Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Báo động doanh nghiệp “chết lâm sàng”

Báo động doanh nghiệp “chết lâm sàng”

bauxitevnMon 7:35 AM


Thái Phương 
Quý I/2016, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trên cả nước lên đến 20.044, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước
Bên cạnh số doanh nghiệp (DN) thành lập mới, hồi phục sau thời gian ngừng hoạt động, vẫn có quá nhiều DN “chết lâm sàng”, trong đó phần lớn là DN vừa và nhỏ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2016, số DN tạm ngừng hoạt động trên cả nước lên đến 20.044, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhỏ dần về quy mô
Không phải ngẫu nhiên mà báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) vừa công bố đã dành hẳn một chương nói về khu vực DN vừa và nhỏ. Hai cơ quan này kỳ vọng PCI khuyến khích sự năng động, sáng tạo và thân thiện của các địa phương để hướng tới đối tượng quan trọng nhưng dễ bị tổn thương nhất là các DN vừa và nhỏ.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận số lượng DN đóng cửa vẫn tăng. Hậu quả là DN Việt cứ nhỏ dần về quy mô.
Số liệu được TS Trần Đình Thiên đưa ra, trong 5 năm qua, số lượng DN đóng cửa, rời khỏi thị trường liên tục tăng. Nếu năm 2010, cả nước có khoảng 40.000 DN phải ngừng hoạt động thì con số này đã tăng đều qua các năm, lên tới 67.832 DN trong năm 2014. Ngay cả năm 2015, dù tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, GDP tăng trưởng cao hơn mục tiêu nhưng vẫn có tới 71.391 DN phải đóng cửa, chưa kể gần 9.500 DN giải thể.
clip_image002
Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng số DN thành lập mới tăng là tín hiệu mừng nhưng cũng phải đặc biệt quan tâm tới số DN đóng cửa. DN mới ra đời thường quy mô nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng và chưa có kinh nghiệm về thị trường, quản trị. PCI 2015 cho thấy bất kể quy mô, DN mới ra đời thường vấp phải những vấn đề như tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, khả năng thanh toán chi phí vận hành DN, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, vấn đề liên quan đến pháp luật và hành chính...
Bất lợi so với doanh nghiệp nước ngoài
Mới đây, khi các ngân hàng thương mại liên tục đẩy lãi suất huy động đầu vào lên cao, hàng loạt DN đứng trước nguy cơ lãi suất cho vay tăng theo. GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng đầu năm tiếp tục ở mức rất thấp, lạm phát cũng được kiểm soát nhưng lãi suất huy động và cho vay lại không thể giảm thêm để hỗ trợ cộng đồng DN. Hiện vẫn phải vay vốn với lãi suất 10%-12%/năm thì làm sao DN cạnh tranh được. Trong khi đó, Nhật đang áp dụng lãi suất âm (người gửi tiền phải trả thêm phí), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất nhưng không đáng kể. Nhờ vậy, DN Nhật, Mỹ... đầu tư vào Việt Nam vay vốn ở nước họ với lãi suất chỉ khoảng 3%/năm, trong khi DN Việt trả lãi vay từ 10%-12%/năm. Hiện khoảng 70%-80% DN trong nước hoạt động chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng.
Giám đốc một công ty sản xuất giấy tại TP HCM cho biết khoản vay ngắn hạn của DN này tại ngân hàng đang phải trả lãi 12%/năm. Trước đó, cũng khoản vay này nhưng lãi suất chỉ 8%-9%/năm nhưng do hoạt động khó khăn, lợi nhuận không như kỳ vọng nên công ty của ông bị ngân hàng hạ mức tín nhiệm, nâng lãi vay. “Dù quy mô nhỏ nhưng chúng tôi có mặt trên thị trường đã nhiều năm, có thương hiệu, sản phẩm được bán trong nhiều siêu thị. Do gần đây phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nên thị phần giảm sút, kênh phân phối trong siêu thị mất dần, hoạt động kinh doanh ngày một khó khăn. Điều chúng tôi lo nhất lúc này là thương hiệu, không biết còn trụ được bao lâu khi phải cạnh tranh với DN nước ngoài có nhiều ưu thế, đặc biệt là vốn rẻ” - vị giám đốc này ngậm ngùi.
Nhiều ý kiến cho rằng DN Việt không lớn lên được bởi mới ra đời đã phải đóng thuế, chịu lãi vay cao hơn nhiều so với DN ở các nước trong khu vực. Từ đó, lợi nhuận không đủ tái đầu tư thì làm sao DN lớn dần.
Về dự thảo Luật DN vừa và nhỏ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, GS Nguyễn Mại cho rằng chỉ nên áp thuế thu nhập DN 10% với các DN vừa và nhỏ thay vì 20% như hiện nay. Như vậy, DN mới có thể tích lũy, tái đầu tư. Để DN vừa và nhỏ Việt Nam đứng vững và phát triển trong hội nhập, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhìn bài học từ Hàn Quốc, Đài Loan khi họ đưa ra những chiến lược phát triển DN nội địa rất bài bản, có những hỗ trợ cụ thể từ nhà nước.
Cần hỗ trợ khởi nghiệp
PCI 2015 cho thấy DN vừa và nhỏ chưa phát triển mạnh mẽ do còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực trong quá trình hoạt động, gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng. Ngay cả việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước địa phương dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn rất nặng nề với các DN. Do đó, cần thiết kế các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của DN. Ngay khi mới thành lập, chính sách hỗ trợ cần giúp DN thuận lợi trong tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp cũng như hỗ trợ về thủ tục hành chính.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết nhiều DN trong hiệp hội vay vốn với lãi suất chỉ 4,5%-5,2%/năm, nhiều dự án lãi vay trung hạn chỉ hơn 6%/năm. “Không phải không vay được vốn lãi suất thấp mà vấn đề là DN có thuyết phục được ngân hàng cho vay hay không. Cái khó nhất của DN vừa và nhỏ là không có tài sản thế chấp, gặp khó khăn trong việc thuyết phục ngân hàng cho vay” - ông Giang nêu thực tế.
T.P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.