Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

‘‘Phản bội”: Vinastas đang hỗ trợ cho chiến lược kinh doanh sợ hãi của Masan?

‘‘Phản bội”: Vinastas đang hỗ trợ cho chiến lược kinh doanh sợ hãi của Masan?

bauxitevnSun 9:36 AM


Anh Văn
Câu chuyện nêu trên với sự “phản bội” của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phần nào góp phần cho hiện trạng nêu trên?
clip_image002
Nước mắm truyền thông và nước mắm công nghiệp đang đi vào giai đoạn cao trào nhất của cuộc chiến truyền thông. Ngay khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc vào 17/10 với 101/150 mẫu được kiểm định chất lượng có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép đã gây nóng mặt người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Có hay không chiến lược kinh doanh trên sự sợ hãi dưới sự góp sức của Vinastas?

Asen hữu cơ từ nước mắm truyền thống: bình thường

Trên trang tin điện tử Zing, dẫn lời ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Hạnh Phúc (đơn vị có hai sản phẩm có tên trong danh sách nhiễm asen của Vinastas) cho hay: “Asen hữu cơ là hoạt chất tự nhiên sinh ra từ bản thân con cá đem làm mắm, hoàn toàn không gây độc đối với người sử dụng. Còn asen vô cơ gây độc nhưng chẳng có nhà sản xuất nước mắm nào đem cho vào sản phẩm, vì chất này không có bất cứ tác dụng nào đối với nước mắm”.
Một người dùng facebook tên Truc Nguyen đã chia sẻ một bài viết về asen. Tác giả cho biết, asen liên kết với carbon thì đó là asen hữu cơ và tồn tại trong gạo, cá, thịt, sản phẩm từ sữa, gạo và ngũ cốc, kể cả hải sản (asenobetaine và asenocholine). Trong khi đó, asen vô cơ tồn tại trong nước ngầm.
Trong nước mắm có chứa asen, nhưng lượng asen này là hữu cơ vì có gốc gác từ cá. Trong gạo cũng có hàm lượng asen, theo căn cứ quy định của Codex là 0.2mg/kg. Còn trong nước uống, hàm lượng asen tối đa trong nước nước là 0.01mg/L.
Liên quan đến báo cáo cho rằng “Tuy nhiên khi phân tích 20 mẫu chứa asen tổng vượt ngưỡng đều không phát hiện asen vô cơ (hàm lượng asen vô cơ ở mức 0.01mg/L)”, tác giả Truc Nguyen cho hay, lượng asen trong nước mắm là asen hữu cơ, asen từ cá mà nó là chất tồn tại từ nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất nước mắm. Ngoài ra, con số 0.01mg/L là theo tiêu chuẩn nào, nếu con số này áp dụng cho tiêu chí asen vô cơ thì những mẫu trên phải là đạt tiêu chuẩn. Vì asen từ cá được loại thải hoàn toàn qua nước tiểu sau 48h.
Ngoài ra, tác giả này dẫn các tiêu chuẩn của Úc – theo đó hàm lượng asen vô cơ cho phép trong rong biển và các sản phẩm khác là 2mg/L; tiêu chuẩn châu Âu là 0.1mg/kg cho thực phẩm dành cho trẻ em; tiêu chuẩn Canada là 3.5ppm (đối với protein cá) hay là 3.5mg/kg.
Trong bài phỏng vấn với báo SGGP, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định: “asen hữu cơ tự sản sinh trong quá trình sản xuất ủ men nước mắm thì không đáng lo ngại, còn nếu là asen được nhà nhà xuất đưa vào trong quá trình sản xuất sản phẩm thì mới là nguy hiểm”. Điều này hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống và các luận cứ khoa học có liên quan đến asen và nguồn gốc asen.
Báo Dân Trí ngày 18/10 cũng dẫn lời một chuyên gia của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, “việc asen tăng trong nước mắm có độ đạm cao là điều tất yếu bởi phải cô đặc để giảm bớt hàm lượng nước”.

Vinastas đang phản bội người tiêu dùng Việt Nam?

