Vấn đề khô hạn và giải pháp ở đồng bằng sông Cửu Long
bauxitevnThu 7:56 AM
Nguyễn Văn Thạnh
Khô hạn và ngập mặn ở đồng bằng sông cửu Long là một tai họa khủng khiếp đang đe dọa đời sống một bộ phận đông đảo cư dân Việt Nam và có nguy cơ tác động đến nền kinh tế của cả nước vốn đang sa lầy trong thuaq lỗ, nợ nần. Bên cạnh việc đấu tranh kiên quyết để kẻ chiếm nước ở đầu nguồn như Trung Quốc không lợi dụng cơ hội ngặt nghèo này để “đánh đòn kinh tế” đối với các nước dưới hạ lưu, trong đó có Việt Nam, vấn đề quan trọng hơn là dồn tâm lực nghĩ đến một giải pháp tổng hợp, dài hạn và vẹn toàn cho vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa” của chúng ta có thể thích ứng với thay đổi của khí hậu và trở lại sự phì nhiêu như trước, hơn trước. Đó trước hết là nhiệm vụ của tầng lớp trí thức tâm huyết với dân tộc.
Bài viết dưới đây, đề xuất một giải pháp ở tầm vĩ mô, tức là đưa ra một cách nhìn vấn đề trước hết từ trong quan niệm về cách tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp vốn còn manh mún ở nơi đây, để có những tập đoản nông nghiệp mạnh được công nghiệp hóa và hiện đại hóa, và không biến thành tập đoàn kinh tế quốc doanh làm ăn thua lỗ, thì mới có khả năng đương đầu được với mọi khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, nhằm đưa năng suất lúa gạo không phải như lâu nay mà sẽ thu lãi về gấp bội, giải phóng sức lao động chân tay cho hàng chục triệu người dân. Tuy tác giả có mang theo trong cách viết ít nhiều dự cảm lãng mạn về một tương lai tươi sáng, trong khi còn thiếu những đóng góp về biện pháp kỹ thuật cụ thể, chúng tôi vẫn nghĩ đây là một sự hiến kế có trách nhiệm và ít nhiều là một đề xuất có ý hướng mới. Vì thế xin đăng lên để bạn đọc xa gần tham khảo.
Bauxite Việt Nam
|
Thực tế cho thấy, nhiều khi mỗi tai họa của dân lại là mồi béo bở của quan. Chúng ta cũng cần cẩn trọng trước các giải pháp của chính quyền cho vấn đề này, nhất là các gói chi tiêu xây dựng khổng lồ (nhiều tiếng nói đề nghị xây đê ngăn mặn như Hà Lan). Những công trình khổng lồ nhân danh abc thường có khi làm kiệt quệ đất nước vì hiệu quả kinh tế thấp.
Bài trả lời phỏng vấn: https://www.spreaker.com/user/ctmoi/thich-nghi-v-i-hi-n-tr-ng-d-ng-b-ng-song
1. Sự suy tàn của DETROIT và bài học cho Việt Nam.
Thời gian gần đây, đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất VN – lâm vào hạn hán và nhiễm mặn.
Tình hình diễn biến xấu từng ngày. Người dân đột ngột không có nước ngọt để uống, cá tôm cây cối đột ngột chết do nhiễm mặn. Báo chí và công luận nhanh chóng hướng đến Trung Quốc. Nước đầu nguồn sở hữu 1/3 con sông và đang xây dựng liên tiếp những con đập khổng lồ phục vụ cho thủy điện. Trong tình hình lâu nay sự hữu hảo giữa hai nước không tốt, tâm lý bài Trung đang lên thì các con đập của TQ thu hút dư luận là điều dễ hiểu. (Xưa nay thấy rằng, tranh đấu bằng cách khơi dậy căm thù (các kiểu) là dễ nhất nhưng nhiều khi lại là cách hạ sách nhất).
