn, Thôn dồn Dân”. Dưới có ý kiến lên không dễ, dù ở dạng phản biện cũng bị xem là chống đối, là thù địch.
Trước thảm trạng “bóng đổ thầy, thầy đổ bóng”, không biết người/cấp nào là thủ phạm, không còn cách nào khác, chỉ còn dựa vào nhãn dân chủ dù giả hiệu: Cứ bám lấy bộ máy hành chính, kiện từ dưới lên, không được vượt cấp trái quy định, phải theo trình tự “Dân dần Thôn, Thôn dồn Xã, Xã nã Huyện, Huyện kiện Tỉnh, Tỉnh chỉnh Trung ương. Dẫn dụ: Formosa chôn và xả độc gây hại, dân bị hại kéo đến thôn kiện; nếu thôn nói không phải do chúng tôi thì buộc họ cùng đi lên xã; nếu xã nói không phải do mình thì cùng kéo lên huyện; nếu huyện nói không phải do chúng tôi thì buộc huyện cùng đi lên tỉnh; nếu tỉnh nói không phải do mình thì ráp kéo nhau lên Trung ương. Khi nào tìm ra thủ phạm mới thôi.
Là người dân, trước tiên phải tôn trọng phép nước. Làm đúng phép nước thì không có gì phải sợ! Cùng lắm cũng chỉ ngồi tù. Ngồi tù còn có cơm ăn?!
13/11/2016
T. T.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.