Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Biển Đông: Bắc Kinh nên lo ngại vì nhân vật đặc biệt đã ra mặt giúp Nhật Bản “mở cửa” biển Đông

Biển Đông: Bắc Kinh nên lo ngại vì nhân vật đặc biệt đã ra mặt giúp Nhật Bản “mở cửa” biển Đông

bauxitevn8:31 AM


(Quốc tế) - Giới quan sát đánh giá việc Nhật Hoàng lần đầu tiên tiến hành chuyến thăm Philippines cấp nhà nước có thể là động thái cho thấy Tokyo muốn đẩy nhanh sự hiện diện ở biển Đông.
clip_image001
Nhật Hoàng Akihito duyệt đội danh dự trong lễ đón tại Cung điện Malacanang, Manila, Philippines ngày 27/1. Ảnh: AFP
Ngày 26/1, nhận lời mời của Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tới Philippines, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 5 ngày.
Những năm gần đây, cùng với sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc ở biển Đông, quan hệ chính trị Nhật-Philippines cũng cải thiện nhanh chóng.
Dưới thời Tổng thống Aquino, Tokyo và Manila đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2011.
Trang Đa chiều (Mỹ) đánh giá, hợp tác kinh tế không phải là lĩnh vực nổi bật trong quan hệ Nhật-Philippines, do đó chuyến thăm cấp cao của Nhật Hoàng mang đậm sắc thái “mở đường cho Nhật Bản trong vấn đề biển Đông”.
Theo Đa chiều, động thái này còn nhằm chuyển tải thông điệp ngày càng rõ ràng: Để bảo vệ lợi ích của Nhật Bản trên Thái Bình Dương, Chính phủ và Hoàng gia nước này đã đoàn kết lại.
clip_image002
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (phải) đón tiếp Nhật Hoàng và Hoàng hậu ngày 27/1. Ảnh: AFP
Chuyến thăm lịch sử
Đối với Nhật Hoàng Akihito, lần thăm chính thức Philippines gần đây nhất là vào năm 1962, khi ông còn là Thái tử.
Vì vậy, chuyến công du lần này về ý nghĩa, đã lập nên lịch sử mới, bởi đây là lần đầu tiên một Thiên Hoàng Nhật Bản thăm Philippines cấp nhà nước.
Giới quan sát đánh giá, hoạt động đáng chú ý nhất trong chuyến đi của Nhật Hoàng là việc ông cùng đoàn tùy tùng tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm anh hùng dân tộc Philippines Jose Rizal.
Đồng thời, đoàn đại biểu Nhật cũng viếng thăm Mộ chiến sĩ vô danh, nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc chiến chống phát xít thời Thế chiến II.
Đa chiều cho hay, do tuổi đã cao, nên sau chuyến thăm chiến trường cũ trên đảo Saipan vào năm 2005, Nhật Hoàng và Hoàng hậu hầu như không rời khỏi Tokyo, đặc biệt sau khi ông phải tiến hành ca phẫu thuật tim năm 2012.
Chỉ tới năm 2015, vợ chồng ông mới tạo nhiều tiếng vang trở lại trên chính trường quốc tế bằng các hoạt động ngoại giao, điển hình là chuyến thăm Cộng hòa Palau để tưởng niệm các binh sĩ Mỹ và Nhật Bản thiệt mạng trong Thế chiến II.
Dù vậy, theo Đa chiều, các hoạt động trong chuyến công du Philippines của Nhật Hoàng Akihito hoàn toàn không phải là “làm cho có lệ”.
Trong 3 ngày tiếp theo của chuyến thăm, Nhật Hoàng cùng Hoàng hậu sẽ tới thăm các dự án hợp tác kinh tế Nhật-Philippines, ngồi trực thăng tới thăm công viên kỷ niệm của Nhật Bản, tham quan Viện nghiên cứu lúa nước quốc tế…
Đa chiều chỉ ra, giới quan sát quốc tế dễ dàng nhận thấy chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bắt đầu tăng cường sự hiện diện trên biển Đông, sẵn sàng cùng Mỹ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và tự do hàng hải.
Nhật Hoàng, dù không nắm quyền lực chính trị, nhưng lại là nhân vật có thể đem lại giá trị ngoại giao lớn hơn tất cả quan chức Nội các nước này, bao gồm Thủ tướng Shinzo Abe, trong nỗ lực bảo đảm Tokyo có một “điểm tựa” để hiện diện ở biển Đông.
clip_image003
Nhật Hoàng Akihito and Hoàng hậu Michiko đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm anh hùng dân tộc Philippines Jose Rizal tại công viên Luneta, Manila. Ảnh: EPA
Chính phủ và Hoàng gia Nhật đoàn kết mở “cánh cửa” biển Đông
Kể từ khi thế giới bước sang thế kỷ XXI, Tokyo đã có những động thái quyết liệt trong việc đưa lực lượng của mình tới biển Đông.
Sau vụ một tàu Nhật bị tấn công ở eo biển Malacca hồi năm 2005, nước này đã thông qua Luật chống cướp biển vào tháng 6/2009, cho phép quân đội cử lực lượng tới tuần tra chống cướp biển ở vùng biển Đông Nam Á 4 lần/năm.
Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cũng thường xuyên tổ chức tập trận quân sự chung trên biển cùng các quốc gia Đông Nam Á.
Vào tháng 5/2015, Nhật cùng Philippines đã tổ chức huấn luyện chống cướp biển ở khu vực Vịnh Manila, sau đó tiếp tục tổ chức tập trận chung với quân đội Mỹ tại biển Đông vào tháng 10.
Khi quân đội Nhật Bản bắt đầu xác định đích đến của hoạt động tuần tra biển Đông là đảo Palawan của Philippines, thì quốc gia này càng trở thành điểm mấu chốt mà Tokyo muốn “chinh phục” nhằm kết nối với ASEAN, “mở đường” đối đầu Bắc Kinh ở biển Đông.
Đa chiều cho hay, trong khi Mỹ tiếp tục chiến lược phong tỏa Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương bằng chiến lược “3 chuỗi đảo”, Nhật Bản đã tìm thấy không gian hoạt động cho mình ở chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai.
Tuy nhiên, sự lo ngại của Tokyo tăng lên sau khi Trung Quốc đặt chiến thuật “đột phá” chuỗi đảo thứ nhất bằng cách “xuyên qua” Nhật Bản.
Ngay khi Bắc Kinh bắt đầu triển khai chiến lược “quyến rũ kinh tế” ở các đảo quốc Thái Bình Dương như Fiji, Vanuatu… Chính phủ của Thủ tướng Nhật Abe cũng đáp lại bằng sách lược “vòng cung tự do thịnh vượng”, nhằm phát huy vai trò của chuỗi đảo thứ hai.
Để bảo vệ lợi ích của Nhật Bản, Nhật Hoàng đã bắt đầu “chu du” khắp Tây Thái Bình Dương, nhằm giúp Tokyo đạt mục đích kìm hãm hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của quốc gia dưới “cái bóng” của Washington đã trở thành động lực giúp Chính phủ cùng Hoàng gia Nhật Bản hành động theo một ý chí chung.
Bằng chuyến công du lịch sử tới Philippines lần này của Nhật Hoàng Akihito, “cánh cửa” giúp Nhật Bản hiện diện mạnh mẽ ở biển Đông đã trở nên rõ ràng hơn.
(Theo Trí thức trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.