Một qui ước sinh hoạt dân chủ?
noreply@blogger.com (Danlambao)4:23 PM
Nguyễn Gia Kiển (Thông Luận) - Tôi ngồi trước máy vi tính gõ những dòng này chiều 23/01/2016 tại Paris, sau khi phiên họp thứ ba của Đại Hội 12 của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã kết thúc. Giờ này tất cả đã được quyết định. Như vậy bài này hoàn toàn không thể có bất cứ một ảnh hưởng nào lên đại hội này. Mục đích duy nhất của nó chỉ là để rút ra một kết luận giữa những người dân chủ với nhau.
Chưa bao giờ một đại hội của Đảng Cộng Sản gây nhiều thảo luận sôi nổi bằng lần này, dù đây cũng là một đại hội bị dân chúng Việt Nam tẩy chay nhất vì gần như không có ai đóng góp ý kiến nào với Đảng cả. Tuy vậy trong không khí sôi nổi này điều đáng quan tâm nhất lại chính là một điều không ai bàn tới. Sự kiện không ai nói tới nó tiết lộ rất nhiều.
Người ta chăm chú theo dõi và thảo luận xem phe ông Nguyễn Phú Trọng hay phe ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thắng, nên ủng hộ ông nào, ông nào tệ hơn ông nào v.v. Nhưng tuyệt nhiên không ai bình luận gì về việc, theo gần như mọi nguồn tin và trừ bất ngờ giờ chót, ông Trần Đại Quang sẽ là chủ tịch nước. Người ta có vẻ coi đó là chuyện bình thường hoặc không quan trọng. Nhưng việc ông Trần Đại Quang trở thành nguyên thủ quốc gia không bình thường chút nào. Theo những gì các bạn tôi cho biết về ông thì sự kiện ông có thể lên làm chủ tịch nước đáng lẽ phải gây phản ứng rất mạnh.
Trần Đại Quang sinh năm 1956 nhưng một số tài liệu lại cho thấy là thực ra ông sinh năm 1950 và đã tự trẻ hóa bằng cách lấy bút ngoặc lên trên để sửa con số không (0) thành con số sáu (6). Ông xuất thân là một công an cơ sở rồi được điều phối vào ngành tình báo và phục vụ trong ngành này cho đến khi lên tướng, làm thứ trưởng rồi bộ trưởng công an. Huấn luyện và đào tạo của ông thuần túy là trong công an và tại trường đảng mang một cái tên lạm phát là Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh. Tuy vậy ông cũng được phong hàm tiến sĩ luật và giáo sư. Luật đây chỉ có thể là luật của công an cộng sản, nghĩa là luật rừng. Bằng tiến sĩ chắc chắn do đảng phong chứ không do một trường đại học nào, còn giáo sư thì không biết là ông có thể dạy môn nào ngoài kỹ thuật tra tấn và ép cung. Tóm lại, đây là một công an đặc sệt với một lý lịch không rõ rệt. Tuy vậy sự nghiệp của ông lại rất rõ ràng. Từ ngày ông lên làm thứ trưởng rồi bộ trưởng bộ công an ngành công an Việt Nam đã thay đổi lớn. Nhiều vụ tra tấn và ép cung những người vô tội để buộc nhận tội thay cho các can phạm thực đã được dư luận phanh phui trong đó có cả một vụ mà can phạm thực là cháu ông Trần Đại Quang. Các vụ đánh người, kể cả đánh chết người, trong đồn công an trở thành thường xuyên. Công an sử dụng côn đồ hoặc giả làm côn đồ đánh dân oan, giáo dân công giáo và những người dân chủ; người ta không còn phân biệt được công an và đạo tặc. Các biên bản điều tra của công an (sau đó trở thành cáo trạng của Viện Kiểm Sát) trắng trợn hơn hẳn, người ta có thể kể những việc làm rất bình thường và hợp pháp để rồi kết luận như thế là có đầy đủ bằng chứng rõ ràng rằng bị cáo đã phạm tội nghiêm trọng; sau đó là các bản án tù 5 năm, 10 năm, 15 năm. Trong nhà tù nhiều khi tù nhân phải trả tiền để "được" còng bằng những chiếc còng không nhiễm trùng HIV. Dưới sự lãnh đạo của Trần Đại Quang công an cũng làm tiền trắng trợn hẳn hơn trước. Tại các quốc gia bình thường một bộ trưởng công an chỉ để xảy ra một phần trăm những điều đã xảy ra trong ngành công an Việt Nam cũng đã bị cách chức và truy tố rồi.
