Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Điểm lại Chủ nghĩa Dân tộc và Chủ nghĩa Ly khai

Điểm lại Chủ nghĩa Dân tộc và Chủ nghĩa Ly khai

bauxitevnSat 1:50 AM


Nguyễn Quang Dy
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) và chủ nghĩa ly khai (theo “Brexitism”) đang đe dọa toàn cầu hóa, tự do thương mại, và các thể chế khu vực (như EU và ASEAN). Nó còn là nguyên nhân chính gây mất ổn định quốc gia và quốc tế, dẫn đến tình trạng vô chính phủ tại lục địa Á-Âu (Robert Kaplan, “Eurasia’s Coming Anarchy”, Foreign Affairs, March/April, 2016). Đó không phải là một viễn cảnh, mà là một thực tế đang diễn ra, không phải chỉ ngoài xã hội, mà còn trong tâm thức con người, một phần do quy luật, một phần do tầm nhìn hạn chế và tư duy quản trị lỗi thời của giới cầm quyền (establishment). 
Vấn đề cần đặt ra là: Liệu đó có phải là xu thế lâu dài hay chỉ là nhất thời? Liệu có thể hóa giải và đẩy lùi được nó không? Và bằng cách nào?   

Nhất thời hay lâu dài 
Chủ nghĩa dân tộc (xu hướng cực đoan) có thể là nhất thời (khi nó đang trỗi dậy), nhưng nếu không kiểm soát được và hóa giải kịp thời để trở thành ôn hòa, nó có thể trở thành hiểm họa lâu dài. Đó là bài học về chủ nghĩa phát xít (Đức, Ý, Nhật) dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ 2. Mầm mống của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc quá khích (muốn phục thù) vẫn tồn tại ở lục địa Á-Âu, như tại Trung Quốc (Tập Cận Bình đang phục hồi Maoism) và tại nước Nga (Putin muốn phục hồi đế chế Nga). Chủ nghĩa dân tộc là một động lực tốt, nhưng một khi trở thành cực đoan thì rất nguy hiểm. Dân chúng có thể bị lợi dụng, trở thành công cụ của giới cầm quyền trong trò chơi quyền lực (games of thrones). 
Toàn cầu hóa là một quá trình mà trong đó có cao trào và thoái trào, như mọi quy luật xã hội. “Thế giới phẳng” cũng là một khái niệm tương đối và một quá trình, chứ không phải một kết cục tuyệt đối. Vì vậy thế giới ngày nay vẫn có lúc, có chỗ “không phẳng”, thậm chí gập gềnh. Vì vậy, trong thời đại toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc muốn có hiệu quả tích cực, cần liên kết thành chủ nghĩa khu vực (regionalism) như EU và ASEAN. Nhưng đáng tiếc, EU đang bị phân hóa bởi xu hướng “Brexitism”, và ASEAN đang bị chia rẽ bởi “Hunsenism” và “Duterteism” vì lợi ích riêng của mỗi quốc gia, bị Trung Quốc thao túng.  
Yêu cầu cải cách thể chế  
Trong khi chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) là đặc trưng của “Xi Jinpingism” tại Trung Quốc, và “Putinism” tại Nga, thì tầm nhìn hạn chế, tư duy quản trị lỗi thời, và thái độ vô cảm của giới cầm quyền tại Mỹ và phương Tây đã dẫn đến phong trào phản kháng như “Occupy Wall Street” hay “Tea Party”, và gần đây là hiện tượng “Trumpism” tại Mỹ, cũng như “Brexitism” tại Anh. Nói cách khác, “Brexitism“ hay “Trumpism” là những dấu hiệu bất ổn, do dân chúng mất lòng tin và nổi giận. Nhưng giới cầm quyền trong một thời gian dài đã không nhận ra, hoặc có nhận thấy nhưng không đổi mới quản trị để hóa giải.   
Muốn đẩy lùi xu hướng này để cứu vãn EU và ASEAN, hay các thể chế tự do thương mại cũ và mới (như TPP), các quốc gia và cộng đồng quốc tế đang đứng trước một thách thức lớn, như leo lên dốc (uphill). Mọi nỗ lực lúc này có thể là “quá ít và quá muộn” (too little too late).  Đây là cái giá phải trả cho tầm nhìn hạn chế, tư duy quản trị lỗi thời, và thái độ vô cảm của giới cầm quyền mỗi nước.  Vì vậy, muốn hóa giải và đảo ngược xu hướng này, đòi hỏi giới cầm quyền phải thay đổi triệt để tư duy quản trị, đổi mới thể chế, để từng bước lấy lại lòng tin của dân chúng, vì lòng tin một khi đã mất sẽ rất khó lấy lại. 
