Nước Mỹ đang rã làm hai mảng, có lẽ lần này là vĩnh viễn
Cuộc “trùng phùng” vĩ đại giữa Thế kỷ 20 có lẽ là một điều bất thường.
By Ronald Brownstein
Trần Ngọc Cư dịch
Nguồn: https://apple.news/AREtPZXaBQtmfLzEnHhx0qg
Có lẽ đã đến lúc người ta phải ngưng nói về nước Mỹ “đỏ” và “xanh”. Đó là kết luận đầy khiêu khích của Michael Podhorzer, một chiến lược gia chính trị lâu năm của các liên đoàn lao động và là chủ tịch của Viện Phân tích, một tổ chức hợp tác của các nhóm tiến bộ, thường nghiên cứu các cuộc bầu cử. Trong một bản tin riêng mà ông viết cho một nhóm nhỏ các nhà hoạt động, Podhorzer gần đây đã đưa ra một trường hợp chi tiết khi cho rằng hai khối xanh, đỏ là các quốc gia khác nhau về cơ bản, không dễ dàng chia sẻ cùng một không gian địa lý.
Podhorzer viết: “Khi chúng ta nghĩ về Hoa Kỳ, chúng ta đã mắc phải sai lầm cơ bản khi hình dung nước này như một quốc gia duy nhất, một hỗn hợp cẩm thạch gồm người dân Đỏ và người dân Xanh. “Nhưng thật ra, chúng ta chưa bao giờ là một quốc gia. Chúng ta giống một nước cộng hòa liên bang gồm hai quốc gia: Quốc gia Xanh và Quốc gia Đỏ. Đây không phải là một phép ẩn dụ; nó là một thực tế địa lý và lịch sử. ”
Đối với Podhorzer, những chia rẽ ngày càng tăng giữa các bang màu đỏ và xanh thể hiện sự đảo ngược ranh giới phân cách trong phần lớn lịch sử của quốc gia. Ông viết, sự khác biệt giữa các bang trong thời đại Donald Trump là “rất giống nhau, cả về địa lý và văn hóa, với sự phân chia giữa Liên bang Miền Bắc và Liên minh Miền Nam thời Nội chiến. Và những ranh giới phân chia đó chủ yếu được đặt ra vào thời kỳ thành lập quốc gia, khi các bang nô lệ và các bang tự do tạo nên một liên minh không dễ dàng để trở thành "một quốc gia". ”
Nói đúng ra, Podhorzer không dự đoán một cuộc nội chiến khác. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sức ép đè lên sự gắn kết cơ bản của đất nước có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm 2020. Giống như các nhà phân tích khác nghiên cứu về dân chủ, ông coi phe Trump hiện đang thống trị Đảng Cộng hòa — cái mà ông gọi là “phong trào MAGA” — là tương đương với các đảng độc tài ở những nước như Hungary và Venezuela. Đây là một phong trào có nhiều mũi nhọn, về cơ bản là chống dân chủ, đã xây dựng một cơ sở hậu thuẫn vững chắc có cơ chế, thông qua các mạng lưới truyền thông bảo thủ, các nhà thờ truyền giáo, các nhà tài trợ giàu có của Đảng Cộng hòa, các quan chức dân cử thuộc Đảng Cộng hoà, các nhóm dân tộc chủ nghĩa da trắng bán quân sự và quần chúng hậu thuẫn. Và họ quyết tâm áp đặt chính sách và quan điểm xã hội của mình lên toàn bộ đất nước — dù có hoặc không có sự ủng hộ của đa số. Podhorzer lập luận: “Các cuộc tấn công có cấu trúc nhắm vào các định chế của chúng ta để mở đường cho Trump ra ứng cử sẽ tiếp diễn,” Podhorzer lập luận, “dù do hoặc không do ông ấy lèo lái.”
