Thủ tướng nên đi thăm chi nhánh Tòa Trọng tài Thường trực ở Hà Nội thay vì Nghĩa trang Vị Xuyên
1-6-2023
Trên BBC sáng nay có bài nói về chuyện thủ tướng Phạm Minh Chính đi “thắp nhang” các liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị xuyên. Theo suy diễn của BBC, qua cách giựt tít: “Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông và động thái của Thủ tướng Chính” thì người ta có thể hiểu rằng, chuyện thắp nhang cho các liệt sĩ của thủ tướng và chuyện Trung Quốc gây hấn ở Biển đông có liên quan với nhau.
Nghĩa trang Vị Xuyên được xây dựng sau chiến tranh biên giới kết thúc, năm 1990. Có thể nói đây là một nghĩa trang tập thể của 1870 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến nối dài chống Trung Quốc, từ năm 1980 đến 1989, trong khu vực biên giới giới hạn bởi con suối Thanh Thủy, tỉnh Hà giang. Nghĩa trang hoàn tất năm 1991. Sau nhiều lần trùng tu, nghĩa trang nay trở thành “Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia” năm 2016.
Từ khi nghĩa trang được nâng thành Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia thì hàng năm các cấp lãnh đạo CSVN tổ chức các cuộc lễ lộc, dâng hương hay thắp nhang. Các đời chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, các thủ tưởng, bộ trưởng… hầu như mỗi năm đều có mặt tham gia các lễ lộc này.
Suy diễn theo cách của BBC, chuyến đi của thủ tướng Phạm Minh Chính là một động thái biểu lộ lập trường “không vừa lòng” của Việt Nam đối với các hành vi gây hấn của TQ tại Biển Đông trong những ngày vừa qua. Việt Nam sẵn sàng đối phó với sự gây hấn của TQ bằng biện pháp tự vệ vũ trang. Theo tôi, nếu đúng vậy, Việt Nam lựa chọn phương pháp “tiếng bom thay tiếng búa pháp đình” để giải quyết tranh chấp với TQ.
Theo tôi, hướng đi đúng của lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trong lúc này phải là chuyến đi thăm chi nhánh Tòa Trọng tài thường trực ở Hà nội. Chi nhánh của Tòa đã được mở ở Việt Nam tháng 11 năm ngoái.
Hành vi tàu bè của TQ qua lại nhiều lần, trong nhiều ngày trên vùng hải phận Kinh tế độc quyền của Việt Nam, được Bộ Ngoại giao TQ giải thích là TQ thực thi quyền tài phán của họ.
Nhắc lại tranh chấp khu vực này tính đến nay đã đúng 30 năm.
Theo tôi nhà nước CSVN có trách nhiệm phải làm rõ yêu sách về quyền của TQ tại vùng biển của Việt Nam. Tiên lễ hậu binh. Việt Nam có thể yêu cầu TQ giải thích quyền này phát xuất từ căn cứ nào? Nếu TQ từ chối không giải thích, Việt Nam có thể đưa vấn đề tranh chấp ra một trọng tài quốc tế.
Theo tôi, cách suy diễn của BBC là “nguy hiểm”. Xung đột nếu xảy ra thì chiến trường là biển cả. Đây là sở đoản của Việt Nam.
Lực lượng hải quân của TQ hiện nay đứng thứ hai thế giới. Lực lượng này được phân chia thành 3 quân khu: Bắc dương, đông dương và nam dương. Ngay cả khi lực lượng hải quân TQ chia làm ba, lực lượng hải quân Nam dương cũng mạnh hơn Việt Nam 10 lần.
Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng vũ lực, hiển nhiên chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam phá sản. Không giải quyết được một tranh chấp đã lưu cữu từ 30 năm nay bằng phương pháp hòa bình, như chính trị, ngoại giao hay pháp lý. Rõ ràng là một thất bại toàn diện của ngành ngoại giao Việt Nam. Nếu chiến tranh xảy ra, Việt Nam sẽ đứng một mình. Mặc dầu Việt Nam có người ví von “là Ukraine khu vực Ấn Độ – Thái Bình dương”, nhưng Ukraine được Mỹ và NATO yễm trợ và có châu Âu chống lưng. Việt Nam không có gì cả. Hiển nhiên đây là sự phá sản toàn diện của chính sách “quốc phòng 4 không”.
Tranh chấp bãi Tư Chính – Vũng Mây, tức bãi Vạn An Bắc theo cách đặt tên của TQ, xảy ra năm 1992. TQ cho đấu thầu khai thác vùng thềm lục địa này và một công ty Mỹ trúng thầu khai thác. Chỉ đến năm 1995, Việt Nam thiết lập bang giao với Mỹ thì áp lực của TQ tại khu vực này mới được giải tỏa. Từ 1995 đến nay, tức là từ khi Việt Nam bang giao với Mỹ, TQ không còn những hành vi gây hấn thái quá đối với Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.