Từ cộng sản đến dân chủ - Bài học Ba Lan (Kỳ 4)
bauxitevnFri 6:37 AM
Tác giả: Sergio Bitar, Abraham F. Lowenthal
Người dịch: Phan Trinh
___
Phần 3: Phỏng vấn Tadeusz Mazowiecki, Thủ tướng Ba Lan 1989-91
TÓM LƯỢC TIỂU SỬ – PHỎNG VẤN TADEUSZ MAZOWIECKI: 1. NGUYÊN LÝ NỀN TẢNG. 2. VẬN ĐỘNG XÃ HỘI – ĐÁNH ĐỔ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI TỪ BÊN TRONG. 3. XÂY NỀN CHO ĐÀM PHÁN VÀ ĐỐI THOẠI. 4. CÔNG BẰNG VÀ HÒA GIẢI – ĐẶT RA CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN – QUYỀN XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ. 5. ẢNH HƯỞNG QUỐC TẾ – ROME THAY MOSCOW – GIÁO HOÀNG, REAGAN, GORBACHEV, CÔNG ĐOÀN – NGOẠI GIAO CỨNG VÀ MỀM. 6. CẢI CÁCH KINH TẾ. 7.ĐIỀU HỐI TIẾC. 8. CẢI CÁCH KINH TẾ CẤP BÁCH. 9. NGƯỜI HỖ TRỢ . 10.ĐẢNG PHÁI VÀ ĐẤT NƯỚC. 11.LÃNH TỤ ĐỘC TÀI THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI. 12. CẢI TỔ LỰC LƯỢNG AN NINH VÀ QUÂN ĐỘI. 13.BỘ TRƯỞNG NỘI VỤ. 14. CẢI TỔ HIẾN PHÁP. 15. CHÍNH THỂ.
Phần 4: Ba Lan, mốc thời gian 1970-2010
___
Phần 3: Phỏng vấn Tadeusz Mazowiecki, Thủ tướng Ba Lan 1989-91
Tóm lược tiểu sử
Tadeusz Mazowiecki giữ một vai trò quan trọng trong hàng ngũ đối lập Công giáo tại Ba Lan từ thập niên 1950 cho đến khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc năm 1989, và là Thủ tướng Ba Lan đầu tiên không cộng sản sau Thế chiến II.
Mazowiecki học luật và theo đuổi sự nghiệp một biên tập viên và một nhà hoạt động Công giáo. Sau khi Ba Lan mở cửa thoáng hơn vào năm 1956, ông là một trong những người thành lập tổ chức trí thức Công giáo thế tục có tên là Znak, và là tổng biên tập tờ báo tháng Wiez cho đến năm 1981.
Vào thập niên 1960, ông là đại biểu trong Quốc hội (Sejm) cho đến khi ông đòi hỏi phải điều tra vụ giết chết các công nhân đóng tàu biểu tình năm 1970. Ông cũng giúp thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR), nơi quy tụ những trí thức đối lập, cả Công giáo lẫn không Công giáo, để đòi hỏi nhân quyền và quyền lợi cho người lao động.
Trong năm 1980, Mazowiecki là cố vấn cho Lech Walesa trong các vụ đình công của công nhân nhà máy đóng tàu ở Gdansk, là cố vấn cho Công đoàn Đoàn kết và tổng biên tập tờ tuần báo của họ. Khi Tướng Jaruzelski ban hành thiết quân luật tháng 12/1981, Mazowiecki bị giam giữ trong nhiều tháng và tờ tuần báo bị đóng cửa.
Tám năm sau, Mazowiecki trở thành đại diện của Công đoàn Đoàn kết và là nhà đàm phán trụ cột thuộc nhóm thảo luận về cải cách chính trị trong Đàm phán Bàn tròn.
Sau khi phe cộng sản thua chấn động trong cuộc bầu cử nửa tự do năm 1989, theo lời tiến cử của Lech Walesa, Mazowiecki được chọn làm Thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan. Ông chịu trách nhiệm công cuộc chuyển đổi từ chế độ cộng sản qua chế độ dân chủ đa đảng, cho các cải cách kinh tế cần thiết để thiết lập kinh tế thị trường, đưa đất nước đến gần phương Tây cùng NATO, và tiến hành những cải cách đầu tiên về định chế chính trị.
Ông thiết kế và điều hành nội các theo cách thu hút đại diện mọi phe nhóm có ghế sau bầu cử 1989, ông thu hút tất cả, từ những bộ trưởng thuộc Đảng Cộng sản là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Giao thông, đến các bộ trưởng thuộc Công đoàn Đoàn kết, vốn là những nhà hoạt động phản kháng trước kia, và các chuyên gia. Đặc điểm phong cách lãnh đạo của ông là ông biết lắng nghe với sự tôn trọng mọi ý kiến trái chiều, và đưa ra được những quyết định khó khăn.
Không may cho ông, nhiều người dân Ba Lan đã gặp khó khăn tức thời khi bắt đầu tự do hóa kinh tế, khiến ông không còn được đa số dân chúng ủng hộ, và ông đã thua cuộc trước Walesa trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 1990.
Niềm tin và quyết tâm “vạch đường ranh đậm” ngăn quá khứ với hiện tại, thay vì trừng trị ngay người của chế độ cũ, đã góp phần đáng kể vào cuộc chuyển đổi dân chủ đầu tiên trong khối Xô-viết, dù điều này cũng có nghĩa việc mở lại những hồ sơ tội ác trước kia sẽ tiếp tục ám ảnh sinh hoạt chính trị Ba Lan trong nhiều năm sau.
Mazowiecki tiếp tục là một dân biểu Quốc hội cho đến năm 2001. Ông cũng là đặc phái viên của Liên hiệp Quốc về nhân quyền tại Nam Tư cũ, nhưng ông từ nhiệm năm 1995 để phản đối quốc tế đã có thái độ yếu ớt trước những hành động tàn bạo xảy ra tại Bosnia.
***
Phỏng vấn Tadeusz Mazowiecki
1.
Nguyên lý nền tảng
HỎI:
Một nhà lãnh đạo trẻ ở một đất nước đang chuyển đổi từ độc tài qua dân chủ có thể học được gì từ kinh nghiệm của ông và Ba Lan? Giới lãnh đạo nên hiểu điều gì về chuyển đổi dân chủ, để có thể giữ vai trò tích cực trong lịch sử nước họ?
ĐÁP:
Những ai muốn học hỏi kinh nghiệm của chúng tôi dĩ nhiên phải xác định đâu là điều quan trọng nhất đối với họ. Có thể nói thông điệp quan trọng nhất mà tôi có, cho một nhà lãnh đạo trẻ trong tình hình tương tự, chính là: khi cố gắng thay đổi chế độ, bạn không được đi vào vết xe đổ, không được xỏ chân vào đôi giày của người bạn đang lật đổ. Nói cách khác, phải xác định mình đang chuyển hướng cả lịch sử, chứ không phải chỉ thay chính quyền này bằng một chính quyền khác. Thay chính quyền không phải là giải pháp tận gốc.
Chúng tôi thường nói chuyện với những người đến từ các nước vừa diễn ra Mùa xuân Ả Rập, và thấy rằng tại một số nước thì điều xảy ra chỉ là thay thế chế độ đàn áp này bằng một chế độ đàn áp khác mà thôi. Tôi không nghĩ có thể gọi đó là thay đổi thực sự, và đó là lý do tôi muốn khuyên đừng xỏ chân vào giày của người bạn muốn lật đổ. Nếu bạn muốn tạo ra một thay đổi lịch sử, thì thay đổi đó phải rất nền tảng. Bài học quan trọng thứ nhì đó là chúng tôi thay đổi Ba Lan bằng những biện pháp hòa bình.
2.
Vận động xã hội
HỎI:
Làm thế nào để có thể mang lại những thay đổi lớn lao như thế bằng đường lối ôn hòa?
ĐÁP:
Chắc chắn điều đó không xảy ra trong một ngày một giờ, mà là một quá trình phức tạp. Tại Ba Lan đã có nhiều cố gắng thay đổi tình hình, nhưng quan trọng nhất là việc thành lập Công đoàn Đoàn kết năm 1980, và đó không chỉ là một công đoàn độc lập, mà còn là một phong trào đòi hỏi độc lập trên quy mô toàn quốc. Chúng tôi là nước đầu tiên trong Khối Xô-viết dám tổ chức phản kháng quy mô lớn chống lại chính quyền cộng sản.
