Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Phục sự lì lợm chiến đấu của những con người này

 

Phục sự lì lợm chiến đấu của những con người này

Nguyễn Văn Thịnh

14-5-2021

Dọc 3 miền, mình cũng đến thăm nhiều gia đình đi kêu oan. Nên cũng gặp nhiều hoàn cảnh trớ trêu dở khóc dở cuời (kiểu mếu).

Ví dụ nhé, đây là gia đình ở Lạng Sơn đang kiện đòi đất, đất bị chính quyền xã cưỡng chế sai phép. Cụ già nhất tên là Vi Văn Tuỳ. Trong ngôi nhà ngói rách, ông quản lý 4 khẩu. Nhớ lại vài năm trước, khi mất đất về tay xã, cả nhà ông bị trói như con lợn, ức chế ông ra Hà Nội đến Ngô Thì Nhậm nộp đơn kêu oan, nghĩ là sẽ cho bọn chính quyền xã một trận ra hồn, nhưng bên Ngô Thì Nhậm móc ngoặc hay thế nào đó, chả biết… dùng một bài xưa nhưng hiệu quả để phá quyết tâm của ông.

Nộp đơn, đợi…, nộp đơn, đợi… nộp đơn, đợi… chờ xử lý. Năm này qua năm khác vẫn đợi. Ông Tuỳ bây giờ 87 lá mùa thu, yếu quá để có thể ăn chực nằm chờ ở vỉa hè nộp đơn khiếu nại. Thế là trong 4 khẩu ông quản lý, ông quyết định chọn ra một người đi thay ông kiện chính quyền.

Nhưng bi kịch là 4 khẩu thì có 3 khẩu mắc bệnh tâm thần, nhớ nhớ cười cười rồi quên, kiện nỗi gì. Khẩu tỉnh táo duy nhất thì vừa liệt vừa ngọng. Nhưng tỉnh là được. Thế là anh con trai Vi Văn Hoà thay mặt gia đình nhận nhiệm vụ cao cả đi đòi công lý, may sao có bà Sử là vợ đồng hành, đổi cho đôi chân, nấu cơm tắm rửa khi lăn lê ngoài thủ đô. Mấy năm gần đây ở Ngô Thì Nhậm, Hà Đông mới có sự tích đôi vợ chồng què ăn xin, anh chồng nói ngọng nhưng hát đến là hay.

Ảnh: FB tác giả

Ảnh này là kỷ yếu diễn lại khoảnh khắc Ông Tuỳ, con dâu và cháu nội đứng trên mảnh đất đang tranh chấp, chia tay vợ chồng chú Hoà lên đường viễn xứ. Cô cháu nữa tên Phượng học lớp 12 không có mặt vì đang bị nhốt trong cũi từ Tết đến giờ vì hay đập phá đồ đạc.

Đi gặp người dân oan. Thấy họ vô vọng như những người đuối nước trôi ngoài sóng lớn, họ vớ được mình thì cố níu giữ như được một cái cọc để bám vào. Nhưng thật ra mình cũng bất lực như họ thôi, cũng chỉ như những đám bèo trôi. May của mình là vẫn chưa rơi vào vòng xoáy bất công chua chát như họ, nên còn nhởn nhơ mà nghĩ, mà viết bài.

Giờ mình chả giúp được gì, đến bên cạnh chỉ để họ có người bộc bạch và nếu tốt thì để câu chuyện của họ không bị lãng quên.

Tuy nhiên phục sự lì lợm chiến đấu của những con người này.

Tặng ông anh Hoà chị Sử. Sẽ không quên đâu.

Bonus: Video chuyện tình Hoà Sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.