Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Thư gửi báo Tuổi Trẻ

Thư gửi báo Tuổi Trẻ

bauxitevnSun 8:09 AM


Lưu Văn Vương
Kính gửi Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ
Dù đã viết đôi điều về sự việc cá chết dọc duyên hải bốn tỉnh miền Trung, thế nhưng chiều ngày 16.05 2016, báo Verdens Gang, lớn hàng thứ nhì ở Na Uy vẫn còn tiếp tục đưa tin và bình luận về sự việc này. Cho nên hôm nay tôi lại xin góp thêm bài viết cuối để khép lại đề tài về thời sự nóng bỏng có liên quan đến sự điều hành báo chí ở quê nhà. Xin Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ hãy vào link phía dưới để có một cái nhìn tổng thể và khách quan hơn về chuyện cá chết ở Vũng Áng. 
Hãy tạm bỏ qua mọi thành kiến về đảng chính trị đối lập Việt Tân ở hải ngoại. Vì ở hải ngoại, đảng ma, đảng cuội nhiều lắm. Người Việt sinh sống ở nước ngoài họ không còn dễ tin như những ngày mới tỵ nạn đâu. Điều này tôi có thể khẳng định như thế. Là một người dân Việt Nam, nhìn thấy thảm cảnh môi trường bị hủy hoại, đời sống của ngư dân đã khó khăn lại trở thành khốn khổ thì ai mà không đau lòng! Đâu có ai có quyền cấm chúng ta thể hiện lòng yêu nước bằng cách tỏ thái độ biểu tình ôn hòa. Cái đảng Việt Tân nếu đã tham gia biểu tình thì cũng chi loe ngoe vài mống, hoặc giả sử Việt Tân có trà trộn trong đó thì cũng chẳng thể kết tội là cả dòng người đi biểu tình đòi “Biển Sạch và Minh Bạch” là bị lợi dụng và xúi giục, hay có tiền án tiền sự như báo đã đưa tin! Cả hàng ngàn người tham gia mà gọi là nhóm người gây rối thì hết ý kiến. Mặc dù giờ đây tin trời ơi đó đã được xác nhận là thiếu kiểm chứng và không trung thực, bởi chính người đưa tin là ký giả Viễn Sự và người “có tiền án” là em Huỳnh Tấn Phát (xin xem và nghe link đính kèm). 
Công bằng mà nói, báo chí ở Việt Nam rất nhạy bén về những tin về hình sự và về giới nghệ sĩ. Nhưng những tin về chính trị xã hội thì rất mù mờ. Sự trì trệ não bộ và không bắt mạch được với những tiến bộ thay đổi xã hội là một điều đáng tiếc với hai chữ Tuổi Trẻ. Biết rằng báo chí ở Việt Nam phải chịu sự chi phối và định hướng vô cảm từ giới cầm quyền ở mọi cấp cao ngang dọc đã khiến cho nhiều tờ báo và ký giả chân chính đã phải mũ ni che tai. Buồn thay! Tôi kêu gọi sự trung thực cùng một chút lương tâm còn lại và niềm tin nơi hai chữ Tuổi Trẻ của tờ báo đã có bề dày sinh hoạt làm báo hơn 40 năm với thời kỳ của các Tổng Biên tập Vũ Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi hay Lê Hoàng ngày nào. Hãy hiểu rằng làm báo với khoa học công nghệ ngày nay thì chẳng dễ gì mà che đậy hay bưng bít sự thật được cả. Sự áp bức, bất công còn tồn tại được nhờ sự góp công bằng sự im lặng của quý vị đó.
Cùng một đề tài môi trường, nhìn người rồi nghĩ đến ta. Ký giả nước ngoài họ viết tin tức ít nhất cũng luôn cẩn trọng. Lập luận và dẫn chứng một cách chặt chẽ, tránh cảm xúc đưa những thông tin một chiều cho riêng mình hay viết sai sự thật. Thông tin trung thực, nói đúng sự thật và luôn luôn ủng hộ cái đúng, đả phá cái sai. Lỡ đưa thông tin sai lạc thì họ phải đính chính lại ngay. Họ chỉ thấy hình ảnh những người mặc áo xanh Thanh niên Xung phong và công an mặc thường phục đánh và bắt người dân tham gia biểu tình bất kể nam nữ. Họ đã nhấn mạnh đây là những cuộc biểu tình ôn hòa của người dân vì môi trường, không phải là nhóm người kích động, gây rối, tội phạm hình sự. Báo chí ở quốc gia dân chủ thực sự nó là như thế! 
Hãy chú ý dưới cái nhìn và quan điểm của họ trong phần kết luận mà báo Verdens Gang đưa ra rằng: “Nếu không có chuyện cá chết, thông tin chậm trễ thì làm gì có chuyện biểu tình”. Quan trọng nhất mà tờ báo Na Uy đã nêu là câu họ hỏi “Chính phủ Việt Nam đã làm gì để sáng tỏ cho sự việc này? Thay vì bảo vệ môi trường và người dân thì chính quyền lại có hành động đối nghịch lại!”. Qua những cuộc biểu tình tự phát như thế, tôi đồng tình với những suy luận logic của ký giả Stein Eisenträger báo Verdens Gang. Ít ra người dân mình đã phản đối chính quyền theo phương cách của nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ Mahatma Gandhi khi ông nói: “Công cuộc theo đuổi chân lý không cho phép bạo lực với đối phương” vì “Luật lệ không công bằng tự nó đã là một dạng bạo lực”. Còn báo chí mà không viết theo chân lý và công bằng thì sao?
Hộ chiếu tôi vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam, do chính phủ Việt Nam cấp. Không tham gia bất kỳ một đảng phái chính trị nào ở nước ngoài. Vẫn luôn tự hào là người Việt Nam vì công việc và dòng máu của mình. Cho nên tôi vẫn luôn tâm niệm không có gì bằng quê hương đã nuôi tôi lớn. Tôi đã buồn và rất xót xa khi thấy nhiều sai trái và bất công vẫn còn tồn tại, để rồi tự hỏi “Đất nước mình lạ quá phải không em?”. Tôi tin rằng chẳng có thế lực phản động nào ở nước ngoài xúi giục nổi người dân đi biểu tình cả. Chẳng qua chính phủ Việt Nam đã thổi phồng sự việc với yếu tố chính trị hóa trong những cuộc biểu tình vừa qua để lấy cớ mà đàn áp.
Người xa xứ, Stavanger
L. V. V.
Bài viết có mượn tựa đề bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam 
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.