Chính quyền Việt Nam lo sợ hoạt động môi trường đi quá xa? Xã hội dân sự
VOA Tiếng Việt
22/07/2022
Việc chính quyền Việt Nam tăng cường trấn áp các nhà hoạt động môi trường mặc dù luôn cam kết các mục tiêu môi trường tham vọng khiến các nhà quan sát đặt dấu hỏi về động cơ đằng sau: lo ngại về phong trào dân sự quá lớn mạnh hay tác động từ các nhóm lợi ích?
Bà Ngụy Thị Khanh đã vận động cho năng lượng bền vững và giảm phát thải carbon ở Việt Nam
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (tức GreenID) hôm 17/6 đã bị một tòa án ở Hà Nội tuyên án 24 tháng tù về tội ‘Trốn thuế’ theo Điều 200 Bộ luật Hình sự. Trước khi bị bắt, bà Khanh là một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng quốc tế, từng được trao Giải thưởng Môi trường Goldman danh giá, vốn đã tranh đấu cho năng lượng bền vững và giảm phát thải ở Việt Nam.
Việc kết án tù bà Khanh là hành động trấn áp mới nhất của chính quyền Đảng Cộng sản nhằm vào các nhà hoạt động môi trường. Tất cả đều dưới tội danh ‘Trốn thuế’ mà các nhà chỉ trích cho là ‘dàn dựng’.
Đầu năm nay, các ông Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương, tương ứng là chủ tịch hội đồng khoa học và giám đốc của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), bị tuyên án lần lượt là 4 năm và 2,5 năm tù. Trong khi đó, ông Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), đã chịu mức án tù 5 năm trong một phiên xử ở Hà Nội hồi cuối tháng Một.
Các vụ bắt bớ này mâu thuẫn với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng hứa tại hội nghị COP 26 ở Glasgow rằng Việt Nam sẽ hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon với phát thải ròng bằng 0 cho đến năm 2050 và sẽ từ bỏ nhiệt điện than cho đến năm 2040.
‘Hoạt động bình thường’
VOA đã liên hệ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh và được ông Trần Đình Sính, phó giám đốc và là người tiếp quản sau khi bà Khanh bị bắt, cho biết rằng ‘việc của bà Khanh là việc trốn thuế cá nhân và không liên quan gì đến GreenID’.
“Hiện tại chúng tôi vẫn hoạt động bình thường”, ông Sính khẳng định.
Tuy nhiên, David Hutt, một nhà báo chuyên theo dõi Việt Nam, trong một bài viết trên tờ Diplomat hôm 14/7 nhận định rằng ‘Đảng Cộng sản ở Việt Nam cam kết hành động vì môi trường – nhưng việc đó phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng’.
Do đó, ông lập luận rằng sở dĩ các nhà hoạt động môi trường nổi bật như bà Ngụy Thị Khanh bị bắt là vì Đảng Cộng sản ở Việt Nam lo sợ rằng các yêu sách ban đầu về môi trường sẽ đi quá xa đến mức đòi hòi những thay đổi về chế độ.
Ông nêu ra hai cách giải thích khả dĩ: một là chính quyền chỉ muốn bịt miệng những người chỉ trích trong hành động trấn áp càng quyết liệt kể từ năm 2016; hai là chính quyền không thực sự quan tâm đến hành động môi trường. Nhưng theo ông cả hai giả thiết này ‘đều không thuyết phục’.
Theo giải thích của nhà báo này thì chính quyền Việt Nam đã nhiều lần khẳng định rằng những bản án này không ‘liên quan gì đến hoạt động môi trường’. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là ‘điểm sáng trên bản đồ toàn vết đen’ ở Đông Nam Á về hành động ứng phó biến đổi khí hậu khi là một trong 10 nước sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới.
Thay vào đó, David Hutt cho rằng mặc dù chỉ thuần về môi trường nhưng hành động này có thể là ‘mối đe dọa chính trị lớn nhất đối với Đảng Cộng sản’.
“Một phần là vì các nhà bảo vệ môi trường phần nào không bị chỉ trích. Không giống phong trào vận động dân chủ, Đảng Cộng sản không thể chỉ nói rằng họ muốn lật đổ chế độ; đa số chỉ đang vận động hành lang để kêu gọi cải cách trong chế độ hiện tại”, ông phân tích trong bài viết có nhan đề ‘Chủ nghĩa Lenin sinh thái của Việt Nam’.
“Nhưng cuộc biểu tình phản đối Formosa xả thải hồi năm 2016 cho thấy, các yêu sách có thể nhanh chóng leo thang vượt ra ngoài các vấn đề môi trường,” ông viết thêm và chỉ ra khẩu hiệu trong cuộc biểu tình này đã khiến chính quyền lo ngại: ‘Cá cần nước sạch. Dân cần minh bạch’.
Mức độ lan tỏa
Mặt khác, phong trào môi trường khác với các phong trào dân chủ khác ở mức độ lan tỏa khắp xã hội của nó, ông cho biết.