Cũng nên lưu ý là trong các cấp lãnh đạo cao nhất của chế độ đã chỉ có Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng là hai người công khai khẳng định sẽ "nhất định không để nhem nhóm thành hình các tổ chức đối lập".
Nguyên thủ quốc gia trước hết là người thể hiện đạo đức xã hội và đoàn kết dân tộc. Một chủ tịch nước như ông Trần Đại Quang đoàn kết được ai?
Nguyên thủ quốc gia trước mắt thế giới đại diện cho danh dự và phẩm giá của một dân tộc. Một chủ tịch nước như ông Trần Đại Quang khác gì một vết lọ nghẹ quẹt lên mặt dân tộc Việt Nam?
Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể đặt một người như ông Trần Đại Quang vào chức vụ chủ tịch nước bởi vì họ không coi dân tộc Việt Nam ra gì và cư xử như một lực lượng chiếm đóng. Nhưng còn người Việt Nam? Tại sao đối lập dân chủ Việt Nam không có phản ứng nào cả, dù ông là một hung thần của những người dân chủ? Câu trả lời chỉ có thể là vì "một bộ phận không nhỏ" những người dân chủ Việt Nam vừa vô ý thức vừa không mấy quan tâm đến đạo đức, lẽ phải và sự tử tế. Nhưng như thế thì sức mạnh của họ ở đâu? Dân chủ và nhân quyền chỉ là những giá trị đáng tôn vinh vì phù hợp với lẽ phải và đạo đức trong xã hội. Nếu gạt đạo đức và lẽ phải đi thì dân chủ và nhân quyền chỉ còn là một khẩu hiệu và cuộc đấu tranh cho dân chủ chỉ là một trò chơi vớ vẩn.
Cũng vớ vẩn không kém là cuộc tranh cãi đã thu hút rất nhiều người xem nên ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Nguyễn Tấn Dũng. Nó vớ vẩn trước hết ở chỗ đây là cuộc đấu đá của riêng một số nhỏ những người có thế lực trong Đảng Cộng Sản. Nhân dân Việt Nam và ngay cả tuyệt đại đa số các đảng viên cộng sản hoàn toàn không có một tiếng nói nào cả. Nhưng nó càng đáng buồn khi ta nhìn vào những lý do mà một số người tự coi hay được coi là dân chủ đưa ra để bênh vực bên này hay bên kia.
Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, ai tệ hơn?
Phe ông Nguyễn Phú Trọng –và các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng- ít ra có sự thẳng thắn. Họ hầu như không vận động dư luận quần chúng và đảng viên bênh vực họ. Có thể họ tin tưởng là chắc thắng, nhưng cũng có thể họ cho đây là chuyện riêng của họ, hay họ biết rằng nhân dân và đa số đảng viên đàng nào cũng chán họ rồi. Trái lại phe ông Dũng đã vận dụng từ mấy năm nay cả một đội ngũ đông đảo dư luận viên và nhân sĩ.
Những người bênh ông Trọng nói rằng ông tuy có thiển cận và giáo điều nhưng không tham nhũng và thực thà, luôn luôn nói thẳng ra những điều mình nghĩ. Nhưng ông Trọng đã nói thẳng những gì? Ông nói rằng phải kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rằng hiến pháp có mục đích thể chế hóa cương lĩnh của Đảng; rằng chống lại điều 4 hiến pháp, đòi phi chính trị hóa các lực lượng võ trang -nghĩa là không chấp nhận quân đội và công an phải trước hết tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản- là thiếu đạo đức; rằng nếu dám chống lại việc Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông thì đâu còn có thể bình yên để họp đại hội đảng v.v. Nhiều khi "thẳng thắn" chỉ đồng nghĩa với thô lỗ. Người dân chủ nào có thể không nổi giận trước những phát biểu như vậy, chưa nói ủng hộ ông? Rõ ràng là ông Trọng không có cùng một định nghĩa đạo đức với một người bình thường, chưa nói một người dân chủ. Và đối với ông tương lai của tổ quốc Việt Nam không quan trọng bằng tương lai của Đảng Cộng Sản. Không một người Việt Nam nào có thể chấp nhận một người lãnh đạo quốc gia như ông Trọng.