Tất cả những điều này đang thúc đẩy cái mà tôi gọi là "sự phân kỳ lớn" hiện đang diễn ra giữa các bang màu đỏ và các bang màu xanh. Bản thân sự khác biệt này tạo ra sự căng thẳng rất lớn đối với sự gắn kết của đất nước, nhưng càng ngày điều đó thậm chí chỉ giống như một trạm dừng chân. Điều trở nên rõ ràng hơn theo thời gian là, Đảng Cộng hoà thời đại Trump đang hy vọng sử dụng ưu thế bầu cử của mình tại các bang đỏ, sự thiên vị của các bang nhỏ trong Cử tri đoàn và Thượng viện, và đa số quan tòa do Đảng Cộng hoà chỉ định vào Tòa án tối cao để áp đặt mô hình kinh tế và xã hội trên toàn quốc — có hoặc không có sự ủng hộ của đa số công chúng. Như được đo lường trên các mặt trận từ cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1, đến một loạt các đảng viên Cộng hòa từ chối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đang tranh cử vào các chức vụ sẽ cung cấp cho họ quyền kiểm soát bộ máy bầu cử năm 2024 và sự xúc tiến có hệ thống một chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa bởi Tòa án tối cao, câu hỏi chính trị cơ bản của những năm 2020 vẫn là liệu quy tắc đa số — và nền dân chủ như chúng ta đã biết — có thể tồn tại sau cuộc tấn công này hay không.
Podhorzer định nghĩa nước Mỹ màu đỏ và xanh hiện nay là các bang mà mỗi bên thường nắm quyền kiểm soát thống nhất đối với thống đốc và cơ quan lập pháp tiểu bang trong những năm gần đây. Theo thước đo đó, có 25 bang màu đỏ, 17 bang màu xanh lam và 8 bang màu tím, nơi mà quyền kiểm soát chính quyền tiểu bang thường được phân chia.
Được đo lường theo cách đó, quốc gia màu đỏ chiếm tỷ lệ dân số đủ điều kiện đi bầu cao hơn một chút (45 phần trăm so với 39 phần trăm), nhưng quốc gia màu xanh đóng góp nhiều hơn trong tổng sản phẩm quốc dân của Hoa Kỳ: 46 phần trăm so với 40 phần trăm. Nếu đứng riêng một mình, quốc gia xanh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Quốc gia màu đỏ sẽ đứng thứ ba. (Podhorzer cũng đưa ra một cách phân loại hơi khác về các bang, phản ánh xu hướng gần đây hơn, trong đó Virginia đã bỏ phiếu giống như bang màu xanh ở cấp Tổng thống, còn Arizona và Georgia đã chuyển từ màu đỏ sang màu tím. Nếu ba bang này được chuyển thành các loại đó, thì hai "quốc gia" sẽ gần như bằng nhau về dân số ở độ tuổi đủ điều kiện đi bầu và lợi thế màu xanh trong GDP tăng gần gấp đôi, với phần màu xanh đóng góp 48 phần trăm và phần màu đỏ chỉ chiếm 35 phần trăm.)
Podhorzer khẳng định rằng, sự khác biệt ngày càng gia tăng giữa Đỏ và Xanh “sẽ cho phép” 10 bang màu tím (nếu bạn tính cả Arizona và Georgia) “quyết định giá trị nào của hai quốc gia siêu cường, Xanh hoặc Đỏ, sẽ chiếm ưu thế” trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Và điều đó khiến đất nước mãi mãi đứng trước nỗi éo le: Tỷ lệ phiếu bầu tổng hợp cho một trong hai đảng trên các bang màu tím đó không lớn hơn hai điểm phần trăm trong bất kỳ cuộc bầu cử Tổng thống nào trong số ba cuộc bầu cử Tổng thống trước đây, ông tính toán.
Sự khác biệt ngày càng tăng — và sự đối kháng — giữa quốc gia Đỏ và quốc gia Xanh là một đặc điểm xác định tính cách của nước Mỹ Thế kỷ 21. Đó là sự đảo ngược so với những thập kỷ giữa của Thế kỷ 20, khi xu hướng cơ bản là hướng tới sự hội tụ lớn hơn.
Một yếu tố của sự hội tụ đó đã hiện hữu thông qua cái mà các học giả pháp lý gọi là “cuộc cách mạng về các quyền”. Đó là chuỗi hành động từ Quốc hội và Tòa án Tối cao, hầu hết bắt đầu từ những năm 1960, nhằm củng cố nền tảng các quyền trên toàn quốc và giảm khả năng các bang cắt giảm các quyền đó. (Những thời điểm quan trọng trong cuộc cách mạng đó bao gồm việc thông qua các Đạo luật về Quyền Dân sự và Quyền Bầu cử và các quyết định của Tòa án Tối cao hủy bỏ các lệnh cấm của tiểu bang đối với thuốc ngừa thai, hôn nhân giữa các chủng tộc, phá thai, và sau đó là các lệnh cấm đối với quan hệ luyến ái và hôn nhân đồng tính.)
