Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Từ cộng sản đến dân chủ - bài học Ba Lan (Kỳ 1)

Từ cộng sản đến dân chủ - bài học Ba Lan (Kỳ 1)

bauxitevnSat 5:01 AM


Tác giả: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal
Người dịch: Phan Trinh
Cuộc chuyển đổi từ cộng sản đến dân chủ tại những nước như Ba Lan rất đáng để những nhà dân chủ và những người cộng sản tham khảo. Nó đặt ra và giải đáp nhiều câu hỏi khó, chẳng hạn như:
Khi nào thì Đảng Cộng sản chịu xuống nước để thực sự đối thoại với phe đối lập? 
Ai đứng ra làm trung gian để Đảng và đối lập ngồi lại? Điều kiện của phe đối lập là gì? 
Làm thế nào để vô hiệu hóa phe chống đối thoại trong nội bộ Đảng? 
Bước vào đàm phán, tương quan lực lượng giữa Đảng và đối lập là “một mạnh, một yếu” hay “cả hai đều yếu”, và điều nào có lợi hơn? 

Vì sao Bộ trưởng Nội vụ, người “bị phe đối lập ghét nhất”, lại dẫn đầu phái đoàn chính phủ trong đàm phán?
Khi 65% ghế Quốc hội được dành riêng cho Đảng và chỉ có 35% ghế còn lại được tranh cử, thì phe đối lập nên tẩy chay hay nên tham gia bầu cử? 
Tại sao một Đại tướng cộng sản lại trở thành Tổng thống bên cạnh một trí thức Công giáo làm Thủ tướng? 
Tại sao nhân sự Chính phủ chuyển tiếp có cả đảng viên cộng sản lẫn trí thức đối lập, có cả trùm mật vụ cũ làm Bộ trưởng Nội vụ? 
Chính phủ chuyển tiếp nên hoãn hay nên xét xử ngay những tội lỗi quá khứ của Đảng Cộng sản? 
Lãnh tụ đối lập có trở thành Tổng thống và phe đối lập có trở thành chính đảng? 
Nên theo “Tổng thống chế” hay theo “Bán Tổng thống chế” và chấp nhận “đồng sinh” (cohabitaion - Tổng thống và Thủ tướng thuộc hai đảng khác nhau)?
Làm thế nào để phi chính trị hóa quân đội và công an?
Cần làm gì ngay cho nền kinh tế thời chuyển đổi? 
Khi nào nên đổi Hiến pháp?
Nên thân phương Tây hay nên trung lập?
… 
“Giải đáp Ba Lan” cho những câu hỏi nêu trên, và những câu hỏi khác, là nội dung của loạt bài đăng 4 kỳ này. 
Cuộc chuyển đổi từ cộng sản đến dân chủ tại Đông Âu – diễn ra trước, trong và sau Cách mạng 1989 – có những bài học thực tế rất quý giá, nhưng lại là đề tài chưa có nhiều tài liệu, bài viết, bản dịch bằng tiếng Việt*. Loạt bài này xin góp thêm một số thông tin về kinh nghiệm chuyển đổi của Ba Lan.
Đây là bản dịch Chương 7, cuốn Democratic Transitions – Conversation with World Leaders (Chuyển đổi dân chủ - trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới), của Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, phát hành năm 2015**. 
Sách ghi lại 13 cuộc phỏng vấn với 13 cựu Tổng thống và Thủ tướng của 9 quốc gia  từ Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ La tinh đến Châu Phi  về những gì đã xảy ra, những việc họ làm trong thời kỳ chuyển đổi, cùng những quan sát, đánh giá, nhận định về lộ trình từ độc tài đến dân chủ tại nước họ. 
Chương 7 nói về Ba Lan và phỏng vấn hai trong những nhân vật then chốt là ALEKSANDER KWASNIEWSKI (ông từng là đảng viên Đảng Cộng sản, làm Bộ trưởng trong chính quyền cộng sản cuối cùng năm 1989, sau lên làm Tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ, từ 1995 đến 2005), và TADEUSZ MAZOWIECKI (nhà trí thức Công giáo, cố vấn Công đoàn Đoàn kết, ông là Thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan từ 1989 đến 1991).
Loạt bài này gồm 4 phần như sau:
PHẦN 1: ĐƯỜNG ĐẾN DÂN CHỦ: Phản kháng, đàn áp, đàm phán, bầu cử và chính trị hình chữ chi *** 
PHẦN 2: PHỎNG VẤN ALEKSANDER KWASNIEWSKI, TỔNG THỐNG BA LAN 1995-2005
PHẦN 3: PHỎNG VẤN TADEUS MAZOWIECKI, THỦ TƯỚNG BA LAN 1989-91
PHẦN 4: BA LAN, MỐC THỜI GIAN 1970-2010
Phần 1 tóm lược tình hình Ba Lan do Jane L Curry, Giáo sư Chính trị Học tại Đại học Santa Clara, Hoa Kỳ, biên soạn. Phần 2 khá dài được đăng trong kỳ 2 và kỳ 3. Phần 3 và phần 4 sẽ cùng đăng trong kỳ 4. Tên loạt bài là của người dịch, và để độc giả mạng dễ theo dõi, người dịch xin được đánh số các phân đoạn, thêm một số tiêu đề phụ và ghi chú trong ngoặc vuông.
___ 
* Trong số những văn bản hiếm hoi đó, phải kể đến ba công trình của tiến sĩ Nguyễn Quang A, gồm: Một năm Hội nghị Diên hồng Hungary (biên soạn, 2005); Bàn tròn Ba Lan – Những bài học (dịch thuật, 2013); Dân chủ hóa: vài bài học quốc tế và kịch bản khả dĩ cho Việt Nam (phân tích và nhận định, 2015).
** Sách do “Viện Quốc tế vì Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử” tại Stockholm (International Institute for Democracy and Electoral Assistance – Stockholm) và Nhà Xuất bản Johns Hopkins University Press, Baltimore, phát hành năm 2015.
