Thảm họa môi trường quốc gia: Giọt nước tràn ly (Phần 1)
bauxitevnFri 6:54 AM
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Một người phụ nữ thu gom nghêu chết trên một bãi biển ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 27/4/2016. AFP photo
Vụ việc cá chết hàng loạt do bị nhiễm độc dọc bờ biển bốn tỉnh miền Trung, mà xuất phát điểm là khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan ra khắp dọc bờ biển cả nước vừa qua là một thảm họa môi trường quốc gia. Có thể nói, mức độ trầm trọng và hậu quả khủng khiếp mà vụ nhiễm độc gây ra đối với đời sống người dân dọc ven biển, người dân cả nước cũng như toàn bộ nền kinh tế là không thể đo lường được. Không những vậy, sự vô trách nhiệm trước việc xử lý khủng hoảng, tìm nguyên nhân và việc đàn áp những người tuần hành vì môi trường của nhà cầm quyền Việt Nam chính là giọt nước làm tràn ly đối với người dân sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam. Một sự việc lớn, nghiêm trọng cần được nghiên cứu toàn diện, dưới nhiều góc độ và tìm hiểu ảnh hưởng trên nhiều phương diện.
Diễn biến vụ việc và hậu quả
Như chúng ta đã biết, ngày 06/4/2016 đã xảy ra hiện tượng cá chết bất thường ở vùng ven biển và các lồng nuôi khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh. Chỉ 4 ngày sau, tức ngày 10/4, hiện tượng cá chết bất thường, hàng loạt đã xảy ra ở Quảng Bình. Liên tục các ngày sau đó, ngày 19/4, cá chết xuất hiện ở Quảng Trị. Từ ngày 15-22/4, cá chết dạt vào bờ biển tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau đó, rải rác cá chết ít hơn ở các tỉnh ven biển từ miền Trung vào phía Nam như Đà Nẵng, Bình Thuận... những ngư dân ở các tỉnh ven biển đều thừa nhận, chưa bao giờ có hiện tượng cá chết nhiều khủng khiếp như vậy. Đồng thời người ta cũng phát hiện ra rằng, có rất nhiều loại cá sống dưới tầng đáy biển đã bị chết nổi lên và dạt vào bờ. Như vậy, độc tố đã ngấm xuống tầng đáy biển làm cá chết hàng loạt. Ngay khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, một thợ lặn đã phát hiện được, có một đường ống xả thải của nhà máy Formosa (công ty thép Hưng Nghiệp Formosa) thuộc khu công nghiệp Vũng Áng, đã đặt đường ống chìm sâu dưới đáy biển, cách bờ biển từ 1,5-2km, đường kính đường ống 1,1m. Ngay lập tức, mọi thắc mắc và nghi vấn đều tập trung vào việc xả thải của công ty Formosa, bởi vì cá chết bắt nguồn từ khu vực Vũng Áng, và đường ống xả thải bí mật dưới đáy biển.
Một người dân với những con cá biển đã chết trên một bãi biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 21 tháng 4 năm 2016.
