Đánh giá 'Tứ trụ Việt Nam'
bauxitevn5:03 AM
“Cái quan định luận” – Đại hội XII rõ ràng là một hiện tượng “cái quan” về mặt chính trị của 3 ông Sang, Dũng, Hùng. Bauxite Việt Nam vốn trước sau chủ trương không vạch vòi nhân cách cá nhân người cầm quyền ngoại trừ trường hợp nhân cách ấy ảnh hưởng tốt/xấu đến từng công việc cụ thể của họ trên cương vị người điều hành bộ máy lập pháp và hành pháp của đất nước trong từng thời điểm nhất định. Nhưng sau một cuộc chuyển giao quyền lực đầy kịch tính mà ai cũng thấy là phải chuẩn bị một cách công phu, bài bản, với nhiều mưu sâu kế hiểm của Đảng cầm quyền, để đạt cho được sự... “cái quan” như dự liệu, thì “định luận” giờ đây trở thành một nhu cầu tất yếu, là cái quyền được nhìn gần các vai diễn vừa thay đổi nhau trên sân khấu chính trị độc đảng – vốn phủ nhiều lớp sương mờ ảo – ở Việt Nam. Bởi vậy, xin đăng lại bài viết trên BBC tập hợp được nhận định của một số thức giả trong cũng như ngoài nước.
Bauxite Việt Nam
|
Tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa cho tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội khóa 13.
Bốn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, thường được gọi là “tứ trụ”, nhận được đánh giá khác nhau của các khách mời BBC.
Các chuyên gia, nhà quan sát trong ngoài Việt Nam tham gia Bàn tròn Thứ Năm của BBC ngày 7/4 trong bối cảnh Việt Nam tiến hành chuyển giao lãnh đạo.
Kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13 đã bầu tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, dựa theo danh sách giới thiệu của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Chủ tịch Quốc hội mới là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, thay thế ông Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch nước là Đại tướng công an Trần Đại Quang, thay ông Trương Tấn Sang.
Gương mặt sẽ lãnh đạo chính phủ là ông Nguyễn Xuân Phúc, thay ông Nguyễn Tấn Dũng.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Hoa Kỳ:
Về ông Trương Tấn Sang, cựu Chủ tịch nước, tôi trực tiếp được nghe ông ấy nói chuyện tại CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Hoa Kỳ), tôi thấy ông ấy nói rất chững chạc, không cần đọc giấy tờ gì cả. Ông sẵn sàng trả lời tất cả mọi câu hỏi, đó cũng là khả năng khá đặc biệt.
Quyền của Chủ tịch nước rất nhiều. Ông có quyền thống lãnh các lực lượng võ trang, có quyền giáng chức, thăng chức tất cả các tướng lãnh cao cấp nhất, tuyên bố tình trạng giới nghiêm, tình trạng khẩn cấp, động viên, tổng động viên, nhưng ông ấy chọn không thi hành tất cả những quyền đó”.
Còn với ông Nguyễn Tấn Dũng, từ xưa đến nay và sau này nữa, khó có Thủ tướng nào có nhiều quyền lực như ông Dũng, điều đó là điều đặc biệt của ông ấy. Nhưng những vấn đề công tội của ông ấy, tôi hiện chưa muốn nói.
Về ông Trần Đại Quang, khi tuyên thệ nhậm chức, ông nói ngay là ông sẽ phục vụ quốc gia, Tổ quốc, ‘với tư cách người đứng đầu nhà nước, thống lĩnh các lực lượng vũ trang', tức là ông đã nói rõ, đã xác nhận rõ quyền hạn của ông.
So sánh giữa ông Sang với ông Trần Đại Quang, ông Quang không những có quyền do Hiến pháp cho phép, nhưng ông ấy cũng có thế của ông Bộ trưởng Công an cũ. Thành ra nếu ông ấy quyết sử dụng, ông sẽ có nhiều quyền hơn ông Sang.
Về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người ta cứ nói là ông Trọng 'lú', nhưng thực ra sau cuộc tranh giành vừa qua, ta thấy ông ấy không phải là người có thể coi thường được.
