Bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hoà giải
bauxitevnThu 7:52 AM
PGS TS Đặng Ngọc Dinh trả lời phỏng vấn
Lê Vy thực hiện
Xã hội dân sự thể hiện sự dân chủ của một xã hội. Và vì thế, nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý, quản trị phải nâng tầm hiểu biết, trí tuệ, học vấn của mình hơn, để “đối thoại”. Không phải thấy nó đòi hỏi sự nâng tầm mà… hoảng sợ, né tránh và định kiến như một thứ “phản động, diễn biến hòa bình” theo quan niệm lâu nay. Điều đó, chỉ kéo nước Việt lẹt đẹt trên con đường văn minh của nhân loại.Hiện tượng ngài Tô Huy Rứa chủ trì một đề tài khoa học với kết luận rút ra có vẻ như rất khoa học (xem ở dưới) phải chăng là... minh chứng cho vế đầu câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – “Đừng nghe CS nói...” – mà dường như dân Việt Nam không ai không nhớ đến từng chữ mỗi khi nghĩ về ĐCSVN.Bauxite Việt Nam
LTS: Mới đây, tại diễn đàn Kinh tế mùa xuân do uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Trương Ðình Tuyển, nguyên Bộ trưởng bộ Thương mại, cho rằng “đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự”. Ông Tuyển đưa ra nhận định “thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm thị trường, nhà nước và xã hội dân sự” trong bối cảnh các diễn giả đang bàn thảo về cải cách thể chế, mở đường tiếp tục phát triển.
Phóng viên Người đô thị trò chuyện với PGS.TS Ðặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhằm tìm hiểu rõ hơn tính chất và vai trò của xã hội dân sự (XHDS) trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2006, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, ông nói “Ðừng sợ xã hội dân sự”. Tám năm qua, xã hội dân sự của chúng ta đã phát triển hay thụt lùi và tác động của nó đối với sự phát triển chung hiện ra sao, thưa ông?
Trước hết, ta cần nhắc lại một vài khái niệm: XHDS là các tổ chức xã hội nằm ở khu vực ngoài nhà nước, ngoài gia đình và ngoài doanh nghiệp, ở đó người dân tự nguyện kết nối với nhau vì những quyền lợi chung. Một thành phần quan trọng của XHDS là các hội, hiệp hội, các tổ chức tự nguyện trong dân chúng, từ làng xóm đến đô thị, mang tính chất liên kết cộng đồng.
Một xã hội muốn phát triển bền vững, cần được vận hành theo một thể chế dựa trên “chiếc kiềng” ba chân: nhà nước, thị trường và XHDS. Nhà nước vận hành theo luật pháp; thị trường theo lợi nhuận; còn XHDS vận hành theo sự liên kết tự nguyện và dựa trên đạo lý, nhân văn.
Ở Việt Nam đã và đang tồn tại XHDS, mà điển hình là các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức dựa trên cộng đồng (CBOs). Tuy nhiên, có câu hỏi thường đặt ra là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức quần chúng (hội Nông dân, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh…) ở Việt Nam có thuộc XHDS không?
Theo định nghĩa trên đây thì câu trả lời có thể là các tổ chức này có tính chất đặc biệt: vừa mang tính XHDS (tính xã hội: liên kết người dân, phản ánh nguyện vọng người dân), vừa mang tính chính trị (đặt nặng chức năng “vận động” người dân thực thi các chính sách của nhà nước).
Với cách hiểu như trên, XHDS ở Việt Nam đã có những bước phát triển trong nghiên cứu cũng như trong hoạt động thực tiễn và có tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội. Ngoài những hoạt động thường xuyên và tích cực của các tổ chức NGO, đặc biệt là các NGO thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), một vài dự án phát triển như “Thúc đẩy sự tương tác hiệu quả giữa Quốc hội và tổ chức xã hội” nhằm góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả của các cơ chế tương tác giữa tổ chức xã hội và Quốc hội, hoặc dự án “Con đường tham gia” (2011) nhằm nâng cao năng lực và vị trí của XHDS trong cung cấp các dịch vụ chống căn bệnh HIV tại cộng đồng…
Tuy nhiên, có một hiện trạng là trong những năm gần đây, nếu hoạt động của XHDS ở nước ta có phong phú, tích cực hơn, thì ở khía cạnh “thể chế” lại chưa đạt được những tiến bộ tương ứng. Luật về hội (một thành phần cơ bản của XHDS) vẫn chưa được ban hành.