Những người ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng ồn ào hơn hẳn. Đối với họ lẽ phải và các giá trị đạo đức hình như hoàn toàn không có một tầm quan trọng nào cả. Trong mười năm cầm quyền ông Dũng đã tỏ ra rất bất tài, rất tham nhũng và rất hung bạo. Ông đã làm đất nước sắp vỡ nợ và lụn bại về mọi mặt, nhất là về đạo đức. Những yếu tố này đủ để ông phải bị loại bỏ ngay lập tức và vĩnh viễn. Không một người bình thường nào có quyền viện dẫn bất cứ một lý do nào để bênh vực một người lãnh đạo như thế. Nhưng những nhân sĩ "phò Dũng" lại biện luận rằng Nguyễn Tấn Dũng tuy bất tài và tham nhũng nhưng v.v. Tại sao lại "tuy"? Một người tham nhũng là một người gian phải bị loại bỏ không thương tiếc, ngay cả nếu rất có tài. Tham nhũng là tai họa lớn nhất đối với một quốc gia. Nó làm hỏng tất cả và phải bị tiêu diệt bằng mọi giá, không có gì để thảo luận cả. Nếu chưa hiểu điều này thì không nên thảo luận về chính trị. Nhưng ông Dũng không chỉ tham nhũng mà còn bất tài và hung bạo. Tuy vậy một số nhân sĩ lại vẫn ủng hộ ông với những lý do rất kỳ cục.
Một số ít nói:"Tôi ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng vì hắn sẽ phá tan Đảng Cộng Sản". Có thể đúng nhưng đồng thời Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ làm tan tành đất nước Việt Nam. Những người này không "phò Dũng" nhưng vô trách nhiệm. Những người "phò Dũng" nói ông ấy chống Trung Quốc và thân phương Tây, chấp nhận dân chủ. Họ chà đạp lên sự thực và lý luận.
Chống Trung Quốc? Trung Quốc không thể mong muốn một đồng minh nào lý tưởng hơn Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng là truyền nhân của Lê Đức Anh, kiến trúc sư của chính sách phục tùng Trung Quốc, và chính ông cũng đã làm tất cả những gì mà một thủ tướng Việt Nam có thể làm để phục vụ Trung Quốc. Có thể chính sách phục tùng Trung Quốc không do trách nhiệm của một mình ông mà là trách nhiệm chung của cả bộ chính trị nhưng việc cho Trung Quốc đấu thầu gần hết các công trình kết cấu hạ tầng và không truy tố khi chủ thầu không thi công nghiêm chỉnh là trách nhiệm của chính phủ và của ông Dũng. Cũng không bộ chính trị nào buộc ông phải công khai và nhiệt tình ủng hộ dự án Bôxit Tây Nguyên. Những lập luận cho rằng ông Dũng có ý chí "thoát Trung" chỉ dựa trên hai lời tuyên bố của ông tại Myanma và Philippines dù cả hai đều ở rất dưới mức độ mạnh mẽ mà một thủ tướng của một nước bị xâm phạm lãnh thổ phải có. Người ta ca tụng ông Dũng chỉ vì người ta có một lý do nào đó để cần ca tụng ông. Người ta không biết hoặc cố tình không biết rằng ông Dũng là người dễ bị Trung Quốc điểm huyệt nhất vì ông tham nhũng và chắc chắn họ phải có hồ sơ.
Lập luận cho rằng ông Dũng thân Mỹ và có ý định mở cửa về dân chủ lại càng thiếu cơ sở. Nó chỉ dựa trên sự kiện ông có con rể có quốc tịch Mỹ và bất chấp những tuyên bố chống dân chủ rất hung hăng của ông, bất chấp những hành động thô bạo của công an Việt Nam dưới quyền kiểm soát của ông đối với những người dân chủ và nhất là bài diễn văn ngày 30/04/2015 trong đó ông hô lại cái khẩu hiệu côn đồ "Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào" mà từ hơn 20 năm nay không còn lãnh tụ cộng sản Việt Nam nào nhắc lại nữa.
