Thoát Á, Thoát Trung xưa và nay
bauxitevnWed 1:08 AM
Trần Văn Thọ
GS Đại học Waseda, Nhật Bản
Mở đầu
Sau sự kiện Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam tháng 5 năm 2014, dư luận đã dấy lên ý tưởng “thoát Trung”. Tùy theo định nghĩa, thoát Trung có thể bị hiểu nhầm là “bài Trung”. Mặc dù một bộ phận trong nhân dân có tình cảm đó khi đối diện với nhiều hành động không thể chấp nhận được của một số người, một số doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, nhưng phần đông người Việt Nam, nhất là giới trí thức, không có tư tưởng “bài Trung” mù quáng.
Theo tôi, thoát Trung có hai ý nghĩa tích cực.
Một là, chủ yếu về kinh tế, đó là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cụ thể là nguồn cung cấp các sản phẩm trung gian, các thiết bị sản xuất, hoặc tư bản, công nghệ, dịch vụ xây dựng, lao động kèm theo với dịch vụ xây dựng v.v. Trong lịch sử kinh tế thế giới, nhiều nước đi sau và thành công trong quá trình phát triển (như Nhật Bản, Hàn Quốc,…) thường có chiến lược, chính sách tránh phụ thuộc vào nước ngoài nói chung, chưa nói đến việc phải cảnh giác để tránh phụ thuộc nhiều vào một nước cụ thể.[1] Lý do thì dễ hiểu. Sự cần thiết tránh phụ thuộc đó chí ít là để bảo đảm an ninh kinh tế và để giữ thể diện quốc gia nếu chỉ phụ thuộc một chiều. Đó là nói tổng quát. Việc phụ thuộc kinh tế vào một nước có tranh chấp chủ quyền về lâu dài không thể xem là khôn ngoan. Ngoài ra phụ thuộc quá độ vào một nền kinh tế mà văn hóa kinh doanh, trình độ công nghệ, khả năng quản lý còn kém xa nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì cũng bất lợi cho con đường phát triển của đất nước. Từ các quan điểm đó ta thấy thoát Trung theo ý nghĩa giảm bớt độ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc là một chiến lược hợp lý, một chính sách lành mạnh, và hoàn toàn không có ý nghĩa “bài Trung”.
Hai là, thoát Trung có thể nhìn từ phương diện tư tưởng, thể chế, từ chiến lược và nội dung xây dựng đất nước, để thấy Việt Nam nên theo một con đường khác với Trung Quốc, nên có một thể chế với chất lượng cao hơn Trung Quốc. Nằm cạnh một quốc gia khổng lồ, với dân số gấp 15 lần và với tổng sản phẩm trong nước (GDP) gấp 57 lần (năm 2015), Việt Nam phải có một thể chế chính trị, kinh tế cao hơn mới tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu Việt Nam có một thể chế tốt hơn, biết đâu trong tương lai Trung Quốc cũng sẽ thay đổi theo hướng đó. Thoát Trung trong ý nghĩa này rất đáng được cổ vũ. Trong ý nghĩa này ta có thể liên tưởng đến chiến lược thoát Á của Nhật Bản vào giữa thế kỷ 19. Thoát Á thời đó đồng nghĩa với thoát Trung. Nhật Bản thành công trong “thoát Á” đã tác động ngược lại vào Trung Quốc một cách tích cực. Chẳng hạn các tư tưởng tiến bộ của phương Tây du nhập vào Trung Quốc qua ngả Nhật Bản, được Nhật Bản sàng lọc, phổ biến bằng ngôn ngữ gần gũi với Trung Quốc. Nhiều thuật ngữ khoa học bằng chữ Hán được Nhật sáng tạo và truyền sang Trung Quốc.
Trong cuốn sách mới xuất bản, tôi đã bàn về Thoát Trung theo ý nghĩa thứ nhất.[2] Bài viết này sẽ bàn về ý nghĩa thứ hai. Trước khi bàn chiến lược thoát Trung ngày nay, ta thử ôn lại chiến lược thoát Á (thoát Trung) của Nhật trước đây.
