Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Chống tham nhũng ở Việt Nam: phải có một cơ chế để giám sát quyền lực công khai hơn

Chống tham nhũng ở Việt Nam: phải có một cơ chế để giám sát quyền lực công khai hơn

Đăng bởi: Thùy Trâm on Thứ Bảy, ngày 29 tháng 10 năm 2016 | 06:00:00


Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Xóa tham nhũng không dễ dàng. Đặc biệt khó khi bệnh tham nhũng đã mang tính hệ thống, trở thành một yếu tố quen biết trong xã hội, khi nó đã xâm nhập vào nền văn hóa hàng ngày của một đất nước… thì hết sức khó khăn, như ai đã nói.

Mặt khác, khi độ tham nhũng đã lên mức cao, tới mức mà nó đe dọa toàn diện cả kinh tế xã hội thì tất nhiên nó phải được đề cập một cách thực sự mới và đa chiều. Cũng phải hỏi chúng ta đã thiếu những yếu tố nào để tình trạng đã đến mức nghiêm trọng này?

Thực ra, số nước ở Đông Á đã thành công trong việc xóa tham nhũng còn ít. Ở Đông Nam Á, không có nước nào ngoài Sing (và kể cả Singapore cũng có một số hình thức tham nhũng, dù người Sing phẫn nộ ngay khi nêu ra) mà đã chống tham nhũng hiệu quả. Ở Malay thì tham nhũng của TT Najib đã trên một quy mô mà tôi chả có gì để nói.

Ở Hồng Kông, cơ quan độc lập Independent Commission Against Corruption (ICAC, tạm dịch) mà có bài trên Wikipeida bằng tất cả các ngôn ngữ Đông Á, trừ Việt Nam, đã đóng một vai trò cốt lõi trong việc phá hoại sự kết nối giữa Mafia và Cảnh sát ở Hồng Kông, mà tôi và một số người khác đã và đang nêu ra, là một mô hình đáng để Việt Nam quan tâm vì tính hữu hiệu. Nhưng nó thành công chủ yếu là vì là nó thực sự độc lập. Có vẻ điều kiện ở Việt Nam còn chưa chín để làm tương tự.

Dù có nghĩ gì về TQ, tôi không chắc cách tiếp cận của Ông Tập là hay hoặc nên làm ở Việt Nam. Một trong những lý do là, dù đúng hay sai, tôi thấy cách của Ông tập là một yếu tố trong một nỗ lực chuyên chế. Nó thiếu dân chủ, thiếu minh bạch. Riêng Ông Tập và gia đình có tới mấy căn hộ cao cấp riêng ở Hông Kong. Với lương của một chính khách, phải thừa nhận, ông mua hàng quá giỏi …

Ở Hàn Quốc, một luật mới có hiệu lực là cấp tiền cho những người dân phát hiện và báo cáo tham nhũng. Chẳng hạn, theo luật mới này, một cán bộ nhà nước không thể nhận một bữa cơm với tổng giá trị hơn $27. Bị dân thường phát hiện ăn to thì cũng sẽ bị ăn phạt nặng.

Vậy ở các nước đang phát triển làm sao chống tham nhũng được? Có vẻ như phải có một số yếu tố và điều kiện nhất định. Một trong những yếu tố đó là, chả có ai được xem đứng trên luật pháp. Cách đây mấy năm TTg của Liberia đã công khai trừng phạt con trai ruột của mình khi cậu ấy không báo cáo tài sản của mình một cách hợp pháp. Trong khi đó, ở Việt Nam ‘ta’ đã phải chờ mấy năm cho đến vụ Lexus v.v… để thấy đã có những vụ ‘bổ nhiệm ồn ào’ trong Bộ Công Thương. Phải ồn ào bao nhiêu để mọi người để ý?

Xin lỗi nếu tôi còn hơi hoài nghi về khả năng rằng ‘bệnh tham nhũng’ có thể được đề cập một cách hữu hiệu chỉ hoặc chủ yếu bằng việc điều chỉnh, tự phê bình như bao nhiêu thập kỷ trước. Có vẻ phải có một cơ chế để giám sát quyền lực công khai hơn. Có vẻ phải có một nền báo chí độc lập và chuyên nghiệp hơn. Rất khó để làm thế nếu chưa có đủ người để nghe những tiếng nói của những người đòi cải cách như Ông Bùi Quang Vinh và vô số người khác.

Trước đây tôi đã chia sẻ ý kiến là, nhiều khi những thay đổi quan trọng nhất trong xã hội không phải diễn ra từ trên xuống dưới. Đối với vấn đề chống tham nhũng cũng vậy, Việt Nam cần có một nỗ lực bền vững và đa chiều. Đến nay ta không lo về phần ‘từ dưới’ nữa. Có vẻ đại đa số người dân Việt Nam rất quan tâm và sẵn sàng cùng nhau tìm giải pháp.

Tham nhũng là một vấn đế lớn và phải được đề cập một cách toàn diện, từ chính trị và hành chính cho đến hành vi và văn hóa. Với nhận xét đó và tinh thần xây dựng, xin hỏi: Đã đến lúc nhà nước Việt Nam nên triển khai chương trình trao ‘bằng khen’ hay ‘huy chương chống tham nhũng’ chưa? Có vẻ không thiếu người xứng đáng với vinh dự đó…

© Jonathan London

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.