Báo chí cách mạng
20-6-2022
(Trích hồi kí “Dưới bàn tay vô hình”)
Lời tác giả:
Vụ án nổi tiếng liên quan đến bố tôi, xảy ra vào năm 1987, được khởi đầu từ một bái báo. Hiện nhiều người dân của huyện Chương Mỹ vẫn còn “kinh hoàng” không hiểu sao một mình tôi lại có thể chống lại cả một bầy mafia và giành chiến thắng. Khi còn sống, bố tôi luôn dằn vặt trong uất hận dù tôi đã làm hết cách để ông coi đó chỉ như một câu chuyện hài.
Nhân kỉ niệm 35 năm ngày xảy ra vụ việc, tôi xin trích đăng một đoạn của cuốn hồi kí 600 trang (chưa xuất bản) thay cho nén hương tưởng nhớ bố và cầu mong ông thanh thản. (khi xuất bản thành sách thì sẽ không còn cái tên nào được viết tắt).
***
… Chính ông tổng biên tập báo Hà Sơn Bình cũng không lường tới hậu quả mà bố tôi phải gánh chịu với nội dung của bài báo do B.G viết. Vì thế ông cho gọi ngay tác giả bài báo đến cùng gặp tôi. Chúng tôi ngồi bên chiếc bàn kê ngoài trời. B.G lúc đầu có vẻ sợ tôi. Nhưng tôi nhanh chóng trấn an cho cô ta. Đắc Hữu ngồi giữa, chỉ vào tôi bảo: “Đây là Tạ Duy Anh, con trai của bác Tạ Đình Khôi” và chỉ vào B.G bảo: “Đây là tác giả của bài báo về bác Tạ Đình Khôi. Đều là dân viết lách, khổ thế chứ. Hai người cứ làm việc thẳng thắn với nhau nhé. Mình sẽ làm trọng tài.”
Tôi nhẹ nhàng nói là tôi hiểu rằng tác giả hoàn toàn vô tư khi viết mà không vụ lợi bởi bất cứ điều gì. Nhưng rất tiếc bài báo lại không chính xác. Và cái sự không chính xác ấy cũng là bình thường. Nhưng trong trường hợp của bố tôi thì nó khiến ông gặp tai hoạ. Vì vậy tôi, với tư cách là bạn bè, muốn tác giả và báo Hà Sơn Bình có cách nào giúp chúng tôi sao cho để mọi người hiểu đúng thực chất của sự việc và giải toả áp lực của dư luận cũng như pháp luật lên bố tôi.
Nghe tôi nói xong, Đắc Hữu lại rên lên: “Khổ thế chứ, ai biết đâu bài báo năm 1984 với bài báo của cô G. đều về một người, mà lại là bố của Tạ Duy Anh, bạn tôi. Cô G. nghe rồi đó, có ý kiến với Tạ Duy Anh đi.”
B.G nói bằng vẻ chưa hết căng thẳng, lộ rõ sự lúng túng:
– Thú thực là tôi không có mặt trong đoàn điều tra. Tôi chưa hề về nhà anh. Tôi được mời đến dự khi đoàn họp để đưa ra kết luận. Họ yêu cầu tôi viết bài và tôi hoàn toàn dựa vào kết luận của đoàn rồi chấp bút. Vì thế nếu có sai sót thì là sai sót của đoàn điều tra. Anh nên gặp họ thì hơn.
Tôi vẫn nhẹ nhàng:
– Nhưng tên chị lại ký bên dưới, chị là tác giả của bài báo ấy, bản quyền thuộc về chị, vì thế về phương diện pháp lý đoàn điều tra họ sẽ không chịu trách nhiệm trừ phi có quyết định yêu cầu chị chấp bút. Thế có cái quyết định ấy không hả chị G?
– Tôi biết đâu được – B.G nhìn đi chỗ khác – Họ bảo tôi viết thì tôi viết. Tốt nhất anh sang bên Ban kiểm tra tỉnh uỷ gặp ông Thụy, phó Ban, sẽ có câu trả lời. Ông ấy là trưởng đoàn điều tra vụ của bố anh. Nếu ông ấy đồng ý thì tôi xin cải chính.
Đắc Hữu nghe vậy vội xen vào:
– Có lẽ thế Tạ Duy Anh ạ, ngày mai cậu cứ gặp ông Thụy, chất vấn xem các ông ấy lôi ở đâu ra những kết luận như vậy?