*** Về tình hình Ba Lan trước và trong cách mạng, quý độc giả có thể đọc thêm các chương sau trong cuốn Cách mạng 1989, tác giả Victor Sybestyen, đã đăng trên boxitvn.net, của cùng người dịch:
Chương 2: Thông điệp hy vọng - Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II
Chương 3: Công đoàn Đoàn kết - Khởi đầu
Chương 4: Anh thợ điện Walesa - Công đoàn Đoàn kết 1980-1981
Chương 5: “Nội chiến” - Thiết quân luật ở Ba Lan
Chương 10: Công đoàn Đoàn kết - Thời kỳ bị đàn áp
Chương 23: Trận cuối ở Ba Lan
Chương 28: Ba Lan: Đàm phán Bàn tròn
Chương 33: Ba Lan: Đối lập trung thành
Chương 37: Ba Lan: Long trời lở đất
Chương 41: Ba Lan: Giới phản kháng nắm chính phủ
Phan Trinh



PHẦN 1: 
ĐƯỜNG ĐẾN DÂN CHỦ: Phản kháng, đàn áp, đàm phán, bầu cử và chính trị hình chữ chi
JANE L. CURRY
___ 
1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ: GIÁO HỘI – CÔNG NHÂN, TRÍ THỨC – NỢ NẦN, CÔNG ĐOÀN – THIẾT QUÂN LUẬT. 2. GIAI ĐOẠN CUỐI: THƯƠNG LƯỢNG – ĐÀM PHÁN BÀN TRÒN – BẦU CỬ. 3. CẢI CÁCH: ĐẢNG CỘNG SẢN GIẢI TÁN – LẠI GẦN CHÂU ÂU – GIẢI CỨU KINH TẾ. 4. CHUYỂN HÓA BẰNG BẦU CỬ: BẦU CỬ 1991 – HIẾN PHÁP NHỎ 1992 – WALESA XUỐNG, KWASNIESKI LÊN – BÓNG ĐEN QUÁ KHỨ. 5. MỘT SỐ BÀI HỌC 
___ 
Cuộc chuyển đổi của Ba Lan từ độc tài cộng sản qua dân chủ và thị trường tự do diễn ra chậm, phức tạp và từng bước một, bắt đầu từ lâu trước năm 1989 và kéo dài gần chục năm sau, cho đến khi thông qua Hiến pháp mới năm 1997. Chuyển đổi không chỉ đơn giản là chuyển giao quyền lực từ nhóm này qua nhóm khác, mà còn phải phi chính trị hóa nền kinh tế, đưa Đảng Cộng sản ra khỏi vị trí một định chế trung tâm trong Hiến pháp, thiết lập các đảng phái chính trị và tổ chức dân sự hợp pháp độc lập, và đưa Ba Lan từ vị trí chư hầu Liên Xô lên vị trí thành viên Châu Âu. 
Trong những năm diễn ra chuyển đổi, nhất là sau Đàm phán Bàn tròn 1989, tình hình chung quanh Ba Lan thay đổi lớn: Kiểm soát của Liên Xô đối với Trung và Đông Âu được tháo bỏ, các nước láng giềng Ba Lan vỡ ra thành bảy nước độc lập mới, Bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô tan hàng, và Khối Warsaw biến mất. Được viện trợ phương Tây giúp đỡ, Ba Lan đã chuyển hóa bản thân và có thể sánh vai cùng Tây Âu trong Liên minh Châu Âu (EU) và trong Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Kể từ khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989 cho đến khi thông qua Hiến pháp mới năm 1997, Ba Lan đã thực hiện bốn cuộc bầu cử toàn quốc và có ba vị Tổng thống khác nhau [1989-90: Wojciech Jaruzelski. 1990-95: Lech Walesa. 1995-2005: Aleksander Kwasniewski]. 
Cũng trong những năm này, nhiều điều không ai lường trước đã xảy ra: Nhiều liên minh chính trị tan rã, quyền lực chuyển giao từ nhóm ý thức hệ này qua nhóm ý thức hệ khác trong khi nền kinh tế và chính thể thay đổi mạnh mẽ. Chỉ đến năm 2007 hệ thống lưỡng đảng mới xuất hiện.
***
1.
Bối cảnh lịch sử
Quá khứ Ba Lan vừa thúc đẩy vừa cản trở đường đến dân chủ. Chế độ cộng sản tại Ba Lan ít khắt khe và đàn áp ít hơn các nước cộng sản khác. Kết quả là vào đầu năm 1956, các nông trường tư nhân có ảnh hưởng lớn trong nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ cùng việc buôn bán lẻ được phép hoạt động, và người Ba lan ngày càng hướng về phương Tây, cả về văn hóa lẫn xã hội. Các cuộc biểu tình diễn ra, bất chấp đàn áp, cuối cùng đã mang lại những cải cách giới hạn, tạo được ấn tượng là chế độ có nhượng bộ trước áp lực quần chúng. 
Quốc hội một viện Ba Lan, gọi là Sejm, có các đại biểu không chỉ là đảng viên Đảng Cộng sản Ba Lan mà còn có thành viên các đảng vệ tinh là Đảng Nông dân và Đảng Dân chủ – đại diện phần nào cho các doanh nghiệp nhỏ – cùng với hai nhóm Công giáo nhỏ là nhóm trí thức Công giáo Znac, và nhóm thân cộng hơn tên Pax. 
Tuy cử tri có thể gạch tên ứng cử viên trên lá phiếu nhưng điều này chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả bầu cử. Các nhóm đối lập cũng có phát triển, dù không hợp pháp, trong khi các nhóm chuyên gia thì bị nhà nước kiểm soát chặt, dù họ chỉ hoạt động để bảo vệ quyền lợi riêng mình. Từ các nhóm này đã xuất hiện những chuyên gia cũng như người phát ngôn nổi tiếng, và sau này họ có thể làm việc được với nhau trong các cuộc đàm phán giữa phe đối lập và chế độ.
Giáo hội
Giáo hội Công giáo Ba Lan với truyền thống quốc gia sâu sắc vẫn được phép hoạt động, Giáo hội có đại diện trong Quốc hội và trong các hội nhóm có tổ chức khác nhau. Tuy nhà nước tìm cách giảm bớt đặc quyền của Giáo hội, nhưng quyền lực của Giáo hội vẫn gia tăng từ giữa thập niên 1950. Khi Hồng y Ba Lan Karol Wojtyla được bầu làm Giáo hoàng năm 1978 và đến thăm Ba Lan năm 1979, quyền lực của Giáo hội – cùng cảm giác của người dân Ba Lan là họ có thể hành động độc lập mà không cần dựa vào nhà nước – đã phát triển thêm một bậc, và giúp quần chúng càng thêm năng động. Điều thú vị là khi Lech Walesa, lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc) công khai ký Thỏa thuận Gdansk 1980, giúp chấm dứt các cuộc đình công của Công đoàn Đoàn kết, ông đã ký bằng chiếc bút có từ chuyến Giáo hoàng viếng thăm năm 1979.
