Giá cổ phiếu: Ai đủ can đảm dự báo?
Yen Vuong8:00 AM
Kịch bản xấu nhất của năm 2016 là VN-Index có thể giảm về mức 467 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào năm 2016 đầy biến động. Chỉ trong chưa đầy một tháng, VN-Index đã mất gần 50 điểm, về mức 522,2 điểm (22.1.2016), tức giảm khoảng 11% so với thời điểm cuối năm 2015.
Diễn biến này là khá bất ngờ, nằm ngoài tiên liệu của giới đầu tư, cũng như đi ngược lại xu hướng của cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, những thành quả, nỗ lực của VN-Index trong năm 2015, có khi vươn tới 638,7 điểm (14.7.2015), đã bị “đổ sông đổ biển”. Đi cùng đó là vốn hóa thị trường đã bị bốc hơi gần 5 tỷ USD sau những phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016.
Tại một hội thảo gần đây, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BSC), cho rằng thị trường chứng khoán năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn và ẩn số. Trường hợp xấu nhất, VN-Index có thể giảm về 467 điểm.
Trước đó, trong buổi công bố “Top 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2015”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng nhận định thị trường năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn hơn năm 2015. Do vậy, các thành viên thị trường phải tăng cường tái cấu trúc, thận trọng trong quản trị rủi ro và hoạt động.
Điều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là họ cần làm gì để có thể chọn ra những cổ phiếu vừa đạt tăng trưởng vừa tránh được những diễn biến khó lường từ thị trường.
Soi vào quá khứ
Theo đại diện Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), bởi thị trường biến động nên không thể có bất kỳ một dự đoán, chọn lựa chuẩn xác nào. Năm qua, TVS cũng như nhiều công ty chứng khoán đã không đưa ra tuyên bố mang tính khẳng định xu hướng thị trường. Đây cũng là thái độ mà các công ty này sẽ duy trì cho những nhận định, phân tích sắp tới. Mặc dù vậy, việc xem xét đặc điểm tăng giá cổ phiếu năm qua sẽ ít nhiều giúp nhà đầu tư tăng cường khả năng nhận diện, thêm hiểu biết, từ đó có những định hướng đầu tư tốt hơn.
Năm 2015, gần 90% cổ phiếu trên sàn là tăng giá, theo thống kê từ TVS. Tuy nhiên, đà tăng này không nổi bật khi chưa tới 30 cổ phiếu tăng giá trên 50%. Nếu tính luôn các cổ phiếu tăng giá từ 30% trở lên, con số này chỉ khoảng 40.
Một số cổ phiếu tăng giá mạnh nhất năm 2015
Việc sàng lọc cổ phiếu tăng giá theo nhóm ngành cũng trở nên khó khăn. Bởi ngoại trừ cổ phiếu ngành ôtô là có đà tăng đồng loạt và ấn tượng, còn lại ở các ngành khác, đà tăng giá khá mờ nhạt và không xảy ra trên tất cả các cổ phiếu của ngành. Chẳng hạn, đà tăng giá trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ nhỉnh hơn đà tăng của VN-Index khoảng 4,3 điểm phần trăm. Và cổ phiếu EIB của ngân hàng Eximbank đã giảm 12,5% trong năm qua.
Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên thị trường cũng không thuộc nhóm các cổ phiếu đại diện hoặc dẫn dắt thị trường. Đơn cử, cổ phiếu HTL của Ôtô Trường Long có quy mô niêm yết chỉ 8 triệu cổ phiếu, rất thấp so với hàng tỷ cổ phiếu niêm yết của BIDV, Vietcombank, VietinBank, Vinamilk. Vì thế, dù tăng giá tới 477% trong năm 2015 thì giá trị vốn hóa của cổ phiếu này chưa tới 1.300 tỷ đồng.
Đối với “á quân” TMT thuộc Công ty Ôtô TMT, giá trị vốn hóa tính đến cuối năm 2015 cũng chỉ là 1.512 tỷ đồng. Trong một thị trường chứng khoán mà giá trị vốn hóa đạt gần 1.300 ngàn tỷ đồng, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì sự bật dậy của các cổ phiếu vốn hóa thấp chỉ mang tính đơn lẻ, không đủ lực để tác động đến xu hướng chung của thị trường.