Đắc Hữu còn chỉ cho tôi lối sang Ban kiểm tra tỉnh uỷ, trấn an tôi rằng có lẽ mọi việc chỉ là do hiểu sai nhau thôi.
Tôi chọn đầu giờ làm việc buổi chiều để đi gặp ông Thụy. Lúc tôi gõ cửa ông mới uể oải trở dậy sau giấc ngủ trưa, mọi thứ trên người đều nhão ra. Ông có vẻ khó chịu khi bị quấy rầy. Tôi ý tứ đứng ngoài, chờ ông mời mới vào. Tôi vốn là người có chút khả năng xem tướng, nên vừa gặp nhau tôi đã không có thiện cảm với ông phó Ban kiểm tra tỉnh ủy. Mặt ông quá nặng nề, trì độn, trán thấp, má xệ, nhiều nếp, với cặp mắt hùm hụp, gian manh, loại mặt của người đần độn, hay đố kị và lắm mưu mô thâm hiểm. Tướng đó thì tham lam, tiểu nhân, đểu cáng là cái chắc. “Bố mình không gặp hạn với ông này mới là chuyện lạ” – tôi thoáng nghĩ trong đầu và bỗng thấy giận bố sôi lên. Tại sao bố lại có thể tin được vào loại người này cơ chứ? Nhưng tôi cố giữ nét mặt bình thản, thân thiện, có phần cầu thân. Tôi lễ phép chào ông như chào một bậc cha chú. Ông nhìn tôi rất nhanh, mặt cau có và chỉ ừ hữ đáp lại. Tôi vào chuyện luôn. Thoạt đầu tôi nói qua về tôi. Ông ngồi nghe một cách bực dọc và vẫn quan sát trộm. Thỉnh thoảng lại ngáp công khai, phô ra cái miệng khá dung tục và vì thế trông càng xôi thịt. Có lẽ ông cũng đã nghe tên tôi. Vì thế khi tôi vừa dứt lời thì ông nói luôn:
– Thì ra anh là con trai thứ hai của ông Tạ Đình Khôi. Nghe đồn anh ghê gớm lắm – giọng ông không giấu sự mỉa mai – Được, để tôi nói cho mà nghe: Bố anh sai lòi tói ra rồi, chúng tôi chả phải xem xét lại làm gì nữa.
– Thưa bác, cháu tin là bác không có gì tư thù bố cháu, nhưng… có thể bác còn thiếu thông tin…
– Thông tin về bố anh chúng tôi có đầy, hàng đống, anh không phải lo! – mắt ông Thụy quặm lại, môi trề ra đầy vẻ lão luyện.
– Nghĩa là bác yên tâm với kết luận của đoàn…?
– Có gì mà không yên tâm. Mọi việc nó rành rành ra. Anh em cán bộ mà bố anh tố cáo đều là những người tốt! Nghe chửa! Người ta nể nang bố anh, ưu tiên bố anh đủ đường, nghe chửa! Nhưng bố anh thì lại cứ làm già, tìm cách bôi nhọ thanh danh của người ta, nghe chửa! Ồi dào, ai thế nào chúng tôi lại không biết hay sao?
Tôi vẫn nhẹ nhàng:
– Nhưng cháu có chứng cứ để khẳng định bài báo dựa trên kết luận của đoàn điều tra là sai cơ bản. Có thể do bác cũng bị bên dưới đánh lừa. Nhưng vì đã thành kết luận nên bác là người phải chịu trách nhiệm về bài báo đó.
– Nói bậy! – Nước bọt toé ra từ miệng ông Thuỵ, tay ông ta phẩy xuống – ai cho phép anh dám nói như vậy với chúng tôi. Chả có ai lừa lọc gì ở đây cả, bố anh sai, thì phải chịu. Thế thôi.
– Bác cứ bình tĩnh, thực lòng cháu chỉ muốn bác giúp…
– Anh im đi mà nghe. Thứ nhất đoàn điều tra gần 50 người, không thể có chuyện sai. Một người, hai người, mười người… thì còn bảo có tư thù với bố anh, chứ đây những 50 người, chả lẽ tất cả họ cũng thù bố anh hay sao. Thứ hai là tôi không chịu trách nhiệm về bài báo. Tôi có bảo cái cô diệc cô cò nào đó viết đâu. Tự viết ra rồi lại bảo người khác bắt viết, ai bắt cô ấy viết? Láo!