Không thể nào chúng tôi thắng bằng vũ lực được, đúng không? Mặc dù chế độ áp đặt thiết quân luật, Công đoàn Đoàn kết đã đấu tranh chống lại chế độ độc tài chỉ bằng những biện pháp ôn hòa. Ôn hòa là con đường duy nhất dẫn đến chiến thắng của chúng tôi. Công đoàn Đoàn kết hình thành khi Tổng Bí thư Breznhev còn đang cầm quyền tại Liên Xô, và việc can thiệp quân sự của Liên Xô là mối nguy hiểm rất thật.
Tướng Jaruzelski đã áp đặt thiết quân luật từ tháng 11/1981 đến tháng 7/1983, và sau đó chính quyền cộng sản không muốn Công đoàn Đoàn kết xuất hiện trở lại. Nhưng với chúng tôi, điều kiện nền tảng để tham gia Đàm phán Bàn tròn [1989] là Công đoàn Đoàn kết phải được trả lại tư cách pháp nhân. Đó là điều kiện của chúng tôi, bằng không chúng tôi sẽ không ngồi vào Đàm phán Bàn tròn. Chính quyền thấy khó chấp nhận điều này. Họ dành rất nhiều thời gian để tránh né và không chấp nhận nó, nhưng với chúng tôi đó là điều kiện then chốt.
Đánh đổ chế độ độc tài từ bên trong
Công đoàn Đoàn kết giành lại được tư cách pháp nhân bằng biện pháp ôn hòa là kết quả của những cuộc thương lượng tại Đàm phán Bàn tròn. Chúng tôi được trả lại quyền tham gia đời sống chính trị.
Chúng tôi chấp thuận điều được gọi là “bầu cử hợp đồng” vào Hạ viện Quốc hội. Đảng cầm quyền lúc đó và các đảng vệ tinh được bảo đảm một đa số [65% ghế], và chúng tôi chỉ có thể nắm được 35% ghế. Tuy nhiên, bầu cử hoàn toàn tự do đã diễn ra để chọn Thượng viện Quốc hội, một định chế cũ chưa từng có trong một nước cộng sản nhưng lúc đó được phục hồi.
Chúng tôi nghĩ mình sẽ chỉ tiếp tục là phe đối lập trong chính quyền, nhưng mọi việc tăng tốc quá nhanh. Rõ ràng là Đảng Cộng sản không thể nào lập được một chính phủ có khả năng đưa đất nước Ba Lan ra khỏi tình hình kinh tế hết sức hiểm nghèo. Lạm phát tăng rất cao và tình hình kinh tế thực sự tệ hại. Đảng Cộng sản đã không thành lập được chính phủ, và hai đảng vệ tinh của họ đã rời hàng ngũ cộng sản, nhờ vậy, chúng tôi có được một đa số mới trong Quốc hội.
Khi Lech Walesa, lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết, định giao cho tôi vị trí Thủ tướng, tôi có nói ông nên trực tiếp đứng ra làm Thủ tướng nhưng ông không chịu. Tôi nói với ông tôi hy vọng sẽ được ông hỗ trợ và Công đoàn Đoàn kết sẽ là một tổ chức bao trùm lên chính quyền mới. Tôi cũng nói thẳng với ông là tôi muốn trở thành một Thủ tướng có thực chất, chứ không phải chỉ là bù nhìn. Đây là điều quan trọng, vì trong chế độ cộng sản quyền lực thực sự nằm trong tay Bộ Chính trị, và chính quyền chỉ thuần túy giữ vai trò thừa hành. Tôi nói nếu tôi giữ một vai trò như thế và trở thành người cầm đầu chính quyền mới để tiến hành những thay đổi lớn – lần đầu tiên có việc như thế trong khối Xô-viết – thì trung tâm quyền lực phải nằm ngay trong chính quyền. Tôi dứt khoát không muốn làm Thủ tướng bù nhìn, điều đó có nghĩa sẽ không có một “Bộ Chính trị” mới nào khác, kể cả của chúng tôi, có thể đứng sau giựt dây. Tôi nói tôi sẽ trở thành Thủ tướng thật và rằng chính phủ cũng sẽ là chính phủ thật, và đã có như vậy. Dĩ nhiên, về sau Walesa và tôi bắt đầu có những khác biệt, nhưng trong giai đoạn đầu ông đã hỗ trợ tôi rất nhiều.
Trong vài tháng, chúng tôi là nước duy nhất ở khối Đông Âu tiến hành những thay đổi lớn lao. Các nước khác làm theo sau này. Tôi biết những thay đổi của chúng tôi sẽ ảnh hưởng đến tình hình các nước khác, nhưng tôi không nghĩ mọi sự lại diễn ra nhanh như thế, hoặc những thay đổi trong các nước đó lại sâu đậm như thế. Tôi từng nghĩ có lẽ chúng tôi sẽ là nước duy nhất thuộc khối Đông Âu tiến hành cải cách trong thời gian sắp tới.
Cũng nên nhớ rằng lúc đó ở Ba Lan, Đảng Cộng sản có tới 2,5 triệu đảng viên và các đảng vệ tinh có khoảng nửa triệu đảng viên. Nên tôi nghĩ chính phủ mới cần phải bao gồm tất cả các đảng phái có đại diện trong Quốc hội. Đảng Cộng sản không nên nằm ở vị trí đối lập, đó không phải là vị trí tốt, vì Đảng Cộng sản vẫn có ảnh hưởng quyết định đối với guồng máy an ninh và quân đội. Cứ tưởng tượng mà xem điều gì sẽ xảy ra nếu phe đối lập nắm trong tay quân đội, đó là điều chưa từng thấy. Đó là lý do tôi tin rằng họ phải có mặt trong chính phủ. Mọi lực lượng có đại diện trong Quốc hội phải là một phần của chính phủ.
Tôi hiểu rằng đó sẽ là một chính phủ của những thay đổi nền tảng trong ba lĩnh vực: Xây dựng một đất nước dân chủ; thay đổi hệ thống kinh tế - chúng tôi đối mặt với hai chọn lựa là hoặc sửa chữa nền kinh tế tập trung không hiệu quả hiện nay, hoặc chuyển hẳn qua kinh tế thị trường tự do (chúng tôi đã dứt khoát chọn lối thứ hai); và tái định hướng chính sách đối ngoại cũng như mở cửa ra với phương Tây.
3.
Xây nền cho đàm phán và đối thoại
HỎI:
Một yếu tố xuất hiện trong nhiều cuộc chuyển đổi thành công là phải tạo cơ hội cho lòng tin lớn dậy giữa các phe phái khác nhau và để mọi người hiểu nhau hơn. Ông đã làm thế nào để tạo được những điều kiện thuận lợi, giúp các bên có niềm tin và đối thoại được với nhau, dẫn đến Đàm phán Bàn tròn?
ĐÁP: Chúng tôi hiểu một điều then chốt, đó là chỉ có thể thay đổi nếu gắn được việc phục hồi Công đoàn Đoàn kết với việc cải thiện tình hình kinh tế Ba Lan.. Đây là điều quan trọng, vì rất khó để nói đến lòng tin. Thực ra lúc đó không bên nào tin bên nào. Nhưng có một yếu tố giúp bảo đảm sẽ có đối thoại không bịp bợm, đó là Giáo hội Công giáo. Sự hiện diện của một nhân tố như thế trong các cuộc đàm phán giữa những kẻ cầm quyền và phe đối lập là điều rất quan trọng trong trường hợp của chúng tôi.
Mãi cho đến gần cuối quá trình Đàm phán Bàn tròn, tôi vẫn chưa thể chắc liệu chính quyền có đưa ra những điều kiện mà chúng tôi chấp nhận được để phục hồi Công đoàn Đoàn kết hay không. Nhưng một khi đã ngồi vào bàn đàm phán thì người ngồi bên kia sẽ biết năng lực của anh và anh biết người kia, biết họ có thể làm gì và không thể làm gì. Lần hồi thì chúng tôi hiểu cái thế của nhau rõ hơn và sự hiểu biết này rất quan trọng.
4.
Công bằng và hòa giải
HỎI:
Những cải cách chính trị then chốt nào là ưu tiên khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng? Quan điểm và hành động của ông cũng như chính phủ của ông là gì?