Thoát Á của Nhật Bản thế kỷ 19
Thoát Á luận do nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi (1835-1901) khởi xướng. Có một chi tiết rất quan trọng nhưng nhiều người hiểu lầm. Không phải nhờ Thoát Á luận ra đời mà Nhật Bản đã thoát Á, nhập vào trào lưu văn minh phương Tây để cận đại hóa. Trên thực tế, Nhật Bản đã thoát Á hàng mấy chục năm trước khi Thoát Á luận ra đời. Dĩ nhiên Fukuzawa là nhà tư tưởng tiên phong trong quá trình cận đại hóa của Nhật và tư tưởng chủ đạo của ông là thoát Á nhưng phải đợi đến năm 1885, tức là năm Minh Trị thứ 18, ông mới trực tiếp dùng từ thoát Á làm đầu đề cho một bài viết. Bài viết ấy là xã luận có tên Thoát Á luậnđăng ngày 16/3/1885 trên Thời sự tân báo, tờ báo do ông khởi xướng.
Tại sao Fukazawa viết Thoát Á luận năm 1885? Đó là do ông thất vọng với thời cuộc ở Triều Tiên khi phong trào khai hóa (văn minh hóa) ở đó chủ trương canh tân đất nước bị dập tắt và đàn áp dã man. Lúc đó Triều Tiên đang trong thời đại phong kiến bị nhà Thanh chi phối, và hệ tư tưởng, văn hóa, chính trị, giáo dục rập khuôn theo Trung Hoa.
Sau mấy chục năm canh tân đất nước, Fukuzawa đã thấy tự tin về con đường phát triển của Nhật. Nhiều người tiến bộ ở Triều Tiên cũng muốn học hỏi kinh nghiệm Nhật Bản. Fukazawa phấn khích khi người Triều Tiên đầu tiên sang du học tại trường Khánh Ứng Nghĩa Thục (tiền thân của Đại học Keio ngày nay) do ông sáng lập. Ông bắt đầu vận động giúp đỡ phong trào khai hóa ở nước láng giềng. Ông cho rằng làn gió văn minh phương Tây đã thổi đến phương Đông, các nước phương Đông phải tích cực đón nhận, thay đổi thể chế, chuyển từ bán khai sang văn minh mới khỏi bị các nước phương Tây đô hộ. Phong trào ngày càng lớn mạnh làm cho chính quyền Triều Tiên lo sợ, phải cầu viện nhà Thanh sang dập tắt. Phong trào khai hóa thất bại. Một số người trốn thoát sang Nhật, số còn lại bị bắt và bị hành hình rất thảm khốc. Hình thức tru di tam tộc, du nhập từ Trung Hoa, vẫn còn được áp dụng để xử người chống đối càng làm cho Fukuzawa thấy Triều Tiên và Trung Hoa vẫn còn man rợ. Sau sự kiện đó, Fukuzawa thấy không còn hy vọng lôi kéo Triều Tiên đi vào quỹ đạo văn minh như Nhật Bản. Ông chủ trương phải đoạn tuyệt với Trung Quốc và Triều Tiên. Trong xã luận nói trên, ông viết “Sau khi mở cửa, Nhật Bản đã phá bỏ chế độ cũ để hấp thu toàn diện văn minh phương Tây. Nhưng hai nước láng giềng của ta là Chi-Na và Triều Tiên vẫn còn chìm ngập trong chủ nghĩa Nho giáo, không thể văn minh hóa được… Nếu tình trạng nầy không thay đổi thì hai nước đó sẽ bị các nước văn minh phương Tây chia năm xẻ bảy thôi… Chi-Na và Triều Tiên không những chẳng có quan hệ răng môi gì với Nhật Bản mà còn chẳng có lợi ích gì đối với ta cả. Chẳng những thế, còn một chuyện phiền phức là vì họ ở gần ta về địa lý, các nước văn minh phương Tây có thể xem Nhật cũng còn man di như hai nước đó. Do đó, điều cần thiết đối với Nhật là không đợi cho Chi-Na và Triều Tiên khai hóa rồi mới cùng họ phục hưng châu Á mà nên xem họ như những gì các nước văn minh phương Tây đang đánh giá họ. Về mặt tâm tình đi nữa tôi thấy Nhật Bản nên đoạn tuyệt với những người bạn xấu ở Đông Á”.[3]
Thoát Á luận ra đời trong bối cảnh đó. Tuy nhiên, như đã nói, trên thực tế Nhật đã thoát Á từ mấy chục năm trước. Ngay từ trước khi bắt đầu Minh Trị duy tân (1868), Fukuzawa đã thực hiện 3 chuyến xuất dương sang Âu Mỹ (vào các năm 1860, 1862 và 1867), và đã viết Tây dương sự tình (1866) kể lại những gì mắt thấy tai nghe của chính mình và hô hào canh tân đất nước theo Âu Mỹ. Sau đó ông viết Khái lược về văn minh luận (1875), cuốn sách trở thành kinh điển về tư tưởng của Fukuzawa liên quan đến khai hóa, văn minh, con đường Nhật phải tích cực theo đuổi.