Tuy nhiên, tình hình tồi tệ ở ĐBSCL không chỉ là do các con đập của TQ, nếu bình tĩnh suy xét, chúng ta sẽ thấy còn nhiều nguyên nhân khác (VN cải tạo SCL đổ nước ra vịnh Thái Lan; phá rừng Tây Nguyên, Lào, Campuchia; Thái Lan hút nước,...). Xin đừng hiểu lầm, bài viết này không có mục đích bênh vực TQ mà chỉ muốn có cái nhìn toàn cảnh và đưa ra giải pháp có tính khoa học nhất.
Tin tức xấu liên tục dồn dập làm người dân (và có lẽ cả chính quyền, chuyên gia) bối rối không biết nên làm gì với tình hình hiện nay. Can thiệp lên Trung Quốc thì ngoài khả năng lúc này. Chỉ còn đường tính chuyện trong nước. Người cho rằng nên tận dụng nước mặn nuôi tôm nhưng mặn đột ngột thế này lấy đâu ra ao nuôi tôm? Rồi đang nuôi, lũ về nước ngọt thì làm sao?
Người bảo xây đập chắn biển như Hà Lan. Nghe có lý nhưng vấn đề lấy đâu ra lượng tiền khổng lồ đó? Rồi công nghệ, quản lý; rồi chuyện tham nhũng rút ruột? Độ bền vững, an toàn của công trình?
Cụ Nguyễn Du có viết "trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Trên đời này, không có gì mãi mãi duy trì. Theo thời gian, mỗi thứ đều phải đổi thay. Đổi thay có thể tốt hoặc xấu. Tình hình đồng bằng sông Cửu Long rồi cũng phải đổi thay và nó đang diễn ra vậy.
Vấn đề là chúng ta ứng phó với sự thay đổi thế nào? Thật không đơn giản khi mà sự thay đổi đang chạm đến vựa lúa gạo lớn nhất đất nước và là sinh kế của hơn 20 triệu dân.
Chúng ta có thể quan sát sự thay đổi trên thế giới và học hỏi cho mình.
Nước Mỹ đầu thế kỷ 20 là nước Mỹ của nền công nghiệp cơ khí lớn. DETROIT là thủ phủ ô tô của nước Mỹ và vô cùng thịnh vượng. Có thời người dân Mỹ cho rằng sức mạnh của họ hiện diện trong các nhà máy chế tạo ô tô của Ford, General Motors, Chrysler.
Nhưng rồi thời thế thay đổi: Châu Âu rồi Nhật vươn lên thống lĩnh ngành kỹ nghệ này. Detroit suy tàn vì cạnh tranh không lại. Từ một thành phố sầm uất, biểu tượng của sức mạnh nước Mỹ đến một thành phố có đến hơn 78.000 căn nhà bỏ hoang, hệ thống điện-đường xuống cấp, nợ nần ngập đầu, đĩ điếm khắp nơi, dân chúng bỏ đi,... Bất cứ ai chứng kiến sự suy tàn này cũng buồn chứ đừng nói gì người Mỹ.
Là một siêu cường, tại sao Chính phủ Mỹ không đổ tiền ra để cứu Detroit? Sự suy tàn của Detroit có làm nước Mỹ suy tàn không?
Những câu hỏi này sẽ được giải đáp ở phần sau và rút ra vài bài học có thể cho VN chúng ta.
…..
Điểm hay nhất của sự sống là thích nghi với sự thay đổi. Xưa có thể phá rừng lập làng, trồng lúa thì nay có thể bỏ làng cho rừng mọc lại miễn điều đó là tốt cho cuộc sống.
Thế nào là tốt cho cuộc sống thời nay? Đó là làm ăn hiệu quả, có lãi (tất nhiên lãi đúng chứ không phải lãi lừa đảo, lãi phá hoại). Chúng ta đã quen với số đo của kinh tế như: triệu tấn thóc, triệu con lợn, trăm nghìn tấn thép,... nhưng thời nay đã khác. Số đo mới là làm ăn lãi bao nhiêu? Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu làm hàng triệu tấn thóc nhưng lãi chỉ vài đồng.