Thực tế năm qua, có không ít cổ phiếu đã thể hiện được sức đua, tạo phấn khởi cho cổ đông. Tuy nhiên, đến chung cuộc, những gì đạt được đã bị mất sạch. Đó là trường hợp của cổ phiếu DPM (Đạm Phú Mỹ), DRC (Cao su Đà Nẵng)… Giá cổ phiếu DPM, DRC đến cuối năm 2015 đã sụt giảm so với thời điểm đầu năm dù có những lúc, chẳng hạn như DPM vượt được các điểm đáy và bật tăng trên 25%. Với cổ phiếu DRC, phong độ được duy trì ổn định đến cuối tháng 8.2015, sau đó trượt dần và đã giảm 14% trong năm 2015.
Tính bền vững của các cổ phiếu đã bị thử thách và diễn biến trên cũng phủi bay không ít thành quả của các nhà đầu tư. Thắng thua cứ đan xen theo các con sóng lên xuống khó đoán định của thị trường. Điều này đặt lên vai người tham gia chứng khoán những áp lực của việc phải chọn lựa chiến lược đầu tư hợp lý, đủ trình độ để xác định thời điểm vào ra đúng lúc. Vì thế, đại diện TVS thừa nhận, năm qua, ít có nhà đầu tư thắng lớn trên thị trường.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong năm qua
Nhiều cổ phiếu tăng mạnh cũng là các cổ phiếu kém thanh khoản nhất. Như đà tăng giá ở HTL mang ý chủ quan của một số cổ đông nắm quyền chi phối. Ở những cổ phiếu này, nhà đầu tư muốn mua nhiều cũng không mua được. Một số trường hợp như TTF của Gỗ Trường Thành tăng giá mạnh để “dọn đường” cho đợt phát hành thêm cổ phần. Nhưng nhìn chung, đà tăng của phần lớn cổ phiếu năm 2015 gắn với từng câu chuyện cụ thể ở doanh nghiệp. Có câu chuyện, giá cổ phiếu lên; hết câu chuyện, giá cổ phiếu lại xuống. Chính điều này tạo ra những rủi ro, bất ổn cho không ít cổ phiếu.
Dù vậy, vẫn có những câu chuyện tăng trưởng được doanh nghiệp viết liền mạch. Đó là trường hợp ở Công ty CotecCons. Cổ phiếu CTD của CotecCons đã tăng gấp 3 lần trong năm 2015, từ mức 53.400 đồng (5.1) lên 153.000 đồng (31.12) trong bối cảnh CotecCons ký hợp đồng xây dựng và cơ điện, làm tổng thầu thiết kế, thi công cho nhiều dự án. Về kinh doanh, công ty này vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 3 quý. Và với hơn 50 hợp đồng lớn trong tay, lãnh đạo CotecCons tự tin sẽ cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017.
Kịch bản năm 2016
Sang năm 2016, theo các công ty chứng khoán, diễn biến cổ phiếu vẫn sẽ khó nắm bắt. Nhà đầu tư sẽ khó tìm kiếm lợi nhuận hơn, bởi có nhiều yếu tố bất lợi dự báo sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán.
Trên thị trường quốc tế, theo quan sát của ông Trần Thăng Long, Công ty Chứng khoán BSC, “chứng khoán toàn cầu được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu hành trình tăng lãi suất, chấm dứt kỷ nguyên vốn rẻ”. 2016 có thể là năm kinh tế tăng trưởng thấp nhưng lại chịu rủi ro từ tình hình chính trị bất ổn ở nhiều nước, của những biến động về giá dầu giảm sâu, của nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Trung Quốc sẽ phải tái cân bằng và phá giá nhân dân tệ, khiến các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam có thể phải điều chỉnh đồng nội tệ của mình.
Theo BSC, cả tỷ giá VND/USD lẫn lãi suất tiền đồng đều sẽ tăng vào năm 2016. Trong đó, biến động tỷ giá có thể lên đến 5%, thậm chí đến 8% nếu Trung Quốc phá giá nhân dân tệ cao 6% so với USD. 2016 còn được xem là năm kiểm chứng lại việc dòng vốn đổ vào bất động sản, ngân hàng… đến từ đâu và liệu sẽ tiếp tục duy trì. Tất cả tạo nên một bức tranh chứng khoán khó ước lượng và cũng khó đạt tăng trưởng mạnh.
