Dân Việt kêu gọi tiếp tục biểu tình vụ cá chết
bauxitevnSat 7:36 AM
Hình ảnh người tuần hành, kể cả phụ nữ và trẻ em, bị đàn áp đẫm máu trong hai lần biểu tình vừa qua dường như không phát huy được tác dụng răn đe, mà ngược lại, càng làm sôi sục sự phẫn uất trong công luận về cách đáp ứng của nhà chức trách với thảm họa và với lòng dân…
Biểu tình vụ cá chết hàng loạt ở Hà Nội ngày 1/5/2016.
Người dân Việt Nam tiếp tục kêu gọi mọi người xuống đường biểu tình đòi nhà nước công khai nguyên nhân gây thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Đã hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra hiện tượng cá chết trắng bờ từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, đến Thừa Thiên-Huế, nhà chức trách vẫn chưa có kết quả điều tra chung cuộc.
Ghi nhận tình trạng cá chết không ngừng gia tăng và xảy ra tại nhiều nơi khác nhau. Xác cá dạt bờ, xác cá xếp lớp dưới biển. Không chỉ cá biển mà cả cá sông, cá nuôi cũng giãy chết hàng loạt. Mọi nghi ngờ tập trung vào đường ống xả thải của công ty Formosa Hà Tĩnh đổ thẳng ra biển Vũng Áng trong khi giới chức Việt Nam thừa nhận cá chết có thể do nhiễm ‘hóa chất cực độc’.
Theo thông báo phổ biến trên internet, các cuộc tuần hành vì môi trường xanh dự kiến diễn ra vào Chủ nhật tuần này (15/5) và Chủ nhật tuần tới (22/5) khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Việt Nam.
Địa điểm biểu tình được đề nghị tại các thành phố lớn bao gồm Hà Nội và Sài Gòn, tập trung trên các đường phố chính.
Người biểu tình kêu gọi mọi người mặc trang phục màu xanh, mang theo các khẩu hiệu-biểu ngữ xanh với thông điệp chính là bảo vệ môi trường và minh bạch thông tin.
Lời kêu gọi trên mạng nói ‘Chúng ta là con người, không phải cá, Chúng ta có quyền được sống’.
Thông điệp này được lan truyền trên mạng xã hội sau các cuộc biểu tình ôn hòa từ Bắc chí Nam trong hai cuối tuần liên tiếp đầu tháng 5 bị trấn áp bằng võ lực.
Hình ảnh người tuần hành, kể cả phụ nữ và trẻ em, bị đàn áp đẫm máu trong hai lần biểu tình vừa qua dường như không phát huy được tác dụng răn đe, mà ngược lại, càng làm sôi sục sự phẫn uất trong công luận về cách đáp ứng của nhà chức trách với thảm họa và với lòng dân.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người tham gia 2 cuộc tuần hành trong tháng này tại Nha Trang, nói với VOA Việt ngữ:
“Yêu cầu duy nhất là minh bạch thông tin để mọi người có thể yên tâm. Mình chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải biết chuyện gì đã xảy ra, mà đến tận bây giờ, không ai biết vì sao cá chết. Mọi nguyên nhân đều quay vòng vòng để né tránh nhà máy Formosa. Mục tiêu cuộc biểu tình lần này là quyền được sống trong một môi trường trong lành và đây là một nhu cầu hết sức chính đáng mà bất kỳ người dân nào, ở vị trí nào, cũng đều mong muốn. Việc đàn áp hầu gieo rắc sự sợ hãi. Nhưng người Việt đã bắt đầu có ý thức về đời sống và có ý thức về việc đấu tranh cho tương lai con cái khá cụ thể, khá mạnh mẽ. Vì vậy, việc sử dụng bạo lực của họ bị thất bại và bị phản tác dụng”.
Blogger Nguyễn Đình Hà góp mặt trong các cuộc tuần hành vừa qua tại Hà Nội chia sẻ:
“Chính quyền nên lắng nghe lòng dân, nên tôn trọng việc công dân thực hiện quyền của họ vì việc tuần hành là hoạt động bình thường trong xã hội miễn sao trong tinh thần ôn hòa. Nếu họ tiếp tục trấn áp như vậy thì hình ảnh Việt Nam trong con mắt chính trường quốc tế sẽ bị xấu đi. Cách giải quyết tốt nhất của họ là nên để người dân tuần hành ôn hòa rồi giải tán thay vì trấn áp bằng bạo lực”.
Anh Hà nói với vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sức khỏe và sinh mạng mỗi con người trong xã hội như thảm họa cá chết hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam không thể tiếp tục chiêu trò dùng võ lực buộc công dân phải câm lặng nhìn công lý chìm xuồng như các vụ việc trước nay.
“Thay đổi là xu thế tất yếu của mọi xã hội. Em mong rằng chính quyền Việt Nam sẽ lắng nghe điều đó. Nếu họ không lắng nghe, thì ‘gieo nhân nào, gặp quả đấy’. Nếu họ không thay đổi, họ sẽ gặp những hệ lụy rất khó lường trước được một khi lòng dân đã biến đổi”.
Trên mạng xã hội liên tiếp trong những ngày qua, xuất hiện nhiều hình ảnh người dân Việt Nam từ công nhân, nông dân, tới giáo viên, giới trí thức cầm biểu ngữ kêu gọi công lý và minh bạch trong vụ cá chết hàng loạt, với thông điệp ‘Cứ đánh vào mặt tôi nếu muốn, nhưng hãy trả biển và quyền làm người cho dân’.
Trong khi đó, cộng đồng người Việt hải ngoại đang kêu gọi mọi người tọa kháng, biểu tình trước các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để phản đối việc Hà Nội đàn áp bạo lực các cuộc tuần hành xanh, đồng thời kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền, đặc biệt trước chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama mà thông điệp hàng đầu ông mang theo để thúc đẩy Hà Nội trong chuyến thăm này chính là vấn đề nhân quyền Việt Nam.
T.M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.