Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

“Kiện ra công an” và kiện ra tòa

 

“Kiện ra công an” và kiện ra tòa

Khi đã đụng tới công an, nghĩa là bạn muốn đẩy vụ việc theo một hướng khác với hướng kiện ra tòa.

Trịnh Hữu Long

Quang cảnh một phiên tòa dân sự ở Lạng Sơn. Ảnh: Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Quang cảnh một phiên tòa dân sự ở Lạng Sơn. Ảnh: Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Nhiều người nói Vinfast đã “kiện” khách hàng ra công an rồi từ đó sẽ ra tòa giải quyết, không có gì gọi là rùng rợn hay không văn minh ở đây cả.

Đó là cách họ đáp trả cho quan điểm của những người cho rằng nhẽ ra Vinfast nên kiện khách hàng ra tòa thay vì “méc công an”.

Theo cách giải thích của những người ủng hộ Vinfast, có thể hiểu theo hai hướng. 

Một là, kiện ra công an là cơ sở đầu tiên để ra tòa giải quyết. Như vậy, công an là sẽ đầu mối đầu tiên để hai bên gặp nhau tại tòa và xử lý tranh chấp của mình.

Hai là, có thể họ đang nghĩ rằng cơ quan công an sẽ giải quyết vụ việc riêng rẽ, và bản thân cơ quan tòa án cũng sẽ giải quyết vụ việc trong phạm vi quyền năng của mình. 

Cả hai cách hiểu này đều có vấn đề.

Vậy “kiện ra công an” và “kiện ra tòa” thì khác gì nhau?

Thực ra luật không có khái niệm “kiện ra công an”. Đó là lối nói dân dã. Đã kiện thì chỉ có kiện ra tòa dân sự hoặc tòa hành chính. Kiện là việc nhờ tòa phân xử một vụ việc dân sự hoặc hành chính. Công an không phải cơ quan phân xử để mà tới đó kiện được.

Khi đã đụng tới công an thì nghĩa là bạn muốn đẩy vụ việc theo một hướng khác: hướng vụ án hình sự.

Như vậy, ở đây ta có ba con đường để giải quyết một xung đột theo pháp luật: dân sự, hành chính, và hình sự.

Ta tạm gác con đường khởi kiện hành chính sang một bên vì vụ Vinfast – Trần Văn Hoàng không liên quan tới cơ quan nhà nước hay quyết định hành chính nào để mà phải tính đến con đường khởi kiện hành chính. Ta xem xét con đường dân sự và con đường hình sự.

Khởi kiện dân sự

Nhiều người nói rằng Vinfast nên học các hãng xe ở các nước văn minh là xin lỗi khách hàng, chăm sóc khách hàng chu đáo, nếu có tranh chấp gì quá đáng lắm thì hãy khởi kiện dân sự.

Khởi kiện dân sự thì phải đâm đơn kiện trực tiếp ra các tòa án dân sự, nơi chuyên xét xử những tranh chấp liên quan đến hợp đồng, hôn nhân, lao động, sở hữu trí tuệ, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, v.v. Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự là hai văn bản bạn cần đọc.

Vụ Vinfast – Trần Văn Hoàng rơi vào trường hợp tranh chấp về hợp đồng mua xe, bảo dưỡng xe ô-tô và tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do gây tổn hại uy tín.

Bản chất của tranh chấp dân sự là nó liên quan đến lợi ích tư, chứ không phải lợi ích công cộng như an ninh quốc gia hay tính mạng, tài sản của công dân.

Quá trình giải quyết một tranh chấp dân sự cũng có thể qua con đường hai bên tự thỏa thuận, trọng tài, hay các trung gian hòa giải khác, không nhất thiết phải ra tòa.

Khi tòa dân sự đã thụ lý rồi thì hai bên vẫn có thể rút đơn, tự thỏa thuận với nhau, hoặc hòa giải tại tòa. Đó gọi là nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Nó dựa trên cơ sở là đây là chuyện riêng giữa các đương sự, tòa chỉ can thiệp khi được đương sự yêu cầu.

Khi giải quyết vụ việc tại tòa, về cơ bản nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự, chứ tòa hay các cơ quan nhà nước không có nghĩa vụ điều tra, chứng minh giúp cho ai, trừ một số trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 97 và 106 của BLTTDS.

Phán quyết dân sự cũng chỉ ảnh hưởng tới các yếu tố nhân thân (uy tín, danh dự, hình ảnh…) và tài sản (trong trường hợp phải bồi thường, hoàn trả tài sản…). Việc thi hành án dân sự là bổn phận của các bên liên quan và cơ quan thi hành án dân sự, chứ không liên quan tới… trại giam hay công an.

