Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Tác động của chiến tranh Ukraine đến quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu Nga xâm lược Ukraine

 


Tác động của chiến tranh Ukraine đến quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu Nga xâm lược Ukraine

Hường Hoàng

The LEADER - Trong khi những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, liệu cuộc chiến ở Ukraine có làm cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu diễn ra mạnh mẽ hơn, hay ngược lại?

Tác động hai mặt của chiến sự Nga - Ukraine lên quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu (Ảnh: Financial Times)

Cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra một cú sốc năng lượng toàn cầu: giá nhiên liệu tăng cao và rủi ro địa chính trị gia tăng. Các quốc gia đang có phản ứng rất khác nhau về vấn đề chuyển đổi năng lượng sạchtrước tình hình này.

Lợi ích

Cuộc chiến ở Ukraine đã buộc các nước trên thế giới phải đánh giá lại sự phụ thuộc năng lượng của họ vào dầu khí của Nga. Nga cung cấp đến 25% lượng tiêu thụ dầu, 45% lượng khí đốt và 45% lượng than đá của châu Âu. Đức còn phụ thuộc nhiều hơn với 33% lượng tiêu thụ dầu, hơn 66% lượng khí đốt và 50% lượng than đá nhập khẩu từ Nga. Đây là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất châu Âu và là khách hàng quan trọng nhất của Nga.

Sau khi Nga mang quân đến Ukraine, việc loại bỏ dầu và khí đốt của Nga đã trở thành một mệnh lệnh an ninh cấp bách của châu Âu. Đây là một động lực lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở châu Âu. Vào ngày 8/3/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chiến lược năng lượng mới mang tên REPowerEU. Đây là chiến lược được thiết kế nhằm cắt giảm 66% lượng nhập khẩu năng lượng của Nga trong năm nay và hoàn toàn không phụ thuộc vào dầu khí của Nga vào năm 2027.

Chiến lược này tập trung vào hoạt động đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt bằng cách tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhập khẩu dầu từ các nhà cung cấp khác, tăng cường sản xuất và nhập khẩu khí biomethane và hydro tái tạo; cắt giảm mạnh hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại hộ gia đình, tòa nhà, trong hoạt động công nghiệp và hệ thống điện, đồng thời giải quyết những vấn đề tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng. 

Người ta hy vọng rằng chiến lược này sẽ giúp châu Âu đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch; giảm sự phụ thuộc vào những nhà cung cấp không đáng tin cậy và nguồn nhiên liệu hóa thạch không ổn định; từ đó độc lập hơn về năng lượng. Trong khi đó, vào ngày 6 tháng 4 năm 2022, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng phụ trách về kinh tế và khí hậu của Đức - ông Robert Habeck - đã công bố kế hoạch “tăng tốc” mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo “trên biển, trên đất liền và trên mái nhà”.

Nếu kế hoạch này được thực hiện, năng lượng được sản xuất từ những nguồn tái tạo của Đức có thể đạt ít nhất 80% vào năm 2030 và gần 100% vào năm 2035. Anh và Mỹ cũng đang có những kế hoạch tương tự. Rõ ràng, cuộc chiến ở Ukraine cũng như những lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng gia tăng đã khiến cho các nước châu Âu cũng như các nước khác cần phải coi việc xem xét lại mốc thời gian chuyển đổi năng lượng là một vấn đề cấp bách. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả của mục tiêu đạt mức phát thải các bon ròng bằng 0 và hạn chế sự nóng lên 1,5ºC trên toàn cầu vào cuối năm 2100.

Bất lợi

Cho đến khi nguồn năng lượng tái tạo trở nên dồi dào hơn, các quốc gia sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt, các nước châu Âu đã tìm cách tăng sản lượng than trong nước và mở cửa trở lại các nhà máy nhiệt điện than. Ví dụ, Đức – quốc gia sản xuất khoảng 25% điện năng từ than đá - đã đặt mục tiêu chấm dứt sử dụng than vào năm 2030. Tuy vậy, quốc gia này hiện đã công bố một trữ lượng than để đảm bảo nguồn cung. Hoãn đóng cửa một số nhà máy than, Đức tận dụng những nhà máy đó trong khoảng thời gian này để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga.

Hy Lạp - quốc gia sản xuất khoảng 10% điện năng từ than đá - đã đặt mục tiêu chấm dứt việc sử dụng than vào năm 2023. Hiện nước này đã đặt mục tiêu đẩy mạnh khai thác than và kéo dài hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than đến năm 2028. 

Ba Lan, quốc gia sản xuất khoảng 70% sản lượng điện từ than đá, đặt mục tiêu chấm dứt việc sử dụng than vào năm 2049. Tuy vậy, bây giờ, ngay cả việc nước này có đạt được mục tiêu này vào khoảng thời gian xa vời đó hay không cũng là một dấu chấm hỏi.

Trong khi đó, Mỹ đã tăng cường nhập khẩu dầu, kể cả từ những quốc gia bị cô lập trước đây, như Venezuela và Iran. Sản lượng dầu và khí đốt được khai thác bằng phương pháp khoan và thủy lực cắt phá của nước này cũng sẽ tăng mạnh. Mặc dù việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch như than và một số loại nguyên liệu khác được coi là một biện pháp tạm thời hoặc một giải pháp an ninh năng lượng ngắn hạn, cũng có những lo ngại rằng điều này có thể tạo ra sự phụ thuộc lâu dài và làm ảnh hưởng đến các kế hoạch khử các bon của thế giới. Biện pháp này cũng có thể làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong nhiều năm tới, khiến những mục tiêu toàn cầu về khí hậu vượt quá tầm với.

Theo dữ liệu từ IHS Markit, mặc dù chỉ nhập khẩu 5% khí đốt và 10% dầu từ Nga, Trung Quốc cũng không thoát khỏi cú sốc năng lượng toàn cầu. Ông Xizhou Zhou, Phó chủ tịch phụ trách năng lượng và năng lượng tái tạo của IHS Markit, cho biết: “Nếu thiếu hụt khí tự nhiên, Trung Quốc có thể sẽ phải tăng sản lượng than trong nước như là một biện pháp cuối cùng của nước này nhằm bảo vệ an ninh năng lượng”. Hơn nữa, việc Bắc Kinh cam kết giới hạn mức tiêu thụ than trong thập kỷ này đồng nghĩa với việc lượng tiêu thụ than và lượng phát thải của nước này có thể vẫn sẽ tiếp tục tăng trong vài năm sắp tới. 

(World Economic Forum, Bloomberg, Financial Time)

H.H.

Nguồn: The Leader

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.