Những người bênh ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng đưa ra được một lập luận có giá trị nào cả nhưng họ khá đông đảo và vì đã ồn ào từ lâu nên đã ít nhiều tạo ra được cho ông Dũng hình ảnh của một lãnh tụ muốn hội nhập vào thế giới dân chủ. Một số nhà bình luận quốc tế cũng bị lôi kéo vào sai lầm này và đến lượt họ lôi kéo thêm một phần dư luận Việt Nam bởi vì điểm yếu của người Việt Nam là thường tin người nước ngoài hơn là người Việt. Chính nhờ những phát biểu đúng đắn của một số người dân chủ Việt Nam mà sai lầm này đã không bị đẩy đi quá xa.
Khó có thể tin rằng những trí thức cổ võ cho ông Dũng không nhìn thấy sự hời hợt của những lý luận mà họ đưa ra. Lý do để họ vẫn đưa ra có thể là vì chủ quan lấy mong muốn làm sự thực nhưng cũng có thể khác. Nguyễn Tấn Dũng đã cầm quyền 19 năm, chín năm trong cương vị phó thủ tướng thường trực bên cạnh ông thủ tướng mờ nhạt Phan Văn Khải và mười năm trong chức vụ thủ tướng. Ông có những ân huệ để ban phát và cũng có những phương tiện để làm áp lực. Nhưng dù vì lý do nào thì những người bênh ông Dũng cũng đã làm sút giảm phẩm chất của cuộc thảo luận chính trị và gây thương tổn cho cuộc vận động dân chủ, bởi vì những người dân chủ tranh đấu chủ yếu bằng lời nói và tiếng nói dân chủ chỉ có trọng lượng nếu đúng.
Nhiều khi thiện chí cũng dẫn đến sai lầm. Thí dụ như trường hợp ông bộ trưởng Đinh La Thăng. Bạn tôi rất mê Đinh La Thăng. Anh là một người không ai có thể ngờ vực về lập trường dân chủ, khả năng và thiện chí. Anh nói: "Nó đi tất cả các công trường đôn đốc thi công và kiểm soát phẩm chất, sửa lưng không nể nang những chủ thầu bê bối". Từ "Nó" không biểu lộ sự khinh thường mà trái lại một sự quí mến gần gũi dành cho một người trẻ tuổi hơn mình. Theo anh ta nếu có được nhiều bộ trưởng như Đinh La Thăng thì Việt Nam sẽ khá hơn hẳn. Tôi bảo anh ta rằng công việc của một bộ trưởng đâu phải là suốt ngày đi kiểm tra các công trường; đó là việc của các thanh tra. Anh cũng biết như vậy nhưng nghĩ rằng thực trạng Việt Nam khá đặc biệt. Rồi để tranh thủ cảm tình của tôi cho "gà nhà" anh gửi cho tôi link của một youtube trong đó ông bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng đang lớn tiếng khiển trách nghiêm khắc nhà thầu Trung Quốc trong công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Trước mặt ông là một giám đốc Trung Quốc cúi đầu nhận lỗi. Nhưng đấu thấu một công trình hàng tỷ USD (hàng trăm nghìn tỷ VND) thì phải có hợp đồng qui định rõ ràng phẩm chất phải có, tiến độ thi công và điều kiện tiếp thu. Hợp đồng đâu, sao không đem ra để truy tố chủ thầu buộc phải nộp phạt? Thiệt hại ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mà chỉ mắng mỏ và gào thét như vậy thì có khác gì một người dân oan mất đất? Có hàng chục công trường bê bối như vậy nhưng không thấy bộ Giao Thông Vận Tải truy tố ai cả. Một bộ trưởng như vậy phải bị cách chức, thậm chí truy tố, chứ có gì đáng khen ngợi? Sao chúng ta có thể dễ tính quá vậy? Phải chăng chúng ta đã định cư trong sự tồi kém rồi nên không thể mong đợi hơn được nữa? Nhưng nếu những nggười dân chủ Việt Nam không dám có những tham vọng và đòi hỏi lớn hơn thì đất nước này còn có hy vọng nào? Bạn tôi không phải là trường hợp đặc biệt, nhiều người dân chủ khác cũng không khác anh bao nhiêu. Họ quá khiêm tốn đến độ trở thành thiếu chính xác và thiếu nghiêm chỉnh.
