Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Giáo sư luật kém cỏi về chuyên môn sao vẫn được tin dùng?

 

Giáo sư luật kém cỏi về chuyên môn sao vẫn được tin dùng?

Ngô Huy Cương

28-5-2023

Những Bộ luật Dân sự theo truyền thống thường nhắc tới một giả định ngay từ những điều đầu tiên rằng “không ai được xem là không biết luật”.

Có thể suy từ đó ra: pháp luật là thứ dễ tiếp cận, do vậy cũng dễ nói phét về nó? Một bà bán nước ở vỉa hè gần tòa án cũng bàn về luận tội chẳng kém gì ai.

Vậy luật gia khác với người thường không học luật ở chỗ nào?

Sự hiểu biết về kỹ thuật pháp lý là cơ sở chủ yếu và quan trọng nhất cho sự phân biệt.

Việc thuộc dăm ba cái điều luật hay quy định của văn bản này, văn bản khác chỉ thể hiện người thuộc đó biết đọc và đã đọc điều luật hay quy định đó.

Một cô kế toán trưởng thuộc các quy định pháp luật về tài chính, kế toán hơn bất kỳ vị giáo sư luật học nào?

Một tay chạy xe ôm rắp tâm bỏ vợ có thể thuộc các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hơn một tay thạc sỹ chuyên ngành luật dân sự?

Tán về ý nghĩa, vai trò của một vấn đề pháp lý nào đó, thì một tay giáo sư luật cũng chẳng hơn gì một anh phóng viên cần mẫn?

Vì vậy:

– Thứ nhất, những tay học luật láu cá, cơ hội luồn lọt kiếm được tý chức, rồi kiếm được tý học hàm lợi dụng cấp lãnh đạo tào phào để ve vãn bằng sự phét lác về những thứ lớn lao mà lãnh đạo cũng chẳng có trình độ để nhận thấy sự phét lác đó.

Tất nhiên có thể có lãnh đạo nào đó sử dụng mấy tay phét lác này để lòe cấp cao hơn hoặc lòe dân chúng làm theo ý riêng của mình. Tuy nhiên phải nói rõ rằng dân chúng bây giờ không còn khờ dại nữa đâu.

Đây là một trong những lý giải cho câu hỏi tại sao giáo sư luật học kém cỏi về chuyên môn vẫn được tin dùng.

– Lý do thứ hai, nghe nói mấy tay giáo sư nào đấy lựa chọn một vài học trò cơ hội, thích thăng tiến chức quyền, có điều kiện kinh tế hay biết sử dụng “bề hê” trong khi trình độ thì điếc để hướng dẫn làm luận văn, luận án?

Sau khi đội học trò này có được tý học vị, họ được thăng tiến trong cơ quan, tổ chức mà họ luồn lọt vào. Thế là họ lại rỉ tai cấp lãnh đạo tào phào tạo cơ hội hay điều kiện cho thầy của họ (những giáo sư luật học kém cỏi) phét lác tại những diễn đàn khủng tầm cỡ quốc gia để lấy cái oai nhằm mục đích cá nhân.

Như vậy là thầy trò họ cùng hỗ trợ nhau lừa bịp. Và hệ quả tất yếu là những người hiểu biết thật sự, có tâm thật sự không có cơ hội để đóng góp vì bị nói xấu; lãnh đạo thì bị bưng bít.

Có thể tìm thấy những tay học trò đó ở các cơ quan trung ương, không loại trừ có thể ở cả Quốc hội, Chính phủ, thậm chí ở Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao hay các ban của Đảng…

Vậy là khi đã quen biết lãnh đạo hay khi có oai vì được tiếp cận với lãnh đạo làm những việc kinh dị (xin lỗi “kinh bang tế thế”), thì họ có thể lại lấy đó làm sức ép với lãnh đạo cấp thấp hơn để trau truốt cho bộ lông của mình, chẳng hạn như nhảy vào hội đồng GS ngành, hay kiếm đề tài nghiên cứu khoa học, nhận những học trò “khủng” hơn trước… Cứ trưng tất cả các kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học pháp lý lên mạng xã hội để dân chúng xem là biết ngay, kể cả những nơi tưởng oách như Nafosted?

Qua đây ta có thể lý giải thêm cho câu hỏi: Tại sao các viện hay trung tâm nghiên cứu chuyên môn pháp lý thích nghiên cứu luật hiến pháp, và những GS, dù ở chuyên môn khác, nhưng thích chuyển sang chuyên môn hiến pháp?

Trả lời: Dễ tán phét và không kiểm tra được hệ quả, đồng thời nghe có vẻ to tát gây sự chú ý của lãnh đạo tào phào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.