Công nhân, trí thức
Đình công khổng lồ của công nhân những năm 1956, 1970, và 1976, vì giá sinh hoạt tăng vọt, dù bị đàn áp nhưng cứ mỗi lần như vậy chính quyền lại nhượng bộ trước đòi hỏi ngưng tăng giá và cải thiện quyền lợi công nhân. Đã có hai lần, vào năm 1956 và 1970, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Ba Lan đã bị thay thế sau khi diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ.
Điều đáng chú ý là mỗi đợt biểu tình lại sản sinh ra một lứa trí thức phản kháng mới. Năm 1976, trí thức ở thủ đô Warsaw đã thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR) để giúp đỡ công nhân bị tù vì tham gia biểu tình và gia đình họ. Ủy ban này sau đó mở rộng hoạt động và tổ chức các cuộc thảo luận, hầu hết không được phép, sản xuất hàng ngàn ấn bản báo chí ngoài luồng và điều hành “Đại học Bay”, tức những buổi làm việc nhóm, giúp bù đắp lỗ hổng kiến thức do chính sách kiểm duyệt gắt gao gây ra.
Nợ nần, công đoàn 
Trong nội bộ Đảng Cộng sản, một nhóm cải cách đã hình thành, giúp thực hiện những cải cách kinh tế và mở rộng chính trị. Đến cuối thập niên 1970, Ba Lan vay mượn nhiều tiền của phương Tây để nhập hàng tiêu dùng và máy móc công nghiệp, họ vay nhiều hơn khả năng có thể hấp thu và chi trả. 
Chủ nợ phương Tây ép Ba Lan tăng giá sinh hoạt để lấy tiền trả nợ, điều này kích hoạt các cuộc “đình công chiếm giữ nhà máy” tại các xưởng đóng tàu quanh những thành phố Ba Lan ven biển Baltic vào năm 1980. Từ đó, dẫn đến đòi hỏi thành lập nghiệp đoàn tự do (Công đoàn Đoàn kết), đòi hỏi quyền đình công và một sinh hoạt báo chí minh bạch hơn. 
Sau khi chính quyền nhượng bộ công nhân đóng tàu bằng Thỏa thuận Gdansk, các cuộc biểu tình của Công đoàn Đoàn kết trên toàn quốc cũng dẫn đến việc chính quyền nhượng bộ thêm các thành phần khác, trong đó có nông dân, sinh viên và trí thức. 
Thiết quân luật
Các đòi hỏi cấp tiến hơn về quyền tự do chính trị và xã hội – cùng đòi hỏi nền kinh tế phải sản xuất được hàng tiêu dùng, trả lương đủ sống và hiện đại hóa – đã ngày càng gia tăng trong thập niên 1980, vì chính quyền không thể cung cấp đầy đủ thức ăn, nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng cho dân chúng. 
Đáp lại áp lực từ Liên Xô, và để chặn đứng hoạt động ngày càng mạnh của Công đoàn Đoàn kết trong khi kinh tế ngày càng tồi tệ (cũng để tránh trả các khoản nợ lớn cho phương Tây vì không trả nổi), chính quyền Ba Lan đã ban hành thiết quân luật vào ngày 13/12/1981. Lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết và các nhà hoạt động (cùng những lãnh đạo Đảng và nhà nước được cho là chịu trách nhiệm gây ra thảm họa kinh tế trong thập niên 1970) đã bị bắt giam. Công an và binh lính được bố trí trong các cơ quan, văn phòng và trên đường phố khắp Ba Lan, các phương tiện truyền thông trong nước và với quốc tế đều bị cắt đứt hoàn toàn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lên án việc áp đặt thiết quân luật và đưa ra biện pháp trừng phạt bao gồm cấm máy bay Ba Lan đáp xuống sân bay Mỹ, đóng băng các khoản tiền dự định cho Ba Lan vay, và cấm vận giao thương với Ba Lan. Các nước Tây Âu sau đó một thời gian mới cấm vận Ba Lan nhưng cũng lập tức lên án các cuộc tấn công đàn áp nhân danh thiết quân luật.
Trong bảy năm sau đó, mức khắc nghiệt của thiết quân luật được nới lỏng dần: Thông tin liên lạc được nối lại, người bị giam được thả, đời sống chính trị và báo chí từ từ mở ra, và chính quyền cũng thử nghiệm thị trường hóa nền kinh tế để gia tăng năng xuất. Nhưng, không gì có thể xóa đi vết nhơ của thiết quân luật.
***
2.
Giai đoạn cuối
Đến cuối thập niên 1980, tình hình kinh tế Ba Lan có cải tiến và hầu hết nhu yếu phẩm không còn phải mua theo khẩu phần như trong thập niên trước. Mặc dù cấm vận của phương Tây đã chấm dứt, các nhà máy được cho nhiều quyền tự trị hơn, lương công nhân tăng cao hơn, nhưng đại đa số người dân Ba Lan lại nghĩ rằng tình trạng của họ đang tồi tệ hơn. 
Tỉ lệ dân số có hy vọng vào tương lai giảm xuống trầm trọng, từ 42% đầu thập niên 1980 xuống còn 16% vào tháng 2/1988 [1]. Nhà nước không còn đủ ngân sách để thực hiện những nghĩa vụ cơ bản, và dưới áp lực của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, của Mỹ và Tây Âu, họ phải tái cấu trúc nền kinh tế.
Nhưng kết quả của tái cấu trúc là quần chúng càng thêm bất mãn và kinh tế càng thất bại thảm hại. Hàng loạt diễn biến, từ việc Đảng Cộng sản Ba Lan lần lượt trả tự do hơn 1.000 nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết, việc kết thúc cấm vận, việc tư hữu hóa nền kinh tế mạnh hơn, đến việc mời một số nhà đối lập ôn hòa làm việc với chính quyền, cũng không phá vỡ được thế bế tắc chính trị tại Ba Lan. 