– Nhưng chính cô B.G lại bảo cô ấy viết theo yêu cầu của đoàn kiểm tra…
– Văn bản đâu? – ông Thuỵ hất hàm – Đưa cho tôi cái văn bản ấy ra đây xem nào. Tôi ký cái văn bản ấy bao giờ?
– Thôi được, về bài báo thì tác giả sẽ phải làm việc với bác. Nhưng bác vừa bảo 50 người nên không thể sai? Cháu tin rằng bác rất biết vụ việc ở Thanh Hoá mà báo Tiền Phong nêu, có tới 14 đoàn kiểm tra mà cũng vẫn sai, phải đoàn thứ 15 mới đưa ra kết luận chính xác. Trong vụ của bố cháu có nhiều uẩn khúc phức tạp, bố cháu có nhiều cái làm người khác bực mình nhưng ông không làm những việc như báo nêu, cháu mong bác lắng nghe lời cháu.
Tôi nói một cách tha thiết, gần như van xin. Tôi tự cho phép mình làm như vậy vì lý do đang đi cứu bố khỏi vòng lao lý. Cứu bố thì có thể làm mọi việc, kể cả cầu xin. Nhưng ông Thuỵ nghe thế thì lại nghĩ sai về thái độ nhũn nhặn của tôi. Ông nói gần như quát:
– Ai cho phép anh vào đây để nói với tôi những lời như vậy? Chỉ được cái bố láo. Báo chí cũng chỉ toàn nói láo. Mười bốn mười lăm cái gì, bố bậy! – ông chỉ vào mặt tôi – có giỏi thì hôm này ra trước toà mà cứu bố anh. Chỉ vài ngày nữa người ta sẽ tịch thu số đất cấp bậy cho gia đình nhà anh. Chính quyền người ta thương tình nhưng lại cứ làm khó cho họ. Chờ đấy, chỉ mai kia thôi, sẽ cho gọi cổ con cái về hết để thông báo…
Mặt ông Thụy đỏ gay đỏ gắt, khiến trông nó càng đần độn, càng ác mó và càng đáng sợ. Tưởng át được tôi, ông khệnh khạng đi lại và vẫn phun nước bọt tung toé bằng những lời the thé cùng luồng hơi khá nặng mùi:
– Có ăn có học, quân nhân quân đội nhân dân Việt Nam mà anh dám hồ đồ nói bậy. Anh có biết tôi là ai không? Tôi có thể hô bảo vệ tống cổ anh ra khỏi đây ngay tức khắc.
Tôi im lặng một lát như để nhìn thật rõ xem ông ta có phải là người hay không? Và tôi chỉ muốn cười phá lên. Nhưng tôi kìm lại, mà nói bằng giọng lạnh như kem:
– Có, tôi biết – tôi thay đổi lối xưng hô – tôi thấy ông hiện nguyên hình là một ông quan lại đần độn, vô dụng. Làm sao bố tôi lại có thể tin vào một người như ông cơ chứ?
– Hả, mày dám… – ông Thụy làm động tác rút ngăn kéo, giống như đang lục tìm khẩu súng ngắn – tao có thể bắn chết mày mà vô can đấy, vì tội tự ý xông vào phòng của một lãnh đạo ban kiểm tra tỉnh uỷ.
– Vậy thì ông bắn tôi đi, trông ông tôi biết ông chả làm được việc gì ra hồn đâu. Chỉ vục mặt ăn là giỏi. Nhưng tôi sẽ không thèm nói chuyện với cái loại mọt dân hại nước như ông, thay vào đó ngay sau đây tôi sẽ sang gặp ông Nguyễn Đình Sở để tường thuật lại toàn bộ cuộc chuyện của tôi với ông. Tôi sẽ bảo với ông Bí thư tỉnh ủy tại sao lại có loại người bẩn thỉu, đểu cáng như ông ngồi ở đây.