ĐÁP:
Đầu tiên, cần nói rằng tôi muốn mọi người cùng nhau tạo ra những thay đổi, vì vậy tôi đã nói chúng tôi phải vạch một “đường ranh đậm” tách quá khứ với hiện tại, và chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm với những gì mình sẽ làm từ thời điểm đó trở về sau. Chúng tôi biết quá khứ đè nặng lên mình như thế nào, nhưng chúng tôi muốn chịu trách nhiệm chỉ với những việc mình làm mà thôi. Tôi phải nhấn mạnh rằng ban đầu mọi người đều đồng ý về điểm này. Về sau, chính điểm này lại trở thành cái cớ để người ta chỉ trích tôi, cáo buộc rằng tôi cố ý không muốn kết án những người cộng sản vì việc họ làm trong quá khứ. Thực ra, tôi muốn họ phải chịu trách nhiệm, nhưng tôi tin rằng đó là chủ đề của các cuộc thảo luận chính trị và cũng là vấn đề để tòa án tư pháp giải quyết, nhất là khi có liên quan đến tội phạm. Tôi không nghĩ đó là việc làm của chính phủ hành pháp. Tôi tin rằng vai trò của chính phủ là mang lại dân chủ cho mọi người.
Như tôi đã nói, kinh nghiệm quan trọng nhất tôi muốn chia sẻ với các nhà dân chủ khác là đừng nên xỏ chân vào giầy của kẻ đi trước. Đó là cốt lõi vấn đề. Trong chế độ cũ, là những người Công giáo, người có niềm tin, chúng tôi đã bị đối xử như những công dân hạng hai so với các đảng viên. Vì vậy, chúng tôi không muốn lại đối xử với những đảng viên Đảng Cộng sản như những công dân hạng hai, vì chúng tôi tin rằng dân chủ có nghĩa là dân chủ cho mọi người, tự do là tự do cho mọi người, và những tiến bộ có tính lịch sử chỉ diễn ra nếu định luật này được tuân thủ.
Đó chính là niềm tin then chốt và nền tảng dựa trên đó chính phủ của tôi tiến hành cải cách – mở cửa dân chủ cho tất cả mọi người. Thực ra, điều tôi nói có nghĩa là từ đó trở đi, sẽ có một khởi đầu hoàn toàn mới. Ý nghĩa sâu xa hơn là mọi người đều có tương lai trong thể chế dân chủ. Tạm gác quá khứ là một phần quan trọng của chính sách cải cách, về sau điều đó mang lại nhiều cuộc tranh cãi, nhưng trên hết, nó giúp chuyển đổi diễn ra theo từng bước một.
Đặt ra chính sách ưu tiên
Về những thay đổi then chốt, tôi nghĩ thực ra mọi thứ đều cần phải thay đổi, trong mọi lĩnh vực. Cải tổ đại học chẳng hạn. Trong khi các trường đào tạo cấp cao muốn được độc lập và nhiều tự do hơn, thì chúng tôi cũng muốn mang lại tự do học thuật, muốn thực hiện những thay đổi quan trọng trong việc dậy sử chẳng hạn, là điều ảnh hưởng lên mọi bậc học. Thực ra, không một lĩnh vực nào không cần thay đổi. Vì vậy, tôi muốn mọi người tham gia, không trừ ai.
Một trong những cải cách quan trọng nhất của nội các do tôi cầm đầu là cải cách chính quyền địa phương, nghĩa là thiết lập cho được dân chủ ở địa phương. Các cuộc bầu cử địa phương hoàn toàn tự do đầu tiên diễn ra vào mùa xuân 1990. Truyền thống dân chủ địa phương có từ lâu đời đã bị chế độ cộng sản nghiền nát. Nó không còn tồn tại nữa, vì vậy chúng tôi phải làm lại từ đầu.
Quyền xã hội và chính trị
Vấn đề thứ hai là bảo đảm tự do báo chí và tự do hội họp. Khi tôi đang chọn người để lập chính phủ, có rất nhiều tổ chức chính trị đối lập khác nhau nhưng họ chưa có tư cách pháp nhân, tuy vậy tôi vẫn nói chuyện với họ như thể họ hợp pháp. Một cách nào đó, bạn có thể nói tôi đã hợp pháp hóa họ trên thực tế.
Mãi đến năm 1997 chúng tôi mới thay đổi được Hiến pháp, dù trước đó Quốc hội đã cố gắng thay đổi nhiều lần. Có thể tôi sai nhưng tôi vẫn nghĩ những cải cách cốt lõi mới là điều quan trọng nhất, còn thay đổi Hiến pháp chỉ là việc tất yếu sẽ theo sau mà thôi. Những thay đổi cốt lõi mà chúng tôi thực hiện chính là những thay đổi mang lại dân chủ.
Một lĩnh vực then chốt khác đó là nền kinh tế. Chúng tôi phải xử lý nạn lạm phát quá đà trước mắt, nhưng cùng lúc phải đưa ra luật lệ để cuối cùng có thể chuyển đổi được cơ chế kinh tế. Chúng tôi thông qua một loạt các đạo luật để làm việc này, và những thay đổi này diễn ra giữa năm 1989 và 1990.
5.
Ảnh hưởng quốc tế
HỎI:
Chiến lược ngoại giao của ông là gì? Những nhân tố bên ngoài và tình hình quốc tế ảnh hưởng ra sao đến cuộc chuyển đổi ở Ba Lan?
ĐÁP:
Về chính sách ngoại giao, rất cần phải xoay chiều đất nước chúng tôi về phương Tây, dù lúc đó chúng tôi phải đối diện với một ông láng giềng phương Đông có các căn cứ quân sự và khoảng 200.000 quân Xô-viết trên lãnh thổ Ba Lan. Tuy nhiên, tình hình đã khác rồi, đó là thời kỳ của Gorbachev và perestroika. Người cầm đầu cơ quan mật vụ Liên Xô KGB, ông Vladimir Kryuchkow, bất ngờ đến Warsaw. Lúc đó tôi đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng, nhưng chưa kịp lập nội các. Tôi được khuyên rằng tôi nên gặp ông ấy thì tốt hơn, rằng chuyến viếng thăm của ông là một phần cuộc đổi chác nào trước đó, nhờ vậy ông mới đến được Warsaw, và thế là tôi tiếp ông. Với tôi, điều quan trọng là những điểm chính chúng tôi nói với nhau sẽ đến tận tai Gorbachev, đó là: Chúng tôi sẽ là một quốc gia thân thiện, nhưng các quyết định phải được đưa ra tại đây, tại Warsaw, thủ đô Ba Lan. Đó là thông điệp chính.
Rome thay Moscow
Tôi cũng rất muốn rằng chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi [trong vị trí Thủ tướng] sẽ là đến thăm Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tại Rome. Với tôi, việc này thật quan trọng. Dưới chế độ cộng sản, các lãnh tụ vẫn đi đến Moscow ra mắt, còn tôi lại đến Rome. Điểm này có tính biểu tượng cao, không phải vì tôi không đi Moscow, mà vì tôi đi thăm Đức Giáo hoàng.
Hơn nữa, cú điện thoại đầu tiên tôi gọi từ văn phòng Thủ tướng là gọi cho Đức Giáo hoàng. Lúc đó tôi mới được Quốc hội bổ nhiệm làm Thủ tướng nhưng chưa lập nội các. Tôi gọi điện thoại gặp được Đức ông Dziwisz, và tôi thật ngạc nhiên khi ông đáp: “Vui lòng chờ giây lát”, và rồi Đức Giáo hoàng đến bắt điện thoại. Tôi ngạc nhiên vì ngài bắt điện thoại. Ngày nay, Giáo hoàng có thể dùng Twitter để trò chuyện, nhưng vào thời đó tôi chưa quen như thế. Hồng y Wojtyla (tức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, hậu duệ của Hồng y Sapieha) là người tôi biết không bao giờ bắt điện thoại, nên tôi ngạc nhiên khi Wojtyla làm vậy. Ngài biết Quốc hội đã bổ nhiệm tôi để lập chính phủ, chúng tôi nói chuyện ngắn gọn nhưng rất ấm lòng.