Khi ông đặt vấn đề “đừng sợ”, nghĩa là đã có những lo sợ, mà sự phát triển của xã hội dân sự thì có tính quy luật. Vì sao chúng ta lại sợ một “quy luật”? Làm thế nào để hoá giải nỗi sợ này?
Đến nay, ở Việt Nam, trên các văn bản chính thống (của các cơ quan nhà nước và truyền thông quốc gia) XHDS hình như vẫn là vấn đề “nhạy cảm”, chưa được bàn luận một cách cởi mở. Đó là do còn nghi ngại về vai trò và mối quan hệ giữa XHDS và nhà nước. XHDS có thể hoạt động với vai trò thể hiện trong một “dãy” các vị trí từ (1) đến (6) (theo nhà nghiên cứu Hannah 2003).
Trong đó: (1) là vị trí mà XHDS gần như là một tổ chức nhà nước, vận động người dân thực thi các chính sách của nhà nước” (vì vậy ở vị trí này XHDS được gọi là “cánh tay nối dài” hoặc “cái bóng” của nhà nước); (2) Vận động chính sách: XHDS hoạt động để chính sách được hoàn thiện và thực thi hiệu quả; (3) Vận động “hành lang” (lobby), XHDS cố gắng hoạt động nhằm thay đổi chính sách theo chiều hướng có lợi cho người dân; (4) Giám sát, ở vị trí này XHDS tiến hành những hoạt động giám sát việc thực thi chính sách, phản biện chính sách, chống tham nhũng trong xã hội.
Đây là vị trí thể hiện vai trò XHDS một cách tích cực nhất, tác động hiệu quả nhất của XHDS đến xã hội. Tiếp theo (5) và (6) là hai vị trí mà nhà nước coi là XHDS mang tính tiêu cực, và không khuyến khích, trong đó (5): vai trò của XHDS trong chức năng đối lập (ngôn luận trái chiều, những chỉ trích của công chúng về chính sách); và (6): vai trò của XHDS thể hiện trong việc vận động công chúng kháng cự lại chế độ (bất tuân chính quyền).
Người dân không bao giờ muốn “chỉ trích”, “bất tuân chính quyền” vì bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hoà giải, mang tính nhân văn, đạo đức. Qua dãy các vị trí của XHDS và mối quan hệ với nhà nước nêu trên đây, hoàn toàn hiểu được tại sao chính quyền chưa vượt qua được “nỗi sợ” XHDS, lo rằng XHDS chỉ là hoạt động ở vị trí (5) và (6)! Tuy nhiên, nên thấy rằng, người dân không bao giờ muốn “chỉ trích”, “bất tuân chính quyền” vì bản chất của XHDS là đối thoại, hoá giải, mang tính nhân văn, đạo đức.
Dù có “thừa nhận” hay không thì XHDS vẫn đang tồn tại dưới dạng này hay dạng khác. Có lẽ vấn đề “thừa nhận” mà ông Tuyển đặt ra liên quan đến khuôn khổ pháp luật, làm nhiều người nghĩ đến dự án luật về hội dang dở mười mấy năm qua hay nhu cầu bức thiết về một luật biểu tình chưa được đáp ứng. Theo ông, vấn đề “thừa nhận” nên được hiểu và hành động như thế nào? Tác động đối với xã hội nói chung và với bản thân XHDS nói riêng nếu chúng ta thừa nhận hay không thừa nhận?
