Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Khi “giáo dục gần gũi với cuộc sống”

 

Khi “giáo dục gần gũi với cuộc sống”

Thái Hạo

1-6-2023

Đêm qua tôi đăng bài nêu câu hỏi về thực hư đề thi Toán của thành phố Vinh quảng cáo cho một hãng taxi, điều đáng kinh ngạc là có nhiều phụ huynh và giáo viên ở Vinh được các bạn Facebook tag vào để xác nhận, nhưng tất cả đều im lặng không phản hồi, dù đó chỉ là một thông tin hoàn toàn công khai và không hề bị cấm đoán. Như thế để thấy sự khiếp nhược và nỗi sợ hãi đến mụ mị đang bủa vây cả những người làm giáo dục lẫn phụ huynh và học sinh ghê gớm đến mức nào.

Nhưng dù thảm hại, điều này cũng xin tạm gác sang một bên và sẽ bàn sau. Đáng chú ý là dưới bài đăng của tôi có nhiều ý kiến biện minh rằng, toán học cũng cần gần gũi với thực tế cuộc sống, nên việc đưa những thông tin như thế vào đề là bình thường. Một lần nữa tôi ngạc nhiên về cái gọi là “giáo dục gần gũi với cuộc sống” trong quan niệm của nhiều người bây giờ.

Gần gũi không phải là đưa thông tin về một hãng taxi vào đề bài với dung lượng hơn 50% mà không hề liên quan gì đến bài toán vốn cũng rặt những tính toán như xưa nay trong giáo dục Việt Nam. Vậy thế nào là “gần gũi”? Theo thầy giáo Bá Phong, ở Mỹ và Singapore các bài Toán và cách dạy và học Toán đi theo quy trình 4 bước:

Bước 1: Quan sát các tình huống thực tế và phát hiện ra vấn đề cần giải quyết;

Bước 2: Tìm kiếm 1 mô hình Toán học thể hiện được bản chất của vấn đề thực tế đó;

Bước 3: Giải quyết mô hình Toán học trên và tìm ra đáp án;

Bước 4: Áp dụng kết quả có được vào tình huống thực tế để giải quyết vấn đề.

Ở Việt Nam thì “Bịa đặt ra bài toán và yêu cầu học sinh giải bài toán đó cho ra kết quả. Chấm hết”.

Học sinh ở Mỹ không cần phải nhớ các công thức rắc rối như lượng giác, tích phân…, khi làm bài các bạn ấy sẽ được cô giáo ghi công thức lên bảng cho hoặc phát “phao”, việc giải toán sẽ chỉ chủ yếu là ứng dụng. Chính vì thế, chương trình Toán học rất nhẹ nhàng, “dễ như ăn kẹo”.

Trên báo nhà nước, có bài viết khẳng định rằng, đa số học sinh cấp 2 của Việt Nam sẽ dễ dàng đạt điểm 10 môn toán lớp 10 của Mỹ. Trong khi đó, toán học ở Việt Nam là nỗi ám ảnh của hầu hết người học, gây ra nỗi kinh hoàng bởi nó có cách làm như đang đào tạo các nhà nghiên cứu cao cấp vậy!

Cái quan niệm “gần gũi với cuộc sống” rất kỳ dị này không chỉ ở môn Toán. Còn nhớ, cũng vì những suy nghĩ như thế mà người ta đang biến môn Văn thành môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân hay một thứ xã luận nào đó mà quên mất mục tiêu quan trọng nhất của nó là dạy tiếng nói dân tộc. Thành ra, học sinh sẽ viết như những con vẹt học thuộc đạo lý bằng mớ ngôn từ ngô nghê, lộn xộn – một thứ “tiếng Việt bồi”.

Đẩy đến cao trào của cái gọi là “gần gũi với cuộc sống”, mới đây, cử tri TPHCM đã kiến nghị Bộ GD&ĐT, Hội đồng GS Nhà nước khi xét duyệt công nhận giảng viên đại học (ĐH) đạt tiêu chuẩn GS, PGS “phải có công trình ứng dụng thực tế: Không thể mãi tiến sĩ lý thuyết”. Kiến nghị này được báo chí hồ hởi đăng lại như thể một lối thoát cho nền khoa học – công nghệ Việt Nam! Điều đáng nói hơn là, đây không phải chỉ là suy nghĩ của một vài “cử tri” mà là của rất đông “nhân dân”, nếu ta có quan sát những phát ngôn hàng ngày trên mạng xã hội.