Giáo hội giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc chuyển đổi này. Dưới thời thiết quân luật, chúng tôi vẫn giảng đạo trong các tòa nhà của Giáo hội, vân vân. Đến giai đoạn Đàm phán Bàn tròn, đại diện của Giáo hội cũng tham dự. Việc họ tham dự thật quan trọng với chúng tôi, vì họ đã bằng cách nào đó, nâng cao được mức độ đáng tin của các cuộc đàm phán, mặt khác, sự có mặt của họ là một bảo đảm cho chúng tôi. Tóm lại, có thể nói vai trò của Giáo hội là rất then chốt trong cuộc chuyển đổi của Ba Lan.
Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã ủng hộ Công đoàn Đoàn kết khi công đoàn bị cấm. Ngài đã nói về ý niệm đoàn kết và hiệp thông khi rao giảng tại nhiều nước và các lục địa khác nhau. Vai trò của ngài vì vậy rất quan trọng với tôi, với chúng tôi, với Ba Lan.
Giáo hoàng, Reagan, Gorbachev, Công đoàn
Phóng viên nước ngoài thường hỏi tôi nghĩ điều gì có tác động lớn nhất trong cuộc chuyển đổi, đó là vai trò của Giáo hoàng, của Reagan, của Gorbachev, hoặc của Công đoàn Đoàn kết? Tôi luôn đáp là tất cả những yếu tố này đều góp phần vào giây phút lịch sử khi chuyển đổi diễn ra.
Về vai trò của Giáo hoàng, hãy mượn câu đặt vấn đề nổi tiếng của Stalin “Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?” để xem xét. Đúng là Giáo hoàng không có sư đoàn nào, nhưng có sức mạnh tinh thần vô cùng lớn. Việc bản thân ngài là người Ba Lan càng mang lại cho đất nước Ba Lan chúng tôi sức mạnh tinh thần, giữ cho Ba Lan sống còn, duy trì tinh thần Ba Lan, và làm mọi người tin rằng mọi việc đều có ý nghĩa. Và ngài chưa từng lùi bước khi làm như vậy.
Thời gian tôi bị giam, tôi viết thư chui cho Đức Giáo hoàng vào tháng 1/1982. Trong thư, tôi viết rằng sẽ không có thay đổi trọng đại nào nếu không phục hồi được thành quả chúng tôi đã đạt được trong năm 1980 [tức Công đoàn Đoàn kết]. Và tôi nhận được tấm thiệp trả lời của ngài gửi vào trại giam, sau này người ta in lại tấm thiệp này, trên có dòng chữ: “Tôi đã đọc lá thư của anh mấy lần. Tôi chia sẻ tâm tư của anh.” Cũng phải nhấn mạnh rằng Đức Giáo hoàng, khác với một số giám mục khác, đã không bao giờ ngưng ủng hộ Công đoàn Đoàn kết. Chúng tôi biết mình có thể tin cậy ngài, ngài như một khối đá tảng. Và điều đó thực sự rất quan trọng.
Bạn có thể nói Tổng thống Reagan [nhiệm kỳ 1981-89] đã chiến thắng cuộc đua công nghệ và Liên Xô không thể bắt kịp. Gorbachev cũng rất quan trọng. Đó là thời kỳ của những hy vọng cao vời và thay đổi lớn lao, thời của perestroika chứ không còn là thời Brezhnev nữa. Perestroika tạo ra một không khí mới. Một điểm tôi muốn nói thêm về những ngày này là ấn tượng của tôi khi lần đầu đến thăm Liên Xô. Tôi thấy perestroika bị chống đối rất nhiều. Và cũng không gì có thể xảy ra nếu không có Công đoàn Đoàn kết, là phong trào duy trì và đấu tranh cho những thay đổi tại Ba Lan.
Đó là lý do tôi nói tất cả những yếu tố trên đều có tác dụng.
Ngoại giao cứng và mềm
Hãy trở lại với đề tài về thay đổi. Như tôi đã nói với đại diện Liên Xô, chúng tôi sẽ thân thiện với Liên Xô, nhưng các quyết định phải được đưa ra tại Warsaw. Lúc đó, chúng tôi vẫn là thành viên Khối Warsaw, nhưng lập trường của chúng tôi được khẳng định trong diễn văn đầu tiên tôi đọc – rằng không được dùng Khối Warsaw để nhúng tay vào nội bộ của Ba Lan. Dưới một góc nhìn nào đó, Khối Warsaw vẫn tồn tại.
Lúc đó chúng tôi tin Châu Âu sẽ thay đổi, rằng những sự kiện ở Ba Lan rồi sẽ thay đổi Châu Âu, nhưng đó sẽ là một quá trình tiệm tiến, và cũng là lý do chúng tôi muốn quan hệ với các nước láng giềng phía Đông được êm thắm. Lần hồi, chính sách đối ngoại của chúng tôi đã giúp Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao với không chỉ Moscow, mà còn với Vilnius (Lithuania), Tallinn (Estonia), Riga (Latvia), và Kiev (Ukraina). Chúng tôi từng bước thiết lập quan hệ với các nước thuộc Liên bang Xô-viết, sau này họ trở thành các nước độc lập.
Về quan hệ với phương Tây, Châu Âu lúc đó đang muốn củng cố sức mạnh nội tại, còn chúng tôi lại thấy cơ hội mở rộng Liên minh Châu Âu (EU). Tư cách thành viên EU khi ấy dĩ nhiên không được nhắc đến. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý tưởng và ý kiến khác nhau về hình hài Châu Âu sắp tới. Về phần Ba Lan, chúng tôi đơn giản muốn tái lập quan hệ với các nước dân chủ phương Tây, và cho họ thấy chúng tôi có cùng mục tiêu là xây dựng một thể chế hoàn toàn dân chủ.
***
6.
Cải cách kinh tế
HỎI:
Nhìn lại giai đoạn này, ông thấy những quyết định nào của ông là khó khăn nhất? Tại sao lại khó như vậy?
ĐÁP:
Có những quyết định lớn khó khăn, có cả những quyết định nhỏ khó khăn. Về những việc lớn có tính bao quát thì một quyết định rất quan trọng và khó khăn là quyết định lèo lái nền kinh tế qua hướng kinh tế thị trường tự do, tức là thay đổi thể chế tận gốc. Niềm tin tôn giáo của tôi khiến tôi thiên về chủ nghĩa xã hội nhân bản, nhưng tôi lại bị thử thách là phải phục hồi chủ nghĩa tư bản. Trước đây, chưa ai đi ngược đường như vậy [từ xã hội chủ nghĩa tiến lên tư bản chủ nghĩa].
Tuy nhiên, các cố vấn thuyết phục được tôi là chúng tôi phải thay đổi tận gốc, phải hướng về một hệ thống đã từng thành công, đó là nền kinh tế thị trường tự do. Khi tiến hành thay đổi, tôi nhận ra rằng những sáng tạo to lớn của chủ nghĩa xã hội, tức những nhà máy vĩ đại của nó, chắc chắn sẽ phá sản vì không hề có tính cạnh tranh. Nhưng chúng lại chính là nền tảng xây nên Công đoàn Đoàn kết. Đó là một quyết định rất khó khăn với tôi về mặt nguyên tắc đạo đức.
Tôi cũng cho rằng khi kinh tế phát triển và sau khi chúng tôi cải tổ được nó, chúng tôi sẽ chú tâm hơn đến vấn đề an sinh xã hội, nhưng cái giá phải trả cho chuyển đổi là rất lớn, không cần bàn cãi. Đó là ví dụ về một quyết định lớn, một quyết định rất khó cho tôi về mặt nguyên tắc đạo đức. Dĩ nhiên có những quyết định khác, cụ thể hơn, cũng khó khăn. Chẳng hạn có lần các cuộc biểu tình nổ ra và một tuyến đường giao thương quốc tế bị chặn lại. Tôi đã phải dùng đến lực lượng cảnh sát để giải tỏa. Không có gì tệ hại xảy ra ở đó, nhưng với tôi đó là một quyết định khó khăn.
***
7.
Điều hối tiếc
HỎI:
Có một quyết định nào, hay một phán quyết nào, mà nếu phải làm lại lần nữa, ông sẽ làm khác đi không?
ĐÁP:
Một trong những quyết định rất khó khăn của chúng tôi là giải thể các nông trường quốc doanh. Những nông trường này không thể tồn tại được, vì chúng được bao cấp bởi ngân sách nhà nước và nhà nước không thể tiếp tục gánh vác. Chúng tôi phải giải thể chúng.