Đến năm 1988, tình hình quá nghiêm trọng đến nỗi Đảng Cộng sản và chính quyền thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đề xuất “đàm phán về đàm phán” với phe đối lập chính trị và với Giáo hội Công giáo để thu hút thêm sự ủng hộ cho công cuộc cải cách kinh tế sắp diễn ra. 
Đề xuất này rất quan trọng đối với Công đoàn Đoàn kết vì, mặc dù tất cả các tù nhân chính trị của Công đoàn đã được thả vào năm 1986, Công đoàn vẫn chưa có tư cách pháp nhân, và cũng không thể làm gì khác ngoài việc tham gia đình công, biểu tình.
Thương lượng
Giới lãnh đạo Giáo hội Công giáo Ba Lan giữ vai trò trung gian trong năm 1988, họ gặp riêng Lech Walesa và gặp riêng Tướng Wojciech Jaruzelski – từng là tư lệnh các lực lượng vũ trang và là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ba Lan, người ban hành thiết quân luật – để thảo luận về cách hai bên có thể ngồi xuống đàm phán với nhau. Các nhân vật lãnh đạo cấp dưới của hai bên cũng gặp nhau thường xuyên. Chính quyền đã làm rõ với Công đoàn Đoàn kết rằng họ sẽ cho hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn kết, cho cả thời lượng trên sóng truyền hình và quyền phát hành báo chí riêng. 
Ông Aleksander Kwasniewski [sinh tháng 11/1954, lúc đó 34 tuổi] – Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao trong Chính phủ cộng sản cuối cùng, cũng là một trong những nhà thương lượng được chọn cho các cuộc đàm phán ban đầu – là người đã đưa ra “quả bóng thăm dò ý kiến” khi đề nghị thực hiện bầu cử “tự do một phần”, trong đó 35% ghế HẠ VIỆN (Sejm) sẽ được dành cho các ứng cử viên tự do, không thuộc Đảng Cộng sản hoặc các đảng vệ tinh, và 65% ghế còn lại sẽ được giữ riêng cho các đảng viên Đảng Cộng sản cùng các đảng vệ tinh, trong số có cả Danh sách Toàn quốc với 60 đảng viên cấp tiến hàng đầu. Ngoài ra, Kwasniewski còn đề nghị thành lập một THƯỢNG VIỆN thông qua bầu cử tự do 100%, và một vị trí Tổng thống do cả Hạ viện lẫn Thượng viện bỏ phiếu bầu. 
Trong một thỏa thuận được xem là để nhượng bộ Đảng Cộng sản Ba Lan, vốn có đầy đủ cán bộ phụ trách bầu cử khắp nơi, Công đoàn Đoàn kết đồng ý rằng bầu cử sẽ diễn ra sớm, ngay sau khi Đàm phán Bàn tròn kết thúc. Công đoàn Đoàn kết xem các dàn xếp vừa kể là nền tảng của một hệ thống mới. Đảng và nhà nước cũng có cùng suy nghĩ.
Đàm phán bàn tròn
Đàm phán Bàn tròn gồm có ba “bàn”, mỗi bàn sẽ do một đại diện Công đoàn Đoàn kết và một đại diện chính quyền chủ tọa. Ba bàn này lại bao gồm một loạt các tiểu ban chuyên trách, có thể gọi là “bàn phụ”, với tổng cộng khoảng 500 chuyên gia và nhà hoạt động các loại. Một chuyên gia của Công đoàn Đoàn kết và một chuyên gia đại diện các đảng phái khác chủ tọa mỗi tiểu ban này. 
Họ phác thảo các dự án kinh tế và xã hội để Quốc hội cứu xét sau bầu cử, đồng thời bàn luận để thống nhất về cấu trúc chính quyền tương lai và cách tổ chức bầu cử, gồm bầu cử tự do để chọn Quốc hội và bầu cử Tổng thống vào năm 1993, tức bốn năm sau cuộc bầu cử “tự do một phần” năm 1989. Một yêu sách của Công đoàn Đoàn kết cũng được chấp thuận là Hiến pháp mới sẽ chỉ được thông qua sau khi có một Quốc hội được bầu cử tự do hoàn toàn.
[Sau Đàm phán Bàn tròn tháng 4/1989, Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Ba Lan 1952 được điều chỉnh qua “Tu chính Tháng Tư”, với một số điểm chính như tái lập Thượng viện và vị trí Tổng thống, thành lập Hội đồng Tòa án Quốc gia, thay đổi luật bầu cử cho công bằng và tự do hơn]*
Bầu cử
Thỏa thuận giữa các bên Đàm phán Bàn tròn được ký kết vào ngày 4/4/1989, và bầu cử đã diễn ra vào ngày 4/6/1989. Trong vòng bầu cử đầu tiên, các ứng cử viên do Công đoàn Đoàn kết ủng hộ dành được tất cả các ghế không dành riêng cho Đảng Cộng sản. Trong danh sách ứng cử viên của Đảng Cộng sản, chỉ có ba ứng cử viên đạt được đa số tại quận của mình, và chỉ hai người trong Danh sách Quốc gia nhận được đa số phiếu trong vòng đầu tiên. 
Cả Đảng Cộng sản lẫn Công đoàn Đoàn kết đều chấn động vì kết quả này: Công đoàn Đoàn kết đã không tranh cử với lập trường rõ rệt hoặc mạnh miệng hứa hẹn về “những gì sẽ đến”, trong khi ứng cử viên của Đảng Cộng sản thì đinh ninh họ sẽ nắm quyền lực và chia sẻ nó theo cách họ muốn, chứ không chuẩn bị để quyền lực vuột khỏi tầm tay. Thất bại này còn kịch tính hơn khi hai đảng vệ tinh lệ thuộc Đảng Cộng sản là Đảng Nông dân và Đảng Dân chủ lại liên hiệp với Công đoàn Đoàn kết để có một đa số lên tới 65% ghế và thành lập một Chính phủ liên hiệp.
