Vài ý về pháp lý việc ca sĩ Khánh Ly hát ‘Gia Tài Của Mẹ’ ở Đà Lạt
30-6-2022
1. Từ năm 2020, Việt Nam đã bỏ quy định rằng các ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam thì cần phải được xin cấp phép lưu hành, phổ biến. Quy định này xuất hiện sau nhiều phản đối từ xã hội liên quan đến việc cơ quan nhà nước khá lúng túng và tuỳ tiện khi cấp phép lưu hành bài hát, chẳng hạn như vụ cấm lưu hành bài “Con Đường Xưa Em Đi”.
2. Điều đó có nghĩa là bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn không phải là bài hát bị “cấm lưu hành” vì không còn có khái niệm đó nữa. Tuy nhiên, nếu ca sĩ hát bài hát có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, ví dụ như kích động bạo lực, xuyên tạc lịch sử v.v… thì cơ quan Nhà nước có thể phạt hành chính. Tức là cơ quan Nhà nước không cấm bài hát, nhưng ai hát thì sẽ bị phạt.
3. Ở một mặt khác, bài hát cho dù có bị “dư luận” (hay ai đó nhân danh dư luận) phản đối thì việc ai đó hát bài hát này cũng không bị xem là vi phạm pháp luật cho đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định là bài hát có nội dung vi phạm và ra quyết định xử phạt. Nếu theo mô hình cũ, Nhà nước lên một danh sách bài hát trước 1975 ở miền Nam được lưu hành (tức là không có vấn đề), ai hát ngoài danh sách này là sai, khỏi bàn cãi. Nay mô hình mới là không bài hát nào trước 1975 bị xem là vi phạm pháp luật cho đến khi Nhà nước tuyên bố, chứng minh là nó vi phạm pháp luật. Thuật ngữ chuyên môn cho mô hình cũ là tiền kiểm, hay kiểm duyệt trước. Thuật ngữ chuyên môn cho mô hình mới là hậu kiểm.
4. Về độ cởi mở thì hậu kiểm thường tốt hơn tiền kiểm. Hậu kiểm buộc những ai phản đối bài hát phải đi chứng minh là bài hát vi phạm pháp luật, thay vì đơn giản theo mô hình cũ là “tao thích thì tao cho hát, không thì thôi”.
5. Lỗi của chương trình của Khánh Ly lại là việc Khánh Ly hát Gia Tài Của Mẹ dù không có đăng ký trong chương trình gửi Sở, chứ không phải là “hát ca khúc bị cấm”. Đây là lỗi không nặng, bị phạt mỗi tối đa 20 triệu đồng, mà cũng chẳng phải Khánh Ly bị phạt mà là đơn vị tổ chức. Ai muốn phạt Khánh Ly vì hát ca khúc “bị cấm” thì chịu khó quay ngược thời gian vậy, hoặc ráng vận động cơ quan Nhà nước tuyên bố bài này xuyên tạc lịch sử.
Ngoài ra, nói một chút về các vấn đề phi pháp lý và gửi lời đến nhiều người: Mình thấy nhiều người lồng lộn lên đòi cấm đòi phạt đòi bắt người hát lẫn người cho hát bài này vì một câu trong đó không đúng cái họ nghĩ là lịch sử thì cũng mắc cười. Thôi thì gửi lời với những ai đang gân cổ lên bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống dân tộc… bằng việc chửi một bài hát, hay lăng mạ người khác mình là chúc bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa, tuổi trẻ đang được cống hiến để bảo vệ non sông gấm vóc. Nhiều khi đó là ý nghĩa cuộc sống của bạn, không nên đánh thức bạn làm gì.
Còn thật ra mình cũng không hiểu lắm mục tiêu thực dụng của việc cấm hay tẩy chay mấy ca khúc như Gia Tài Của Mẹ đâu. Vì bản thân nó đã quá nổi tiếng rồi, thậm chí còn lớn tuổi hơn bạn, thậm chí là trước cả thời bố mẹ bạn, không thể xoá sổ được. Nếu cấm mà xoá sổ được thì nó đã không âm thầm sống, được đón nhận, len lỏi, thậm chí đi sâu vào tâm trí, chạm đến tâm can nhiều thế hệ người Việt Nam, bất chấp việc từng bị không cho phép lưu hành trước năm 2020, đến mức nghe một cái là người ta nhận ra, hát theo được ngay vậy đâu. Cho nên chuyện bạn có thấy nó phản quốc, nó sai trái, nó lật sử hay gì gì đi nữa thì… kệ bạn thôi, chả liên quan gì đến người khác. Và bạn cũng chả làm gì được người khác. Khả năng cao là nếu lỡ đọc thấy những lời bạn chửi bới, hô khẩu hiệu, lên đồng… thì người ta cũng biết vậy, tắt màn hình, rồi mở Gia Tài Của Mẹ nghe tiếp thôi. Làm gì được nhau lêu lêu.
Nói chung làm Hồng Vệ Binh ở thời đại không phải Cách mạng Văn hoá cũng có sự bức bối. Mình thông cảm, chí làm trai muốn phá bỏ tất cả nhưng sinh ra nhầm thời đại, các bạn ráng động viên nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.