Chúng tôi đã mong rằng nông dân sẽ sẵn sàng sở hữu đất đai của nông trường. Hóa ra, họ lại không muốn sở hữu đất đai, họ không cảm thấy đất đai là của họ, họ cảm thấy họ chỉ là công nhân làm nông, chứ không có suy nghĩ như những nông dân thực thụ. Điều tương tự cũng xảy ra tại Tiệp Khắc nữa. Kết quả là việc chuyển đổi đã trở nên rất khó khăn cho những gia đình này, cho những nhóm người này, đặc biệt là ở miền bắc và miền tây Ba Lan, nơi đã có rất nhiều nông trường loại này.
Chắc chắn rồi, tôi ước gì mình đã rút ra được kinh nghiệm từ tình hình lúc đó – tôi nghĩ chúng tôi đã thiếu một số chương trình để hỗ trợ, vận động những nhóm người này, nhưng lúc đó mọi sự đều rất khó khăn. Đến giờ tôi vẫn thỉnh thoảng thấy hối tiếc vì những gì mình chưa làm được trong vụ này.
***
8.
Cải cách kinh tế cấp bách
HỎI:
Chúng tôi có thể học điều gì từ kinh nghiệm Ba Lan về những cải cách kinh tế?
ĐÁP:
Khi nói về những vấn đề kinh tế và việc thay đổi hệ thống, quyết định phải được đưa ra nhanh chóng trong giai đoạn mới lên cầm quyền. Càng trì hoãn những thay đổi này bao nhiêu thì càng khó bấy nhiêu. Đó là những quyết định khó khăn, nhưng bạn phải đối diện với nó một cách quyết liệt và sớm sủa.
***
9.
Người hỗ trợ
HỎI:
Một số nhà lãnh đạo chuyển đổi nghe theo lời cố vấn trong hầu hết mọi việc, vì các cố vấn đều có chuyên môn riêng. Ngược lại, cũng có những nhà lãnh đạo không tham khảo ý kiến cố vấn bao nhiêu khi phải đưa ra một quyết định khó. Cách ông giải quyết những vấn đề khó là như thế nào?
ĐÁP:
Có thể nói trong trường hợp của tôi, có hai yếu tố liên quan đến nhau, đó là tôi có niềm tin tôn giáo, và tôi biết cởi mở lắng nghe các ý kiến khác biệt. Về niềm tin tôn giáo, tôi có thể nói rằng trong giáo huấn Công giáo có ý niệm gọi là “trạng thái ân sủng”. Điều này nghĩa là nếu có ai đó phải giữ trọng trách thì họ sẽ được ơn trên phù hộ. Phải nói là tôi cảm nhận được sự phù hộ đó, không chỉ về tinh thần mà còn về thể chất nữa.
Chẳng hạn trước đây, chưa bao giờ tôi có thể ngưng việc để nghỉ ngơi trong ít phút rồi trở lại làm việc, tôi thường chỉ làm việc liên tục đến khi mệt thì thôi. Nhưng khi tôi làm Thủ tướng, tôi có thể ngưng mọi việc trong nửa giờ, thư giãn, rồi trở lại làm việc và cảm thấy tỉnh táo trở lại. Có lẽ đây là một ví dụ lặt vặt, nhưng với tôi lại là điều rất quan trọng. [Năm 1989, trong lần Mazowiecki đọc diễn văn đề cử nội các mới với Quốc hội, đang đọc ông bỗng bị choáng váng, chóng mặt, phải gián đoạn và nghỉ một giờ trước khi có thể tiếp tục. Quốc hội sau đó vẫn bỏ phiếu duyệt danh sách nội các với tỉ lệ cao nhất 402-0.*]
Tôi thường bị chỉ trích vì các cuộc họp nội các của tôi quá dài, thường kéo dài đến đêm khuya. Tôi luôn cho nội các họp vào thứ hai, bắt đầu vào buổi chiều và kéo dài đến đêm. Lý do là vì tôi muốn có thì giờ cho các bộ trưởng lên tiếng. Tôi thực sự muốn họ có ý thức về trách nhiệm đã được tín nhiệm giao cho họ.
Tôi có một nhóm nhỏ các cố vấn nòng cốt – một cố vấn kinh tế, một chính trị, và một đối ngoại. Tôi có quan hệ rất thân cận với Phó Thủ tướng Balcerowicz và Jacek Kuron. Kuron là Bộ trưởng Lao động, người rất quan trọng vì ông có quan hệ tuyệt vời với người dân. Tôi tin rằng toàn thể chính phủ phải ý thức được trách nhiệm của mình. Với tôi, điều quan trọng là các buổi họp nội các không phải chỉ là những cuộc họp giao ban, nhưng phải là nơi tạo ra được sự đồng thuận trong chính phủ, đó là điều rất hệ trọng. Nhưng dĩ nhiên, tôi vẫn có tiếng nói quyết định chung cuộc với tư cách là Thủ tướng.
***
10.
Đảng phái và đất nước
HỎI:
Công đoàn Đoàn kết giữ một vai trò rất quan trọng với tư cách một phong trào phản kháng, nhưng lại gặp khó khăn khi ra cầm quyền. Ban đầu ông được Walesa ủng hộ, nhưng rồi có sự ngăn cách khi ông ra tranh cử Tổng thống với Walesa. Đâu là sự khác biệt giữa việc làm tốt vai trò đối lập và làm tốt vai trò cầm quyền? Tại sao Công đoàn Đoàn kết và Walesa không thể chuyển hóa từ vai trò đối lập qua vai trò dẫn đầu một liên minh đa số để ổn định chính quyền?
ĐÁP:
Công đoàn Đoàn kết, như tôi đã nhắc đến, không chỉ là một nghiệp đoàn, mà còn là một phong trào quốc gia đòi độc lập có quy mô lớn. Chúng tôi nhận ra rằng trong nội bộ Công đoàn Đoàn kết có những khác biệt quan điểm vô cùng lớn. Chúng tôi có đủ cánh hữu rồi cánh tả, và biết rằng từ tả đến hữu cũng là một biên độ rất rộng. Tôi đã đánh giá thấp nhu cầu thành lập sớm những đảng phái chính trị.
Lúc ấy bản thân tôi không thành lập chính đảng nào, nhưng đảng phái bắt đầu xuất hiện quanh tôi. Trong một thời gian, chúng tôi nghĩ việc Công đoàn Đoàn kết phân chia thành các chính đảng, theo truyền thống thông thường, sẽ không xảy ra nhanh chóng, và rằng Công đoàn Đoàn kết sẽ tiếp tục tồn tại như một phong trào thống nhất thêm một thời gian dài nữa. Nhưng những khác biệt vừa nói bắt đầu xuất hiện, và các chuyển động chính trị bắt đầu lộ diện. Với chúng tôi, tiến hành cải cách là vì lợi ích cho đất nước. Chúng tôi đặt quyền lợi của đất nước trên hết. Suy nghĩ đầu tiên là về đất nước, không phải về đảng phái. Đó là điểm mạnh và cũng là điểm yếu khi chúng tôi đã không tạo ra hệ thống chính đảng.
Điểm mạnh vì quyền lợi của đất nước được đặt trên quyền lợi đảng. Là Thủ tướng, tôi hiểu nước mình yếu kém ra sao và biết đất nước phải thay đổi để mạnh lên. Tôi cũng thấy quyền lợi của đất nước quan trọng hơn nhiều quyền lợi của các đảng khác nhau. Tôi như được thúc giục đi theo hướng đó.
Tôi sẽ chẳng bao giờ ra tranh cử Tổng thống với Walesa nếu ông ấy không tấn công chương trình hành động chính trị của chính phủ tôi, ngay lúc đó tôi nửa muốn nửa không, nhưng vẫn làm vì sợ ông ấy sẽ phá hỏng đường hướng của chúng tôi. Thế là tôi quyết định tranh cử Tổng thống để bảo vệ lộ trình của chính phủ, vì đó là lộ trình cho cả nước chứ không dành cho một phe phái nào.
Tôi xem Walesa như một lãnh tụ nhân dân xuất sắc, nhưng không nhất thiết là người cầm quyền tốt nhất. Dĩ nhiên, những khó khăn Walesa đương đầu là rất thật. Không ai phủ nhận vai trò vĩ đại mà ông đảm nhiệm, nhưng tìm được đúng chỗ cho ông trong cấu trúc quyền lực mới là cả một vấn đề lớn.
