Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Trở lại Hải Sâm Uy sau 163 năm: Vladivostok thành cảng trung chuyển của Trung Quốc

 

Trở lại Hải Sâm Uy sau 163 năm: Vladivostok thành cảng trung chuyển của Trung Quốc

BBC Tiếng Việt

Trong động thái bị nhiều bình luận cho là "phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc", Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký văn bản cho Bắc Kinh dùng cảng Vladivostok như một đầu mối ra biển của của tuyến vận tải nội địa TQ ở các tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm.

Từ ngày 1/06, cảng Vladivostok, thuộc vùng đất bị Nga bắt nhà Thanh nhượng lại năm 1860, sẽ chính thức trở thành một cảng trung chuyển của Trung Quốc (Chinese Transit Port), Phủ thủ tướng Nga thông báo trong một tin không phổ biến rộng rãi.

Nga đồng ý để Trung Quốc dùng cảng Vladivostok như một phần của tuyến vận tải nội địa Đông Bắc trong thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 6/2023, tin từ Nga cho hay.

Vladivostok and passengers who came off ferry, 18 May 17

Người TQ và Nga đi phà tại Vladivostok - hình từ năm 2017. NGUỒN HÌNH ẢNH: REUTERS

Trong động thái bị nhiều bình luận cho là "phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc", Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký văn bản cho Bắc Kinh dùng cảng Vladivostok như một đầu mối ra biển của của tuyến vận tải nội địa TQ ở các tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm.

Từ ngày 1/06, cảng Vladivostok, thuộc vùng đất bị Nga bắt nhà Thanh nhượng lại năm 1860, sẽ chính thức trở thành một cảng trung chuyển của Trung Quốc (Chinese Transit Port), Phủ thủ tướng Nga thông báo trong một tin không phổ biến rộng rãi.

Hiện nay cảng Vladivostok đã nhận gần 1 triệu container hàng hóa một năm, nhưng việc gắn nó với các tuyến vận tải trên bộ của Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy lưu lượng xuất nhập khẩu tăng lên nhiều nữa.

Phía Nga cũng đồng ý đưa dầu khí sang châu Á qua cảng này.

Hải cảng chiến lược

Đây là sự việc "chưa từng có", giúp Trung Quốc rút ngắn gần 1000 km khoảng cách vận chuyển hàng hóa trên bộ từ tỉnh Cát Lâm ra biển Thái Bình Dương, các bình luận quốc tế nói.

Theo trang EuAsian Times hôm 21/05/2023, ngoài ý nghĩa kinh tế, Trung Quốc nay "tiếp cận các vị trí địa lý quan trọng".

Trong hơn 160 năm qua, Vladivostok là cảng nhà của Hạm đội Thái Bình Dương, Liên bang Nga nhưng Trung Quốc vẫn luôn gọi đó là Hải Sâm Uy.

Nhưng với vị thế của Bắc Kinh lên cao trong khi Nga ngày càng khó khăn về kinh tế và bị cô lập, trừng phạt bởi Phương Tây vì cuộc xâm lăng Ukraine, Trung Quốc có vẻ đang giành lại trên thực tế quyền lợi ở vùng biên giới bốn nước: Nga-Trung và hai nước Triều Tiên.

Năm 2017, Bắc Triều Tiên khai trương đường thủy sang đất liền Nga bằng con phà tới Vladivostok.

Theo một báo Singapore, từ các đô thị như Tuy Phân Hà (Suifenhe- thuộc Hắc Long Giang), và Hồn Xuân (Hunchun- tỉnh Cát Lâm) hàng hóa Trung Quốc cho tới nay phải chở bằng đường bộ ra cảng Đại Liên, cách xa 1000 km.

Sino-Russian map

Các vấn đề lịch sử Nga-Trung như hiệp ước bất bình đẳng thời Thanh vẫn được các blogger TQ nêu lại. Các vùng màu đỏ là đất Thanh triều nhượng lại cho Nga, theo cách nhìn của một số người TQ. NGUỒN HÌNH ẢNH: ZHOU LIBO TRÊN MẠNG XÃ HỘI TQ

Việc tiếp cận cảng Hải Sâm Uy chỉ cách 200 km sẽ cắt giảm chi phí rất nhiều.

Chưa kể từ cảng của Nga, hàng Trung Quốc có thể đi thẳng sang các châu lục khác, thay vì dùng tuyến Đại Liên-Quảng Châu rồi mới ra thế giới.

Wong Siew Fong viết trên trang ThinkChina.Sg ở Singapore rằng dư luận Trung Quốc một thời gian qua đã đòi "quyền dùng Hải Sâm Uy" như "món quà" Nga phải trao cho Trung Quốc để nhận sự hỗ trợ trong cuộc chiến Ukraine.

Nhiều báo vùng Âu-Á gọi đây là dấu hiệu Nga trở thành "chư hầu" của Trung Quốc.

