Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Vài ý kiến về vụ án “Cô giáo Lê Thị Dung” ở Nghệ An (Phần 2)

 

Vài ý kiến về vụ án “Cô giáo Lê Thị Dung” ở Nghệ An (Phần 2)

Trần Đình Triển

29-5-2023

Tiếp theo Phần 1

Phần 2: Đi tìm nguồn cội cái gọi là vụ án “Cô giáo Lê Thị Dung” 

Cuối tháng 4 vừa qua, tôi có mặt ở Vinh để giải quyết hai vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đều do Thẩm phán Lê Thị Hoài (Chánh tòa hình sự TAND TP Vinh) thụ lý xét xử sơ thẩm:

1- Vụ bị cáo Nguyễn Sinh Lâm (Con trai của tộc trưởng dòng họ Nguyễn Sinh ở Làng Sen – Kim Liên – Nam Đàn). Gia đình có công với nước: Ông bà nội của Nguyễn Sinh Lâm đã nhường nhà cho bà Nguyễn Thị Thanh (Chị ruột của Bác Hồ) ở và hoạt động cách mạng; Nguyễn Sinh Lâm là thương binh 3/4 bị đạn địch bắn vào đầu tại chiến trường Vị Xuyên chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Vậy mà ông Nguyễn Trọng Tiến (Cán bộ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An) cùng vợ vay (không xác định lãi suất) và tiền hợp tác đầu tư nhận của Nguyễn Sinh Lâm trên 1 tỷ đồng. Vợ chồng Nguyễn Trọng Tiến chây ì, tìm mọi cách trốn tránh trả nợ. Tổng [số] tiền đã trả mới bằng khoảng 1/4 số tiền vợ chồng Tiến nhận của anh Lâm. Nguyễn Trọng Tiến làm đơn và được chuyển về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Vinh, tố cáo Nguyễn Sinh Lâm cho vay lãi nặng. Cơ quan điều tra ra lệnh khám xét và bắt giữ khẩn cấp đối với Nguyễn Sinh Lâm.

Vụ án có căn cứ oan sai, có dấu hiệu Nguyễn Trọng Tiến thông qua Cở quan CSĐT Công an TP Vinh để xóa nợ và đưa chủ nợ vào tù tội. Phiên tòa chưa diễn ra, nhưng đã có bản án đánh máy sẵn, xử phạt Nguyễn Sinh Lâm 18 tháng tù giam. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Sinh Lâm tố cáo: Để được thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, thì vợ phải đi đặt xe ô tô vay 230 triệu đồng để lo lót mới được tại ngoại. Lời tố cáo này tại Toà, tôi đã đề nghị Hội đồng xét xử chuyển hồ sơ đến Cục điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để làm rõ, cùng với những chứng cứ vi phạm nghiêm trọng về tố tụng có trong hồ sơ vụ án. Nhưng thật khó hiểu, bị Hội đồng xét xử làm ngơ.

2- Vụ Nguyễn Thái Học bị truy tố về 2 tội “Tàng trữ vũ khí…” và cho vay lãi nặng… Vụ này, tôi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Dương Thị Thuỷ (Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan); vụ án này cũng do TP Lê Thị Hoài thụ lý xét xử sơ thẩm. Đọc hồ sơ vụ án, sao mà bị cáo Nguyễn Thái Học được ân ái đến thế; thậm chí Thẩm phán Lê Thị Hoài còn làm công văn đến 2 đơn vị xác minh Nguyễn Thái Học có công chuộc tội, tố giác tội phạm và cứu người bị đuối nước (?) để có tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Tôi đã cung cấp cho Hội đồng xét xử phúc thẩm băng ghi âm lời Nguyễn Thái học nói: “Để được tha khi tạm giam và nhẹ tội, đã chạy mất hơn 1 tỷ đồng…”. Tôi cũng đã đề nghị Hội đồng xét xử chuyển hồ sơ cho Cục điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để xác minh làm rõ. Nhưng từ lúc hủy án, trả hồ sơ điều tra lại, truy tố và đã xét xử sơ thẩm, những nội dung trên đều đang bị che lấp trong bóng tối.

***

Tôi đang bận giải quyết hai vụ án nói trên và đang nghiên cứu một vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng đã được TAND TP Vinh xét xử sơ thẩm, nhập hai hợp đồng tín dụng khác nhau, thế chấp khác nhau vào một vụ án để xét xử, bất chấp quy định về tố tụng;… thì một luật sư (đồng nghiệp) gọi điện cho tôi hỏi: “Anh có biết vụ án mà Toà án huyện Hưng Nguyên xử một cô giáo phạm tội mà Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa ra oai đuổi 2 luật sư bào chữa cho cô giáo ra khỏi phiên tòa không?”. Từ nội dung này, tôi chú ý và có quan tâm đến vụ án của cô giáo Lê Thị Dung.

Tôi đã đọc bản án sơ thẩm (dài dằng dặc 31 trang), tôi khẳng định đây là một vụ án oan sai, áp dụng pháp luật không đúng, kết luận giám định tài chính sai, bất chấp thời hiệu lưu trữ chứng từ, thời hiệu thanh kiểm tra tài chính và xử phạt hành chính về thu chi ngân sách, kế toán thống kê; hiểu sai cơ bản về đơn vị quản lý nghiệp vụ với đơn vị quản lý phê duyệt, kiểm tra về tài chính.

Tôi đặt câu hỏi: Tại sao một người phụ nữ có nhiều thành tích, nhân thân tốt, nếu có phạm tội thì phạm tội lần đầu, nơi ở rõ ràng,… mà bị bắt tạm giam từ lúc khởi tố cho đến nay? Không được tại ngoại vì không chạy tiền như hai trường hợp nêu trên, hay vì một âm mưu ra oai trả thù cho hả dạ?

Tôi cũng nghi ngờ có điều gì bất ổn phía sau cái gọi là vụ án này với mục đích trả thù người liêm chính. Bằng thủ đoạn “quét nhà ra rác”, “góp gió thành bão”;… để nhấn chìm con đường sự nghiệp của cô giáo Lê Thị Dung.

Sự phán đoán của tôi là chính xác, nếu như nội dung đơn của ông Phạm Ngọc Thạch gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, kêu oan cho vợ là Lê Thị Dung với nội dung chính xác (xin đọc đơn kèm theo dưới đây).

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.