Lãnh tụ Đảng Cộng sản Ba Lan chấp nhận mất mát lớn lao này, và lãnh tụ cải cách Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng chấp nhận thất bại này. Giới lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết thì giữ lời hứa bí mật – là Jaruzelski sẽ được Hạ viện và Thượng viện bầu làm Tổng thống – bằng cách thuyết phục một số đại biểu để họ vắng mặt trong buổi bỏ phiếu, khiến tỉ lệ người bỏ phiếu giảm xuống [giúp Jaruzelski có đa số. Thực ra số phiếu thuận chỉ nhiều hơn phiếu chống một phiếu, vừa đủ để Jaruzelski thắng cử]. Công đoàn Đoàn kết cũng đồng ý thành lập một Chính phủ liên hiệp, đáp ứng yêu cầu của Liên Xô là người của Đảng Cộng sản Ba Lan phải nắm được các chức Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại thương, và Bộ trưởng Giao thông Quốc tế. Vào thời điểm đó, Công đoàn Đoàn kết không biết rằng chủ nghĩa cộng sản không bao lâu nữa sẽ sụp đổ tại các nước khác và Bức tường Berlin cũng sẽ bị chọc thủng.
***
3.
Cải cách và “đường ranh đậm”
Tadeusz Mazowiecki, thuộc phía đối lập theo Công giáo, được Lech Walesa (lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết) để cử và được Tổng thống Jaruzelski bổ nhiệm làm Thủ tướng. Mazowiecki từng là T ổng biên tập các tạp chí Công giáo, là đại biểu Quốc hội, ông cũng là một trong những nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết có mặt trong cuộc thương lượng đưa đến Thỏa thuận Gdansk 1980, và trong Đàm phán Bàn tròn 1989. 
Mazowiecki khẳng định lập trường rằng ông chỉ ra làm Thủ tướng nếu được tự chọn nhân sự và tự quyết định [ông không muốn bị ai đứng sau chi phối, yêu cầu này nhắm vào Walesa, người đề cử ông làm Thủ tướng]. “Nội các Liên hiệp Mở rộng” của Mazowiecki gồm 12 nhân vật của Công đoàn Đoàn kết, 7 nhân vật đến từ hai đảng Nông dân và Dân chủ đã rời bỏ Đảng Cộng sản, và 4 nhân vật từ Đảng Cộng sản. Chỉ có vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, vị trí mà Đảng Cộng sản muốn nắm giữ, là được giao cho một chuyên gia không thuộc bất cứ nhóm quyền lực nào.
Thủ tướng Mazowiecki, từ buổi đăng đàn đầu tiên tại Hạ viện và Thượng viện vào tháng 9/1989, đã nêu rõ rằng Ba Lan sẽ tập trung vào hiện tại hơn là vào quá khứ, bằng cách vạch một “ĐƯỜNG RANH ĐẬM” giữa quá khứ và hiện tại, để tiến hành cải tổ hệ thống chính trị, ổn định và tư hữu hóa nền kinh tế, và vào việc “xích lại gần Châu Âu”. Điều này có nghĩa Ba Lan sẽ không chú tâm vào việc điều tra và trừng phạt những kẻ có tội vì những gì họ làm trong quá khứ. Đây là điều cần thiết vì các quan chức cộng sản vẫn nằm trong chính quyền, vẫn đang kiểm soát các lực lượng an ninh và quân đội. Thay vì nhắm vào quá khứ, cơ quan lập pháp sẽ tập trung vào việc trả lại biểu tượng quốc gia cũ cho những gì đã bị thay đổi khi cộng sản nắm quyền, vào việc soạn thảo luật bầu cử để tiến hành bầu cử tự do, và soạn Hiến pháp mới.
Thành viên nội các có nhiều ý kiến khác nhau về những việc cần làm, các buổi họp nội các thường kéo dài nhiều giờ liền và không dễ đạt thỏa thuận. Tại Hạ viện, thất bại lớn trong bầu cử vừa qua khiến các đảng viên Đảng Cộng sản thu mình lại, tiếng nói của họ không còn bao nhiêu trọng lượng đối với các chính sách. Kết quả là hầu hết các đại biểu của hai phe chủ chốt là Đảng và Công đoàn đều bỏ phiếu cho Mazowiecki trở thành Thủ tướng, chấp thuận các chọn lựa nhân sự nội các của ông, và thông qua các đạo luật do Chính phủ ông đệ trình.
Đảng Cộng sản giải tán
Đảng Cộng sản Ba Lan, sau thất bại bầu cử tháng 6/1989, và gần bốn tháng sau khi nội các Chính phủ liên hiệp được thành lập, đã tự giải tán. Hầu hết cựu đảng viên cộng sản chuyển qua tham gia vào một đảng mới là Đảng Dân chủ Xã hội Ba Lan, là đảng thừa kế tài sản và ngân quỹ do Đảng Cộng sản Ba Lan để lại. Kwasniewski là một trong những người thành lập đảng mới và là Chủ tịch đảng. 
Đảng Dân chủ Xã hội Ba Lan bắt đầu mở rộng, thu hút nhiều thành viên hơn để tham gia bầu cử Quốc hội năm 1991 với tên gọi là Liên minh Cánh tả Dân chủ (SLD) và là lực lượng về thứ hai, chỉ sau đảng Nghiệp đoàn Dân chủ của cựu Thủ tướng Mazowiecki. Đến năm 1993, đảng kế thừa này của Đảng Cộng sản kết hợp với Đảng Nông dân đã chiếm đa số tại Hạ viện, trong khi Công đoàn Đoàn kết vỡ ra thành nhiều đảng nhỏ và các đảng nhỏ lại không dành được đủ tỉ lệ phiếu cần thiết để có ghế trong Hạ viện. 
Và rồi, chỉ sáu năm sau thất bại bầu cử năm 1989, Kwasniewski đã dành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1995 với tư cách là ứng cử viên của Liên minh Cánh tả Dân chủ (SLD), vượt qua Walesa, mặc dù tài nguyên của đảng ông trước đó bị tịch thu và dù đảng bị một số báo chí và các chính khách khác đả kích **. 
Lại gần Châu Âu
Xích lại gần Châu Âu thực ra lại dễ dàng, nhất là sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Các biên giới đều mở cửa, người Ba Lan được đi lại tự do. Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II cũng góp phần vận động và giúp thuyết phục các nước đồng ý cho Ba Lan tham dự vào các định chế Châu Âu. Ba Lan được mời tham gia Hội đồng Châu Âu năm 1990, nhưng không có cơ hội thực sự để trở thành thành viên NATO hoặc EU, trừ khi Liên Xô sụp đổ và nước Đức chính thức thống nhất. Đến năm 1991, khi Liên Xô tự tan rã, Ba Lan đã được nhiều nước phương Tây đồng ý để đạt mục tiêu này.