Đồng thời, sự khác biệt giữa các vùng miền đã được điều chỉnh bởi làn sóng đầu tư quốc gia, bao gồm các chi tiêu của chương trình New Deal cho việc điện khí hóa nông thôn, Cơ quan quản lý Thung lũng Tennessee, hỗ trợ giá nông nghiệp và An sinh xã hội trong những năm 1930 và các chương trình Great Society cung cấp viện trợ liên bang cho các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 và giáo dục đại học, cũng như các bảo hiểm y tế Medicare và Medicaid.
Tác động của các khoản đầu tư này (cũng như chi tiêu quốc phòng lớn trong cả hai thời kỳ) đối với các bang trước đây vốn chi tiêu ít ỏi cho các dịch vụ công và phát triển kinh tế đã giúp thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người giữa các bang của Liên minh miền Nam cũ và phần còn lại của đất nước từ những năm 1930 cho đến khoảng năm 1980. Tuy nhiên, tiến bộ đó đã dừng lại sau năm 1980 và khoảng cách kinh tế gần như không thay đổi trong ba thập kỷ tiếp theo. Podhorzer tính ra rằng, kể từ khoảng năm 2008, các bang phía nam ở trung tâm của quốc gia đỏ lại tiếp tục tụt hậu xa hơn so với quốc gia xanh về thu nhập bình quân đầu người.
Jake Grumbach, một nhà khoa học chính trị của Đại học Washington, người nghiên cứu sự khác biệt giữa các bang, nói với tôi rằng các bang màu đỏ, với tư cách là một nhóm, đang tụt hậu so với các bang màu xanh về một loạt các thành quả kinh tế và xã hội — bao gồm năng suất kinh tế, thu nhập gia đình, tuổi thọ, và "cái chết vì tuyệt vọng" từ cuộc khủng hoảng ma túy opioid và chứng nghiện rượu.
Những người bảo vệ mô hình quốc gia đỏ có thể dùng các thước đo khác cho thấy những nơi đó đi theo một xu hướng thuận lợi hơn. Nhà cửa ở các bang đỏ thường có giá hợp lý hơn; một phần vì lý do đó, tình trạng vô gia cư đã trở thành đặc hữu của nhiều thành phố lớn của các bang xanh. Thuế của bang đỏ thường thấp hơn so với các loại thuế của bang xanh. Nhiều bang màu đỏ đã có mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ (mặc dù điều đó tập trung nhiều ở các khu vực đô thị lớn có xu hướng xanh của chúng.) Và các bang màu đỏ trên Vành đai Mặt trời [vành đai nắng ấm] được xếp hạng vào các bang có dân số tăng nhanh nhất.
Nhưng chuyện lớn vẫn là, các bang màu xanh đang được hưởng lợi nhiều hơn khi quốc gia này chuyển đổi sang nền kinh tế thông tin năng suất cao của Thế kỷ 21, và các bang màu đỏ (ngoài các trung tâm đô thị lớn của họ tham gia vào nền kinh tế đó) đang bị tổn thương khi các ngành công nghiệp đầu tàu của Thế kỷ 20 — nông nghiệp, sản xuất và khai thác nhiên liệu hóa thạch — xuống dốc.
Theo các con số của Podhorzer, tổng sản phẩm quốc nội trên mỗi người và thu nhập hộ gia đình bình quân hiện nay ở khu vực màu xanh đều cao hơn 25% so với khu vực màu đỏ. Tỷ lệ trẻ em nghèo ở khu vực màu xanh thấp hơn màu đỏ hơn 20% và tỷ lệ hộ gia đình lao động có thu nhập dưới chuẩn nghèo thấp hơn gần 40%. Kết quả sức khỏe cũng khác nhau. Tỷ lệ tử vong vì súng bình quân đầu người ở những nơi màu đỏ cao gần gấp đôi so với những nơi màu xanh, cũng như tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ mang thai. Tỷ lệ tiêm chủng COVID cao hơn khoảng 20 phần trăm trong khu vực màu xanh và tỷ lệ tử vong do COVID bình quân đầu người cao hơn khoảng 20 phần trăm trong khu vực màu đỏ. Tuổi thọ ở các bang màu xanh (80,1 năm) cao hơn gần ba năm so với các bang màu đỏ (77,4). (Đối với hầu hết các thước đo này, các bang màu tím, vừa vặn, nằm ở giữa.)