Các vấn đề lịch sử

Quan hệ Nga-Trung từ các triều đại phong kiến phức tạp hơn quan hệ Anh-Trung, vì vùng Đông Bắc và Mãn Châu từng là quê hương của các vua nhà Thanh và có nhiều sắc tộc: Mãn, Triều, Mông Cổ sinh sống cùng người Hán.

Diện tích lãnh thổ Thanh triều phải nhượng cho Nga tính ra tới cả triệu km vuông, lớn hơn hàng nghìn lần so với Hong Kong-thuộc địa Anh mà Trung Hoa bị ép phải bán cho London.

Năm 1689, sau nhiều trận giao tranh, nhà Thanh thời Khang Hy ký Hiệp ước Nerchinsk với Nga, phân định vùng gần Hồ Baikal và sông Ái Hồn. Hiệp ước này tạm được cho là "bình đẳng" tuy Nga có phàn nàn là bị thiệt. Nhà Thanh phải mở cửa vùng Đông Bắc cho hàng hóa Nga.

Nhưng khi TQ yếu đi vì khởi nghĩa nông dân, Nga tấn công, buộc triều đình Thanh ký hiệp ước Ái Hồn (Treaty of Aigun-1858), nộp cho Nga 600 nghìn km2 vùng Ngoại Mãn Châu, quê các vua Thanh.

Trên danh nghĩa đây là hiệp ước phân định chủ quyền dọc sông Amur và Ussuri, nhưng Nga đã giành được cả bán đảo Kamchatka, thỏa mãn tham vọng xây hạm đội ở Thái Bình Dương.

Văn bản Hiệp ước Ái Hồn có bản tiếng Mãn và tiếng Mông Cổ vì đề cập tới vùng có các dân tộc khác người Hán sinh sống.

Hai năm sau, Hiệp ước Bắc Kinh (1860) còn gây thiệt hại hơn cho Trung Hoa.

Ký với Nga, Anh và Pháp, Thanh triều chấp nhận mất hết lối ra biển Nhật Bản ở vùng Đông Bắc.

Nga giành trọn tỉnh Đông Tartary (Mãn Châu), các vùng nay thuộc Primorye gồm cảng Hải Sâm Uy. Bán đảo Triều Tiên thôi không còn thần phục nhà Thanh.

Dù vậy, thần dân nhà Thanh vẫn bị quân Nga áp bức ở các vùng nhượng địa.

Trong cuộc thảm sát năm 1900 (Blagoveshchensk Massacre), chính quyền Nga đã giết 5 nghìn người dân Trung Hoa, với con số không nhỏ khác bị chết đuối khi vượt sông băng chạy về TQ.

Thời cộng sản, thân phận người dân tộc Mãn, Hán ở Liên Xô không khá hơn bao nhiêu và hàng nghìn người bị công an Liên Xô bắt đi đày ở các trại lao cải vùng Bắc Cực.

Tuy theo chủ nghĩa cộng sản và từng cần viện trợ của Liên Xô, chính quyền Mao năm 1969 đã phát động chiến tranh biên giới Trung-Xô.

Lý do trực tiếp là cuộc tranh giành doi đất chưa đến 1 km2 trên sông Ussuri, tức đảo Trân Bảo mà Nga gọi là Damansky.

Nguyên do sâu xa là Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận các hiệp ước bất bình đẳng về vùng dọc các con sông Amur và Ussuri, bị Nga cưỡng chiếm trong quá khứ. Chừng 800 nghìn quân TQ đối mặt với trên 680 nghìn Hồng quân Liên Xô dọc đường biên giới 4.300 km.

Căng thẳng chỉ tạm ngưng nhờ chặng dừng chân của Thủ tướng Aleksey Kosygin ở Bắc Kinh và cuộc trao đổi với Tổng lý Chu Ân Lai (11/09/1969) trên đường vị khách Liên Xô từ Hà Nội dự đám tang Chủ tịch Hồ Chí Minh của VNDCCH trở về nước.

Nhưng phải đến năm 2004-05, nước Nga hậu Xô-Viết và chính quyền TQ mới ký kết xong các thỏa thuận hoạch định biên giới và trao đổi mấy hòn đảo trên các con sông lịch sử nói trên.

Sự kiện nhà Thanh phải nhượng đất và vùng bờ biển cho Nga hồi thế kỷ 19 là một phần trong chuỗi sự kiện Bách niên Quốc sỉ mà người TQ phải học trong sách giáo khoa.

Đúng 163 năm sau, việc tiếp cận Hải Sâm Uy không chỉ giúp Trung Quốc giành lại lối ra biển quan trọng về thương mại, mà còn đánh dấu sự hoán đổi vị thế Trung-Nga.

Xi Jinping and Vladimir Putin

Tập Cận Bình và Vladimir Putin. NGUỒN HÌNH ẢNH: AFP

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.