Nước Mỹ hiểu điều này nên họ không ra sức sản xuất hàng triệu chiếc ô tô mà không có lãi. Cái gì làm không lãi thì nghỉ. Cái gì có lãi nhiều thì làm.
Chính vì điều này mà nước Mỹ không đổ tiền ra để cứu, để vực dậy TP Detroit. Dù Detroit từng là biểu tượng của ngành công nghiệp chế tạo hùng mạnh của nước Mỹ. Nước Mỹ để tiền đó làm chuyện sinh ra lợi hơn.
Detroit suy tàn nhưng thung lũng Silicon lại vươn lên thịnh vượng. Nước Mỹ tiến vào kỷ nguyên internet, kỷ nguyên của Google, Facebook, Apple,... Dù Detroit suy tàn nhưng nước Mỹ không suy tàn. Đất lành chim đậu, dân số Detroit suy giảm nhưng dân số ở Palo Alto (thủ phủ thung lũng Silicon) lại tăng nhanh. Ford suy yếu thì Apple lên ngôi.
Điều đặc biệt thú vị: một trăm năm trước, thung lũng Silicon chỉ là vườn quả và vườn nho. Ngày nay, nó đã trở thành vương quốc của ngành công nghiệp điện tử và máy tính. Đồng thời nơi đây sản sinh ra vô số các ông trùm kỹ thuật của thời đại mới.
Câu hỏi đặt ra, Chính phủ Mỹ có biết điều này để đầu tư không? Xin thưa là không? Vậy điều kỳ diệu nào dẫn dắt nước Mỹ đi từ Detroit đến Paolo Ato?
Đó chính là quyền năng của lãi. Cái gì làm có lãi, nước Mỹ làm cái đó.
(Sau này người Mỹ mướn người TQ làm hàng cũng là chuyện lãi).
…..
Lãi, lãi, lãi,... trời ơi. Đọc hai bài trước của bạn thấy toàn lãi và lãi. Thứ mà với tôi rất đáng tởm. Thứ mà không khác gì loài ký sinh trong bụng những đứa trẻ suy dinh dưỡng (sán lãi). Thứ đó làm còi cọc đứa nhỏ thì thứ bạn nói (lãi), với tôi nó làm còi cọc nhân gian này.
Vâng, cảm ơn bạn đã xem và cho nhận xét. Bạn không cô độc, ở VN này có vô cùng nhiều người giống bạn. Họ không hiểu lãi là gì và căm thù nó. Họ gắn lãi với sự tàn bạo của con buôn, họ thấy lãi là bộ mặt bẩn thỉu của lòng tham vô đáy ở con người.
Trên đời này, có rất nhiều nỗi đau dâu bể mà nguyên nhân không gì khác hơn là tăm tối. Cái tăm tối của đám đông, tạo ra bao nỗi khổ ải kinh hoàng.
Chính sự tăm tối của đám đông về chính trị là nguồn cơn của độc tài, bạo chúa, mị dân. Không biết bao nhiêu kiếp người là nạn nhân thê thảm của bạo chúa nhưng trong đầu lại tràn ngập niềm khinh bỉ, căm thù các giá trị dân chủ.
Chính sự không hiểu và căm thù lãi của người dân là nguồn cơn để các quan chức vẽ vời các dự án kinh tế với những hô hào nhân danh: công bằng, vực dậy vùng miền, công nghiệp hóa-hiện đại hóa, quả đấm thép,... Để rồi sớm muộn những siêu dự án đó hút thêm xương máu của dân (thuế) để tồn tại (như NMLD Dung Quất, đường HCM, dự án Bauxite,...) hay sớm tan hoang dù đã đốt hàng tỷ $ (vinashine).
Không ai ở trên quả đất này mà thoát khỏi sức hút của nó thì cũng không ai, không dân tộc nào sinh tồn trong thời đại hiện nay (toàn cầu hóa) mà thoát khỏi lãi. Muốn xây nhà cao cửa rộng bền chắc phải hiểu trọng lực. Muốn giàu có thịnh vượng phải hiểu lãi.