Nói về nỗ lực thoát Á của Nhật phải kể đến chuyến xuất dương lịch sử với quy mô lớn và kéo dài nhiều tháng của các lãnh đạo thời kỳ đầu Minh Trị. Đó là Phái đoàn Iwakura, do đại thần Iwakura Tomomi làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền dẫn đầu. Chuyến đi bắt đầu tháng 12/1871 và kéo dài tới gần 2 năm. Có tới 46 người tham gia trong đó rất nhiều người ở cấp lãnh đạo cao nhất như Okubo Toshimichi (người về sau khởi xướng và chỉ đạo kế hoạch ‘phú quốc cường binh’, phát triển công nghiệp), Ito Hirofumi (sau này là thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Nhật) và những trí thức trẻ (là những người có tích lũy văn hóa thời cuối Edo nhưng còn trẻ nên dễ tiếp thu cái mới).[4]
Đoàn đã đi khảo sát chủ yếu tại các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức nhưng cũng tham quan các nước nhỏ hơn như Hòa Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch,… Không những các mặt về văn minh vật chất như công trường, đường sắt, cầu đường, tàu điện ngầm, cơ sở sản xuất vũ khí,… mà những lãnh vực về tổ chức, về thể chế như chế độ và sự vận hành của quốc hội, về giáo dục, về tôn giáo,… cũng được khảo sát và ghi chép kỹ. Ở Thụy Sĩ, họ thấy sự liên quan giữa giáo dục với tinh thần tự chủ, tự do và lòng yêu nước của dân chúng. So sánh giáo dục Đông và Tây, họ thấy phương Đông thì chú trọng đạo đức chính trị, văn nghệ cao xa (như thi phú), lý học vô hình v.v. chỉ thích hợp và phục vụ cho lớp sĩ phu và vua quan, không thể phổ cập đến phụ nữ và dân thường. Nông dân và lao động đầu tắt mặt tối lo sản xuất chứ không có thì giờ và cơ hội học tập. Tây học thì ngược lại chú trọng lý học hữu hình, và học tập là nghĩa vụ của mọi người. Tu thân là việc của tôn giáo, còn văn hóa và học vấn là chuyện chung của tất cả mọi người.
Kết quả chuyến tham quan lịch sử nầy đã được viết lại thành các bản báo cáo nhiều tập (có tới 100 tập) gọi chung là Thực ký về chuyến quan sát Âu Mỹ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Tư liệu này được áp dụng rộng rãi trong việc xây dựng đất nước. Tập Thực ký này được các sử gia về sau xem là “Văn minh luận của quan” (giới lãnh đạo), còn cuốn sách Khái lược về văn minh luận của Fukuzawa nói trên được xem là “Văn minh luận của dân”. Có thể nói đó là hai tư liệu cơ bản đẩy mạnh quá trình thoát Á của Nhật. Nhật đã thoát ra khỏi tư tưởng và trật tự Nho giáo, phong kiến để khai phóng theo văn minh Tây phương, xây dựng xã hội bình đẳng, tiến bộ.
Thoát Trung của Việt Nam ngày nay
Lịch sử dường như có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Giữa thế kỷ 19 Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc về tư tưởng, văn hóa, giáo dục, phương thức xây dựng nhà nước,… và Nhật Bản đã phải thoát Trung để phát triển. Ngày nay Việt Nam và Trung Quốc lại tương đồng về thể chế chính trị, về phương châm cơ bản liên quan con đưởng phát triển. Việt Nam có cần thoát Trung để phát triển mạnh mẽ hơn?