Giải cứu kinh tế
Giải cứu và thay da đổi thịt nền kinh tế khó hơn nhiều. Chính quyền cộng sản cuối cùng của Ba Lan đã cố gắng làm cho quần chúng ủng hộ bằng cách tăng lương đáng kể và cho phép các công ty nhà nước tăng giá sản phẩm. Các chính sách này, song song với gánh nặng ngày càng nhiều là phải trả các món nợ lớn Ba Lan vay từ thập niên 1970, đã đưa mức lạm phát lên đến 55% vào tháng 10/1989 [2]. 
Các tổ chức cấp vốn công và tư, cùng các cơ quan quốc tế, đã đổ vào Ba Lan rất nhiều chuyên gia kinh tế và quản lý nhà nước. Tất cả đều kêu gọi cải cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Để tái cấu trúc nền kinh tế, hầu hết Hạ viện đã bỏ phiếu thuận vào tháng 12/1989 thông qua Kế hoạch Balcerowicz, do Bộ trưởng Tài chính Leszek Balserowicz đề xuất. Kế hoạch này được gọi là “liệu pháp sốc” dẫn đến kết quả là giá cả tăng vọt đến 572%, trong khi đồng lương thực lĩnh giảm 24% so với năm trước, mặc dù Ba Lan lúc đó nhận được viện trợ và đầu tư ồ ạt từ nước ngoài đổ vào, trong số có cả một tỉ đô-la “quỹ bình ổn” do Mỹ và Tây Âu cung cấp. 
Những khoản viện trợ và giao dịch – chẳng hạn những “đóng góp” thực phẩm từ nước ngoài hoặc việc nhập khẩu thực phẩm và hàng tiêu dùng – đã giữ cho nền kinh tế Ba Lan tiếp tục hoạt động, nhưng cùng lúc làm suy yếu hoạt động nông nghiệp và công nghiệp vì hàng hóa từ phương Tây rẻ hơn, mẫu mã bao bì đẹp hơn và thu hút người tiêu dùng Ba Lan hơn hàng nội địa.
Chính quyền không đủ tiền để giải quyết những vấn đề xã hội do các thay đổi trên gây ra. Điều này tác động xấu đến đông đảo cử tri của Công đoàn Đoàn kết, vì lúc đó không có mạng lưới an sinh xã hội để giúp đỡ người chịu thiệt hại nặng nhất khi các xí nghiệp quốc doanh đóng cửa, hoặc nông trại nhà nước giải thể. Với những nhóm người khác, điều họ lo sợ là sức mua giảm mạnh và họ bất an, không biết điều gì sẽ xảy ra khi tư hữu hóa tăng tốc, khi khu vực công thu hẹp quy mô và ảnh hưởng [3]. Hậu quả là Thủ tướng Mazowiecki và chính quyền của ông không còn được ủng hộ mạnh như trước và Công đoàn Đoàn kết bắt đầu tan rã.
***
4.
Chuyển hóa bằng bầu cử
Tình hình vừa kể khiến Tổng thống Jaruzelski phải nhượng bộ trước áp lực đòi ông từ chức, để Ba Lan có thể tổ chức bầu cử sớm và chọn ra một Tổng thống dân cử đúng nghĩa.
Trong chiến dịch vận động tranh cử đợt này, Walesa tấn công Thủ tướng Mazowiecki cùng các trí thức thân cận rằng họ đã đưa kinh tế Ba Lan xuống dốc và cho phép phe cộng sản phủi bỏ trách nhiệm một cách quá nhẹ nhàng. Phần mình, Mazowiecki chỉ trích thái độ bốc đồng của Walesa. Cuối cùng, một doanh nhân ít người biết, gốc Ba Lan sống tại Canada, đã thắng Mazowiecki trong vòng đầu bầu cử, nhưng rồi ông này lại thua Walesa trong vòng cuối. Đây là khởi đầu cho sự tan rã ngày càng gay gắt của Công đoàn Đoàn kết. Nó cũng đưa Walesa lên võ đài chính trị, nơi sau đó ông tận dụng để công kích các chính trị gia khác và có biểu lộ xem thường các điều khoản Hiến pháp giới hạn quyền lực Tổng thống.
[Nửa cuối năm 1990 có nhiều thay đổi: Tổng thống Jaruzelski từ chức vào đầu tháng 9; nội các của Thủ tướng Mazowiecki nộp đơn từ chức ngày 25/11; Lech Walesa thắng Wazowiecki trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/12; và Ba Lan có nội các mới ngày 4/1/1991].
Bầu cử 1991 
Năm 1991, bầu cử Quốc hội được tổ chức với mục tiêu ban đầu là để có một cơ quan lập pháp dân cử đúng nghĩa, giúp thông qua Hiến pháp. Điều này cũng phản ánh nhu cầu của Ba Lan nhằm “bắt kịp” các nước Đông Âu khác – họ tiến hành dân chủ hóa sau Ba Lan, khi không còn tê liệt vì sợ Liên Xô o ép nữa, nhưng vì có bầu cử tự do sớm hơn Ba Lan nên họ được chọn đại diện tham gia Nghị viện Châu Âu sớm hơn.
Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội tự do đầu tiên năm 1991 đã làm xáo trộn sinh hoạt chính trị. Công đoàn Đoàn kết, trước đó, đã vỡ ra thành nhiều đảng khác nhau, và những đảng mạnh nhất lại theo khuynh hướng bình dân kết hợp với chủ nghĩa dân tộc pha màu sắc tôn giáo. Sau mâu thuẫn về luật bầu cử, tỉ lệ phiếu cần và đủ đã được đặt quá thấp đến nỗi có đến 111 đảng đạt chuẩn tranh cử, 29 đảng vượt qua ngưỡng 5% phiếu để có ghế trong Hạ viện, và 22 đảng đủ chuẩn để có ghế trong Thượng viện. Không có đảng nào hay liên minh nào có một đa số an toàn. Kết quả này, cùng với việc Walesa muốn can thiệp vào mọi quyết định, đã dẫn đến những cuộc chạm trán liên tục về bổ nhiệm nhân sự và tranh cãi nảy lửa về việc có nên xóa bỏ “đường ranh đậm” tách bạch quá khứ với hiện tại [tức chủ trương tạm quên quá khứ, hạn chế truy tố và trừng phạt tội ác chế độ cũ] hay không. Ba Lan lúc này không có được một nội các với nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng thống nhất trong những quyết sách quan trọng, cũng không có một Hạ viện biết tôn trọng quyết định của Chính phủ.