Apple thịnh vượng vì kiếm lãi giỏi. VN đói nghèo vì 70% câu chuyện làm ăn là nhân danh phục vụ nhân dân không màng lãi (DNNN).
Sẽ rất tai họa nếu nhân danh chống hạn ở ĐBSCL mà Chính phủ chi tiêu hàng trăm tỷ $ tiền vay mượn để rồi mỗi năm thu về vài tỷ $ lợi nhuận từ xuất khẩu lúa. Dù rằng chúng ta có thể vỗ ngực là đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
….
2. Lãi – cuộc chiến tàn khốc.
Xưa, các dân tộc phải sinh tồn, phát triển qua các cuộc chiến tranh thâu tóm khốc liệt. Dân tộc nào thiện chiến sẽ giữ vững được lãnh thổ, không gian sinh tồn để phát triển. Tất nhiên nền kinh tế lúc đó phần lớn là tự cung tự cấp. Nay, thời thế đã khác. Các dân tộc phải kinh qua cuộc chiến thương trường. Cuộc chiến này khốc liệt không kém gì cuộc chiến trước đây: thương trường là chiến trường. Chiến lợi phẩm của cuộc chiến này không gì khác hơn là lãi. Làm ăn có lãi thì thịnh vượng, cái gì cũng có. Làm ăn không lãi thì phá sản, bán vợ, đợ con.
Cũng như chiến trận xưa, chiến trận nay các tổ chức tham gia cũng đầy ma ranh, khôn ngoan, tính toán làm sao để thu được nhiều chiến lợi phẩm nhất, mức rủi ro thiệt hại thấp nhất.
Người Hà Lan khéo trồng hoa thu lãi nhiều cũng sống thịnh vượng, vương giả không thua gì người Đức làm ô tô, người Mỹ làm phi cơ. Thật lạ lùng nhưng qui luật kinh tế lãi nhuận thời toàn cầu là như vậy.
Trong trò chơi khốc liệt này, các lực lượng quốc tế luôn luôn năng động tác chiến, thay đổi uyển chuyển để bảo đảm thắng lợi cao nhất.
Trong bối cảnh thiên hạ, đối thủ năng động như vậy thì xứ sở Việt Nam ta vẫn hì hục vỡ đất, phá rừng, đào kênh….để chăm chỉ sản xuất lúa. Hì hục làm, cặm cụi làm, năm 2015, số lượng gạo xuất khẩu đạt 6,568 triệu tấn, trị giá đạt 2,68 tỷ USD. Một thu nhập thật bèo so với công sức bỏ ra. Thiên hạ không thèm làm những gì sinh lãi ít, cực nhọc thì dân Việt Nam nai lưng làm. Có khi càng làm, càng lỗ cũng làm. ĐBSCL vựa lúa lớn cũng là nơi có số lượng gái phải tha phương nhiều nhất. Có kết quả vậy vì lãnh đạo Việt Nam không hiểu gì về kinh tế thời toàn cầu hóa với qui luật lãi. Tư duy họ chỉ dừng lại ở mức: trồng cây gì, nuôi con gì.
Thật ra, vấn đề phức tạp hơn nhận định trên. Trong một nước không phải là không có người hiểu biết. Có nhiều chuyên gia kinh tế giỏi để biết đâu làm ăn đúng, đâu làm ăn sai nhưng vấn đề cơ chế hiện nay rất dễ lũng đoạn, lèo lái bởi những thế lực hại dân.
Năm 2013, tôi có dự một hội thảo bàn về kinh tế Trung Quốc ở Đại học quốc gia Hà Nội. Tại đây tôi gặp một vị giáo sư-tiến sĩ đã nghỉ hưu. Ông từng làm việc ở một cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu về kinh tế của đất nước. Năm đó nóng bỏng vụ đắm tàu “Titanic Vinashine” chôn vùi tầm 80.000 tỷ VNĐ. Tôi hỏi ông: tại sao từ thời bao cấp đói vàng mắt chúng ta đã biết cha chung không ai khóc mà mới làm ăn dư dả chút đỉnh lại lặp lại bài học xưa để ném tiền vô con tàu Vinashine. Các vị chuyên gia kinh tế ở đây không thấy qui luật đơn giản trên để tránh?