Chi tiêu bình quân đầu người cho giáo dục tiểu học và trung học ở các bang xanh cao hơn gần 50% so với các bang màu đỏ. Tất cả các bang màu xanh đã mở rộng khả năng tiếp cận Medicaid [Trợ cấp Y tế] theo Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá cả phải chăng [Affordable Care Act còn được gọi là Obamacre, ND., ] trong khi khoảng 60% tổng dân số của quốc gia đỏ sống trong các bang đã từ chối làm như vậy. Tất cả các bang màu xanh đã đạt mức lương tối thiểu cao hơn mức liên bang là $ 7,25, trong khi chỉ có khoảng một phần ba cư dân của các bang màu đỏ sống ở những nơi chịu làm như thế. Luật về quyền làm việc [Right-to-work laws thực chất là chống các công đoàn, ND,] phổ biến ở các bang màu đỏ và không tồn tại ở các bang màu xanh, dẫn đến kết quả là các bang xanh có tỷ lệ công nhân có công đoàn cao hơn nhiều so với các bang đỏ. Không bang nào trong khu vực màu xanh có luật cấm phá thai trước khi thai nhi có khả năng tồn tại, trong khi hầu hết các bang màu đỏ đều sẵn sàng hạn chế quyền phá thai nếu đa số quan tòa Tòa án Tối cao do Đảng Cộng hòa chỉ định, như dự kiến, lật đổ Roe v. Wade. [Việc này đã xảy ra sau khi bài báo này xuất bản, ND]. Hầu như tất cả các bang màu đỏ cũng đã thông qua luật “dùng súng để tự vệ trên chỗ đứng của mình” được hỗ trợ bởi Hiệp hội Súng trường Quốc gia, cung cấp biện pháp tự vệ hợp pháp cho những người sử dụng vũ khí chống lại mối đe dọa được nhận thấy mà không cần lùi bước, trong khi chưa có bang xanh nào làm như vậy.
Hàng loạt luật bảo thủ về mặt xã hội mà các bang đỏ đã thông qua từ năm 2021, về các vấn đề như phá thai; thảo luận trong lớp về chủng tộc, giới tính và khuynh hướng tính dục; và quyền LGBTQ, đang mở rộng sự chia rẽ này. Không có bang nào do phe Dân chủ kiểm soát đã thông qua bất kỳ biện pháp nào trong số đó.
Lilliana Mason, một nhà khoa học chính trị của Đại học Johns Hopkins, nói với tôi rằng lịch sử chế độ phân chủng Jim Crow cung cấp một điểm tham chiếu quan trọng để hiểu được mức độ các bang đỏ có thể thực hiện phong trào này để đẩy lùi các quyền và các tự do công dân — không phải là họ sẽ tìm cách khôi phục sự phân chủng, nhưng họ cảm thấy thoải mái với “thời mà các bang” có luật “hoàn toàn khác” đến mức họ đã tạo ra một hình thức apartheid nội địa. [Chế độ Jim Crow tồn tại ở Miền Nam sau thời kỳ Tái thiết, theo đó các bang trong Liên minh Miền Nam cũ đã thông qua các luật ngăn cản người Da đen đi bầu và tạo ra tình trạng phân chủng trong việc sử dụng các phương tiện công cộng, như xe buýt, trường học, khách sạn, nhà vệ sinh, etc., ND.] Khi khoảng cách giữa hai khu vực đỏ và xanh ngày càng mở rộng, bà Mason nói, "sẽ có đủ loại tiềm năng gây ra các rối loạn thực sự sâu sắc, các rối loạn xã hội, không chỉ liên quan đến tình cảm và ý kiến của chúng ta."
Đối với Podhorzer, sự tách biệt xanh-đỏ ngày càng tăng có nghĩa là sau thời kỳ các dị biệt có vẻ phôi pha giữa thế kỷ 20, những khác biệt cơ bản có từ ngày lập quốc lại đang tái hiện. Và một yếu tố quan trọng của điều đó, theo ông, là sự trở lại của cái mà ông gọi là “chế độ độc đảng ở quốc gia đỏ”.