***
11.
Lãnh tụ độc tài thúc đẩy chuyển đổi
HỎI:
Ông đánh giá ra sao về những thay đổi trong nội bộ Đảng Cộng sản, và vai trò của [Tổng Bí thư / Tổng thống] Jaruzelski?
ĐÁP:
Tướng Jaruzelski trong vai trò Tổng thống, đối với tôi, là một đối tác biết tuân thủ luật chơi.
Tôi chưa bao giờ đồng ý với ông ấy về quyết định áp đặt thiết quân luật tại Ba Lan. Khi chúng tôi gặp nhau – tôi trong vai trò Thủ tướng và ông trong vai trò Tổng thống – ông thường nhắc đến việc này. Ông nói muốn nhắc đến vì ông là người áp đặt thiết quân luật và tôi là người chịu hậu quả, bị bắt vì thiết quân luật. Tôi bảo ông rằng chúng ta có những cái nhìn khác nhau, vì tôi vẫn tin rằng ông có thể làm nhiều hơn nữa để tránh áp đặt thiết quân luật. Tuy nhiên, đúng là ông ấy sợ Liên Xô can thiệp.
Khi làm Tổng thống, ông tuân thủ luật chơi. Sau khi Đảng Cộng sản sụp đổ, một số đảng viên cũ đã đứng ra thành lập một đảng mới. Để tự thân chuyển đổi sâu sắc đòi hỏi nhiều thời gian và không phải lúc nào tổ chức hậu thân của Đảng Cộng sản này cũng thực hiện được, nhưng không nghi ngờ gì nữa, họ hiểu tầm quan trọng của cuộc chuyển đổi qua dân chủ và đã đóng tròn vai trò của mình.
***
12.
Cải tổ lực lượng an ninh và quân đội
HỎI:
Thời chế độ cộng sản độc tài tại Ba Lan, lực lượng an ninh giữ vai trò hết sức quan trọng. Rồi Ba Lan chuyển đổi qua chính thể mới, dân chủ và cởi mở, nhưng dân chủ thì vẫn cần các lực lượng an ninh. Ông đã cải tổ các lực lượng an ninh này bằng cách nào?
ĐÁP:
Cấu trúc ban đầu của chính phủ là giữ lại Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng (cùng các bộ trưởng là đảng viên Đảng Cộng sản, họ giữ các vị trí này đến giữa thập niên 1990). Nhưng tôi cũng muốn có một tiếng nói trong các bộ này. Ý tưởng ban đầu là thành lập một “ủy ban chính trị” gồm những nhân vật dân sự, nhưng tôi nhanh chóng thấy rằng đây sẽ chỉ là những vị trí hình thức mà thôi.
Vì vậy, vào mùa xuân 1990, tôi đã bổ nhiệm Thứ trưởng cho mỗi bộ vừa kể. Tôi bổ nhiệm Krzysztof Kozlowski làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bổ nhiệm Janusz Onyszkiewicz và Bronislaw Komorowski (Tổng thống Ba Lan 2010-2015) làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đối với họ, các vị trí này hoàn toàn mới vì họ không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực an ninh. Điều duy nhất tôi có thể giúp họ là những chỉ dẫn chung rằng họ phải tự thân vận động và khẳng định mình, tìm hiểu điều gì đang diễn ra và từng bước thay đổi chúng.
Tôi muốn nói thêm về các cơ quan an ninh. Những cải tổ ngành an ninh do Tướng Kiszczak (Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đảng viên Đảng Cộng sản) đề xuất chỉ mang tính hình thức, chúng tôi không hài lòng và nội các đã bác bỏ. Đến giữa thập niên 1990, Tướng Kiszczak rời bỏ chức vụ và Krzysztof Kozlowski trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bản thân việc này đã là một thay đổi lớn lao.
Khi Kozlowski nắm quyền, chúng tôi đã cho thay thế các cơ quan an ninh hiện tại bằng Cục Bảo vệ An ninh Quốc gia (Uezad Ochrony Panstwa, viết tắt là UOP), và xét duyệt lại hàng ngũ nhân viên. Khoảng 16.000 nhân viên an ninh đã nghỉ việc; một số về hưu và một số nghỉ việc vì không vượt qua được quá trình xét duyệt. Hàng ngũ nhân sự UOP bao gồm một số cán bộ trước làm cho cơ quan an ninh cộng sản và một số nhân sự mới, trẻ tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm nhưng học hỏi nhanh chóng. Và đó là cách thức chúng tôi khởi xướng những thay đổi trong lĩnh vực an ninh.
Còn về quân đội, chúng tôi đã bãi bỏ vai trò của các chính ủy, một vai trò tiêu biểu của hệ thống Xô-viết. Thay vào đó, chúng tôi phục hồi một số yếu tố truyền thống, và bằng cách làm sống lại các truyền thống của quân đội Ba Lan, vốn gắn bó chặt chẽ với quyền lợi quốc gia, tinh thần của quân đội đã lần hồi được cải thiện.
Chúng tôi từng bước đặt quân đội dưới quyền kiểm soát dân sự, chứ không chỉ đơn giản thay ông tướng này bằng ông tướng khác. Đưa kiểm soát dân sự vào quân đội là một quá trình gian khó vì từ trước đến nay Ba Lan chưa từng có điều này. Giữa hai cuộc Thế chiến, chưa bao giờ dân sự kiểm soát được quân sự. Lúc đó chỉ có những nhân vật quân sự tham gia chính trị chứ chưa có điều ngược lại. Vì vậy quá trình này cần nhiều thời gian.
Nhìn chung, chúng tôi chọn cách xét duyệt lại nhân sự các cơ quan an ninh và cho nghỉ việc những ai đã tự làm mất uy tín của mình, nhất là khi họ tham gia đàn áp phía đối lập và Giáo hội Công giáo trước đây. Chúng tôi muốn có những con người mới.
***
13.
Bộ trưởng nội vụ
HỎI:
Trong chính phủ, ông có sợ quân đội can thiệp bằng cách nào đó không?
ĐÁP:
Không. Điều tôi sợ, khi là Thủ tướng, là sợ một hình thức kích động nào đó. Dưới chế độ cũ, một tội ác khủng khiếp đã xảy ra. Linh mục Jerzy Popieluszko đã bị hai nhân viên cơ quan an ninh bắt cóc và giết chết dã man. Tôi sợ một kiểu kích động như vậy nhắm vào chúng tôi, có thể nhắm thẳng vào tôi, hoặc là vào các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì họ đã ngồi vào Đàm phán Bàn tròn với chúng tôi. Vì vậy, tôi giữ Tướng Kiszczak ở vị trí Bộ trưởng Nội vụ vì tôi nghĩ ông là một đảm bảo chống lại những mưu toan kích động như thế.
Bạn có thể bảo “Nhưng Đảng Cộng sản lúc đó sụp đổ rồi, việc gì phải lo.” Đúng, nó đã sụp đổ, nhưng ảnh hưởng của nó đối với quân đội vẫn còn rất mạnh, chúng tôi phải thấy được điều đó và ứng phó. Kiszczak đã thay mặt họ lãnh trách nhiệm thực thi các thỏa thuận đã ký tại Đàm phán Bàn tròn. Tuy nhiên, tôi không mong Kiszczak sẽ cải tổ Bộ Nội vụ. Tôi biết cải tổ nó là việc mà những người thay mặt tôi, người của tôi, sẽ thực hiện. Và đó là điều đã diễn ra trên thực tế.
***
14.
Cải tổ Hiến pháp
HỎI:
Ông đã cải tổ Hiến pháp bằng cách nào?
ĐÁP:
Các sửa đổi Hiến pháp đã được đưa ra giữa năm 1989 và 1990. Tất cả những điều khoản nhằm duy trì một nhà nước toàn trị đều được xóa bỏ khỏi Hiến pháp. Bạn cần phải hiểu một điều, đó là Hiến pháp trong các nước thuộc khối Xô-viết đều rất đẹp, trên giấy tờ nghe rất dân chủ, nhưng trên thực hành lại hoàn toàn trái ngược vì có những lực lượng còn cao hơn cả Hiến pháp, đó là Đảng Cộng sản và trên đó nữa còn có một “Ông Trùm” là Liên Xô.