Thật ngạc nhiên, ông trầm ngâm rồi trả lời: chúng tôi cũng chỉ là người được trả lương để làm theo ý người ta. Chúng tôi phải nghiên cứu, báo cáo, tìm ra luận chứng làm sao hợp với ý đồ của họ.
Tôi nghe xong mà điếng người. Trong đầu tôi chợt hiện lên cảnh hàng triệu nông dân chổng mông lên trời, cúi mặt xuống đất quanh năm ở ĐBSCL đã bị lũng đoạn bởi vài ba tay láu cá ngồi Rolls-Royce ở Hà Nội. Xin độc giả hãy khoan căm phẫn, khoan tức giận họ. Không họ thì người khác sẽ làm vậy. Đây là lỗi cơ chế chính trị mà nguyên nhân sâu xa hơn là lỗi tư duy lạc hậu gây ra.
Lỗi chính trị ở đây là độc đảng và lỗi tư duy ở đây là cho rằng kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo.
Tôi càng giật mình hơn, khi gần đây nhà thầu TQ chỉ vài nghệ thuật huyền diệu đã loại đối thủ để giành hợp đồng cung cấp đường ống dẫn nước cho 7 triệu dân thủ đô. Thật đáng sợ, với cơ chế làm ăn hiện nay, một nhóm nhỏ trong nước, thậm chí là ngoại quốc có thể lũng đoạn dễ dàng để kiếm lãi trên lưng cả trăm triệu dân Việt Nam khốn khổ.
Thời nay, người này nô dịch người kia, dân tộc này nô dịch dân tộc kia thật dễ dàng qua cuộc chiến kinh tế.
3. Thống lĩnh ba quân đi đánh giặc – thống lĩnh ba quân đi làm ăn
Dân tộc Việt Nam còn tồn tại, còn mang ơn Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Ngài đã thống lĩnh ba quân để 3 lần đánh tan quân xâm lược hung bạo Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi, giang sơn cho con cháu sinh tồn. Để làm điều trên, ngoài lòng yêu nước, dũng cảm, ngài còn là nhà chiến lược am hiểu chiến tranh. Biết quân Nguyên giỏi trường trận (đánh lớn, đánh nhanh) ngài ra đối pháp dùng đoản binh (chiến tranh nhân dân, vườn không nhà trống). Dùng đoản binh mà chế trường trận.
Xưa, nếu thua trong chiến tranh phải làm thân trâu ngựa cho ngoại bang, nay tình hình cũng tương tự nếu thua trên chiến trường kinh tế. Thiên hạ làm ăn có lãi, có tiền thì làm ông chủ thong dong. Mình làm ăn không lãi thì bán khố cố bành đi làm lao công, đi móc bọc để sống. Đó là luật đời cần chấp nhận, không thể khác đi được.
Nếu không thay đổi phương án tác chiến, cứ nai lưng cày bừa như hiện nay, sớm muộn gì dân tộc Việt cũng đi móc bọc cho thiên hạ. (Hiện nay, rất nhiều thanh niên Việt Nam đi XKLĐ phải làm những việc mà người xứ họ không thèm làm: chăm sóc người già, móc cống,…chưa kể 18.000 cô gái xinh đẹp của đất Việt phải đi…).
Hãy khoan nghĩ xấu đến lãnh đạo đất nước. Tôi nghĩ lãnh đạo nào cũng có mong muốn làm ăn khấm khá, giàu có, dân sung sướng mở mày, mở mặt. Vấn đề ở đây là tầm nhận thức, hiểu biết có hạn chế để rồi bị rơi vào lỗi hệ thống. Lỗi hệ thống rất nguy hiểm, nó nghiền nát không chừa một ai dù có là thủ tướng.
Chúng ta hay học hỏi, bắt chước lẫn nhau, bắt chước quá khứ nhưng chúng quên đi một điều căn bản là điều kiện cho sự bắt chước có thể đã thay đổi mà ta không biết.