Với những con số thống kê phức tạp nhưng chứa đầy thông tin, Podhorzer ghi nhận sự quay trở lại các mô hình lịch sử từ thời Jim Crow, trong đó đảng thống trị (đảng Dân chủ theo chủ nghĩa phân chủng thời đó, đảng Cộng hòa bảo thủ hiện nay) đã làm lệch sân chơi để đạt được mức thống trị chính trị ở quốc gia đỏ, vượt xa mức độ nó được dân chúng hậu thuẫn. Ông lập luận rằng nền tảng của lợi thế đó là các luật khiến việc đăng ký hoặc bỏ phiếu ở nhiều bang đỏ trở nên khó khăn hơn, và những người chỉ huy việc vẽ lại bản đồ tranh cử một cách nghiêm khắc đã cho phép đảng Cộng hòa hầu như khóa quyền kiểm soát vô thời hạn đối với nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang. Grumbach đã đưa ra kết luận tương tự trong một bài báo gần đây phân tích các xu hướng trong nền dân chủ (nói chung, không viết hoa) ở khắp các bang. Grumbach nói: “Đó là một bộ bài được sắp xếp rất bất công ở các bang đỏ, vì thể chế dân chủ đang ở giai đoạn thoái trào.”
Câu hỏi cốt lõi mà phân tích của Podhorzer đặt ra là Hoa Kỳ sẽ vận hành như thế nào với hai mảng của quốc gia đang di chuyển rất xa nhau. Theo quan điểm của tôi, lịch sử đưa ra hai mô hình.
Trong suốt 7 thập kỷ với chế độ phân chủng Jim Crow hợp pháp từ những năm 1890 đến những năm 1960, mục tiêu chính của các bang Miền Nam ở trung tâm của nước Mỹ đỏ là phòng thủ: Họ làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn sự can thiệp của liên bang với sự phân chủng do tiểu bang bảo trợ nhưng không tìm cách áp đặt nó trên các tiểu bang bên ngoài khu vực.
Ngược lại, trong những năm cuối cùng trước Nội chiến, khuynh hướng chính trị của miền Nam là tiến công: Thông qua tòa án (quyết định về Dred Scott năm 1857) và tại Quốc hội (đạo luật Kansas-Nebraska năm 1854), mục đích chính của nó là cho phép mở rộng chế độ nô lệ vào nhiều lãnh thổ và tiểu bang hơn. Thay vì chỉ bảo vệ chế độ nô lệ trong biên giới của họ, các bang miền Nam tìm cách kiểm soát chính sách liên bang để áp đặt tầm nhìn của họ trên nhiều tiểu bang, có khả năng bao gồm mức độ phủ quyết các lệnh cấm chống lại chế độ nô lệ ở các bang tự do.
Có vẻ như những người Cộng hòa thời Trump đang cài đặt các ưu tiên chính sách của liên minh người da trắng và Cơ đốc giáo, vốn chiếm ưu thế trên khắp các bang đỏ, sẽ không hài lòng khi chỉ đặt ra các quy tắc ở những nơi hiện do họ kiểm soát.
Pordhorzer, giống như Mason và Grumbach, tin rằng mục tiêu dài hạn của phong trào MAGA là làm nghiêng lệch các quy tắc bầu cử ở đủ tiểu bang để khiến việc đảng Dân chủ chiến thắng ở Quốc hội hoặc Nhà Trắng là điều gần như không thể. Sau đó, với sự ủng hộ của đa số quan tòa do Đảng Cộng hoà chỉ định trên Tòa án Tối cao, đảng Cộng hòa có thể áp đặt các giá trị và chương trình của quốc gia đỏ trên toàn quốc, ngay cả khi hầu hết người Mỹ phản đối chúng. Podhorzer viết: “Phong trào MAGA không dừng lại ở biên giới của các tiểu bang mà nó đã kiểm soát. Nó tìm cách chinh phục càng nhiều lãnh thổ càng tốt bằng mọi cách có thể."
Nói cách khác, mô hình Trump là miền Nam năm 1850 hơn miền Nam năm 1950, John Calhoun hơn Richard Russell. (Một số đảng viên Cộng hòa thuộc bang đỏ thậm chí còn vang vọng tư tưởng xa xưa của Calhoun khi hứa sẽ vô hiệu hóa — nghĩa là bất chấp — luật liên bang mà họ không đồng ý.) Điều đó không có nghĩa là người Mỹ nhất thiết phải lâm vào một cuộc nội chiến như họ đã làm sau những năm 1850. Nhưng nó có nghĩa là những năm 2020 có thể mang đến những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định cơ bản của đất nước kể từ những năm đen tối và đầy biến động giữa Thế kỷ 19.
Ronald Brownstein là biên tập viên cao cấp của “The Atlantic” và là nhà phân tích chính trị cao cấp của CNN.
T.N.C. dịch
Dịch giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.