Tôi ra khỏi phòng ông Thụy và đi nhanh về phía văn phòng tỉnh uỷ. Cứ như là tôi đang thực hiện điều mình nói. Tôi thấy ông Thụy lạch bạch chạy theo, dùng tay chới với như định kéo áo tôi, miệng liến thoắng: “Đồng chí gì ơi, đồng chí bộ đội ơi… đồng chí…”. Tôi hất tay ông Thụy ra, như hất một con chó, mặc cho ông ta thống thiết kêu lên: “Đồng chí bộ đội ơi, sao mà đồng chí nóng tính thế, dừng lại để tôi nói”. Tôi vừa buồn cười vừa ghê tởm. Ông ta sợ tôi sang gặp lãnh đạo tỉnh thật. Tôi thấy ông ta còn chới với đưa tay ra trước mặt thêm một lát nữa, nhưng tôi không thèm nhìn lại.
Tuy nhiên tôi chỉ doạ thế thôi chứ không sang gặp ông Sở, bởi có muốn gặp cũng không được, mà sang thẳng chỗ B.G, nói lại ý kiến của ông Thuỵ cho cô ta nghe. B.G tái mặt, lộ rõ sự tức giận, bảo:
– Tôi sẽ làm cho ra lẽ. Bảo tôi viết theo nội dung kết luận, bây giờ lại định rũ trách nhiệm.
Cô ta nói vậy rồi mím môi chạy sang gặp ông Thụy. Tôi không bao giờ biết họ đã nói với nhau những gì. Tôi chỉ thấy sau đó gặp lại tôi, có cả Đắc Hữu, B.G vẫn tái mét mặt vì giận, bảo rằng: “Chính các chú ấy yêu cầu tôi viết, bây giờ lại chối đây đẩy bảo không chịu trách nhiệm”.
Đắc Hữu nghe được hết và tỏ ra càng khó xử với tôi. Tôi bèn chủ động giảm căng thẳng, cố gắng không để B.G có cảm giác đang bị dồn tới chân tường sẽ khiến cô ta xấu hổ. Bởi mục đích của tôi vẫn muốn cùng với B.G và Đắc Hữu giải quyết từ cốt lõi của vấn đề là in một lời cải chính. Cách đó hiệu quả nhanh mà lại ít phải nồi da xáo thịt về mặt tình cảm. Tôi cảm thấy mình đang gặp thuận lợi cho mục tiêu đó. Chính việc chối bỏ loanh quanh của ông phó Ban kiểm tra tỉnh, chính thái độ chia sẻ của tôi có thể cuối cùng sẽ khiến B.G quay sang ủng hộ tôi.
Nhưng tôi đã lầm tưởng một cách cực kỳ nông nổi.
Sự việc xảy ra vào ngày hôm sau.
Tôi lại sang gặp B.G sau một đêm cảm thấy mình hơi vội vã khi nghĩ có phần tệ về cô ta mấy hôm trước. Đúng là tôi thấy cô ta rất dằn vặt, dấu hiệu của người có lương tâm. Nếu cô ta cũng lại căm ghét sự dối trá, độc ác thì biết đâu tôi có thêm một người bạn tri kỉ và khi đó trong cái rủi có cái may.
Nhưng niềm tin của tôi sai hoàn toàn với trường hợp B.G.
Không giống hôm trước B.G lộ ra sự hoang mang và ân hận, lần này, chỉ sau đúng một đêm, thái độ của cô ta thay đổi hoàn toàn. Cô ta chứng tỏ mình không dễ bắt nạt bằng bộ mặt đầy thách thức, vì thế trông cô ta có nét nham hiểm của yêu tinh. Khi tôi nêu lại phương án cải chính thì cô ta lạnh lùng và trơ tráo bảo: “Tại sao tôi phải cải chính những điều tôi viết khi tôi đảm bảo đó là sự thật”.
Tôi hơi ngớ người. Nhưng tôi giấu được cảm xúc. Tôi nhắc lại là chính cô ta bảo chưa về nhà tôi, chỉ viết theo kết luận của đoàn điều tra… liền bị cô ta cãi bay cãi biến: “Anh nghe nhầm thì có, tôi khẳng định là tôi có về tận nơi. Tôi viết từ chính những tư liệu tôi điều tra”. Có cảm giác chỉ quá lên cô ta sẵn sàng moi luôn cả tim ra cho tôi xem nó tươi mầu cách mạng, nó trung thực như thế nào! Nhìn bộ dạng đó, tôi thấy thương hại cô ta nhiều hơn. Gánh nặng cơm áo khiếp thật. Tôi chỉ khẽ lắc đầu, cố để không bất nhã.
