Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Một hoàn cảnh khốn nạn

Một hoàn cảnh khốn nạn

bauxitevnWed 9:00 AM


Nguyễn Duy Vinh 
Hôm nay là ngày 18 tháng Giêng. Mải lo công ăn việc làm, tí nữa là tôi quên khuấy ngày này là ngày Trung Quốc đã có mặt tại Hoàng Sa với một đoàn tàu chiến đang hăm hở sửa soạn chiếm trọn quần đảo này của Việt Nam. Trận hải chiến đã diễn ra khốc liệt ngày 19 tháng 01 năm 1974 giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung Quốc và kết quả là hải quân Trung Quốc đã chiến thắng và chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. 
Bảy mươi bốn thủy thủ và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu và bỏ mình một cách oan nghiệt sau một cuộc thủy chiến không cân xứng. Và Trung Quốc ngày nay tiếp tục nắm chặt đóng đô và bảo vệ khư khư quần đảo này với sự hiện diện của nhiều tàu chiến và một đạo binh hùng hậu và hung bạo. 
Trung Quốc vẫn tiếp tục những công trình xây cất trên quần đảo Hoàng Sa từ ngày đó để củng cố căn cứ và đất mới mà họ chiếm được. Họ cũng đang dùng căn cứ này để tiếp tục tung tàu chiến ra khơi phá phách đâm thủng nhiều thuyền đánh cá Việt Nam. Họ đã càn quét trên biển gây chết chóc cho ngư dân Việt Nam gần đây và sự hiện diện của nhiều tàu chiến Trung Quốc vẫn tiếp tục đe dọa ngày đêm an ninh của những ngư dân Việt Nam đang tìm cách sinh sống trong chính vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Đây là một bất công rất lớn mà ngư dân Việt Nam cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam đang phải hứng chịu. Đây là mối hận mà dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên. Dân tộc Việt Nam trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới sẽ tiếp tục kỷ niệm ngày này và cùng thắp nén nhang cho những chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ bờ cõi. Và bất cứ nhà cầm quyền nào có trách nhiệm, nhất là những nhà cầm quyền do dân bầu ra, đều phải biết bảo vệ quyền lợi đất nước và phải lên tiếng với công pháp quốc tế và công luận thế giới về vụ chiếm đóng Hoàng Sa. Nhà cầm quyền có trách nhiệm phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ với Liên Hiệp Quốc về những vụ áp bức dùng bạo lực của Trung Quốc hiện nay trên biển Đông.
Người Việt nào cũng biết mộng bá quyền của Trung Quốc đã không ngừng ở đây. Hải quân Trung Quốc đã tấn công đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988. Hải quân Trung Quốc đã xả súng lớn bắn từ một chiến hạm một cách vô cùng tàn nhẫn và vô nhân đạo vào những quân nhân và hải quân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Những người lính đơn độc không được trang bị cân xứng và không được lệnh phản pháo. Một cuộc tấn công tàn bạo và hèn hạ. Sáu mươi bốn quân nhân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. 
Ngày nay sự hiện diện của rất nhiều tàu chiến Trung Quốc cũng như những nỗ lực củng cố xây cất và thiết bị những công trình bồi đắp trên các đảo chiếm được trên quần đảo Trường Sa đã được Hoa Kỳ, Úc và một số nước Đông Nam Á nhất là Phi Luật Tân bắt đầu biết rõ và lên án tích cực. Những chuyến bay của Trung Quốc vừa qua đáp cánh xuống phi trường nhân tạo do chính Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Rief) trong quần đảo Trường Sa là một chứng tích lịch sử vạch rõ mưu mô thâm độc của Trung Quốc trong cuộc xâm lăng có hệ thống, có tính toán và có chiến lược lâu dài. Nhà cầm quyền Việt Nam có bổn phận phải đưa những vụ xâm lược này bởi Trung Quốc ra trước công pháp quốc tế. Chúng ta không thể ngồi yên mãi được.
Tự do của người dân trong nước trước hoàn cảnh xâm lược biển đảo Việt Nam bởi Trung Quốc hiện nay đang bị giới hạn và nhiều lúc bị xâm phạm trầm trọng. Người dân lên tiếng về những hành vi của Trung Quốc thì bị nhà nước Việt Nam bắt bớ và cầm tù. Người dân làm lễ truy điệu những chiến sĩ hy sinh trên hai đảo Hoàng Sa và Gạc Ma thì bị công an nhà nước ập đến hành hung và dẹp tắt. 
Ngư dân Việt Nam đang phải chịu đựng những mất mát và cay đắng bất công gây ra bởi quân xâm lăng Trung Quốc. Còn rất nhiều người dân trong nước lên tiếng về việc xâm lăng bởi Trung Quốc trên biển Đông vẫn còn tiếp tục bị sách nhiễu và một số vẫn còn đang bị giam cầm. Nhà cầm quyền thì vẫn im lìm chưa dám đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Thật khó mà có chữ nào hay hơn là hai chữ khốn nạn để diễn tả hoàn cảnh và thân phận của người dân Việt Nam. Trớ trêu thay, cái biểu tượng mà người cha đẻ của Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn luôn ôm ấp và hô hào, ngày nay người dân Việt Nam đang bắt đầu phát nhận ra nó một cách thấm thía và … chua cay, vì không có gì quý hơn độc lập tự do
Yaoundé một chiều mưa
N.D.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.