Chúng cả!
1-7-2022
Chị chủ tiệm tóc tôi quen có chồng là bác sĩ. Dạo trước khi dịch bùng phát, hai vợ chồng sang Canada thăm con cháu, rồi mắc kẹt, rồi nấn ná mấy lượt vì tình hình đi – về quá ư nhiêu khê. Nhưng tới lịch hẹn thăm khám, điều trị cho bệnh nhân thì không thể kéo dài thêm, tốn mấy cũng phải về. Kết cuộc, lùng sục vé, về tới Việt Nam rồi mà phải vòng ra Đà Nẵng, hoàn tất cách ly mới được bay vô Sài Gòn. Tổng cộng hai vợ chồng anh chị tốn gần 200 triệu cho cuộc về nhà.
Một người bạn của tôi có khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né. Hai năm dịch, chị bán 3 căn nhà để trả lương nhân viên, cầm cự chờ ngày hồi phục. Ở Mỹ, tháng nào chị cũng đặt vé chờ để về nhưng cứ giờ chót lại bị báo hủy. Cho đến ngày cầm tấm vé về Việt Nam trên tay (là vé hạng thương gia hẳn hoi) thì đó là tấm vé “được ăn cả” mà bay về hoặc “ngã về không” – mất tiêu ráng chịu. Tổng cộng, chị mất hơn 10.000 USD cho… đám cái Lan lãnh sự!
Giờ thì “ra mặt chuột” những kẻ luôn xênh xang, bóng lộn đại diện “quốc thể” lại nhai nuốt quốc dân mình trong hoàn cảnh nguy ngập, khốn cùng. Chúng nhận hàng chục tỷ đồng, hàng trăm ngàn đô bằng chính cái chính sách “nhân đạo” mà chúng vẽ ra rồi tự ngợi ca “giải cứu”.
Từ cái mồm xoen xoét “giải cứu” đến hành vi cướp bóc bạc tỷ, chúng vẫn trong bộ dạng lịch lãm, trong khuôn mặt hộc tốc trách nhiệm. Chúng tự nhân bản nhau đầy, dưới những chức sắc khác nhưng cùng là thứ tế bào đột biến giả trá, tham lam, bất chấp. Chúng cũng tìm cách đục khoét, vơ vét, trây trét (khi tìm cách xuất hiện xun xoe cạnh lãnh đạo) bất cứ thứ gì, ở đâu từ tờ rơi đến một suất du lịch được bao tiêu miễn phí; từ một chức vụ, chỗ ngồi vớt vát đến các mối bang giao đặng còn “đánh bắt xa – gần bờ”…
Chúng cả!
Nhẽ, hôm qua cụ bảo “cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”, là đúng nhưng chưa đủ. Nào chỉ trên – dưới, mà tả – hữu, đồng cấp, hàm ngang bậc dọc. Cụ thâm sâu mà trích dẫn lời tiền nhân cho đến trí khôn dân gian nhưng, chúng có khi còn thuộc Kiều, lẩy Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều hơn cụ. Cụ cũng nhiều lần nói về danh dự, phẩm giá đạo đức con người, gia đình, dòng họ.
Nhưng ôi thôi, luân lý đạo đức thì là thứ chỉ có thể khuyên bảo nhau nên hay không nên. Bản thân những quy tắc đạo đức ấy cũng tự điều chỉnh theo từng điều điều kiện, môi trường, hoàn cảnh xã hội. Liệu 10 năm hay dài hơn thế, chúng ta có đang đạo đức hóa pháp luật – một công cụ bắt buộc sự tuân thủ – và đâu đó lại pháp lý hóa cái thuộc về luân lý, đạo đức (mà cách xử lý trò ca hát với con số 12 rõ là)?
Chế độ hậu quân chủ, nơi giai cấp quý tộc (về sau thêm nhóm giàu xổi) ươm mầm các chính trị gia và cũng là ông chủ để thiết lập nên chuẩn mực, văn hóa, ứng xử, thị hiếu. Đến dân chủ, nói theo Lincoln, người ta không thể lừa gạt tất cả mọi người mãi được nhưng người ta có thể gạt được một số người đủ để thống trị cả quốc gia.
Nhìn đám Lan, đám Long và CDC, ngó “con tốt” Việt và rộng ra, bao trùm hết thảy là bầy xe mã đang trong tay những-kẻ-buôn-vua, thì lờ mờ một lẽ: Là hệ quả từ sự “ươm mầm” và lừa mị nhau thôi, là sự làm giàu từ hành vi quơ cào, tích tụ đất đai, độc quyền hàng hóa hơn là kết quả của một trật tự quy trình sản xuất, trao đổi; từ những bao bố tiền nhét ở ban công phòng làm việc, cất trong két sắt ở nhà chứ không phải thông qua con người, tổ chức tín dụng.
Nhớ, từ “Quốc gia chính là Trẫm” (L’etat c’est moi) đến “Sau Trẫm là cơn đại hồng thủy” (Après moi le déluge) chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra với “một nước Việt buồn”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.