Tôi còn đủ bình tĩnh giấu đi vẻ thất vọng và thầm đoán ra nguyên nhân nhưng chưa đoán ra phía sau của sự lật lọng đó là cả một kế hoạch đáng sợ. Tôi vẫn kiên nhẫn:
– Hôm qua có cả anh Đắc Hữu làm chứng, chính chị còn sang tận chỗ ông Thụy để phản đối việc ông ấy không chịu trách nhiệm về những kết luận…
B.G lại cắt lời tôi: “Tôi nói rồi, nếu anh muốn khiếu nại thì cứ việc. Tôi viết tôi sẽ chịu trách nhiệm”.
Tôi biết là hôm qua, sau khi tôi đi khỏi, họ đã gặp nhau, đã kịp biết là họ hớ nên thống nhất phương án để chống lại tôi. Và cái phương án tối ưu là hai bên, báo Hà Sơn Bình và Ban kiểm tra tỉnh, không được đổ lỗi cho nhau, mà phải cấu kết chặt chẽ, cùng một quan điểm. Không phải ngẫu nhiên mà sáng nay Đắc Hữu vắng mặt dù đã hẹn với tôi. Tôi biết là mình chỉ còn con đường chiến đấu. Nghĩ vậy nên tôi mỉm cười hỏi nhỏ:
– Vậy chị có sẵn sàng ra toà với tôi không? Hy vọng lúc ấy chị có thể chỉ cho tôi cái hố xí mà chị viết trong bài báo nó ở chỗ nào. Nó không thể ở rặng rào nhà hàng xóm, bởi nó được xây cố định cách xa đó cả trăm mét từ khi tôi còn bé chị nhé. Chị bảo bố tôi ăn quỵt cá của Hợp tác xã nhưng cái hóa đơn bố tôi nộp sản lượng cá, may thay, đang trong túi tôi đây, chị có muốn xem không.
– Tôi không có thời gian để đôi co với anh” – B.G tím mặt. Phía sau anh ta là Lê Dũng, một gã cơ bắp, có lẽ được Đắc Hữu bố trí để thị uy tôi. Anh ta bước sấn lên, nhìn vào tôi như muốn hỏi: “Có muốn vỡ mặt không?”
Đáp lại, tôi mỉm cười nhìn anh ta đầy thương hại nhưng nhanh chóng nhận ra rất có thể mình mắc bẫy bọn này, nên tôi đi nhanh ra ngoài. “Vậy là cô ta đã tráo trở phủ nhận chính những gì mình nói” – tôi nghĩ, có phần cay đắng.
Nhưng tấn bi hài kịch còn chưa đến cao trào.
Buổi tối hôm đó từ nơi ở nhờ tại Công đoàn Hà Sơn Bình, tôi lại sang gặp Đắc Hữu. Biết không thể lẩn tránh, ông ta buộc phải đối diện với tôi. Đắc Hữu vẫn lịch sự dành cho tôi tất cả sự trọng thị như những lần trước. Nhưng chưa kịp để tôi hỏi xem việc cải chính có sớm xảy ra không, ông ta đã chủ động lên tiếng trước. Ông ta cố lấy giọng thật thống thiết bảo với tôi rằng, ông ta hoàn toàn tin bố tôi vô tội. Một trăm phần trăm cụ vô tội – ông ta làm ra vẻ buồn rầu. Ông ta biết là đoàn kiểm tra bị lũ cán bộ cơ sở họ lừa.
– Nhưng – ông ta ngả người ra ghế, ráo hoảnh – cụ phải chịu trận thôi Duy Anh ạ. Không thể làm được gì nữa. Việc đã đến đoạn này thì cụ phải chịu trận thôi.
Ông ta nhắc đi nhắc lại hai từ “chịu trận” bằng cái thứ giọng cực kỳ khó nghe.
Chúng tôi im lặng.
– Cứ để cụ chịu trận thử một lần xem sao, cũng nhẹ thôi-ông ta nói như vạch hướng thoát cho tôi.
