Sau ‘thu ngân sách tăng 0,3%’ sẽ là bao nhiêu… đại án?
Vừa có vài thông tin trả lời cho thắc mắc: Tại sao hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải rời thị trường (trung bình, mỗi ngày, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lên tới 430). Số doanh nghiệp lớn (qui mô vốn ở mức trên 100 tỉ) rời thị trường tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng doanh nghiệp đang chờ hoàn tất thủ tục giải thể tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chưa kể khoảng 87% doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp hoạt động bằng vốn đầu tư của ngoại quốc – FDI) xác nhận, dịch COVID-19 tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động nên họ gặp rất nhiều khó khăn (1)nhưng… TỔNG THU NGÂN SÁCH CỦA QUÝ MỘT NĂM NAY VẪN TĂNG 0,3% SO VỚI CÙNG KỲ NĂM NGOÁI (2)…
***
Bộ Tài chính Việt Nam mới cung cấp một phần câu trả lời cho thắc mắc vừa kể. Đó là trong quý một năm nay, “ta” vừa đem công sản ra bán dưới mỹ danh… thoái vốn nhà nước ở chín doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Cao su (VRG), ở Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), ở Nhà Xuất bản Giáo dục (NXB Giáo dục) Việt Nam, ở Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), ở Tổng Công ty Thái Sơn (doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng như Viettel) và ở… BA DOANH NGHIỆP THUỘC QUYẾT ĐỊNH SỐ 908/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG.
Có một điểm đáng chú ý: Tuy vốn nhà nước là công sản. Công sản thuộc sở hữu toàn dân, chính phủ chỉ là đối tượng được toàn dân ủy nhiệm để quản lý công sản, điều hành việc sử dụng công sản sao cho có lợi nhất đối với quốc gia, dân tộc nhưng chính phủ chỉ loan báo khi đã bán chín doanh nghiệp của VGR, Viettel, NXB Giáo dục, VNPT, Tổng Công ty Thái Sơn thu về tổng cộng 2.081, 3 tỉ và bán BA DOANH NGHIỆP THUỘC QUYẾT ĐỊNH SỐ 908/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG thu về tổng cộng 84,1 tỉ đồng. Chính phủ không thèm thông báo những chi tiết liên quan tới chuyển nhượng, chuyển nhượng một phần hay toàn bộ, chuyển nhượng cho ai? Có tổ chức đấu giá không? Giữa giá thẩm định và giá chuyển nhượng có khác biệt không, thấp hơn hay cao hơn, vì sao?..
Thay mặt chính phủ, Bộ Tài chính loan báo, ngoài việc đã bán những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sừng sỏ như liệt kê, quý vừa qua chính phủ còn bán BA DOANH NGHIỆP THUỘC QUYẾT ĐỊNH SỐ 908/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG. Nếu chịu khó tìm kiếm sẽ thấy Quyết định số 908/QĐ-TTg được ban hành hồi giữa năm ngoái (4). Quyết định này đính kèm tới ba phụ lục – chính xác là ba danh mục cụ thể nhằm phân loại những DNNN mà chính phủ quyết định bán (Phụ lục một là những DNNN mà chính phủ sẽ bán trong năm 2020. Phu lục hai là những DNNN phải soạn thảo kế hoạch cụ thể để mang ra bán. Phụ lục là những DNNN phải tạm ngưng bán trong năm 2020 để xem xét lại trước khi đem ra bán trong giai đoạn từ 2021 – 2025).
Trong Phụ lục một có 120 DNNN của một số bộ và nhiều tỉnh, thành phố được xác định là phải bán trong năm 2020, bốn DNNN nếu không bán được thì cuối năm 2020 phải giao cho SCIC (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) quyết định, 14 DNNN phải sớm giao cho SCIC đứng bán. BA DOANH NGHIỆP THUỘC QUYẾT ĐỊNH SỐ 908/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG là những DNNN nào trong Phụ lục 1 hay thậm chí là những DNNN trong Phụ lục 2, hoặc Phụ lục 3? Vì sao chính phủ – đối tượng chỉ được ủy nhiệm quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân và thay toàn dân điều hành – sử dụng tài sản lại xem thường chủ của mình đến như vậy?
***
Khi DNNN có thể khai thác tận tình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN để vắt kiệt nội lực quốc gia nhưng chỉ tạo thêm nợ, giải tư (tư nhân hóa), hay cổ phần hóa DNNN, hay thoái vốn, hay mang công sản ra bán là cần thiết. Tuy nhiên thay vì cả đảng, lẫn quốc hội, nhà nước, chính phủ cùng tự kiểm, thừa nhận chủ trương, chính sách liên quan đến DNNN đã gây thiệt hại đến mức nào, sẽ bán công sản để khắc phục hậu quả ra sao, vớt vát lại được bao nhiêu thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lại dùng tiền bán công sản như một bằng chứng để khoe rằng các chính sách phòng – chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 đã giúp… thu ngân sách của quý một tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái!
Vì sao đã có rất nhiều scandal liên quan đến mua – bán tài sản thuộc sở hữu toàn dân nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn tiếp tục bán công sản không công khai, thiếu minh bạch, chẳng thèm bận tâm đến toàn dân – chủ sở hữu thật sự của những khối tài sản này nghĩ gì, muốn gì? Sau vô số vụ án đã xét xử xong hoặc đang điều tra và vô số đề nghị, khuyến cáo (5), hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không có khả năng rút kinh nghiệm, lắng nghe, không muốn sửa sai hay xem đó là… cơ hội – đến thời điểm nào đó sẽ chỉ đạo biến một số vụ mua bán công sản thành… đại án để chứng tỏ… chống tham nhũng không có vùng cấm, không chấp nhận ngoại lệ?
Chú thích
(1) https://www.thesaigontimes.vn/td/315958/moi-ngay-co-gan-430-doanh-nghiep-dong-cua.html
(5) https://plo.vn/thoi-su/cac-dai-gia-nham-vao-dat-khi-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-951850.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.