Đối đầu với chính quyền độc tài này vũ khí duy nhất của chúng ta là lẽ phải với những tên gọi khác tùy góc nhìn của nó: lý, đạo đức, cái đúng, cái tốt, cái thiện, chính nghĩa, sự thành thực, sự dũng cảm, sự chính xác, lòng nhân hậu, lòng yêu nước v.v. Chúng ta chỉ có lẽ phải, nhưng lẽ phải một mình nó cũng đủ để giúp chúng ta giành thắng lợi, bởi vì không có gì chống lại được lẽ phải. Đấng Tối Cao cũng không mạnh bằng lẽ phải vì Đấng Tối Cao mà sai sẽ không còn là Đấng Tối Cao. Thực là nghiêm trọng nếu chúng ta, dù vì bất cứ lý do gì, xuyên tạc sự thực hay bẻ cong lý luận. Lẽ phải đủ để giúp chúng ta thắng, nhưng ngược lại nếu chúng ta đánh mất lẽ phải thì chúng ta không còn là gì cả.
Chúng ta, những người mong muốn dân chủ cho đất nước, đều nhức đầu tự hỏi tại sao phong trào dân chủ vẫn không mạnh lên được dù chính quyền này đã rất chao đảo? Nó chưa mạnh một phần vì chưa dám có những tham vọng lớn cho đất nước và dễ hài lòng với cái tầm thường. Nhưng lý do chính là vì phong trào dân chủ chưa thực sự có chính nghĩa. Dưới mắt quần chúng Việt Nam nó chưa phản ánh được lẽ phải vì quá nhốn nháo.
Cuộc đấu tranh cho dân chủ diễn ra trên mặt trận truyền thông nhưng trên mặt trận truyền thông này phe dân chủ chưa lành mạnh. Có những người không biết gì cũng nói, có những người thấy sai nhưng vẫn nói, có những người chỉ nói để được biết đến, và cũng có những người nói chỉ vì muốn bôi nhọ và phá đám. Nhiều người bất chấp sự thực và lý luận để cố chứng minh điều mình muốn người khác tin, dù không đúng. Chưa kể các dư luận viên của công an. Phong trào dân chủ không đáng kính và không đáng tin, do đó không mạnh.
Vậy phải có giải pháp nào?
Trong thập niên 1980 Jürgen Habermas, một triết gia chính trị, đã gây thảo luận hào hứng khi xuất bản cuốn Lý Thuyết về Hành Động Bằng Lời (Theory of Communicative Action - Théorie de l'Agir Communicationnel). Các cuộc thảo luận này đã đưa đến đồng thuận trên hai điểm:
- Một là lời nói, và truyền thông nói chung, là hành động, và hơn nữa là hành động chính trị và xã hội quan trọng nhất trong thế giới hiện đại. Nhận định này đã đúng trong thập niên 1980 nên càng đúng trong lúc này và sẽ còn đúng hơn trong tương lai.
- Hai là, không gian truyền thông tự do cũng phải có những qui luật và bó buộc đạo đức của nó. Đó phải là không gian thảo luận của những người chỉ có một mục đích là tìm sự thực và lẽ phải, tuyệt đối không thể chấp nhận sự giả dối.