Khoa học có khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Cái gọi là “lý thuyết” kia chính là nền tảng tối quan trọng cho mọi thứ, không một quốc gia nào muốn phát triển bền vững mà có thể bỏ qua mảng lý thuyết này.

Các nước Âu Mỹ bỏ ra 6.2 tỉ USD để chế tạo và vận hành cỗ máy gia tốc hạt lớn Large Hadron Collider mà hầu hết dân ta chả biết để làm gì, và cũng chẳng thấy ứng dụng thực tế nào ngoài việc trước mắt để thỏa mãn cái nhu cầu muốn biết xem vật chất được cấu tạo từ cái gì và như thế nào. Dự án này được cung cấp kinh phí và chế tạo với sự tham gia cộng tác của trên 8000 nhà vật lý của 15 quốc gia cũng như hàng trăm trường đại học và phòng thí nghiệm. Có rất nhiều thứ “trời ơi” như thế ở các nền khoa học lớn. Thử hỏi GS Ngô Bảo Châu xem cái công trình được giải của ông đã ứng dụng vào việc gì!

Vấn đề của Việt nam không phải là quá nhiều công trình lý thuyết, mà là giả lý thuyết, giả khoa học; là những thứ xào xáo, copy & paste không mang đến những khám phá trí thức nào mà chỉ tốn giấy và mất tiền xây kho. Và cũng vì thế mà không ứng dụng được gì vào cho thực tiễn cả.

Thầy tôi có lần nói, các xã hội Âu Mỹ sở dĩ phát triển là bởi vì có một bọn được rảnh rỗi ngồi mơ mộng, làm những việc “vô ích”. Người ta sẵn sàng chi tiền cho những người này để họ mơ mộng! Đó là các nhà khoa học, các nghệ sĩ và kẻ sáng tạo nói chung.

Bây giờ, ngay cả đến các ĐBQH cũng coi thường lý thuyết và mang đầu óc thực dụng kiểu nông dân như thế và được báo chí nhà nước tung hứng thì phải nói là thảm hại. Mời đọc giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn xem Trung Quốc đang đầu tư cho cái khoa học cơ bản “vô bổ” như thế nào để hiểu vì sao mà họ phát triển.

Dẹp loạn những thứ giả khoa học, dẹp loạn nạn đạo văn trong nghiên cứu, đó mới là việc phải làm chứ không phải đi tấn công vào các nhà khoa học “không có ứng dụng thực tế”. Thử coi cái Thuyết tương đối của Einstein đã ứng dụng vào việc gì?! Nhưng trước mắt nó thỏa mãn “trí tò mò” của con người; và từ khoa học cơ bản (lý thuyết) đến một ứng dụng trong thực tế phải trải qua rất nhiều bước trung gian và có thể chỉ nhìn thấy sau hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.

Trở lại với cái được gọi là “gần gũi với cuộc sống”. Trong khi các nước đang đầu tư vào các nhà khoa học một cách “không tiếc tiền” cho những thứ “vô bổ” thì ở phần còn lại, họ chú trong vào việc học những thứ ứng dụng. Ví dụ như học sinh không cần nhớ công thức toán học, mà chỉ cần biết cách tư duy, công thức sẽ được “cung cấp miễn phí”. Không ai đi đánh đố mấy cái đó cả. Như khi có người “kiểm tra” trí nhớ của Einstein về vận tốc âm thanh, ông thản nhiên nói, “cái đó có trong sách mà”!

Chúng ta thì ngược lại, một đằng vừa muốn biến tất cả các học sinh thành nhà Toán học, nhà Vật lý học, nhà Hóa học, nhà phê bình văn học; mặt khác lại chỉ muốn các nhà khoa học trở thành những thợ cơ khí chuyên hành nghề độ chế (trong khi không lo dẹp loạn những thứ “tiến sĩ cầu lông” được nhân bản khắp nơi trong hệ thống đào tạo).

Oái oăm thay cho cái gọi là “gần gũi với cuộc sống” khi mà đến việc xác nhận rằng đề thi môn Toán kia có phải của Vinh không hay chỉ là đồ giả, ấy thế mà từ giáo viên, phụ huynh đến học sinh, hầu như không ai dám mở miệng nói một tiếng, có hoặc không. Thật, không gì hùng hồn và chua chát hơn sản phẩm của giáo dục “gần gũi với cuộc sống” bằng ví dụ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.