Nghịch lý với Mỹ và Trung Quốc
Chưa bao giờ bầu cử Tổng thống mỹ lại tồi tệ như lần này. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã “thất thủ” trước “Trumpism” và buộc phải chấp nhận Donald Trump. Nhưng sau 3 lần tranh luận, bộc lộ nhiều khuyết tật và tai tiếng, nhiều lãnh đạo Cộng hòa đã phải quay lưng lại với Trump. Báo chí Mỹ cũng đang quay lưng lại với Trump, với những lời chỉ trích thậm tệ nhất đối với một ứng cử viên Tổng thống. Họ gọi Trump là “kẻ điên rồ” (lunatic) và “hành động như con lợn” (acting like a pig), vì xúc phạm phụ nữ và “phân biệt chủng tộc vô lối” (rampant racism). Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận Trump là “sản phẩm chính hiệu của Mỹ” (authentically made in America) và phái bảo thủ phải tự trách mình. (“Donald Trump, the Worst of America”, Charles Blow, Op-Ed Columnist, New York Times, October 17, 2016).
Không phải chỉ đảng Cộng hòa mà đảng Dân chủ cũng bị động trước xu hướng bảo thủ và biệt lập của chủ nghĩa quốc gia. Trong bối cảnh đó, dù Hillary Clinton có thắng Bernie Sanders và Donald Trump thì chính quyền mới cũng phải chiều xu hướng cử tri đang chống giới cầm quyền (establishment) chống người nhập cư và tự do thương mại (kể cả TPP). Dù muốn hay không, chính sách của chính quyền mới (liên quan đến xoay trục sang Châu Á, và quan hệ với đồng minh khu vực, để kiềm chế Trung Quốc) cũng bị hạn chế bởi xu hướng này. Dù là chính quyền Dân chủ hay Cộng hòa thì cũng không thể quay lưng lại với cử tri (hay đồng minh). Đối với Trung Quốc, “nếu Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù, thì sẽ được kẻ thù” (Joe Nye). Dù ganh đua không phải là tất yếu, thì cũng không thể tránh được. Vì vậy với Trung Quốc, Mỹ phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” (cooperate where we can but contend when we must). (“In support of US alliances”, Richard Bush, Brookings, September 29, 2016).  
Gần đây, nhiều người cho rằng Trung Quốc đang mạnh lên chứ không yếu đi, và không thể sụp đổ. Nếu nhìn bề nổi thì có vẻ đúng là như vậy, vì nhiều nước đang chạy theo Trung Quốc. Không phải chỉ có Campuchea mà cả Philippines và Thailand là hai đồng minh truyền thống của Mỹ. Trong khi Campuchea đang theo Trung Quốc, gây chia rẽ ASEAN, thì Nga cũng đang liên minh với Trung Quốc để chống phán quyết của tòa PCA và đối phó với chiến lược xoay trục (và TPP) của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn bề chìm, Trung Quốc càng bộc lộ sức mạnh cứng bên ngoài thì lại càng suy yếu bên trong, vì nội tạng đầy bệnh nan y của nền kinh tế Trung Quốc đã “kịch đường” (Paul Krugman) nhưng chưa có lời giải. Dự trữ ngoại hối đang giảm dần, dân chúng đang bỏ chạy ra nước ngoài, vì chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đang đến giai đoạn cuối đầy kịch tính (trước đại hội Đảng tới). Lối thoát duy nhất là phải cải cách thể chế chính trị, nhưng họ lại không thể. Đó là một nghịch lý. 
Trước đây, không ai hình dung Liên Xô, “thành trì vững chắc” của phe XHCN, sẽ có ngày sụp đổ. Nhưng Liên Xô và CNCS đã sụp đổ như một quy luật tất yếu. Tập Cận Bình muốn làm ngược lại với Gorbachev, để duy trì chế độ. Nhưng Tập càng làm ngược lại thì kết cục lại càng giống với Gorbachev, thậm chí còn làm sụp đổ nhanh hơn (David Shambaugh). Vì vậy, liên minh Trung-Nga chỉ là tạm thời như “cuộc tình một đêm” giữa hai đối tác “đồng sàng dị mộng”, trong khi Hunsen (tại Campuchea) và Duterte (Philippines) là những chính khách cơ hội, sẵn sàng trở cờ như thay áo, vì lợi ích riêng của nước mình.         