Tôi rất muốn cười rống lên nhưng vẫn bình tĩnh hỏi:
– Anh biết nội dung bài báo sai, do B.G, nhân viên của anh hồ đồ bịa ra, chính xác là do cô ta tin vào kết luận dựa trên bằng chứng, hiện trường giả, của đoàn điều tra. Vì cái sai đó mà bố em đang đối mặt với cái chết! Việc sai thì cải chính, là chuyện bình thường mà. Chỉ cần anh cải chính là cả nhà em thoát bao nhiêu nỗi khốn khổ. Vì sao lại khó thế hả anh?
Nếu chỉ nghe thôi, có thể bất cứ ai cũng nghĩ là tôi sắp khóc.
– Khó lắm, Duy Anh ạ. Cậu đã muốn biết thì mình cũng không giấu nữa. Cực kỳ khó! Đâu chỉ là chuyện cải chính, mà nó còn liên quan đến CÁC CỤ TRÊN TỈNH, đến danh dự của cả tỉnh. Mình mà cải chính thì hoá ra công nhận các cụ sai. Mà các cụ làm gì có chuyện sai. Cậu đã thấy các cụ sai bao giờ chưa? Thế đấy, trong trường hợp này đành hy sinh cụ nhà mình thôi. Có khi nhờ thế mà cụ lại tỉnh ra đấy. Mình nghĩ quá lắm cụ cũng chỉ phải ngồi 6 tháng!
Tôi biết nếu mình có gan như Võ Tòng thì chỉ cần chặt đôi Đắc Hữu ra, còn lão Thụy thì chặt thành ba khúc rồi ném cho chó gặm, là coi như công lý được thực thi một cách hoàn hảo. Nhưng tôi sinh ra không phải để giết người. Vả lại tôi đang đi cứu bố mình, không thể sơ suất. Tôi bèn chào Đắc Hữu ra về, cốt để tôi có thời gian suy nghĩ. Ông ta cũng không niềm nở như hôm qua, một thái độ bước đệm chuẩn bị cho sự trở mặt trắng trợn về sau. Trước khi đứng dậy, tôi bảo Đắc Hữu:
– Vậy anh bảo B.G cho em xin lại lá đơn nhé.
– Mai cậu qua đây, mình bảo cô ấy đưa lại ngay.
Sáng hôm sau, trước khi trở về quê, tôi qua chỗ Đắc Hữu lấy lá đơn nhưng B.G không có nhà. Hoá ra trước đó cô ta đã mang lá đơn của tôi vào cầu cứu Công an huyện Chương Mỹ, hiện họ vẫn giữ nên chưa trả cho tôi được. Sáng tinh mơ cô ta đã tất tả về huyện. Tôi đành chờ đến trưa. Khi đưa trả lại lá đơn cho tôi, cô nhà báo còn lên giọng đe doạ là tôi có giỏi thì chuẩn bị làm việc với Công an huyện Chương Mỹ.
Tôi chỉ khẽ mỉm cười. Tôi rất muốn nói với cô ấy rằng: Nếu cá mập lỡ nuốt tôi vào bụng, thì cũng sẽ nhanh chóng phải nhè ra. Nhưng tôi lẳng lặng quay đi.
VÀI TÓM TẮT KẾT CHUYỆN:
– Nhờ sự thấu hiểu của ông Nguyễn Đình Sở, bí thư tỉnh ủy Hà Sơn Bình và thái độ công tâm của ông Hoàng Thanh Bình, trưởng công an huyện Chương Mỹ (cả hai đều đã mất) cùng một vài người khác, mọi sự bịa đặt trong bài báo đều bị bác bỏ. Bố tôi trắng án (thực ra là thối án) nhưng kể như ông đã thất bại, bởi không còn ai quan tâm đến những lời tố cáo vụng về của ông nữa.
– Bài báo của B. G, ngay sau khi xuất hiện trên báo Hà Sơn Bình, lập tức được đăng lại trên báo Nhân Dân, được điểm trong chương trình thời sự tối của Đài truyền hình Việt Nam, được đọc và phát liên tục trên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Sơn Bình.
Riêng Đài truyền thanh huyện Chương Mỹ, có hệ thống loa nối trực tiếp tới tất cả các xã, thì ngày nào cũng phát, từ khi báo Hà Sơn Bình đăng, cho đến khi vụ án dừng lại.
Nhưng chưa hết.
– Giải thưởng báo chí Toàn quốc “cho những tác phẩm báo chí cách mạng xuất sắc” năm 1987 đã VINH DANH bài báo của tác giả B.G.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.