Trung Quốc ngày nay dĩ nhiên khác với phong kiến Trung Hoa thế kỷ 19. Họ đã tích cực tiếp nhận văn minh vật chất phương Tây (cụ thể là tư bản, công nghệ, phương thức kinh doanh, quản lý,…) để phát triển kinh tế. Nhưng Trung Quốc khác các nước tiên tiến ở thể chế chính trị. Đặc tính cơ bản của thể chế chính trị ở Trung Quốc là một đảng lãnh đạo và thiếu dân chủ (chí ít là nguyên tắc tam quyền phân lập chỉ có tính hình thức, tự do ngôn luận bị hạn chế v.v.). Nhưng dù với thể chế đó, cho đến nay Trung Quốc đã phát triển khá ngoạn mục, trung bình 10% trong gần 30 năm, kết quả là kinh tế đã vươn lên vị trí số 2 trên thế giới. Như tôi đã phân tích trong cuốn sách xuất bản gần đây (TV Thọ, 2016, Ch. 4), dù dưới thể chế độc tài chính trị, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ nhờ triệt để theo chủ nghĩa phát triển (developmentalism). Chủ nghĩa phát triển nguyên nghĩa là độc tài yêu nước và tinh thần dân tộc kết hợp với kinh tế thị trường. Trong trường hợp Trung Quốc, đó là không để ý thức hệ (chủ nghĩa xã hội) níu kéo khả năng phát triển, tuy vẫn nói là theo kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng họ gác lại nguyên tắc đó để tập trung phát triển lực lượng sản xuất. Lãnh đạo Trung Quốc có hoài bão theo kịp Âu Mỹ và Nhật Bản để phục hưng lại thời hoàng kim ngày xưa nên đã tạo mọi điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân và vốn nước ngoài lớn mạnh.
Nhưng phân tích như vậy không phải để đi đến kết luận là Việt Nam nên làm theo chiến lược như Trung Quốc đã thực thi trong mấy thập kỷ qua. Đúng là trong thời gian qua nếu Việt Nam theo chủ nghĩa phát triển như Trung Quốc thì thành quả phát triển kinh tế đã khác. Tuy nhiên, theo tôi, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam nên khác Trung Quốc ở hai điểm:
Thứ nhất, về mô hình phát triển,[5] đúng là Trung Quốc đã thành công trong việc đẩy mạnh lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, Trung Quốc đã quá nhấn mạnh và thúc đẩy tăng trưởng hầu như bằng mọi giá, gây hậu quả là dân chúng (giới lao động và nông dân) bất mãn, xã hội bị phân tầng gay gắt và môi trường sống bị hy sinh. Một chỉ tiêu đo sự bất bình đẳng thu nhập là hệ số Gini (càng gần zero càng bình đẳng, ngược lại càng gần số 1 càng bất bình đẳng). Thông thường nếu Gini lớn hơn 0.4 thì xã hội có khả năng bất ổn, đáng báo động, nhưng Gini của Trung Quốc đã lên tới 0.47 vào năm 2012 (Hess 2016). Nhìn toàn cục, tỉ lệ của đầu tư trên GDP thường ở mức cao một cách dị thường và ngược lại là tỉ lệ của chi tiêu cá nhân quá thấp. Nói khác đi, kinh tế tăng trưởng nhờ đầu tư cao và chậm cải thiện cuộc sống của dân chúng. Chế độ hộ khẩu và sự thiếu vắng chế độ phúc lợi cho người thu nhập thấp gây ra tình trạng bi thảm cho giới lao động di chuyển từ nông thôn và các tỉnh nội lục đến tìm việc ở các tỉnh ven biển. Còn tình trạng ô nhiễm môi trường thì cả thế giới đều biết. Việt Nam phải theo chủ nghĩa phát triển nhưng không nên theo mô hình Trung Quốc.
Thứ hai, thể chế chính trị thiếu dân chủ cũng như một số đặc tính còn sót lại của chủ nghĩa xã hội (chẳng hạn đất đai thuộc sở hữu toàn dân, còn tồn tại quá nhiều doanh nghiệp quốc doanh) sẽ cản bước phát triển sắp tới của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nước có thu nhập trung bình cao, mục tiêu trong tương lai là tiếp tục phát triển (dù với tốc độ thấp hơn mấy mươi năm qua) để tiến lên thành nước có thu nhập cao ngang hàng với các nước tiên tiến hiện nay. Tuy nhiên lịch sử thế giới cho thấy chưa có nước nào thiếu dân chủ và còn các đặc trưng về hình thái sở hữu công của chủ nghĩa xã hội mà trở thành một quốc gia tiên tiến. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng đưa ra nhận định bi quan nếu Trung Quốc vẫn giữ nguyên thể chế hiện nay. Nếu Việt Nam đi trước Trung Quốc trong việc dân chủ hóa và hoàn toàn chuyển sang kinh tế thị trường thì về lâu dài ta sẽ có một nền kinh tế phát triển bền vững, một xã hội lành mạnh.