Bài học cho Việt Nam
Việt Nam không phải ngoại lệ, và cũng không đứng ngoài xu hướng nói trên. Việt Nam có thể chịu hậu quả của xu hướng đó, hoặc Việt Nam cũng đang sa vào xu hướng đó (hoặc cả hai). Vì vậy, thái độ cực đoan và vô cảm, tư duy quản trị lỗi thời, thậm chí thối nát (do tham nhũng và độc quyền) đều phương hại cho lợi ích quốc gia. Có lẽ chính sách mị dân không còn tác dụng, nếu lòng tin đã xuống đến đáy.  Giới cầm quyền phải thay đổi tư duy quản trị để cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng thị trường, nới lỏng tự do dân chủ và nhân quyền, khuyến khích xã hội dân sự, để từng bước lấy lại lòng tin của dân chúng. Đó là lối thoát duy nhất để tránh khủng hoảng xã hội và chính trị, nâng cao năng lực đối phó với suy thoái kinh tế, thảm họa môi trường, thiên tai và nhân họa (do con người gây ra). 
Hiện nay, Việt Nam có ba huyệt đạo lớn đang ách tắc cần tháo gỡ. Thứ nhất là khủng hoảng lãnh đạo. Không nên biến việc chống tham nhũng thành đấu tranh quyền lực, xung đột lợi ích nhóm, dẫn đến các hành động cực đoan (như vụ thảm sát cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh tại Yên Bái). Nguy cơ sụp đổ chế độ chủ yếu là do mâu thuẫn phe phái và xung đột lợi ích từ bên trong, chứ không phải do mối đe dọa của các “thế lực thù địch” từ bên ngoài, hay do phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ và nhân quyền (còn khá non yếu).  
Thứ hai là thảm họa môi trường miền Trung. Phải xử lý tận gốc nguyên nhân để Formosa gây ra thảm họa môi trường. Ngoài Formosa, còn nhiều dự án khác như lọc dầu, nhiệt điện, thủy điện, cả cũ lẫn mới như thép Hoa Sen Cà Ná, và điện hạt nhân Ninh Thuận, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường. Thiên tai không bằng nhân họa, do phá rừng, làm thủy điện tràn lan, thiếu quản trị rủi ro, gây lụt lội bất thường, không chỉ đe dọa môi trường, sinh mạng người dân, mà còn phương hại cho nền kinh tế và an ninh chính trị. Dân chúng tức nước vỡ bờ sẽ nổi dậy ngày càng lớn. Biểu tình (ôn hòa) của cộng đồng Thiên chúa giáo mới chỉ bắt đầu.  
Thứ ba là đồng bằng Nam Bộ, tâm điểm của Tiểu vùng Me Kong. Phải cứu vùng này khỏi vấn nạn hạn hán và ngập mặn, gây khủng hoảng cơ cấu nông nghiệp. Điều này có ý nghĩa sống còn đối với các tỉnh miền Tây, chiến lược an ninh lương thực, cũng như có ý nghĩa địa chính trị to lớn đối với an ninh quốc gia. Chính phủ và các thể chế tài trợ quốc tế cần hỗ trợ kịp thời các sáng kiến và mô hình sáng tạo của các địa phương (như tại 4 tỉnh ABCD), theo hướng đổi mới thể chế, ứng dụng kinh nghiệm quốc tế, và công nghệ mới. 
Nói cách khác, phải sớm triển khai cải cách thể chế toàn diện, như đề xuất của Báo cáo Việt Nam 2035 mà Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã cam kết.        
Tham khảo
1. “In Support of US Alliances”, Richard Bush, Brookings, September 29, 2016 
2. “The American Brexit Is Coming”, Foreign policy, October 7, 2016
3. “The Rebalance and Asia Pacific Security: Building a Principled Security Network”, Ash Carter, Foreign Affairs, November/December 2016
4. “Donald Trump, the Worst of America”, Charles Blow (Op-Ed Columnist), New York Times Opinion Page, October 17, 2016 
5. “Duterte’s China visit could move regional goalposts”, Bill Hayton, Nikkei Asian Review, October 17, 2016
NQD. 20/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.