Thời phong kiến, người ta nuôi-trồng dưới sự lãnh đạo, chỉ dạy của Vua-quan và người ta ấm no. Có thời chúng ta bắt chước mô hình này và thảm họa đói khổ xảy ra.
Người Hàn, dưới bàn tay chỉ đạo làm ăn của Park Chung Hee: làm thép với đức tin –"sắt thép là sức mạnh của quốc gia"; làm ô tô, đóng tàu,… và họ vươn lên thịnh vượng với các Chaebol: Huydai, Sumsung, Daewoo,…
Đi sau, nên người Việt Nam bắt chước với các quả đấm thép Vinashine, Vinalines, Vinacomin (bauxite),... Kết cục các quả đấm thép đấm vỡ mặt, đấm thóp bụng nhân dân.
Sẽ có nhiều lời than: sao số nhân dân Việt Nam khổ thế này. Đào ao nuôi cá (ao cá Bác Hồ) cũng không được, trồng cây gì-nuôi con gì cũng không xong; làm ăn lớn-quả đấm thép cũng tan nát,… giờ phải làm gì đây để thịnh vượng. Ai là Trần Hưng Đạo của thời nay để thống lĩnh muôn dân trong trận chiến kinh tế khốc liệt này?
Muốn thành công, nếu bắt chước máy móc sẽ thất bại. Chúng ta cần hiểu qui luật nội tại chi phối vấn đề.
Quy luật kinh tế số một hiện nay là các lực lượng kinh tế trong nước cũng như toàn cầu tham gia sân chơi với mục tiêu tối hậu là lấy lãi. Lãi với công ty như hơi thở với cuộc sống. Trong trò chơi này thì các công ty tư nhân có thể mạnh hơn vì sự năng động, sáng tạo. Cơ động trong dự báo và hành động. Trong trò chơi này, những doanh nghiệp nhà nước như những chú trâu nặng nề, chậm chạp sẽ bị những con sư tử khôn lanh, thậm chí là bầy sư tử vây hãm để xả thịt.
Sự thê thảm của tình hình VN hiện tại (nghèo, nợ nần, kinh tế manh mún,…) có thể nhìn từ hai hướng kiến giải. Chính trị độc tài và kinh tế nhà nước chủ đạo. Cái này bổ sung cái kia.
Xét về kinh tế, VN nên chuyển nền kinh tế cho các công ty tư nhân. Nhà nước dần dần thoái vốn và không được tái lập lại các doanh nghiệp NN.
Trở lại tình hình ở ĐBSCL, chiến lược tốt nhất hiện nay là hướng đến sự giao dịch tự do đất đai để hình thành nên những tập đoàn nông nghiệp tư nhân lớn. Chỉ có mô hình này mới tạo ra khả năng chiến thắng cao nhất trong sân chơi kinh tế kiếm lãi hiện nay.
4. Mô hình tác chiến kinh tế hiện đại:
Nếu xem phim Thái Bình Thiên Quốc (TQ), bạn sẽ thấy cảnh quân của Hồng Tú Toàn tràn lên như kiến cỏ để đánh người phương Tây nhưng họ bị bắn chết như ngã rạ. Trong chiến trận, nhiều khi lòng dũng cảm và số đông không giải quyết được vấn đề. Quân Thái Bình Thiên Quốc đại diện cho cách tác chiến cũ, lạc hậu nên họ thảm bại trước đội quân có vũ khí và cách thức tác chiến hiện đại hơn. Lịch sử chiến tranh quân sự cho thấy, dân tộc nào đi tiên phong trong phương án tác chiến sẽ giành được thắng lợi.
(Chúng ta có thể thấy điều tương tự ở nhiều nơi: Thành Cát Tư Hãn mở rộng đế chế thần tốc vì ông là người tiên phong ứng dụng sức mạnh của ngựa trong chiến trận. Ông đã xây dựng những đội kỵ binh ăn, ngủ, bắn tên trên lưng ngựa. Các đối thủ của ông chưa làm được thế. Napoleon chiến thắng tuyệt đối trên chiến trường châu Âu, bởi lẽ ông là người đầu tiên đưa pháo binh thành những binh đoàn tác chiến độc lập. Đối diện với những đội quân lạc hậu, pháo binh của ông băm vằm đối thủ trong những trận pháo kinh hoàng).