Hiến pháp Nhỏ 1992
Hạ viện sụp đổ sau khi các thành phần cấp tiến thân cận với Bộ trưởng Nội vụ tố cáo một số quan chức quan trọng trong chính phủ và Walesa là cựu nhân viên mật vụ. Trước đó, một bản Hiến pháp tạm thời, gọi là “Hiến pháp Nhỏ”, được thông qua, quy định vai trò của một số định chế và đưa ra tỉ lệ khởi đầu cao hơn để một đảng có ghế trong Hạ viện. 
Năm 1993, một cuộc bầu cử đột xuất diễn ra, cánh hữu lúc này chia rẽ nặng đến nỗi chỉ có vài đảng đạt được ngưỡng khởi đầu để có ghế. Liên minh Cánh tả Dân chủ được ủng hộ nhiều hơn nhờ đứng ngoài các cuộc đụng độ và nhờ tạo được uy tín là đảng của những “người hiện đại hóa hợp lý”; người ủng hộ Liên minh này gồm những người từng được hưởng nhiều bổng lộc của chế độ cộng sản và những người bị đả kích vì đã tham gia guồng máy cai trị cộng sản. Liên minh Cánh tả Dân chủ và Đảng Nông dân chiếm thế thượng phong tại Hạ viện mới.
Walesa xuống, Kwasnieski lên 
Hai năm sau, Kwasniewski đánh bại Walesa trong cuộc bầu cử Tổng thống. Trong nhiệm kỳ của ông, một Hiến pháp mới được thông qua [1997], đúc kết những bài học kinh nghiệm từ những gì xảy ra trong bảy năm trước. Hiến pháp mới hạn chế quyền hành của Tổng thống và trao toàn quyền lập pháp cho hai viện Quốc hội, kể cả quyền bác bỏ quyết định phủ quyết của Tổng thống. Tổng thống chỉ còn một số quyền giới hạn trong việc giải tán Quốc hội. Ba Lan tham gia NATO và trở nên thành viên EU, sau khi nhận được viện trợ khổng lồ để thực hiện các cải cách giúp vươn đến chuẩn mực một thành viên EU, và điều chỉnh Quân đội (theo mô hình Khối Warsaw cũ với những trang thiết bị cũ) để đạt chuẩn vào NATO.
Bóng đen quá khứ
Mặc dù còn nhiều người gặp khó khăn trong nền kinh tế mới, Ba Lan đã trở thành một quốc gia thịnh vượng trong cộng đồng Châu Âu. Tuy nhiên, việc xử lý những sai phạm trong thời cộng sản cũ vẫn chưa được giải quyết xong, vẫn tiếp tục gây xáo trộn và đáng ngại. Những vụ tố cáo, rồi phản pháo – và việc đưa ra ánh sáng những sai phạm do mật vụ thời cộng sản gây ra – đã trở thành vũ khí trong tay cánh cực hữu. 
Cho đến năm 1998, khi Quốc hội thông qua luật thành lập Viện Ký ức Quốc gia, cuộc “thanh lọc vô tội vạ” với những tiết lộ “ai theo dõi ai thời cộng sản” đã trở thành chất liệu chính cho các trận đấu đá chính trị và gây bất ổn sâu sắc. Quá khứ cộng sản vẫn ám ảnh Ba Lan cho đến tận ngày nay, làm giảm uy tín Giáo hội Công giáo khi các vụ Linh mục tiếp tay mật vụ được khui ra, và có lúc khiến dân chúng không còn kính trọng Hạ viện và Tổng thống (như đã xảy ra trong nhiệm kỳ Tổng thống Walesa 1990-95 và Tổng thống Kaczynski 2005-10). Đó là hậu quả khi mọi sự đều chú trọng vào quá khứ, truy tìm xem ai đã làm gì lúc nào, thay vì tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt hiện tại.
Không như các chính trị gia, quần chúng Ba Lan thực ra lại ít chú ý đến việc trừng phạt quá khứ. Các phiên tòa bắt đầu năm 2006 xét xử [cựu Chủ tịch Nước kiêm Tổng Bí thư] Jaruzelski và đồng sự vì đã áp đặt thiết quân luật [1981-83] và đàn áp biểu tình năm 1970 đã diễn ra nhưng không thu hút được sự quan tâm thực sự của quần chúng. Ứng cử viên tranh cử, và nhân sự được bổ nhiệm vào các vị trí chính trị, bị buộc phải tự thú đã làm tay trong cho mật vụ, nếu có, nhưng nhiều ứng cử viên có bản tự thú treo tại phòng phiếu vẫn được dân bầu và vẫn thắng cử.
***
5.
Một số bài học 
1. Khi các lãnh đạo Đảng Cộng sản Ba Lan tìm đến Công đoàn Đoàn kết năm 1988 và tìm cách cho phe đối lập tham chính thì lý do là vì họ muốn Công đoàn Đoàn kết hợp tác để thực hiện những thay đổi kinh tế mà họ biết sẽ rất đau đớn. Nhưng sau đó, dù có cải cách và cởi mở, việc chính quyền áp đặt thiết quân luật năm 1981 vẫn không dễ dàng được quên đi hay tha thứ. 