Và ông ấy cũng làm một số việc, bổ nhiệm những chức vụ chống tham nhũng, củng cố quyền lực của ông và thứ hai là để những người quản lý những thành phố rất lớn và đối với những vấn đề kinh tế rất lớn sắp tới của Việt Nam.
Về ông Nguyễn Sinh Hùng, trong giai đoạn đầu của ông ấy, không có gì đặc sắc. Nhưng giai đoạn cuối, gần hết nhiệm kỳ, có những lời tuyên bố rất hùng hồn và rất đặc sắc của một số Đại biểu Quốc hội.
Có ông Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng nói một bài lớn ở trong Quốc hội, chứng tỏ Quốc hội cũng trở thành diễn đàn cho họ.
Blogger Trương Duy Nhất, Đà Nẵng:
Tôi đánh giá không phải việc người ta mạnh hay không, mà đánh giá trên mức độ người ta sử dụng quyền lực để lại cái gì. Như thế, tôi cho ông Nguyễn Phú Trọng không điểm.
Nhưng sau Đại hội Đảng, với nước cờ mà loại được ông Nguyễn Tấn Dũng ra, và với nước cờ bố trí ông Đinh La Thăng, ông Hoàng Trung Hải, thì đến bây giờ tôi cho ông Trọng 7 điểm.
Đối với ông Trương Tấn Sang, tôi cho ông Sang là người ít nhiều ở thời điểm đó, ông cũng có những khát vọng gì đó, nhưng mà ông bất lực, nên tôi cho ông Sang 6 điểm.
Còn với ông Nguyễn Sinh Hùng, đáng lý tôi cho không điểm, nhưng mà cũng có những phát ngôn 'chém gió' gọi là 'sướng mồm' những ngày cuối nhiệm kỳ, tôi cho ông Hùng 2 điểm.
Nhiều ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11 đã không tái ứng cử ở Đại hội 12.
Còn với ông Nguyễn Tấn Dũng, vì nó không có điểm âm, nên tôi cho không điểm, chứ nếu có điểm dưới âm, thì tôi cho dưới âm.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Hà Nội:
Về ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi đánh giá rất cao ông Dũng như một chính trị gia. Ông ấy rất tài, rất có năng lực của một chính trị gia.
Về vấn đề năng lực ấy làm lợi cho quốc gia hay là cho bản thân ông ấy, phe cánh của ông ấy lại là một chuyện khác. Nhưng xét mặt chính trị gia, tôi đánh giá ông ấy rất cao.
Xét về mặt kết quả, tôi đánh giá ông ấy rất thấp. Những chính sách kinh tế của ông ấy mang lại những hậu quả rất là tai hại cho đất nước này. Chủ yếu là chính sách về các tập đoàn kinh tế nhà nước, và chính sách đã làm hỏng toàn bộ hệ thống ngân hàng, trong một số thời gian vừa qua.
Và chi tiêu chính phủ bây giờ đến mức rất là khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải gánh một hậu quả rất mệt mỏi, là những hậu quả của ông Nguyễn Tấn Dũng để lại.
Ông Phúc sẽ không được mạnh mẽ như là ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng mà có thể cái 'bớt mạnh mẽ' của ông ấy thì lại là tốt cho công việc điều hành chung. Bởi vì như thế nó sẽ đỡ bớt được những cái sai lầm hơn nhiều, bởi một người mạnh mẽ quyết, thì có thể quyết sai. Và quyết sai thì có thể có những hậu quả rất là lớn.