Tương tự như lĩnh vực quân sự, mặt trận kinh tế cũng vậy. Dân tộc nào tiến bộ hơn trong phương cách tác chiến làm ăn thì sẽ chiến thắng. Dễ nhận thấy, trình độ tác chiến kinh tế hiện nay đã phát triển ở mức tập đoàn (nó tương đương với phương án tác chiến tầm sư đoàn, quân đoàn trong quân sự hiện đại). Dân tộc nào có những tập đoàn hùng mạnh như Mỹ, Nhật, Hàn thì sẽ là những dân tộc thu được chiến thắng lớn trong các trận chiến kinh tế.
Chúng ta xem thử cách thức nào để các nước nâng tầm tác chiến từ qui mô cá nhân đơn lẻ (tương đương chiến tranh du kích) lên qui mô tập đoàn.
Ra đời từ năm 2004, với số vốn ban đầu vài chục ngàn $, đến nay facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh với số thành viên gần 2 tỷ, giá trị vượt mốc 250 tỷ $. Đây là một ví dụ điển hình cho sự ra đời, kiếm lãi siêu khủng (hơn 5 tỷ $/năm) và thịnh vượng nhanh chóng trong thời đại của chúng ta. Tất nhiên đáng chú ý hơn, facebook là một công ty tư nhân, ra đời ở nước Mỹ. Có lẽ chỉ có nước Mỹ mới có câu chuyện thần kỳ như vậy.
Facebook là sự kết tinh của nhiều yếu tố: thị trường toàn cầu, công nghệ chín mùi, nền giáo dục tốt, nền tài chính năng động, hệ thống luật pháp tin cậy,… Một công ty tư nhân như một hạt giống tốt, để lớn nhanh thành cây đại thụ, nó cần một hệ sinh thái phù hợp. Nếu hạt giống facebook được gieo ở Việt Nam, chắc nó sẽ còi cọc, thậm chí là chết yểu.
…….
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tiền thân của tập đoàn là Tổng Công ty 91 được thành lập từ năm 1996. Trước đó nữa thì nó là một ngành đã có truyền thống rất lâu đời ở Việt Nam. Dù được mẹ chính phủ đỡ đầu với nhiều vốn vay ưu đãi, đất đai,….nhưng đến năm năm 2013, tập đoàn Vinashin bị giải thể để trở lại thành một tổng công ty như trước đây với số nợ lên đến hơn 80.000 tỷ VNĐ (tầm 4 tỷ $). Sự sụp đổ của Vinashin có nguyên nhân rất lớn là nạn tham nhũng, con ông cháu cha. Điển hình như ụ nổi được mua về với giá hơn 500 tỷ VNĐ nhưng dân buôn sắt vụn trả giá tầm 1 tỷ nếu thanh lý đồng nát.
Hai ví dụ trên để chỉ ra rằng, chỉ có tập đoàn tư nhân mới đúng, còn tập đoàn nhà nước có thể nhanh lớn mạnh dưới sự bảo trợ của chính phủ nhưng sớm muộn chúng cũng sẽ tan vỡ trong trận chiến kinh tế khốc liệt hiện nay.
Quay lại tình hình ĐB SCL, cuộc chiến hiện đang diễn ra với một bên là hàng triệu nông dân nhỏ lẻ tay cuốc tay bừa đấu với những tập đoàn nông nghiệp sừng sỏ trên thế giới. Tình cảnh này không khác gì đội quân nông dân Thái Bình Thiên Quốc đấu với đội quân thiện chiến đầy súng đạn của Tây Phương xưa kia.