Hệ quả của mô hình Trung Quốc và thể chế chính trị thiếu dân chủ là ngày càng nhiều người Trung Quốc tìm cách đi định cư ở nước ngoài. Ngoài việc đi du học rồi tìm cách ở lại sinh sống tại các nước tiên tiến, hai hình thức phổ biến gần đây là ra nước ngoài sinh con và đi đầu tư. Phụ nữ những gia đình giàu có khi mang thai sang Mỹ sống ít nhất 4 tháng trươc khi sinh và khi sinh con ở đấy, đứa bé sẽ được mang quốc tịch Mỹ. Cũng theo luật pháp hiện hành ở Mỹ, người nước ngoài đến đầu tư và tạo ra một số lượng công ăn việc làm với nhất định sẽ được cấp tư cách vĩnh trú. Người Trung Quốc đã tích cực lợi dụng quy định đó và ngày càng nhiều những nhà đầu tư di dân (immigrant investors) sang Mỹ sinh sống lâu dài. Theo báo Nikkei(bản điện tử) ngày 26/8/2016, vào năm 2010 chỉ có 772 nhà đầu tư di dân từ Trung Quốc sang Mỹ, nhưng gần đây mỗi năm con số lên tới trên 1 vạn. Trả lời phỏng vấn của báo Nikkei, một số người sắp đi định cư ở nước ngoài cho biết họ thấy bất an khi sống tại Trung Quốc vì đạo đức xã hội suy đồi, an ninh xã hội xuống cấp, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm không được đảm bảo, môi trường sống bị ô nhiễm. Một số khác nêu tình trạng bất công, thiếu tự do, không tin tưởng về tương lai v.v.[6]
Như vậy ở cả hai điểm vừa phân tích, ta thấy Việt Nam rất cần “thoát Trung”, cần một mô hình phát triển bền vững, bao trùm (inclusive) và cần một xã hội tự do, dân chủ.[7] Thực ra, những hệ quả, những mặt xấu của mô hình Trung Quốc đã xuất hiện ở Việt Nam. Những lý do làm nhiều người Trung Quốc muốn rời bỏ đất nước của họ được giới thiệu ở trên cũng đã hiện ra khá rõ nét trong xã hội Việt Nam, và ở nước ta cũng ngày càng nhiều người muốn ra nước ngoài sinh sống.[8]
Vài lời kết
Vào giữa thế kỷ 19 Nhật Bản đã thoát Á một cách ngoạn mục. Đó là một lựa chọn khôn ngoan, nhờ đó Nhật Bản mới có được như ngày nay. Cuộc thoát Á của Nhật Bản đã có tác động tích cực về nhiều mặt đến Trung Quốc sau đó. Việt Nam ngày nay nếu thoát Trung về mô hình phát triển, về thể chế chính trị, chẳng những sẽ thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh mà có thể sẽ có tác động tích cực đến quá trình cải cách của Trung Quốc.
T.V.T.
__________
Tư liệu có trích dẫn:
Hess, Steve (2016), The Flight of the Affluent in Contemporary China: Exit, Voice, Loyalty, and the Problem of Wealth Drain, Asian Survey, Vol. 56, No. 4, pp. 629-650.
Jennings, Ralph (2016), Five Bleak Signs Vietnam is Becoming the China of 10 Years ago, Forbe, 30/8.
Kato H., Watanabe M. and H. Ohashi (2013), 21 Seiki no Chugoku: Keizaihen (Trung Quốc trong thế kỷ 21: Kinh tế), Asahi Shinbun Shuppan.
Nakagane Katsuji (2012), Kaihatsu Keizaigaku to Gendai Chugoku (Kinh tế học phát triển và Hiện đại Trung Quốc), Nagoya Daigaku Shuppankai. Tanaka Akira (2003), Meiji Ishin to Seiyo Bunmei: Iwakura Shisetsudan wa Nani o Mita ka (Minh Trị Duy tân và Văn minh Tây phương: Phái đoàn Iwakura đã thấy gì?), Iwanami Shinsho.
Nguyễn Danh Dy (2016), Đi hay ở: Bi kịch của một quốc gia, Viet-Studies, 26/8.
Tran Van Tho (1988), “Foreign and Technology in the Process of Catching-up by the Developing Countries,” The Developing Economies, Vol. XXVI, No. 4, December, pp. 386-420.
Trần Văn Thọ (1997), Công nghiệp hóa Việt Nam trong thời đại châu Á Thái bình dương, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Thời báo kinh tế Saigon và VAPEC.