Còn với ông Nguyễn Sinh Hùng, thực sự tôi cũng không đánh giá nhiều lắm, bởi vì với vai trò Quốc hội, cũng không có vai trò gì mấy. Nhưng tôi cũng thống nhất như anh Trương Duy Nhất là ông ấy đã nói rất nhiều câu rất là ‘ngô nghê’, xong rồi đến cuối thì ông ấy ‘chém gió’ cho sướng được một vài câu khá mà được Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng khen [xem lại thì thấy GS Nguyễn Mạnh Hùng hình như khen những phát biểu đặc sắc của các đại biểu QH trong thời gian cuối chứ không phải khen phát biểu của ông Nguyễn Sinh Hùng – BVN]
Về ông Trương Tấn Sang, tôi không hiểu ông ấy lắm, bởi vì ông rất kín. Với chức vụ thực sự có tính chất tượng trưng như thế, nói như Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng là ông ấy có rất nhiều quyền, quyền đó là ‘quyền ảo’ ghi ở trong Hiến pháp thôi, nhưng mà cái quyền của Đảng nó át đi rất nhiều.
Ông Trần Đại Quang (phải) kế nhiệm ông Trương Tấn Sang trong vai trò Chủ tịch Nước tại Quốc hội khóa 13 của VN.
Luật sư Vũ Đức Khanh, Ottawa, Canada
Về "tứ trụ" trước năm 2016 thì tôi cho rằng không ai có thể qua mặt được Thủ tướng Dũng. Tuy Việt Nam có chế độ "làm vua tập thể" nhưng không thể phủ nhận rằng ông Dũng là một trong 3 Thủ tướng Cộng sản Việt Nam để lại "dấu ấn" đậm nhất sau ông Phạm Văn Đồng và ông Võ Văn Kiệt.
Ông Dũng có thể là người duy nhất chứng tỏ rằng Thủ tướng Chính phủ không nhất thiết phải luôn luôn phục tùng Bộ Chính trị.
Ông đã biến nội các Chính phủ là trung tâm quyền lực và vô hiệu hóa Bộ Chính trị bằng cách sử dụng hữu hiệu vai trò của Trung ương Đảng. Nếu buộc phải chấm điểm thì ông Dũng xứng đáng điểm 8/10.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong ba Thủ tướng có nhiều dấu ấn nhất của nhà nước cộng sản Việt Nam từ trước tới nay, theo Luật sư Vũ Đức Khanh.
Dù ông Nguyễn Phú Trọng bề ngoài có vẻ như là người "thắng cuộc" nhưng thực ra kẻ thắng cuộc thật sự chính là "Trung ương Đảng". Qua lần thử nghiệm vừa qua với ông Dũng, họ đã biết cách trả giá quyền lực của họ rồi. Tôi không nghĩ Bộ Chính trị bây giờ có toàn quyền như xưa nữa.
Đối với các vị mới vừa nhận quyền lực từ "bộ tứ" này thì tôi nghĩ ngoài ông Quang Chủ tịch nước và bà Ngân Chủ tịch Quốc hội, hai ông Trọng và Phúc là người của "tập thể".
Ông Quang được cho là một người có nhiều tham vọng "hợp nhất quyền lực Đảng và Nhà nước" vào những năm tới khi ông Trọng về hưu. Liệu ông có thành công hay không, thời gian sẽ trả lời. Ông Quang có thể nhận điểm 7.
Bà Ngân rất ấn tượng với tôi, nhất là gần đây ở kỳ họp Quốc hội lần này. Bà được nhiều nhà phân tích đánh giá cao về khả năng cũng như chất lượng lãnh đạo. Nhưng ở vai trò Chủ tịch Quốc hội thì thực chất cũng chẳng ảnh hưởng là bao vì Quốc hội chỉ là cơ quan hợp thức hoá chủ trương chính sách của Đảng mà thôi. Bà có thể nhận điểm 6.
Còn ông tân Thủ tướng Phúc thì chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng ông này là một ông quan "thư lại", cân bằng quyền lực cho các thế lực trong Đảng. Và tôi cũng nghĩ với cơ chế hiện nay thì ông này chỉ có thể làm được một nhiệm kỳ, ngoại trừ phép lạ. Tôi tặng ông Phúc điểm 5.
Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc trao đổi tại tọa đàm Bàn tròn Thứ Nămcủa chúng tôi tại đây.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội tại Quốc hội khóa 13 của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.