Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Gs Ngô Vĩnh Long: Biển Đông là chất keo gắn kết Mỹ và Việt Nam

Gs Ngô Vĩnh Long: Biển Đông là chất keo gắn kết Mỹ và Việt Nam

bauxitevnWed 7:23 AM


Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại Học Maine (Hoa Kỳ)
clip_image002
Tổng thống Mỹ Obama và chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang. Ảnh tại Hà Nội ngày 23/05/2016.Reuters

Quyết định giải tỏa hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam được Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo tại Hà Nội vào hôm nay quả là đã đánh dấu một bước tiến mới trong bang giao Việt Mỹ, với việc hai bên hoàn toàn bình thường hóa quan hệ quốc phòng. Theo giới quan sát, chính vấn đề Biển Đông, với tham vọng độc chiếm ngày càng rõ nét của Trung Quốc, là chất keo gắn kết Mỹ và Việt Nam, với nhân tố an ninh và quốc phòng ngày càng nổi bật.
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) đã không ngần ngại cho rằng chính tham vọng Biển Đông của Trung Quốc đã thúc đẩy ông Obama gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam:
Ngô Vĩnh Long: Tổng thống  Barack Obama, trong chuyến đi này, đã củng cố quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam trên nhiều mặt. Và như tuyên bố chung cho biết thì hai bên nhất trí lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước.
Vấn đề Biển Đông, với tham vọng độc chiếm càng ngày càng rõ nét của Trung Quốc, rõ ràng là lý do thúc đẩy tổng thống Obama tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Nhưng ông đã rất khéo léo khi trả lời báo chí rằng quyết định đó không nhằm vào Trung Quốc hay dựa trên bất cứ một tính toán gì khác, mà là dựa trên tiến trình rất lâu dài của việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Lợi ích của Mỹ, về lâu về dài, là bảo vệ an ninh trên biển cả để duy trì vị thế toàn cầu của Mỹ, mà sức mạnh trên biển trong thế kỷ vừa qua là yếu tố tối quan trọng. Biển Đông là nơi mỗi năm hơn một nửa trọng lượng mậu dịch trên biển của toàn cầu được di chuyển qua lại. Những thách thức càng ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông đe doạ an ninh của toàn thế giới cũng như xói mòn uy thế của Mỹ và làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu.
Vì Việt Nam là nước bị thiệt thòi lớn nhất trước sự đe doạ và bành trướng của Trung Quốc, Biển Đông là chất keo gắn kết Mỹ với Việt Nam trong hiện tại và trong tương lai.
RFI: Chuyến thăm này của ông Obama, theo giáo sư, sẽ mang lại cho Việt Nam điều gì trên hồ sơ Biển Đông?
Ngô Vĩnh Long: Chuyến đi này, ngoài việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí vừa được đề cập đến, Mỹ và Việt Nam đã ký cam kết trên nhiều lãnh vực để tạo “lòng tin chiến lược” với nhau.
Việc thúc đẩy phê chuẩn và thi hành hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngoài ảnh hưởng tích cực về thương mại và kinh tế cho Việt Nam, còn nối kết 12 nước thành viên trong quan hệ an ninh và quốc phòng để bảo vệ lợi ích chung trên biển. Do đó, những cam kết vừa đạt được trong chuyến thăm này của ông Obama cũng góp phần đáng kể cho hồ sơ Biển Đông về xa về dài.
Trước mắt thì tổng thống Obama tuyên bố ngày hôm qua là: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cử máy bay đến các vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi hy vọng các bên tranh chấp giải quyết tranh chấp hòa bình".
RFI: Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội Mỹ đang hết sức quan tâm đến Việt Nam? và dư luận thế giới đang chú ý theo dõi chuyến công du của ông Obama?
Ngô Vĩnh Long: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên bố sau khi đã hội đàm với tổng thống Obama là chính phủ Việt Nam “tôn trọng nhân quyền… đang tiếp tục thể chế hóa cụ thể quyền con người… quyền công dân…” Những cam kết này được dư luận thế giới theo dõi.
Vì lợi ích của Việt Nam về lâu về dài, các cơ quan của chính phủ Việt Nam, từ trên xuống dưới, nên cố gắng thi hành triệt để những cam kết đó.
N.V.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.