Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Kiến nghị hoãn thông qua Luật về Hội

Kiến nghị hoãn thông qua Luật về Hội

bauxitevnWed 7:53 AM


clip_image001
Chữ ký :
1625
81.25% Hoàn thành
Đạt 81.25% so với mục tiêu 2000 Chữ ký

Người nhận
Quốc hội Việt Nam
Bạn có là thành viên của Hội đồng hương, Hội cựu sinh viên, Hội những người yêu chó mèo? Bạn có biết Hội của bạn có thể trở thành bất hợp pháp, bị ngăn cản hoạt động nếu không được nhà nước cấp phép?
Hội người khuyết tật, Hội những người yêu môi trường, hay Hội bệnh nhân ung thư vú dù có được cấp phép cũng không được liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài dù là để xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường hay cứu trợ đồng bào miền Trung lũ lụt.
Đó sẽ là sự thật nếu Dự thảo Luật về hội được Quốc hội thông qua vào ngày 18 tháng 11 năm 2016 này. Bạn có thể chấp nhận được điều này không?
Cử tri kiến nghị Quốc hội hoãn thông qua Luật Về Hội
vì Dự thảo tiếp tục ngăn cản quyền tự do hiệp hội của người dân!
clip_image002
Dự thảo Luật về hội mới nhất chỉ được đưa ra trước kỳ họp Quốc hội 10 ngày và không công khai để nhân dân có đủ thời gian thảo luận, góp ý. 
Dưới đây là những vấn đề bất cập của dự luật này:
  • Theo điều 4 Dự thảo đề ngày 10/10/2016 của Luật về hội, Hội phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu”. Điều này sẽ gạt bỏ và phủ nhận hàng trăm nghìn hội không đăng ký đang tồn tại, hoạt động bình thường và có ích trên thực tế. Hơn nữa, cơ quan nhà nước có thể nói KHÔNGvới người đứng đầu do chính hội bạn bầu ra. 
  • Khoản 5 điều 8 quy định “hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”. Điều này đi ngược lại xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tếđẩy Việt Nam trở lại sự cô lập và lạc hậuvì người dân và hội của họ không thể trao đổi thông tin, kiến thức, chuyên môn, hợp tác đầu tư, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi với các đối tác quốc tế. 
  • Chương II về thủ tục thành lập hội rất khắt khe, thể hiện cơ chế xin-cho trong việc thành lập và hoạt động của hội, gây phiền hà về thủ tục hành chính cho người dân. Nó cũng tạo ra kẽ hở để công chức nhà nước cản trở quyền tự do hiệp hội của người dân, can thiệp vào hoạt động nội bộ của hội. 
Nếu được thông qua như hiện tại, dự thảo luật sẽ:
  • Không phản ánh được tinh thần tôn trọng quyền con người của Hiến pháp 2013, cụ thể là điều 25 về quyền tự do lập hội của người dân, và những cam kết chuẩn mực theo Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị Việt Nam đã tham gia từ năm 1982. 
  • Không khơi thông được các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy hợp tác giữa người dân với nhau để cùng nhà nước giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước. 
Chính vì vậy, chúng tôi những cử tri ký tên dưới đây đề nghị các đại biểu Quốc hội khóa XIV CHƯA THÔNG QUA Dự thảo Luật về Hội trong kỳ họp thứ 2 này để Dự thảo tiếp tục được chỉnh sửa theo hướng tiến bộ và thật sự đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của đất nước.
Xem thêm

1. Quan ngại quanh Dự thảo Luật về Hội

clip_image004
Đảng Cộng sản Việt Nam không cho phép có đối lập chính trị
Các nhà hoạt động, giới luật sư lên tiếng về Dự thảo Luật về Hội dự kiến được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 sắp diễn ra.
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 diễn ra từ ngày 20/10 đến 22/11.
Dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, với bản mới nhất đã được hoàn thiện vào ngày 10/10/2016, trang tin Tuyên giáo nói.
Một trong những nội dung được công luận quan tâm là Luật về Hội trong bối cảnh người dân ngày càng ý thức hơn về quyền của họ.
“Điều tôi bức xúc nhất về Dự thảo Luật về Hội là chính quyền buộc các hội phải có tính pháp nhân mới được hoạt động" - Nhà văn Phạm Thành
Hôm 15/10, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, nói: "Điều tôi bức xúc nhất về Dự thảo Luật về Hội là chính quyền buộc các hội phải có tính pháp nhân mới được hoạt động". 
"Nghĩa là chính quyền chỉ thừa nhận những hội mà họ có thể chi phối sự hoạt động". 
"Như thế rõ ràng là chống lại quyền của người dân và vi phạm những Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết." 
"Mặt khác, với những điều khoản khắt khe như buộc các hội đoàn không được nhận tiền từ các tổ chức nước ngoài, chính quyền dường như chỉ muốn hội là cánh tay nối dài của họ thôi". 
Ông cũng dự báo: "Khó có khả năng chính quyền tiếp nhận những phản biện từ người dân mà họ sẽ thông qua Dự thảo Luật theo ý họ". 
"Có thể chính quyền đang bị áp lực từ nhiều phía và cũng lo ngại giới dân chủ tạo sức ép qua các hội đoàn".