Đặc biệt, giới đầu tư đang chờ đợi kết quả từ Đại hội Đảng lần thứ XII, bầu nhân sự mới cho nhiệm kỳ 2016-2020. Bởi như Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam nhận định, nếu xu thế chính trị không biến động nhiều thì việc dự báo các dữ liệu giao dịch, thói quen, tâm lý nhà đầu tư sẽ có độ chính xác cao hơn. Đồng thời các chính sách cũng sẽ được tiếp diễn.
Từ năm nay, Việt Nam sẽ bắt đầu thực thi các hiệp định thương mại nên cơ hội và thách thức đi cùng nhau. Nếu Việt Nam không thay đổi gì, theo đánh giá của HVS Việt Nam, 2016 sẽ là năm khó khăn cho nhà đầu tư chứng khoán.
Ở khía cạnh thị trường, nhà đầu tư chưa nhìn thấy một dấu hiệu nào của tăng trưởng dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), trong khi đây lại là yếu tố của thúc đẩy thanh khoản, gia tăng sự sôi động cho thị trường. Các công ty chứng khoán còn lưu ý nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho việc khối ngoại bán ròng trong năm 2016. Một tháng qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 700 tỷ đồng.
Dòng tiền cho chứng khoán không được đánh giá khả quan trong khi việc nới room cho khối ngoại lại chưa có hướng giải quyết rõ ràng. Nếu tình trạng không thay đổi, theo BSC, rất khó để thị trường hấp thụ hết nguồn cung cổ phiếu từ các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới.
Cổ phiếu HTL của Ôtô Trường Long tăng giá mạnh nhất trên thị trường tới 477%, nhưng lại không thuộc nhóm các cổ phiếu đại diện hoặc dẫn dắt thị trường do quy mô niêm yết chỉ 8 triệu cổ phiếu – Ảnh: Linh Phạm
Niềm an ủi cho nhà đầu tư là nhiều sản phẩm mới như T2, T0, chứng khoán phái sinh… sẽ được triển khai trong năm nay, tạo sức hút cho thị trường và giúp nhà đầu tư giao dịch thuận lợi. Ngoài ra, TVS cho rằng, ảnh hưởng từ Trung Quốc lên doanh nghiệp niêm yết Việt Nam không quá lớn như người ta tưởng. Các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục cải thiện tình hình kinh doanh trong năm 2016.
Nhà đầu tư sẽ có sự chọn lựa riêng và xu hướng đầu tư được dự đoán là tập trung vào nhóm các công ty đầu ngành, có nền tảng cơ bản tốt, kinh doanh tăng trưởng, quản trị minh bạch và triển vọng nổi bật. Ngoài ra, những cổ phiếu niêm yết mới, cổ phiếu UpCom được định giá thấp, các cổ phiếu có cổ tức cao, cổ phiếu hết room cho nhà đầu tư nước ngoài và nhất là nhóm cổ phiếu nằm trong lộ trình thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hứa hẹn thu hút nhà đầu tư, là trụ cột dẫn dắt thị trường trong năm nay.
Dù là lựa chọn cổ phiếu nào thì theo đánh giá của các công ty chứng khoán, những biến động mạnh, đầy rủi ro trên thị trường hiện nay đang khiến nhà đầu tư thêm phần e dè, thận trọng và phòng thủ. Bởi tâm lý này, những ngành được lựa chọn đầu tư sẽ là các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định, dài hạn, dựa trên yếu tố chu kỳ, chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài và có lợi thế cạnh tranh tốt nhờ các hiệp định thương mại. Nghĩa là các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng và hạ tầng, cảng biển, công nghệ thông tin, dệt may… sẽ tiếp tục có cơ hội tỏa sáng. Nhưng không phải tất cả cổ phiếu thuộc nhóm các nhóm ngành kể trên đều được chú ý. Sự phân hóa trong mỗi ngành và giữa các cổ phiếu sẽ tiếp tục diễn ra như năm 2015.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.