Với việc cá chết hàng loạt, và biển bị nhiễm độc đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của ngư dân ven biển bốn tỉnh miền Trung. Trước hết, đánh bắt gần bờ của bà con ngư dân đã phải dừng lại, vì không còn tôm cá. Đánh bắt xa bờ đưa tôm cá vào không bán được vì không ai dám mua. Người dân ven biển bốn tỉnh miền Trung đã lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Các ngành nghề có liên quan, như du lịch, và tất cả các ngành nghề liên quan tới ngành thủy hải sản, phục vụ ngư dân cũng lâm vào cảnh xơ xác, tiêu điều... Một hệ lụy vô cùng thảm khốc là số cá, tôm chết do bị nhiễm độc không được tổ chức tiêu hủy, đã bị những kẻ xấu lợi dụng vận chuyển đi các địa phương khác bán, để người dân không biết sử dụng hoặc làm nước mắm, mắm tôm. Cá tôm chết do nhiễm độc thì những sản phẩm chế biến từ cá tôm đó chắc chắn sẽ nhiễm độc theo, và người dân không biết sử dụng phải sẽ bị nhiễm bệnh. Không những vậy, nước biển bị nhiễm độc, người dân sử dụng làm muối ăn cũng sẽ mang lại hậu quả khôn lường. Các sản phẩm cá tôm của Việt Nam xuất khẩu, đã bị các nước trả về do phát hiện có độc tố trong sản phẩm. Chúng ta có thể thấy rằng, hậu quả và hệ lụy vô cùng khủng khiếp đã xảy ra cho người dân miền Trung, và người dân cả nước. Theo các nhà khoa học môi trường, môi trường biển bị nhiễm độc như hiện nay, sẽ phải mất mấy chục năm để khôi phục lại môi sinh của biển như trước khi bị nhiễm độc.
Phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam
Có thể nói, phản ứng của giới lãnh đạo Việt Nam về vụ việc nhiễm độc gây chết bất thường hàng loạt cá là vô cùng đáng phẫn nộ, lên án. Những kẻ đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã không có một ý kiến, một sự quan tâm nào tới một thảm họa tầm cỡ quốc gia khi sự việc đã xảy ra được 3-4 tuần. Đối với những người còn mơ hồ, còn chút tin tưởng vào lý tưởng, vào sự quan tâm tới người dân của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thì qua sự việc này đã vỡ mộng hoàn toàn. Người đứng đầu Đảng Cộng sản có chuyến công tác vào Hà Tĩnh, mà cụ thể là có vào Khu công nghiệp Vũng Áng, trong khi nạn dịch cá chết nhiễm độc đã xảy ra, dân tình hoang mang mà không có một lời hỏi thăm, tìm hiểu, động viên người dân. Thậm chí, trong tất cả các phát biểu cũng không hề nhắc tới việc cá chết bất thường, hàng loạt. Các vị trí lãnh đạo chủ chốt khác cũng không hề lên tiếng. Chỉ sau hơn ba tuần xảy ra sự việc, dưới sức ép của dư luận, Thủ tướng Chính phủ mới có cuộc họp bàn để triển khai xử lý vụ việc.
Trong thời gian gần một tháng sau khi cá chết bất thường, cũng có những cơ quan của tỉnh, hoặc của bộ này bộ khác tìm hiểu, kiểm tra, giám sát việc công ty Formosa xả thải ra môi trường (cụ thể là ra biển). Tuy nhiên, toàn bộ quá trình các đơn vị này làm việc, đã cho thấy một bức tranh vô cùng hỗn loạn trong hệ thống quản lý của Nhà nước Việt Nam. Sở tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh thì nói rằng, không được phép vào thanh tra, kiểm tra công ty Formosa vì đó là đơn vị đầu tư do trung ương quản lý, nhưng có bài báo trên báo Hà Nội Mới thì lại đưa tin, việc tỉnh Hà Tĩnh cấp phép vượt thẩm quyền về thời gian khi chưa được Chính phủ đồng ý. Đường ống xả thải ngầm ra biển, cơ quan thì nói chưa được phép, nhưng Bộ Tài nguyên Môi trường lại nói đã cấp phép cho công ty Formosa xả thải ra biển. Tỉnh Hà Tĩnh có lãnh đạo nói rằng nước biển và cá tôm đều an toàn trong khi tỉnh Thừa Thiên - Huế lại công bố nước biển bị nhiễm độc rất nặng chrome gấp nhiều lần cho phép. Bộ Tài nguyên Môi trường thì nói một đằng, bộ Nông nghiệp thì nói một nẻo... Tóm lại, đó là sự hỗn loạn, không thống nhất trong quản lý...
Hà Nội, ngày 11/5/2016
N.V.B
__________
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.