Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Trở về Hòn ngọc Viễn Đông hay xóa bỏ văn hóa?

Trở về Hòn ngọc Viễn Đông hay xóa bỏ văn hóa?

bauxitevnSun 10:29 AM


Cát Linh
phóng viên RFA
clip_image001
Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 
Khi việc đề nghị đốn hạ 300 cây cổ thụ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng chưa kịp lắng xuống thì những ngày qua, thông tin về một phần của Thư viện Khoa học Tổng hợp của Thành phố sẽ bị “xẻ đất” để giao cho một doanh nghiệp tư nhân nhằm mục đích xây cao ốc tiếp tục gây hoang mang cho người dân trong nước.
Đặc biệt, dư luận có sự liên kết giữa hai sự việc với câu phát biểu của ông Đinh La Thăng về việc “mong Thành phố Hồ Chí Minh trở về vị trí số 1 Đông Nam Á” và nhiều người tự hỏi: phải chăng xóa bỏ những di tích văn hóa lịch sử là một trong những cách trở về với tên gọi Hòn ngọc Viễn Đông?

Xóa bỏ văn hóa đọc?

Tuy chỉ mới là dự định, và chưa có quyết định chính thức từ Sở Qui hoạch Kiến trúc và Ủy ban Nhân dân Thành phố, nhưng thông tin việc xây cao ốc trong khuôn viên của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố đã gây nhiều bức xúc cho những người quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử của đất nước. Không những thế, các trang mạng xã hội đồng loạt lên tiếng cho rằng việc xẻ đất để xây cao ốc trong khuôn viên thư viện là một việc làm đi ngược lại với việc bảo tồn lịch sử dân tộc, và xem thường văn hóa của một đất nước.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam cổ, trung và cận đại, nguyên trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại khi nghe thông tin này đã thốt lên rằng:
“Thế thì đau đớn quá. Nghĩa là thời buổi này người ta không cần văn hóa và khoa học nữa rồi. Một tuyên ngôn trắng trợn, xóa bỏ văn hóa rồi còn gì. Chỉ có thể nói được thế thôi. Nếu quả thật bán đi để tiêu, mà sách vở thì cho, nhét vào chỗ khác thì là một việc xóa bỏ văn hóa. Ngạc nhiên và quá đau xót.”
Trong khi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng đó là một xóa bỏ văn hóa, thì Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam bày tỏ sự lo ngại trước một văn hóa đọc đang ngày càng đi xuống của xã hội Việt Nam. Tuy chưa được nghe thông tin chính thức, nhưng Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết ông sẽ không đồng tình với kế hoạch này:
“Nếu việc này có thật thì tôi không đồng ý, tôi phản đối chủ trương đó. Thư viện Tổng hợp cũng không rộng rãi gì, mà bây giờ văn hóa đọc của Việt Nam đang đi xuống. Cho nên cái việc lấy thư viện để làm cao ốc, chỗ ở, hay kinh doanh thì tôi thấy không hợp lý.”
Nói thêm về điều mà ông gọi là văn hóa đọc, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết rằng “phần đông sinh viên Việt Nam ngày nay rất lười đọc.”
“Tất nhiên là bây giờ thì có internet, có đủ thứ, nhưng nói gì thì nói, một cuốn sách khi mới ra, cầm nó trong tay, có cảm giác rất thích thú, nhất là mùi thơm của giấy. Không phải là bây giờ mọi người nói internet thì có thể thay được tất cả. Không thay được hết đâu. Thế thì có thể không chủ quan lắm, tôi cho rằng văn hóa đọc của Việt Nam đang đi xuống.”

Yếu tố làm nên Hòn ngọc Viễn Đông

Tân Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh bên hành lang Quốc hội vào ngày 19 tháng 2 vừa qua, đó là ông mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh phải giành lại vị trí số 1 Đông Nam Á.
clip_image003
Hơn 20 người dân tại Sài Gòn hôm 26/3 tập trung tại khu vực đường Tôn Đức Thắng để phản đối việc chặt một số cây cổ thụ tại đó để triển khai dự án giao thông.
Hơn một tháng sau đó, ngày 23 tháng 3, cơ quan quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo sẽ đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để phục vụ cho dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son.
Và như vừa nêu là thông tin về một dự án cao ốc 20 tầng, cao khoảng 80m sẽ được xây trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố với chức năng làm văn phòng, khách sạn.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nói rằng khi người Pháp xây dựng Sài Gòn, thì đã đi trước tất cả, từ Hồng Kong cho đến Singapore còn thua kém nhiều. Để có được Hòn ngọc Viễn Đông của Đông Nam Á là Việt Nam lúc bấy giờ, họ đã xây dựng những kiến trúc cũng như quy hoạch những con đường trong đó nhiều cây xanh:
“Tôi nghĩ là kiến trúc lớn như vậy thì không phải chỉ có tòa nhà, mà là cả một khuôn viên. Bất cứ một công trình nào xây thì cũng sẽ phá tổng quan của kiến trúc đó. Tôi nghĩ là ý thức của vấn đề, về văn hóa cũng như lịch sử rất kém. Phải tôn trọng tất cả những kiến trúc có giá trị vừa văn hóa vừa lịch sử. Thư viện đó mà không tôn trọng thì vấn đề học tập sẽ rất kém, không phát triển được.”
Thế nhưng, giờ đây, theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nếu nói đến từ Hòn ngọc Viễn Đông hay vị trí số 1 Đông Nam Á thì đó là cái thuở rất xưa rồi.
Nhắc đến câu nói của ông Đinh La Thăng, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh rằng muốn Sài Gòn quay trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông, nhưng một trong những yếu tố làm nên Hòn ngọc Viễn Đông chính là hàng cây xanh, là thư viện. Và ông đặt câu hỏi rằng: “như thế, có phải đi đang ngược lại với lời mình nói hay không?”
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng chia sẻ rằng, những vết tích còn lại ở Sài Gòn và cả Hà Nội, như hàng cây xanh, thư viện chính là những hình ảnh làm nên bản sắc riêng của hai thành phố này. Theo ông, việc không gìn giữ được những yếu tố lịch sử văn hóa đã chứng tỏ một tầm nhìn rất thấp của những người lãnh đạo đất nước.
Cho đến nay, chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Một vị đại diện Hội đồng Nhân dân Thành phố trả lời truyền thông trong nước rằng đang chờ báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố về dự tính quy hoạch xây cao ốc trên đất thư viện như vừa nêu.
Những người quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa lịch sử của đất nước như Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và dư luận đều hy vọng rằng thế hệ sau này vẫn còn được biết đến Thư viện Khoa học Tổng hợp, một trong những biểu tượng văn hóa còn lại của Hòn ngọc Viễn Đông trước đây.
C.L.

