Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Làm sao để cấm một bài hát?

 

Làm sao để cấm một bài hát?

Jackhammer Nguyễn

30-6-2022

Tác giả Nguyễn Khoa đặt câu hỏi như thế trong một bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên trang Viet-Studies.

Vài ngày sau, chính quyền Việt Nam trong nước, không rõ có đọc bài viết đó hay không, nhưng dường như đã có câu trả lời. Báo Tuổi Trẻ đưa tin(nói là theo nguồn tin riêng của họ) rằng bà Khánh Ly đã bị cơ quan chức năng mời làm việc, vì bà đã cả gan hát bài “Gia tài của mẹ”, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cơ quan tổ chức buổi biểu diễn của bà Khánh Ly ở Đà Lạt, cũng bị mời làm việc.

Bà Khánh Ly được xem là ca sĩ hát nhiều bản nhạc của ông Trịnh Công Sơn, hát thành công nhất cho tới nay. Bài “Gia tài của mẹ”, nằm trong nhóm sáng tác Ca khúc da vàng, được xem là phản chiến của cố nhạc sĩ vào thời chiến tranh Việt Nam, trong đó có đề cập đến nội chiến, điều mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không chấp nhận.

Khái niệm nội chiến là vô cùng nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đến mức một cuốn sách viết về thời Tây Sơn, trước khi Đảng Cộng sản ra đời hàng trăm năm cũng không được ghi là nội chiến khi xuất bản ở Việt Nam (quyển Nước Việt Nam thời Tây Sơn của sử gia Tạ Chí Đại Trường có tên gốc là Lịch sử nội chiến Việt Nam).

Thôi hãy cứ cho là nội chiến hay ngoại chiến là quan điểm, có thể tranh cãi, nhưng khi tôi lướt qua mấy trăm bình luận dưới bài của Nguyễn Khoa trên Facebook của Viet-Studies, thì rõ ràng là nội chiến.

Chẳng phải nội chiến hay sao khi có những phe khác nhau nhưng toàn là người Việt, sử dụng toàn là tiếng Việt, để mắng nhau, thóa mạ nhau, chẳng hề có một… “yếu tố nước ngoài” nào cả, có chăng đó là yếu tố nước ngoài Facebook, sản phẩm công nghệ của … “đế quốc Mỹ”.

Trong những cãi vả chửi bới trên trang Facebook của Viet-Studies, nổi bật lên nhóm ủng hộ chính quyền Hà Nội hiện nay, nhóm ghét ông Trịnh Công Sơn “thuộc” (!?) Việt Nam Cộng hòa, rất ít. Trong số hơn 300 bình luận (đến ngày 29/6/2022), có đến khoảng 50 bình luận là thóa mạ “đế quốc Mỹ”, phủ nhận “nội chiến”, mắng chửi tác giả, dù là tác giả đưa ra những sự việc mang tính chỉ trích cả hai bên.

Có thể là với đoạn cuối của bài viết, nói về sang chấn tâm lý dân tộc, hay là căn bệnh tinh thần có vẻ như vô phương cứu chữa của Việt Nam, tác giả đã làm cho những người ủng hộ Hà Nội, cảm thấy bất an, từ đó có một phản ứng thóa mạ, mạt sát dữ dội như thế.

Phân tích ngôn ngữ của nhóm này (tạm gọi là nhóm Hà Nội), ta thấy họ bị ảnh hưởng rất mạnh của ngôn ngữ tuyên truyền của cơ quan tuyên giáo của Đảng. Họ dùng những từ mẫu, có sẵn trong các bài viết tuyên truyền của Đảng, mà từ ông đảng trưởng là tổng bí thư cho đến viên chủ tịch xã đều dùng. Ngoài vô vàn lỗi chánh tả, lỗi ghép câu, thì nội dung cũng rất lộn xộn. Khi đọc những bình luận này ta thấy sự trộn lẫn rất thú vị của sự mạt sát, ý muốn làm nhục, tấn công (đánh, giết) người khác, của tầng lớp… “vô sản lưu manh”, với ngôn ngữ chính trị của Đảng Cộng sản, với ngôn ngữ trịch thượng “hủ nho” của các lũy tre làng.

Nếu lấy hơn 300 bình luận làm một mẫu khảo sát nhỏ thì tỷ lệ của nhóm “Hà Nội” này là 1/6, một tỷ lệ khá cao mà chế độ có thể an tâm dựa vào đó mà sống còn.

Tuy nhiên, không thể lấy cái mẫu 300 và 1/6 ấy làm đại diện cho nước Việt Nam hiện tại được, vì có hàng chục triệu nông dân Việt Nam đang lo lắng mùa màng thất bát, hàng triệu công nhân, lương chết đói, không có thì giờ đâu mà vào Facebook.

Nhưng có thể nhóm 1/6 này là nhóm gần với bộ máy của chế độ, hay là những ốc vít của bộ máy chế độ, vì thế nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành xã hội Việt Nam ngày nay.

Trở lại câu hỏi của Nguyễn Khoa, làm thế nào để cấm một bài hát. Sau vụ mời bà Khánh Lý và cơ quan tổ chức cho bà biểu diễn, tôi vẫn không thể hiểu được là liệu họ có cấm được bài hát “Gia tài của mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay không!

Theo báo Tuổi Trẻ thì, có đến 1000 người đến nghe bà Khánh Ly hát, trong đó ắt hẳn có rất đông người đã biết bài hát ấy. Những người này hát nho nhỏ cho vợ chồng họ nghe trong nhà, trong quán cà phê cho bè bạn, chuyền tay nhau những clip kỹ thuật số, USB, chứ đâu cần những bản chép tay cồng kềnh dễ bị các viên bí thư đoàn thanh niên bắt gặp, hồi hơn 40 năm trước!

Trong bài Gia tài của mẹ, Trịnh Công Sơn hát rằng:

Gia tài của mẹ, một bọn lai căng

Mẹ mong lũ con cùng cha quên hận thù

Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn

Đọc lại các bình luận của nhóm Hà Nội 1/6, tôi thật khâm phục sự tiên tri của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.