Trần Văn Thọ (2016), Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam, NXB Tri thức.
Tsukiashi Tatsuhiko (2015), Fukuzawa Yukichi no Chosen: Niccho Kankei no naka no Datsua (Triều Tiên của Fukuzawa Yukichi: Thoát Á trong quan hệ Nhật Triều), Kodansha.
Watanabe Toshio (2016), Shikon: Fukuzawa Yukichi no Shinjitsu (Sĩ hồn: Chân thực về Fukuzawa Yukichi), Kairyusha, Tokyo.
Chú thích:
[1] Về điểm này, Hàn Quốc có một kinh nghiệm rất đặc biệt. Quá trình công nghiệp hóa của họ đã phụ thuộc rất nhiều vào Nhật Bản, từ tư bản, công nghệ đến phương thức tổ chức, quản lý, nhưng đó là một chọn lựa chủ động, khôn ngoan, ngay từ đầu đã có kế hoạch “thoát Nhật” và đã thành công một cách ngoạn mục. Thời đó chung quanh Hàn Quốc chỉ có Nhật Bản là nước tiên tiến, sản phẩm công nghiệp của Sony, Honda, Toyota, Hitachi v.v. ngày càng được uy tín trên thị trường thế giới. Hàn Quốc đã chủ động tranh thủ các nguồn lực tiên tiến của Nhật với sự chọn lựa có tính chiến lược (chỉ du nhập những gì người Hàn Quốc chưa có, chưa làm được) và đã có kế hoạch thay thế dần công nghệ, tư bản Nhật trong thời gian ngắn. Đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Riêng tôi đã có một số bài liên quan, chẳng hạn, Tran (1988), Trần V. T. (1997), Ch. 6.
[2] Trần V. Thọ (2016), Ch. 9 và 12.
[3] Thoát Á luận (cũng như nhiều tác phẩm của Fukuzawa và những người đồng thời) được viết bằng lối văn cổ, khó đọc, khó hiểu. Trích dẫn trong bài này dựa trên Tsukiashi (2015) và Watanabe (2016) là những nghiên cứu mới nhất về Fukuzawa, trong đó Thoát Á luận được chuyển sang văn hiện đại. Trong đoạn trích trên đây, những chỗ có các dấu chấm (…) là phần có trong nguyên tác nhưng lược bỏ ở đây vì dài quá. Tuy nhiên phần lược bỏ này không ảnh hưởng đến nội dung được trích dẫn.
[4] Tư liệu về phái đoàn Iwakura khá nhiều. Ở đây tham khảo chính từ Tanaka (2003).
[5] Năm 2004, Joshua C. Ramo, nguyên Tổng biên tập báo Time, dùng thuật ngữ Beijing Consensus (Đồng thuận Bắc Kinh) để khái quát chiến lược phát triển và chuyển sang kinh tế thị trường theo cách tiệm tiến của Trung Quốc. Thuật ngữ đó dùng để đối lại với Washington Consensus là chiến lược được cổ xúy từ cuối thập niên 1980 trong đó chủ trương các nước xã hội chủ nghĩa cần các biện pháp cấp tiến để chuyển sang kinh tế thị trường (tự do kinh tế, tư nhân hóa, mở cửa v.v.). Các học giả Trung Quốc nâng khái niệm Đồng thuận Bắc Kinh lên thành mô hình Trung Quốc. Mô hình Trung Quốc có nhiều nội dung tùy theo phân tích của mỗi người (xem, chẳng hạn, Kato et al. 2013). Theo Nakagane (2012), mô hình Trung Quốc là hợp thành của 2 yếu tố: độc tài phát triển (tức là thể chế độc tài chính trị cộng với chủ nghĩa phát triển) và chủ nghĩa tiệm tiến. Có lẽ đây là định nghĩa hay nhất.
[6] Vấn đề người giàu Trung Quốc chạy ra nước ngoài được phân tích hàn lâm và chi tiết hơn trong Hess (2016).
[7] Trong Trần V Thọ (2016), ở mục Phụ trang “Bút ký Kinh tế, Giáo dục và Lịch sử”, tôi có viết hai bài liên quan đến vấn đề chất lượng của phát triển (Đạo đức và kinh tế thị trường và Phát triển và hạnh phúc)
[8] Xem, chẳng hạn, Nguyễn Danh Dy (2016). Ngoài ra, Jennings (2016) nêu ra những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành Trung Quốc của 10 năm trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.