Phụ chú: Phản đối việc xâm hại di tích lịch sử văn hóa

Nguyễn Phú Yên
Vừa có tin chủ trương quy hoạch và cho thuê đất đối với dự án Khu phức hợp văn phòng, khách sạn của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, tại số 8 Nguyễn Trung Trực (cũng là khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố, 69 Lý Tự Trọng), phường Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ thời Pháp thuộc đây là Khám Lớn Sài Gòn, chung quanh là 4 con đường khu vực trung tâm Thành phố (bây giờ là đường Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực). Từ 1957, Việt Nam Cộng hòa cho xây dựng lại thành Thư viện Quốc gia Sài Gòn, có cơ sở của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. Ở đây phía sau còn là trụ sở của Hội Họa sĩ trẻ, có sân cỏ rộng - nơi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đầu tiên hát nhạc của ông. Sau 1975 nơi đây trở thành Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố, là cơ sở văn hóa phục vụ nhu cầu kiến thức của người dân Thành phố. Từ năm 2008, lại có chủ trương quy hoạch xây dựng Thư viện Thiếu nhi trên khu đất này, tuy chưa thực hiện nhưng cũng dành ưu tiên cho thế hệ tương lai. 
Vậy mà đến năm 2011, Thành phố Hồ Chí Minh lại có quyết định số 3163/QĐ-UBND chấp thuận cho Cty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 sử dụng đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên Thư viện dưới hình thức cho thuê 50 năm. Theo phương án đưa ra ngày 12-11-2015, khu phức hợp này cao 20 tầng, có chiều cao 80m. Quy hoạch được duyệt và phương án kiến trúc cho thấy dự án đã phá vỡ toàn bộ quy hoạch đã được duyệt cũng như cảnh quan khu trung tâm Thành phố. Có cần thiết phải cắt khuôn viên rất đẹp, vuông vức của Thư viện Khoa học Tổng hợp để làm cao ốc văn phòng và khách sạn? Chủ trương này là của ai? Cơ quan nào tham mưu cho Thành phố giao đất, cho thuê đất? Cần nhớ rằng trong khu vực này có rất nhiều công trình kiến trúc cổ đang được bảo tồn như Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án Nhân dân Thành phố…
Năm 2015 cũng đã có chủ trương di dời Bảo tàng Hồ Chí Minh (65 Lý Tự Trọng) và Tòa án Nhân dân Thành phố (131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) về quận 9 nữa! 
Về Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá khứ dinh này là trụ sở Chính phủ Nam kỳ tự trị từ 1947 rồi đến 1948 lại trở thành Dinh Tổng trấn Nam phần, về sau đổi thành Dinh Thủ hiến Nam phần. Việt Nam Cộng hòa dùng nơi này làm Dinh Quốc khách và từ 1966, là trụ sở Tối cao Pháp viện. Sau 1975, Thành phố chọn làm Bảo tàng Cách mạng sau đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được khởi công xây dựng năm 1881 đến năm 1885 hoàn thành, được người Pháp và sau đó Việt Nam Cộng hòa dùng làm công sở xét xử. Sau năm 1975, tòa nhà là trụ sở của Tòa án Nhân dân - Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh… Năm 2012, công trình này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và cấp bằng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, cần được tu bổ và bảo tồn.
Nếu di dời hai cơ quan đi thì hai nơi này dùng để làm gì? Cho thuê đất, bán đất, xây khách sạn, văn phòng nữa sao?
Xin dừng tay lại trước khi quá muộn. Đừng để đầu óc thực dụng, chỉ biết tiền bạc mà mê muội quên đi giá trị lịch sử và văn hóa, phá đổ những kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan tuyệt đẹp mà tiền nhân đã để lại cho thế hệ mai sau!
clip_image005
clip_image006
clip_image007
clip_image009
N.P.Y.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.