Tất nhiên, sự “thừa nhận” tốt nhất, tối ưu là thông qua thể chế (ban hành luật về hội), khi đó sẽ rất thuận lợi và “song phẳng” cho hoạt động của XHDS; trong đó, nhà nước quy định pháp luật rõ ràng để XHDS tuân thủ; XHDS giám sát để nhà nước không bị mua chuộc bởi thị trường, và khuyến khích thị trường mang tính xã hội, nhân bản.
Một khi hoạt động của XHDS được thể chế hoá, nhà nước và xã hội sẽ khai thác được những mặt tích cực của XHDS (vị trí 1, 2, 3, 4 đã trình bày) và khắc phục, hạn chế hoặc loại bỏ những mặt tiêu cực của XHDS (vị trí 5 và 6).
Để thúc đẩy quá trình “thừa nhận” XHDS bằng thể chế, những hoạt động từ nghiên cứu, đào tạo đến thực tiễn cần xúc tiến nhiều hơn, nhằm phân tích những măt tích cực/tiêu cực của XHDS (đặc biệt những mặt tích cực trong bối cảnh Việt Nam, một quốc gia có truyền thống liên kết, hỗ trợ, “đùm bọc” trong người dân, từ làng quê đến đô thị); tiến hành nhiều hơn những hoạt động của XHDS theo các vị trí (1) đến (4), từ góp phần xoá nghèo, hoàn thiện chính sách, đến giám sát, phản biện xã hội.
L.V.
Xã hội công dân là tất yếu
… Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất những khuyến nghị sau:
“Thứ nhất là, cần phải thiết lập đồng bộ ba yếu tố kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội công dân ở nước ta. Hiện nay chúng ta đang xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; và tất yếu cũng phải xây dựng xã hội công dân của nhân dân… Trong di sản lý luận của C.Mác: xã hội công dân là trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử.
Xã hội công dân là lĩnh vực đời sống xã hội được tổ chức một cách tự nguyên, tự chủ và tự quyết, độc lập với nhà nước và được ràng buộc bởi những quy định hoặc hệ thống luật lệ chung. Xã hội công dân là môi trường thực hiện dân chủ, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia vào đời sống xã hội và củng cố, bảo vệ lợi ích cộng đồng. Xã hội công dân được hình thành và phát triển còn hỗ trợ, phối hợp với nhà nước thực hiện những chức năng xã hội mà nhà nước không làm được hoặc thực hiện không có hiệu quả. Mặt khác, nó lại phản biện, giám sát nhà nước, hạn chế sự lạm quyền, chuyên quyền của nhà nước.
Để hình thành xã hội công dân, trước hết cần xác định rõ phạm vi quyền lực, chức năng của nhà nước, phạm vi các quyền tự do cá nhân, còn khoảng trống giữa cá nhân và nhà nước chính là phạm vi của xã hội công dân. Những năm trước đây chúng ta đã thiết lập hệ thống chính trị mà quyền lực của Đảng và Nhà nước dường như bao trùm toàn bộ đời sống xã hội, ngay cả trong lĩnh vực đoàn thể nhân dân (phi nhà nước) cũng mang tính chất hành chính nhà nước, còn cá nhân thì mờ nhạt đi, gần như hoà tan trong cộng đồng xã hội…
Để hình thành xã hội công dân, cần khuyến khích phát triển các hội, các đoàn thể tự nguyện, tự chủ, tự quản, đảm nhận những chức năng xã hội như: từ thiện, nhân đạo; giúp nhau xoá đói giảm nghèo, nâng cao nghề nghiệp; đảm bảo môi sinh, môi trường, an ninh xã hội…; khôi phục những mặt tích cực của các thiết chế tự quản truyền thống như thiết chế làng xã, phường hội… Nhưng quan trọng là đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các đoàn thể nhân dân… Khắc phục tính chất hành chính nhà nước của các tổ chức này và nhằm nâng cao tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự quyết trong tổ chức và hoạt động…”.
(Trích khuyến nghị trong đề tài nghiên cứu “Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị một số nước trên thế giới”, do TS. Tô Huy Rứa làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.