Ngay sau khi Vinastas công bố khảo sát nước mắm trên toàn quốc vào 17/10 với nhiều thông tin mập mờ, đã tác động mạnh đến thị trường nước mắm Việt Nam, trong đó nhiều doanh nghiệp đang “bấn loạn vì bị các khách hàng, siêu thị dọa trả hàng”. Zingcũng dẫn lời ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Hạnh Phúc (đơn vị có hai sản phẩm có tên trong danh sách nhiễm asen của Vinastas) cho biết cách công bố của Vinastas không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không hề biết chuyện Vinastas lấy mẫu nước mắm của mình đem đi kiểm nghiệm, và chính cách làm này đã vô tình “giết sản phẩm truyền thống” - bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc được Zing dẫn lời cho biết.
Những sự dẫn chứng về phía doanh nghiệp nêu trên rõ ràng cho thấy, những tác động tiêu cực về phía doanh nghiệp và sự bất mãn đối với cách làm mập mờ của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Điều này phản ánh rằng, bản thân Vinastas đang bị lợi dụng hoặc trở thành bình phong nhằm vun vén lợi ích cho một số doanh nghiệp lớn về nước mắm. Bởi ngay cả phía người dùng, cũng ngờ vực về cái gọi là ”tiêu chuẩn chất lượng nước mắm” mà Vinastas đưa ra. Đặc biệt, bằng cách sự tung hỏa mù về “asen” cộng thêm sự giật tít “thạch tín trong nước mắm truyền thống” của một số trang tin – tờ báo lá cải đã khiến doanh nghiệp kinh doanh nước mắm truyền thống Việt rơi vào thế khó khăn – và tạo thuận lợi tối đa cho sự tham dự - tranh giành thị trường của các tập đoàn nước ngoài – mà cụ thể ở đây là các doanh nghiệp Thái Lan.
Cần nhận biết, vào cuối năm 2015, Singha Group, một tập đoàn đa ngành của Thái Lan đã chi 1,1 tỷ USD để mua cổ phần một số công ty con thuộc tập đoàn Masan tại Việt Nam. Đây là bước đi để thâu tóm thị trường Việt, mà trong đó có sản phẩm nước mắm, gia vị và cà phê. Một trong những sản phẩm chủ lực của tập đoàn này là nước mắm Nam Ngư, Chinsu đã bị phát hiện là loại nước pha 19 loại hóa chất, gây hại cho sức khỏe người dùng.
Trong một diễn biến được coi là ”cú đúp” hạ nước mắm truyền thống, thì ngày 20/10, Masan đã tung ra quảng cáo cho nước mắm Nam ngư và Chinsu với khẩu hiệu “đạt chuẩn an toàn thạch tín” với 2 tờ chứng nhận do Vinastas cấp (17) – điều này tiếp tục được cho là gieo rắc tâm lý hoang mang về phía người tiêu dùng Việt Nam đối với sản phẩm mà ngay cả căn cứ theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thuộc thị trường Âu Mỹ cũng được nhập.
Nó cho thấy, sự nghi ngờ có cơ sở về việc doanh nghiệp nước mắm công nghiệp bắt tay thông đồng với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhằm bóp chết doanh nghiệp nước mắm truyền thống bằng mọi giá, với chiêu trò PR cực kỳ tinh vi (sau này được biết đến với tên gọi Chiến lược gieo rắc sự sợ hãi) là có thật. Cụ thể, vào năm 2005, nước tương Chinsu tại châu Âu bị cáo buộc có chứa 3-MCPD (chất có khả năng gây ung thư) tác động không nhỏ đến người dùng Việt Nam; tuy nhiên, tập đoàn tập đoàn Masan lại biết cách lợi dụng sự sợ hãi này, và sử dụng chiêu trò “khẳng định chất lượng trên nền vết cũ” để gia tăng thị phần tại Việt Nam.
Cụ thể, tập đoàn này chi tiền mạnh cho công bố “chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn của Cục/Bộ” với quảng cáo không có chất 3-MCPD (chất gây ung thư) đối với sản phẩm nước tương Tam Thái Tử và nước mắm không có cặn đối với nước mắm Nam Ngư vào giai đoạn 2011-2012. Kết quả, thị phần của hai loại sản phẩm này lên gấp 3-4 lần và gần như xóa sổ doanh nghiệp sản xuất nước mắm, nước tương truyền thống. Gần đây, những ồn ào xung quanh hóa chất đối với 2 loại sản phẩm Masan và quảng cáo “Chúng tôi tin rằng, nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn” với khẳng định “đạt chuẩn an toàn thạch tín” với một tiêu chuẩn mập mờ đã phần nào cho thấy sự ma quái của doanh nghiệp này.
Càng ma quái hơn nữa, khi mà theo thông tin báo chí ngày 20/10 cho hay, ông Đặng Thành Điểm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất kinh doanh nước mắm Hưng Thịnh, cho hay “đã có kẻ gian không biết từ đơn vị nào đi đến các chợ, nhà phân phối để phát tờ rơi tuyên truyền nước mắm truyền thống nhiễm asen”. Thông tin này, cùng với chuyện hệ thống bán lẻ Fivimart (một doanh nghiệp tư nhân) ngừng bán nước mắm truyền thống đã tiếp tục xô đổ niềm tin người tiêu dùng.
Rõ ràng, cách gieo rắc thông tin này càng khiến cho nó trở thành một quy trình cho một chiến dịch gieo rắc sự sợ hãi có chủ ý. Mặt khác, liên quan đến công bố 67% vừa qua, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thừa nhận, cơ quan này nhận được tài trợ cho khảo sát này, tuy nhiên ông từ chối cho biết tên. Nếu đặt trong tình hình liên quan đến thị trường nước mắm hiện nay giữa Masan và nước mắm truyền thống, thì liệu rằng, nhà tài trợ đó có liên quan đến doanh nghiệp mang tên Masan?
Hiện nay, nền kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay đang đối mặt với 2 nguy cơ, đó là doanh nghiệp nội địa đang bị bóp chết bởi các tập đoàn nước ngoài; và tỷ lệ ung thư Việt Nam đang nằm ở top 2 của bản đồ ung thư thế giới (do WHO xếp hạng) vì các thực phẩm bẩn và hóa chất. Câu chuyện “nước mắm và asen, hóa chất” trong thời gian qua nếu ở vị thế sẵn sàng “phản bội” của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có phải đã góp phần lớn cho hiện trạng nêu trên?
A.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.