2. Các lãnh tụ cộng sản đã đi con đường có một không hai, họ mời các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo, vốn ủng hộ việc ngồi lại với nhau, làm trung gian thực hiện các cuộc gặp mặt không chính thức với giới trí thức Công đoàn Đoàn kết, rồi sau đó tiến hành quá trình Đàm phán Bàn tròn. Đối với các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết, Đàm phán Bàn tròn là cơ hội để họ tái xuất hiện như một tổ chức hợp pháp, góp phần vào việc cải thiện cuộc sống người dân. Quá trình đàm phán này diễn ra được là vì Công đoàn Đoàn kết có sẵn những nhà thương thuyết và chuyên gia giỏi, nổi tiếng vì những hoạt động đấu tranh trước đó, và cũng vì các nhà thương lượng của đôi bên từng biết nhau và có thể làm việc được với nhau. Ngoài ra, những người lãnh đạo Đảng và nhà nước có quyết tâm cải cách cũng chính là những người đã ban hành thiết quân luật và kiểm soát lực lượng an ninh, quân đội, vì vậy không có chuyện thọc gậy bánh xe phá thối từ những thế lực cộng sản thủ cựu. Từ đầu, quá trình đàm phán diễn ra công khai. Sau khi đàm phán bắt đầu, các chuyên gia đôi bên đã tiến hành thảo luận không chỉ về việc mở rộng và tái cấu trúc hệ thống, mà còn về các vấn đề kinh tế xã hội khác mà người dân quan tâm, từ cải cách giáo dục cho đến bảo vệ quyền công nhân.
3. Kết quả bầu cử, khiến đôi bên đều kinh ngạc, đã thay đổi quá trình cải cách, nhưng vì giới lãnh đạo cộng sản là người đưa ra luật bầu cử, nên họ không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận thất bại và đành bó tay khi các đảng vệ tinh rời bỏ họ để liên minh với Công đoàn Đoàn kết. Cả đôi bên đều không biết điều gì sắp xảy ra. Lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết mở cửa cho đại diện mọi đảng phái có mặt trong nội các mới, và những nghị viên ứng cử dưới danh nghĩa Đảng Cộng sản cũng bỏ phiếu cho những thay đổi kinh tế và chính trị ngoạn mục.
4. Có lẽ vì không bên nào có kế hoạch rõ ràng cần phải làm gì, nên họ có thể đưa ra những thay đổi chính trị và kinh tế lớn không thể đảo ngược. Nhưng những thay đổi này cũng khiến Công đoàn Đoàn kết rạn nứt trầm trọng và dẫn đến những cuộc đấu đá bất phân thắng bại về cách xử lý quá khứ cộng sản. Hệ thống chính trị Ba Lan chuyển biến kiểu dò dẫm, đi theo những gì có hiệu quả và tránh những gì vô hiệu trong suốt một thập niên chuyển đổi. Những bài học này được phản ảnh trong nội dung Hiến pháp 1997.
5. Tuy cuộc chuyển đổi dân chủ diễn ra ở Ba Lan, những nhân tố bên ngoài cũng quan trọng. Việc Liên Xô bỏ quyền kiểm soát Trung và Đông Âu năm 1989 và hoàn toàn tan rã vào năm 1991 đã mở cửa cho những thay đổi trước đó không ai tưởng tượng được. Quan hệ của phương Tây với Ba Lan từ giữa thập niên 1950 đã cho người Ba Lan thấy rằng ngoài chủ nghĩa cộng sản vẫn còn có những điều tốt đẹp hơn, và thế giới bên ngoài vẫn quan tâm chứ không bỏ rơi họ. Các ràng buộc kinh tế với phương Tây cũng tạo ra áp ực buộc lãnh đạo Ba Lan phải cải cách cả hệ thống kinh tế lẫn chính trị.
6. Đối với chính quyền Ba Lan thời chuyển đổi, các nhà tư vấn cùng các khoản cho vay hoặc viện trợ, từ nhiều Chính phủ phương Tây và cơ quan quốc tế, đã góp phần quan trọng vào việc định hướng cải cách kinh tế và giúp nền kinh tế gắn kết được với nhau sau cải cách. Lại gần và trở thành một phần của Châu Âu cũng giúp tăng tốc quá trình thay đổi chính trị và kinh tế. Việc Ba Lan trở thành thành viên NATO và EU đã mang lại tính chính danh cho hệ thống mới trong mắt người dân, mặc dù nhiều người còn gặp khó khăn trong giai đoạn đầu chuyển đổi. 
7. Cuối cùng thì sự tham gia của phương Tây và những trợ giúp họ mang lại, cùng những bước đi sớm sủa và dứt khoát không thể đảo ngược để chuyển đổi cấu trúc kinh tế và chính trị cũ, đã giúp Ba Lan trở thành, có lẽ không sai, quốc gia ổn định và thịnh vượng nhất trong những quốc gia hậu cộng sản. Ba Lan cũng là một trong những trường hợp chuyển đổi từ chuyên chế qua dân chủ thành công nhất. Kinh tế Ba Lan đã có thành tích vượt hẳn các nước khác trong thời kỳ hậu suy thoái 2008, và nền chính trị Ba Lan đã vượt qua được những đoạn đường dằn xóc và trở thành một nền chính trị dân chủ được định chế hóa một cách bền vững.
[Còn tiếp 3 kỳ]
___ 
NGUỒN: Chương 7, “Poland” (Ba Lan), cuốn Democratic Transitions – Conversation with World Leaders (Chuyển đổi dân chủ - trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới), của Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, do “Viện Quốc tế vì Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử” tại Stockholm (International Institute for Democracy and Electoral Assistance – Stockholm) và Nhà Xuất bản Johns Hopkins University Press, Baltimore, Hoa Kỳ, phát hành năm 2015.
P.T.
___ 
GHI CHÚ
[1] Antoni Dudek, Historia Polityczna Polski 1989-2012 (Krakow: Nhà Xuất bản Wydawnictwo “Znak”, 2013), tr. 75 
* Hiến pháp 1952 còn được tu chỉnh vào tháng 12/1989 qua “Tu chính Tháng 12”, “Hiến pháp Nhỏ” 1992, và được thay mới bằng Hiến pháp Ba Lan 1997. Theo Wikipedia, từ mục “Small Constitution” - ND
** Thành công của Liên Minh Cánh tả Dân chủ lên đỉnh điểm ở những năm 1995-2005, khi Kwasniewski làm Tổng thống liên tiếp hai nhiệm kỳ; sau đó Liên minh trượt dốc và đến 2016, Liên minh không có ghế nào trong hai viện Quốc hội. Theo Wikipedia, từ mục “Democratic Left Alliance” - ND
[2] Antoni Dudek, như trên, tr. 77
[3] Tadeusz Kowalik, From Solidarity to Sellout (New York: Nhà Xuất bản Monthly Review Press, 2011). 
Dịch giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.