“Các nhóm ủng hộ dân chủ công khai như Khối 8406 và Anh em Dân chủ ra đời rồi cáo chung. Ở nông thôn, phong trào đòi quyền lợi đất đai bùng nổ hơn, như đã thấy trong vụ Đồng Tâm hồi đầu năm 2020, vốn sẽ gây chú ý nhiều hơn nếu dịch COVID-19 không bùng phát. Ở các đô thị, phong trào công đoàn độc lập đang gia tăng. Tầng lớp trung lưu và giới học thức đang tranh đấu cho nhà nước pháp quyền thực sự và quyền sở hữu tư nhân. Nhưng những phong trào này là rất manh mún,” ông chỉ ra nhược điểm của phong trào đấu tranh khác để so sánh với phong trào môi trường.
Trong khi đó, phong trào môi trường ‘xuyên qua nhiều tầng lớp – cả nông dân nghèo lẫn tỷ phú đều bị tác động bởi bởi biến đổi khí hậu như nhau – cũng như tác động đến nhiều vùng và các thế hệ. Và nó đã tạo ra chiếc cầu nối mới giữa các nhà hoạt động cá nhân, công chúng và các nhóm xã hội dân sự đang manh nha, theo phân tích của nhà báo David Hutt.
Khi thay đổi môi trường có tác động phổ quát đến tất cả mọi người trong xã hội, thì ‘đương nhiên sẽ có nhiều điểm bất đồng hơn giữa những gì Đảng và người dân cho là con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề’, ông lập luận, mặc dù Đảng cũng ‘có lo ngại sâu sắc về những vấn đề môi trường’.
“Đảng Cộng sản cam kết ứng phó biến đổi khí hậu nhưng phải tuân theo sự lãnh đạo của họ. Họ cần ý kiến chuyên gia (đôi khi là áp lực công khai từ các nhà hoạt động) nhưng không tán thành tất cả những chỉ trích, nhất là khi chỉ trích đó là từ xã hội dân sự. Đó là việc chủ yếu đi từ trên xuống. Họ không muốn người dân đặt ra các chỉ tiêu hành động cho họ,” ông viết.
“Suy cho cùng, người dân có thể đòi chính quyền hành động khí hậu cứng rắn hơn và nhanh hơn so với Đảng muốn, ảnh hưởng đến chính sách kinh tế chung. Nếu cho người dân quá nhiều tiếng nói thì họ có thể bắt đầu yêu sách những thay đổi khác”.
Lợi ích nhóm?
Tuy nhiên, có thể có dấu hiệu của lợi ích nhóm và ảnh hưởng từ Trung Quốc trong các bản án này, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với VOA với điều kiện giấu tên do tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Nhà quan sát này chỉ ra rằng nhiệt điện than và thủy điện ở Việt Nam đã phát triển quá nóng trong thời gian dài kể từ thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Khi chính phủ Việt Nam có cam kết quốc tế về tiêu chuẩn năng lượng sạch, cùng với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào điện gió, điện mặt trời, không thể tránh khỏi đụng tới lợi ích nhóm của các doanh nghiệp cùng các quan chức đang dính líu quyền lợi với nhiệt điện than hay thủy điện”, nhà quan sát này nói.
Trong lĩnh vực thủy điện, nhà quan sát này chỉ ra việc không có chế tài chặt chẽ về trồng lại rừng bị phá và thiếu ràng buộc pháp lý nghiêm ngặt về việc tích, xả nước vốn gây hại do đời sống và sản xuất của người dân. Nhờ đó, những người vi phạm ‘hiếm khi bị buộc bồi thường thích đáng’.
Còn việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhà quan sát này cho biết gặp trở ngại và có thể là 'do tranh chấp quyền lợi’. Ông chỉ ra việc Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) viện lý do ‘hệ thống truyền tải điện không theo kịp’ để cản trở phát triển năng lượng tái tạo.
“Chỉ có những tổ chức phi chính phủ về môi trường mới có đủ ý thức, kiến thức chuyên môn cùng sự hỗ trợ quốc tế mới có thể phát hiện những bất hợp lý, khuất tất trong tranh chấp quyền lợi trong lĩnh vực này,” nhà quan sát này khẳng định. “Đó phải là những tổ chức như của bà Khanh, một trường hợp hiếm hoi rất sắc sảo về chuyên môn và dũng cảm trong tranh đấu.”
Bên cạnh đó, tác động của Trung Quốc cũng không thể không xét đến, cũng theo lời nhà quan sát này, vì nước này ‘chiếm số lượng nhà máy nhiệt điện than lớn nhất ở Việt Nam’. Ông chỉ ra những tiêu cực trong làm ăn với Trung Quốc từ khâu đấu thầu, nhập trang thiết bị (lạc hậu, không đồng bộ, giá đắt) cho tới vận hành…
“Trung Quốc từ nhiều năm đã chủ động trong lĩnh vực năng lượng sạch, tất nhiên họ không muốn Việt Nam cầm đèn chạy trước ô tô,” nhà quan sát này nói thêm. “Họ còn cần Việt Nam làm bãi rác công nghiệp lạc hậu cho mình”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.