Jürgen Habermas: lời nói là hành động quan trọng nhất
Như vậy chúng ta -những người dân chủ- cũng cần một qui ước sinh hoạt trên không gian trao đổi và thảo luận dân chủ của chúng ta. Qui ước sinh hoạt đó không cần phải thành văn bản nhưng vẫn phải có, ít nhất để chúng ta có thể nhận diện những sai phạm và chế tài những phạm nhân, dù chỉ là chế tài tinh thần. Qui ước sinh hoạt đó ít nhất bao gồm hai điểm sau đây:
Một là phải phân biệt rõ ràng giữa "ta" và "họ", ít nhất để nhận ra những người dân chủ, những chí hữu và anh em. Ta là những người tin tưởng hoàn toàn vào những quyền và giá trị qui định trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập được Liên Hiệp Quốc biểu quyết ngày 10/12/1948 và hai công ước đính kèm. Bản tuyên ngôn này không chỉ quan trọng ở nội dung của nó mà cũng quan trọng không kém ở ngay sự hiện hữu của nó. Sự kiện nó được Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua như một tuyên ngôn phổ cập có nghĩa là không có một dân tộc nào chưa chín muồi cho dân chủ cả; mọi dân tộc đều có thể và phải có ngay và có trọn vẹn những quyền tự do căn bản. Những quyền này lại chính là những quyền định nghĩa một chế độ dân chủ. Ta là những người đòi thể hiện ngay bây giờ và một cách trọn vẹn những quyền tự do đó. Họ là những người cầm đầu Đảng Cộng Sản muốn duy trì chế độ toàn trị và những người ủng hộ chế độ, dù là thực tình hay miễn cưỡng. Ở giữa là khối quần chúng mà chúng ta cần thuyết phục và động viên để đứng vào hàng ngũ dân chủ. Điều đáng mừng là khối quần chúng này trong tuyệt đại đa số đã ủng hộ lập trường dân chủ. Cần nhấn mạnh rằng đã gọi là quyền thì không thể nhân nhượng, ta có quyền và phải đòi chứ không xin, họ cướp đoạt quyền của chúng ta thì phải trả chứ không thể có thái độ cho. Dĩ nhiên cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ là cuộc đấu tranh bất bạo động và như thế sẽ phải qua những thỏa hiệp giai đoạn, nhưng thỏa hiệp là công việc của các tổ chức dân chủ chứ không phải của các cá nhân. Ở mức độ cá nhân thái độ duy nhất đúng là không nhân nhượng, là đỏi hỏi mọi quyền, trọn vẹn và ngay tức khắc. Giữa ta và họ phải minh bạch. Họ gọi tên đảng của họ như thế nào, đưa ai lên làm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng là chuyện của họ.Ta có quyền nghĩ người này còn tệ hơn người kia nhưng không có vấn đề ta ủng hộ ai cả. Ta đòi quyền và họ phải trả, chừng nào họ vẫn chưa trả ta còn tiếp tục đấu tranh để buộc họ phải trả. Ta không cần xin và họ không được cho.
Hai là phải tôn trọng sự thực và lẽ phải trong mọi thảo luận và trao đổi, không xuyên tạc sự thực, không bẻ cong lý luận cũng không nhân nhượng với sự tồi dở trong bất cứ trường hợp nào. Chúng ta có thể lầm lẫn vì thiếu sót nhưng không thể vô lễ với sự hiểu biết và lý luận. Phẩm giá của những người dân chủ là như thế, nếu không họ chẳng là gỉ cả. Sức mạnh của phong trào dân chủ là như thế. Mọi cố ý xuyên tạc sự thực, bất chấp kiến thức và bẻ cong lý luận phải bị lên án nghiêm khắc.
Qui ước sinh hoạt này sẽ giúp mỗi người dân chủ nhìn ra những gì đáng được tôn vinh và những gì phải bị phê phán. Nó sẽ giúp phong trào dân chủ thể hiện được chính nghĩa của mình để có sức mạnh. Chúng ta hãy phục tùng lẽ phải để có sức mạnh vô địch của lẽ phải.
Một lời sau cùng. Đảng Cộng Sản đang họp đại hội 12. Điểm nổi bật của đại hội này so với các đại hội trước đây là cho tới giờ chót chính những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản cũng không biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Đấu đá nội bộ đã quá dữ dội, không phải vì khác biệt quan điểm mà vì tranh giành quyền lực. Đảng Cộng Sản đã tan nát vì không còn lý tưởng chung, hơn thế nữa lại còn bị ràng buộc vào một thây ma đã xông mùi hôi thối là chủ nghĩa Mác-Lênin. Nó cũng không còn lý do nào để tự hào sau khi đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt. Dưới mắt nhân dân Việt Nam nó là một lực lượng chiếm đóng và đảng xã hội đen. Quyền lợi không thể gắn bó những con người, quyền lợi bất chính càng không và chỉ gây xung đột. Đảng Cộng Sản đang sống những ngày cuối cùng. Dù muốn hay không đất nước cũng đang rất cần một giải pháp thay thế để sự sụp đổ không tránh khỏi và sắp tới của chế độ cộng sản không nhường chỗ cho một tình trạng hỗn loạn.
Thắng lợi của dân chủ có thể rất gần, nếu chúng ta là những người dân chủ chân chính.
Nguyễn Gia Kiểng
22/01/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.