Chúng tôi đã xóa bỏ mọi điều khoản phi dân chủ. Đến cuối tháng 12/1989, chúng tôi đã xóa bỏ tất cả những gì là tiêu biểu của chủ nghĩa chư hầu vệ tinh hoặc những gì đại diện cho nền luật pháp phi dân chủ. Chúng tôi sửa đổi Hiến pháp hiện hành, và cải tổ Hiến pháp đã bắt đầu ngay lập tức, nhưng chúng tôi đã không thông qua một Hiến pháp mới, dù có kế hoạch. Chúng tôi không vội thông qua Hiến pháp mới, vì sợ rằng nếu có một Hiến pháp được Quốc hội thông qua – trong khi Quốc hội chưa được bầu chọn hoàn toàn tự do – thì sẽ có những khiếu nại là Hiến pháp không hợp lệ. Chúng tôi cho rằng nên hoãn việc soạn thảo và thông qua một Hiến pháp mới cho đến sau khi có bầu cử Quốc hội hoàn toàn dân chủ.
***
15.
Chính thể
HỎI:
Ông có bao giờ nghĩ lại về việc áp dụng “Bán Tổng thống Chế” thay vì Đại nghị Chế hay Tổng thống Chế toàn phần không?
ĐÁP:
Thể chế của chúng tôi tạo lợi thế cho phía chính phủ, nhưng vẫn có sự cân bằng giữa chức năng của Tổng thống và của chính phủ. Dù một số người chỉ trích, nhưng tôi nghĩ thể chế này hiệu quả, với điều kiện là các bên có tinh thần hợp tác với nhau. Nếu không có tinh thần hợp tác thì không luật lệ nào có thể thay thế được.
Tôi muốn chỉ ra rằng mọi chế độ Tổng thống được áp dụng trong các nước hậu cộng sản đều đã sớm trượt dài và rất dễ dàng trở thành chế độ cá nhân trị. Chúng tôi đã tránh được tình trạng này. Tại Ba Lan, nền tảng dân chủ đã được thiết lập vững chắc.
Tôi cũng nghĩ chúng tôi đã thành công trong việc lọt vào các cấu trúc dân chủ phương Tây như EU và NATO. Đó là điều diễn ra sau này, còn trong thời tôi làm Thủ tướng thì ý tưởng chính là mở cửa ra với các nước dân chủ phương Tây và thiết lập thể chế dân chủ tại Ba Lan.
Cũng vào lúc đó, các nhà lãnh đạo phương Tây sợ rằng chúng tôi sẽ cản đường cải cách của Liên Xô và cản trở perestroika của Gorbachev. Đó là một trong những lo ngại chính lúc bấy giờ. Thực ra, chúng tôi hoan nghinh nỗ lực cải cách của Gorbachev. Chúng tôi không hề muốn cản trở đường lối ông đi, nhưng sự việc xảy ra là các cuộc chuyển đổi đã diễn ra dồn dập, khiến ông không còn kiểm soát được tình hình nữa.
(Hết phỏng vấn Tadeusz Mazowiecki.)
___
Phần 4: Ba Lan, mốc thời gian 1970-2010
· Tháng 7/1970: Công nhân các xưởng đóng tàu đình công chống tăng giá nhu yếu phẩm. Công an theo lệnh chính quyền và Đảng Cộng sản Ba Lan (tên chính thức là Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan) đàn áp bằng bạo lực.
· Tháng 6/1976: Công nhân biểu tình chống tăng giá thức ăn. Giới trí thức Warsaw thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR) để giúp đỡ những công nhân hoạt động bị bắt, sau này mở rộng hoạt động sang lĩnh vực in ấn chui.
· Tháng 10/1978: Hồng y Ba Lan Karol Wojtyla trở thành Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, vị Giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên sau 455 năm. Ngài chủ trương chống đàn áp tại Ba Lan và những nơi khác.
· Tháng 6/1979: Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đến thăm Ba Lan lần đầu tiên, cuộc đón tiếp được Giáo hội và người dân Ba Lan tự tổ chức. Ngài thu hút những đám đông khổng lồ đến dự lễ và đông đảo khán giả truyền hình, giúp nhiều người thấy tự tin vào khả năng tự tổ chức mà không cần dựa vào chính quyền.
· Tháng 8/1980: Chính quyền cho tăng giá cả, dẫn đến cuộc đình công “chiếm đóng nhà máy” do nhà hoạt động công nhân Lech Walesa lãnh đạo. Công nhân tại các nhà máy gần đó đình công đồng hành. Người đình công và lãnh đạo của họ đòi cắt giảm giá sinh hoạt, thêm phúc lợi cho công nhân, đòi quyền được đình công, đòi quyền thành lập công đoàn (Công đoàn Đoàn kết), và tự do ngôn luận rộng rãi hơn. Chính quyền đàm phán Thỏa thuận Gdansk - đáp ứng đòi hỏi của người đình công - với công nhân và cố vấn của họ, trong số có Tadeusz Mazowiecki, nhà trí thức và tổng biên tập một tạp chí công giáo, sau trở thành Thủ tướng Ba Lan.
· Tháng 9/1980: Công đoàn Đoàn kết [chính thức thành lập ngày 17/9/1980] có chi nhánh mọc lên khắp Ba Lan. Thành viên tăng vọt, lên đến trên 10 triệu người vào mùa thu. Công đoàn Đoàn kết ra báo, báo chí chính thống đăng thêm tin bài về họ. Mâu thuẫn nảy sinh về việc hợp thức hóa các nghiệp đoàn sinh viên và nông dân, dẫn đến các cuộc đình công và phản kháng do Công đoàn Đoàn kết lãnh đạo. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ba Lan, Edward Gierek, bị thay thế.
· Tháng 10/1981: Tướng Wojciech Jaruzelski, Thủ tướng và cựu Tổng Tư lệnh Quân đội, được chọn làm tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, trong khi đình công tiếp diễn và Liên Xô tạo áp lực đòi cấm Công đoàn Đoàn kết. Jaruzelski gặp Công đoàn Đoàn kết và lãnh tụ Giáo hội, nhưng đình công vẫn tiếp tục.
· Tháng 12/1981: Dưới áp lực của Liên Xô, Jaruzelski áp đặt THIẾT QUÂN LUẬT. Công đoàn Đoàn kết bị cấm, các lãnh đạo bị bắt giữ, thông tin liên lạc trong và ngoài nước bị cắt đứt. Để phản ứng, Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Ba Lan.
· Tháng 6/1983: Đức Giáo hoàng thăm Ba Lan lần nữa, yêu cầu các bên trấn tĩnh, ngài gặp gỡ các lãnh tụ chính quyền và Walesa.
· Tháng 7/1983: Thiết quân luật kết thúc, tuy nhiều lãnh đạo đối lập vẫn bị giam cầm. Đảng Cộng sản Ba Lan đề ra các cải tổ kinh tế và chính trị, đồng thời nới lỏng các hạn chế đối với Giáo hội Công giáo Ba Lan.
· Tháng 5/1985: Mikhail Gorbachev trở thành lãnh tụ Liên Xô. Ông bắt đầu cải cách hệ thống kinh tế và chính trị Xô-viết, và nới lỏng kiểm soát của Liên Xô với Trung và Đông Âu.
· Tháng 9/1986: Jaruzelski tuyên bố tổng ân xá cho các tù nhân chính trị. Các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết tái xuất hiện, dù bản thân Công đoàn Đoàn kết vẫn chưa được hợp pháp hóa. Chính quyền bắt đầu một số cải cách kinh tế theo hướng thị trường.
· Tháng 5/1988: Làn sóng đình công và biểu tình lớn nhất từ năm 1981 bắt đầu và kéo dài suốt mùa hè. Các cuộc đấu tranh thiếu mục tiêu rõ ràng và người cầm đầu nổi bật.
· Tháng 8/1988: Chính quyền đề nghị đối thoại với Công đoàn Đoàn kết, Giáo hội Công giáo Ba Lan là người trung gian. Jaruzelski gặp Walesa. Bộ trưởng Nội vụ Czeslaw Kiszczak tổ chức đối thoại về cách tiến hành các cuộc đàm phán sắp tới.
· Tháng 1/1989: Jaruzelski, Kiszczak và những Bộ trưởng then chốt thuộc Đảng Cộng sản dọa từ chức để tạo áp lực buộc giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Ba Lan ủng hộ đàm phán với Công đoàn Đoàn kết.
