Đại hội – Những điều trái khoáy
bauxitevnWed 8:55 AM
Nguyễn Đình Cống
Nhân đại hội 12 ĐCSVN tôi muốn bàn đến một số điều trái khoáy thường diễn ra trong các đại hội đảng hoặc các đoàn thể theo thể chế cộng sản.
1- Chủ tịch đoàn
Theo hiểu biết thông thường thì chủ tịch đoàn là để điều khiển các hoạt động của đại hội, như vậy chỉ từ 3 đến 7 người là đủ, cần gì đông? Không biết đại hội của các đảng lớn trên thế giới như Cộng hòa, Dân chủ của Mỹ, Bảo thủ của Anh… chủ tịch đoàn có đông không, chứ như ở VN thì phải đến vài chục người, ngồi kín cả sân khẩu. Điều trái khoáy là rất nhiều trong số họ chẳng làm gì từ đầu cho đến cuối, nếu thay vào đó một cái tượng cũng chẳng sao. Hình như người ta cho rằng ngồi ở chủ tịch đoàn là một vinh dự chứ không phải là một nhiệm vụ. Năm 1974, có lần tôi được dự họp trù bị cho đại hội CNVC ở trường Đại học Xây dựng. Ban tổ chức dự kiến chủ tịch đoàn gồm 9 người, đại diện cho mọi thành phần trong trường, từ Đảng ủy đến chị em cấp dưỡng. Tôi đã vừa thuyết phục vừa đấu tranh để chỉ chọn 3 người, ý kiến đó được chấp nhận, nhưng rồi chỉ áp dụng một lần cho đại hội ấy.
2- Đề cử và rút lui
Ở các nước dân chủ, các ứng viên để bầu vào chức danh nào đó thường do ứng cử, tranh cử, hầu như không thấy đề cử. Tại VN có chuyện đề cử. Điều trái khoáy xảy ra khi người được đề cử xin rút khỏi danh sách. Xin rút là quyền của đại biểu nhưng cho rút hay không lại là quyền của người giới thiệu, của chủ tịch đoàn, của đại hội. Nghe qua thì tưởng như thế là dân chủ tập trung, nhưng nghĩ lại thì thấy nhân quyền bị vi phạm một cách quá đáng. Có lần tôi ngồi chủ tịch đoàn một đại hội chi bộ. Đến mục bầu chi ủy. Không có ai ứng cử. Trong số 6 người được đề cử để bầu 3, có 5 người xin rút và đều được chủ tịch đoàn cho rút trên tinh thần tôn trọng quyền của mỗi người. Sau đó Chủ tịch đoàn đề nghị đại hội thảo luận và thông qua báo cáo lên trên xin giải tán chi bộ, chuyển các đảng viên sang sinh hoạt tại các chi bộ khác vì không thể nào bầu được chi ủy. Đến lúc ấy thì mới có vài người nhận đề cử để bầu.
3- Phiếu không hợp lệ
Khi bầu, ban bầu cử phát phiếu cho đại biểu và công bố cách ghi phiếu. Điều trái khoáy là trong các phiếu được phát ra cho đúng người có quyền bầu, khi thu về có phiếu hợp lệ và bất hợp lệ. Thông thường người ta cho những phiếu sau là bất hợp lệ: a- Phiếu không do ban bầu cử phát ra (phiếu giả); b- Phiếu viết thêm tên người ngoài; c- Phiếu bầu số người nhiều hơn quy định; d- Phiếu trắng. Theo tôi tất cả các phiếu do ban bầu cử phát, người viết phiếu là người có quyền bầu đều hợp lệ, đều phải được kiểm, không có phiếu bất hợp lệ.
Thử hỏi, mục tiêu của bầu cử là gì. Phải chăng là để chọn ra người có số phiếu cao hơn. Thế thì, trừ trường hợp a (đã bị loại từ đầu), các trường hợp còn lại không hề ảnh hưởng đến mục tiêu bầu cử, không ảnh hưởng đến sự chính xác của kết quả. Điều vừa viết chạm vào thói quen của hàng chục triệu người trong thời gian dài, vì thế chắc sẽ có nhiều ý kiến phản đối. Tôi chỉ muốn nêu ra một suy nghĩ để bạn nào có quan tâm thì cùng suy nghĩ và trao đổi, chỉ xin đừng xem mọi thứ do con người đề ra đều là hoàn toàn đúng. Có lập luận cho rằng phải loại bỏ các phiếu b, c, d vì chúng do những đại biểu vô trách nhiệm hoặc cố tình vi phạm quy chế. Tôi nghĩ khác, cho rằng đó là một cách thể hiện ý kiến cá nhân mà không thể phát biểu công khai hoặc một sự do dự trong việc lựa chọn giữa vài người nào đó.
4- Phiếu bầu một người
Phiếu bầu một người cũng là một dạng trái khoáy thường xảy ra ở các chế độ độc tài. Trong trường hợp này phiếu trắng cũng phải xem là hợp lệ và được kiểm. Thế nhưng có vài nơi người ta vẫn cho phiếu trắng là bất hợp lệ, chỉ kiểm những phiếu hợp lệ, việc này đẩy sự độc tài và sự bịp bợm lên đỉnh cao chót vót.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.