Luật 'phản động'

Cùng thời điểm, luật sư Trần Vũ Hải cho biết: "Nếu dự thảo này thành luật, những công dân tham gia những nhóm hội mà không đăng ký pháp nhân được nhà nước công nhận, hóa ra công dân tham gia các hội bất hợp pháp".
clip_image006
Luật sư Trần Vũ Hải: "Một luật biến công dân lương thiện thành người vi phạm pháp luật là một luật 'phản động'".
"Như vậy, một luật biến công dân lương thiện thành người vi phạm pháp luật là một luật 'phản động'. 
"Nhà nước quá quan tâm đến quản lý thắt chặt hội, nên nếu dự luật này thông qua phải đổi tên là Luật hạn chế Hội". 
"Lẽ ra Dự luật phải quy định Nhà nước đảm bảo và khuyến khích công dân thực hiện quyền lập hội như thế nào, tạo điều kiện cho hội hoạt động ra sao".
Trong một diễn biến khác, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh hôm 15/10 viết: "Hiến pháp 1992 cho đến Hiến pháp 2013, tức là 24 năm qua, đã ghi nhận quyền tự do lập hội của công dân". 
Nhà nước quá quan tâm đến quản lý thắt chặt hội, nên nếu dự luật này thông qua phải đổi tên là Luật hạn chế Hội" - Luật sư Trần Vũ Hải
"Thế nhưng một đạo luật để cụ thể hóa quyền quan trọng này vẫn chưa được hoàn thiện. Dự thảo Luật về Hội đưa vào, rút ra rất nhiều lần". 
"Trong khi thực tế các hội, đoàn vẫn tồn tại như một điều tất yếu và đóng góp không nhỏ vào ổn định xã hội và thịnh vượng quốc gia".

"Nhiều 'sai lệch' cần tháo gỡ"

Trong tuần, một cuộc hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật về Hội đã diễn tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia, khoa học gia đến từ các tổ chức chính trị, xã hội khác nhau, cùng sự có mặt của Bộ Nội vụ.
Theo đánh giá chung của những người tham dự, bản dự thảo này "còn những điểm 'sai lệch' cần tháo gỡ", trang tin Tuyên giáo nói, bởi có những "bó hẹp về quan điểm, cách nhìn nhận, chưa hướng mạnh mẽ đến bảo đảm "quyền lập hội" mà dường như chỉ chú trọng đến công việc quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn đối với hội".
Theo dự thảo hiện thời, Luật về Hội không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam. 

2. Cử tri kiến nghị Quốc hội không thông qua luật về hội 

clip_image007
Một phiên họp của Quốc hội tại hội trường Ba Đình ở Hà Nội, Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Nhiều cử tri và đại diện một số hội ở Việt Nam vừa lập một kiến nghị trên mạng kêu gọi Quốc hội không thông qua dự thảo luật về hội. 
Bản kiến nghị xuất hiện trên trang wakeitup.net từ ngày 17/10 và được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội chỉ ra những bất cập của bản dự thảo hiện nay.
Cụ thể, theo điều 4 của dự thảo luật về hội đề ngày 10/10/2016, hội phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu”. Các luật sư và đại diện các hội cho rằng điều này sẽ “gạt bỏ và phủ nhận hàng trăm nghìn hội không đăng ký đang tồn tại, hoạt động bình thường và có ích trên thực tế”. Họ cũng lo ngại “cơ quan nhà nước có thể nói không với người đứng đầu” do chính các hội tự bầu ra.
Bản kiến nghị cho biết thêm khoản 5 của điều 8 trong dự thảo quy định rằng “hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”. Những người lập kiến nghị nhận xét rằng điều này “đi ngược lại xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế, đẩy Việt Nam trở lại sự cô lập và lạc hậu vì người dân và hội của họ không thể trao đổi thông tin, kiến thức, chuyên môn, hợp tác đầu tư, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi với các đối tác quốc tế”.
Những người phản đối bản dự thảo cũng chỉ ra rằng quy định về thủ tục thành lập hội “rất khắt khe, thể hiện cơ chế xin-cho trong việc thành lập và hoạt động của hội”. Họ nhận định điều đó cũng “tạo ra kẽ hở để công chức nhà nước cản trở quyền tự do hiệp hội của người dân, can thiệp vào hoạt động nội bộ của hội”.
Những người lập kiến nghị khẳng định nếu bản dự thảo hiện nay được thông qua, luật về hội “không phản ánh được tinh thần tôn trọng quyền con người của Hiến pháp 2013, cụ thể là điều 25 về quyền tự do lập hội của người dân, và những cam kết chuẩn mực theo Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị Việt Nam đã tham gia từ năm 1982”.
Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nói với VOA ông có chung cách nhìn nhận với những phân tích nêu ra trong bản kiến nghị. 
Về khả năng Quốc hội không xem xét kiến nghị và vẫn thông qua dự luật về hội, Luật sư Hải nói dư luận sẽ tiếp tục gây sức ép để luật không được thực thi, như đã xảy ra với một số điều luật của các luật khác:
“Họ đã có kinh nghiệm là phong trào đề nghị hủy bỏ điều 292 [Bộ luật Hình sự 2015]. Theo tôi thì lúc đó sẽ có sự liên kết yêu cầu hủy bỏ điều khoản đó, những điều khoản nào đó trong luật, hoặc là yêu cầu hủy bỏ luật này. Việt Nam đã có những luật từng phải hoãn. Trong những trường hợp ấy, rõ ràng với những áp lực của xã hội, luật có thể hoãn lại, và dẫn tới là những người đang ra các luật ấy bị mất uy tín. Hiện nay tôi được biết rằng rất nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia phản đối kịch liệt cái dự thảo này”.
Nếu không có gì thay đổi, theo kế hoạch, dự thảo luật về hội sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 18 tháng 11 tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.