· Tháng 2/1989: ĐÀM PHÁN BÀN TRÒN bắt đầu giữa đại diện chính quyền và đại diện Công đoàn Đoàn kết. Chính quyền thông báo hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn kết trong bản tuyên bố đầu tiên.
· Tháng 4/1989: Đàm phán Bàn tròn kết thúc với một thỏa thuận rộng rãi mở đường cho đại diện Công đoàn Đoàn kết tham chính: Cho phép các ứng cử viên của Công đoàn Đoàn kết (không thuộc Đảng Cộng sản Ba Lan hoặc các đảng vệ tinh) được tranh cử 35% số ghế tại Hạ viện (Sejm), trong khi 65% số ghế còn lại được dành cho thành viên của Đảng Cộng sản Ba Lan và các đảng vệ tinh khác; thành lập một THƯỢNG VIỆN được bầu cử tự do [100% ghế] dành cho mọi ứng cử viên không phân biệt đảng phái; thiết lập vị trí TỔNG THỐNG trung lập do Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu chọn. Hầu hết các vấn đề xã hội và kinh tế được nêu ra tại Đàm phán Bàn tròn được để lại cho Quốc hội lập pháp và chính phủ sẽ được thành lập giải quyết.
· Tháng 6/1989: Ba Lan tổ chức các cuộc bầu cử nửa tự do. Các ứng cử viên của Công đoàn Đoàn kết chiến thắng áp đảo, dành được 99 trên 100 ghế Thượng viện, toàn bộ 35% ghế tại Hạ viện đều lọt vào tay các ứng cử viên không cộng sản.
· Tháng 8/1989: Các đảng vệ tinh rời bỏ Đảng Cộng sản Ba Lan để liên minh với Công đoàn Đoàn kết. Đảng Cộng sản mất đa số, Công đoàn Đoàn kết thành lập chính phủ liên minh, và cố vấn của Walesa – cũng là người cầm đầu phái đoàn Công đoàn Đoàn kết tại Đàm phán Bàn tròn – ông Tadeusz Mazowiecki được bầu làm Thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Khối Warsaw. Công đoàn Đoàn kết giữ lời cam kết ban đầu để Jaruzelski trở thành Tổng thống. Dưới chính quyền của Thủ tướng Mazowiecki, các cải cách chính trị và kinh tế sâu rộng được tiến hành.
· Tháng 11/1989: Bức tường Berlin sụp đổ; Mikhail Gorbachev cho thấy Liên Xô sẽ không can thiệp để vực dậy các chế độ cộng sản đồng minh. Cuối năm 1989, chế độ cộng sản trên toàn Đông Âu kết thúc.
· Tháng 1/1990: Dưới quyền lãnh đạo của Bộ trưởng Tài chính Leszek Balcerowicz, “liệu pháp sốc” (“Kế hoạch Balcerowiccz”) bắt đầu, nhằm tự do hóa theo hướng thị trường để ổn định kinh tế và chuẩn bị tư hữu hóa. Liệu pháp này cho phá giá đáng kể đồng tiền Ba Lan và cắt giảm lương bổng cá nhân. Đảng Cộng sản Ba Lan giải tán. Nhiều đảng viên cấp tiến thuộc Đảng Cộng sản sau này tham gia Liên minh Cánh tả Dân chủ do Aleksander Kwasniewski cầm đầu – Kwasniewski là người điều phối một trong những nhóm thảo luận tại Đàm phán Bàn tròn trước đó.
· Tháng 5/1990: Ứng cử viên của Công đoàn Đoàn kết thắng hầu hết vị trí trong các cuộc bầu cử tự do tại địa phương. Giới lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết bắt đầu sứt mẻ, căng thẳng gia tăng giữa Thủ tướng Mazowiecki và Walesa.
· Tháng 12/1990: Sau khi Jaruzelski thoái vị Tổng thống [Jaruzelski lên làm Tổng thống vào tháng 7/1989, từ chức Tổng Bí thư Đảng ngày 30/7/1989, thoái vị Tổng thống vào đầu tháng 9/1990], bầu cử Tổng thống trực tiếp được tổ chức, Công đoàn Đoàn kết chia đôi. Walesa thắng cử Tổng thống, đánh bại dễ dàng Mazowiecki cùng những ứng cử viên khác.
· Tháng 10/1991: Bầu cử Quốc hội tự do lần đầu tiên được tổ chức. 29 đảng phái dành được ghế; ứng cử viên từ các đảng bảo thủ bình dân và hậu thân của Đảng Cộng sản đạt kết quả tốt.
· Tháng 12/1991: Sau bầu cử Quốc hội, Jan Olszewski được chọn làm Thủ tướng. Walesa và Olszewski xung đột về việc bổ nhiệm nhân sự quân đội và cách xử lý những lạm quyền trong quá khứ. Xung đột kéo dài đến khi Olszewski thoái vị năm 1992. Ba Lan và Liên minh Châu Âu (EU) ký Thỏa thuận Liên kết (Association Agreement), một bước quan trọng để trở thành thành viên EU.
· Tháng 8/1992: Sau khi Olszewski rời vị trí, Hạ viện thông qua HIẾN PHÁP NHỎ (Hiến pháp Tạm thời), đưa ra định nghĩa về quyền hạn của Tổng thống, Thủ tướng và nâng cao tỉ lệ khởi đầu cần có để các đảng dành được ghế tại Hạ viện.
· Tháng 9/1993: Liên minh Cánh tả Dân chủ, và Đảng Nông dân Ba Lan - vệ tinh của Đảng Cộng sản Ba Lan trước đây - thắng trong các cuộc bầu cử Quốc hội sớm, một phần vì sự chia rẽ của cánh hữu thuộc Công đoàn Đoàn kết. Lãnh tụ của Đảng Nông dân Ba Lan trở thành Thủ tướng (Đảng này nhỏ hơn nên ít tai tiếng hơn).
· Tháng 11/1995: Kwasniewski thuộc Liên minh Cánh tả Dân chủ (hậu thân của Đảng Cộng sản Ba Lan) thắng sát sao Walesa trong cuộc bầu cử Tổng thống.
· Tháng 4/1997: HIẾN PHÁP MỚI được thông qua. Hiến pháp mới duy trì hầu hết các định chế chính trị hiện có, nhưng cắt bớt các ghế Quốc hội trước đây được bầu trên nền tảng toàn quốc, đồng thời hạn chế quyền hành của Tổng thống.
· Tháng 7/1997: Ba Lan được mời tham gia NATO. Kwasniewski ủng hộ mạnh mẽ việc này. Ba Lan chấp thuận lời mời và trở thành thành viên NATO sau hai năm đàm phán.
· Tháng 10/2000: Kwasniewski tái đắc cử Tổng thống, đánh bại phe đối lập lúc này đang chia rẽ nặng nề.
· Tháng 5/2004: Ba Lan trở thành thành viên Cộng đồng Châu Âu (EU) một năm sau khi trưng cầu dân ý về việc tham gia EU.
· Tháng 9/2005: Đảng Liên minh Cánh tả Dân chủ sụp đổ, vì dính líu đến một loạt các vụ bê bối tai tiếng. Các đảng phái hậu thân của Công đoàn Đoàn kết theo khuynh hướng trung-hữu và hữu dành được nhiều ủng hộ.
· Tháng 10/2005: Lech Kaczynski, cựu thị trưởng Warsaw, được bầu làm Tổng thống. Kwasniewski không thể ra tranh cử vì đã làm Tổng thống hai nhiệm kỳ.
· Tháng 4/2010: Kaczynski, cùng các quan chức cao cấp khác và 15 dân biểu Quốc hội, thiệt mạng trong một vụ rớt máy bay. Những người kế vị được đưa lên đúng quy trình, và cuộc bầu cử Tổng thống mới được xúc tiến.
[Hết]
___
NGUỒN: Chương 7, “Poland” (Ba Lan), cuốn Democratic Transitions – Conversation with World Leaders (Chuyển đổi dân chủ - trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới), của Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, do “Viện Quốc tế vì Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử” tại Stockholm (International Institute for Democracy and Electoral Assistance – Stockholm) và Nhà Xuất bản Johns Hopkins University Press, Baltimore, Hoa Kỳ, phát hành năm 2015.
___
GHI CHÚ
* Theo Wikipedia, từ mục “Tadeusz Mazowiecki” – ND
Dịch giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.