Tầm nhìn lâu dài, việc thúc đẩy hình thành các tập đoàn nông nghiệp mạnh là hướng đi đúng, nhưng phải là tập đoàn tư nhân. Chỉ có mô hình tư nhân mới tác chiến hiệu quả trong tình hình kinh tế hiện nay và phát triển bền vững.
5. Nhất quán một hướng đi
Ferdinand Magellan (1480 - 1521) nghĩ rằng nếu quả đất có hình cầu thì cứ đi mãi về hướng tây (theo hướng mặt trời lặn) thì sẽ quay lại được điểm xuất phát. Hạm đội của ông kiên trì nhất quán theo hướng đi này dù có khi gặp bão biển hay gặp châu Mỹ chắn ngang đường đi. Chính nhờ sự nhất quán này nên dù ra đi thám hiểm đại dương thời chưa biết quả đất hình cầu, chưa có la bàn nhưng ông đã thành người đầu tiên đi vòng quanh thế giới đầy vẻ vang. Thật tiếc là người VN chúng ta không có tính nhất quán này nên đói khổ. Điển hình như sau khi đói kém với mô hình kinh tế bao cấp, chúng ta phải đổi mới khi nhận ra kiểu làm ăn cha chung không ai khóc thật nguy hiểm. Ấy vậy mà sau thời gian có được chút tiền dư giả, chúng ta lại ném vào các mô hình Vina như trên. Nguyên lý thất bại vẫn là một: cha chung không ai khóc.
Hy vọng rằng, với câu chuyện DDBSCL chúng ta sáng suốt và nhất quán một hướng đi để tạo nên các tập đoàn nông nghiệp hùng mạnh.
6. Viễn cảnh tương lai ĐBSCL
Tôi thấy có hai viễn cảnh ở ĐBSCL: tươi sáng và tối tăm.
6.1 Tươi sáng: ĐBSCL có tầm 5-7 tập đoàn nông nghiệp hùng mạnh như Cargill. Các tập đoàn này có thể hoạt động các mảng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến thức ăn,… Họ thuê mướn nhiều nhân công, sản xuất ra hàng hóa chất lượng xuất đi toàn cầu. Họ biến nghiên cứu, dự báo thị trường tốt để tối ưu hóa sản xuất và có lợi nhuận rất cao. Người dân miền tây không chỉ là công nhân trong nhà máy, cán bộ, nhân viên tiếp thị,…mà còn là những người sở hữu các cổ phiếu đáng giá trong các tập đoàn đó. Dân cư sống tập trung ở các đô thị phồn thịnh, chỉ một ít ở nông thôn. Nhiều vùng của ĐBSCL được phục hồi lại trạng thái thiên nhiên khi xưa, nhất là các vùng ngập mặn ven biển với tràm, đước mênh mông. Con người sản xuất hiệu quả trong môi trường thiên nhiên trong lành.
6.2 Tối tăm: ĐBSCL là nơi sản xuất manh mún của hàng triệu hộ gia đình. Sản xuất trong thế cạnh tranh nhau tàn khốc về giá cả cũng như chất lượng thấp kém. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa xảy ra liên miên làm cho nông dân ngày càng bần cùng và điêu đứng.
Tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, ngập lụt xảy ra thường xuyên, khốc liệt làm cho nông dân không thể ứng phó nổi. Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ $ để xây dựng các con đập ngăn mặn nhưng hiệu quả không cao. Nhiều đoạn đã hư hỏng, xuống cấp, đổ vỡ dưới sự tác động của sóng biển cũng như những cơn lũ hung dữ khi vô mùa lũ. Nhiều cán bộ đang thọ án tù vì tham nhũng rút ruột khi tiến hành xây cất các con đê đó. Đất nước kiệt quệ, ĐBSCL xơ xác.
P.s: Tất nhiên đây mới chỉ là hướng đi để hướng đến mô hình các tập đoàn nông nghiệp tư nhân hùng mạnh. Còn việc phải đấu tranh trên diễn đàn quốc tế để các quốc gia, nhất là TQ có hành động sử dụng hài hòa lợi ích dòng sông là hiển nhiên phải tiến hành.
N.V.T.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.