Và ngay cả khi tòa dân sự đã tuyên án, hai bên vẫn có thể thỏa thuận về việc có thi hành án hay không, nếu có thì thi hành một phần hay toàn bộ bản án, và thi hành án như thế nào. Xin tham khảo thêm Luật Thi hành án Dân sự.

Trong suốt quá trình tố tụng dân sự đó, có thể thấy lực lượng công an không có bất kỳ vai trò nào để mà “kiện ra công an rồi ra tòa giải quyết” cả.

“Kiện ra công an”

Như đã nói, pháp luật không có khái niệm “kiện ra công an”. Đã đụng đến công an thì chỉ có thông qua thủ tục tố giác, báo tin tội phạm. Lý do đơn giản là công an không phải người bảo vệ cho lợi ích tư của các cá nhân, doanh nghiệp, nói đơn giản là không phải người gác cổng cho nhà riêng của bạn. Họ bảo vệ lợi ích công cộng, tức là lợi ích của một cộng đồng xã hội. (Xem thêm Bộ luật Hình sự và Luật Công an Nhân dân).

Ví dụ: 

Khi bạn giết một người, bạn không chỉ tước đoạt tính mạng của riêng người đó, bạn còn tạo ra một mối đe dọa đến tính mạng của tất cả các thành viên khác của xã hội. 

Khi bạn cướp tài sản, bạn không chỉ tước đoạt tài sản của riêng người đó, mà còn tiềm tàng sẽ cướp của bất kỳ ai trong xã hội mà bạn có thể cướp.

Đó là lý do người ta phải làm hai việc: cách ly bạn với xã hội ngay lập tức nếu cần thiết và trừng phạt bạn. Bộ luật Tố tụng Hình sự nói riêng và các luật trong lĩnh vực hình sự nói chung sẽ được áp dụng trong quá trình này.

Bản chất của vụ án hình sự là xem xét trừng phạt một công dân (và cả pháp nhân) bằng vũ lực của nhà nước. Tính chất cưỡng chế ở đây là hoàn toàn rõ ràng chứ không còn mang màu sắc tự do thỏa thuận như trong vụ việc dân sự nữa.

Khi tố giác ra công an thì họ tiếp nhận thông tin, sau đó tiến hành xác minh, điều tra sơ bộ. Sau đó, nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm thì họ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can, triệu tập các bên liên quan, v.v. Quá trình này sẽ kết thúc với việc ban hành bản kết luận điều tra, gửi sang Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị truy tố bị can ra tòa án hình sự.

Viện kiểm sát đi theo cơ quan đi ra trong suốt quá trình nói trên. Nếu họ quyết định truy tố thì bị can phải ra tòa hình sự và khi đó trở thành bị cáo.

Phán quyết của một phiên tòa hình sự là tuyên bố bạn có tội hay không có tội, nếu có tội thì phải chịu hình phạt như thế nào (tử hình, phạt tù, phạt tiền, trục xuất). Nếu bạn gây thiệt hại cho người khác khi phạm tội thì còn phải bồi thường thiệt hại – đây là khía cạnh dân sự của một vụ án hình sự. Xin đọc thêm Luật Thi hành án Hình sự.

Như vậy, lá đơn tố giác tội phạm của Vinfast, trong trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến án tù cho khách hàng Trần Văn Hoàng. Khi bạn đã tố giác rồi thì cơ bản là không thể rút đơn, và nếu có rút thì cũng không có nghĩa là công an dừng xác minh, điều tra, không có nghĩa là người bị tố giác sẽ không bị xét xử. Lý do rất đơn giản: công an có nghĩa vụ phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa những hành vi gây tổn hại đến lợi ích chung của xã hội. Vụ án hình sự là việc giữa nhà nước với công dân, chứ không còn là việc riêng giữa người tố giác và người bị tố giác nữa. Vì thế, bạn rút đơn tố giác hay không cơ bản không làm thay đổi cách công an xử lý vụ việc, trừ một số trường hợp đặc biệt (Điều 155 – BLTTHS).

Vụ việc Vinfast – Trần Văn Hoàng lại không rơi vào trường hợp đặc biệt nào như trên, do đó, Vinfast có rút đơn thì về mặt pháp lý, công an vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trần Văn Hoàng.

***

Như vậy, với vụ việc này, câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra là nó là vụ dân sự hay vụ hình sự?

Việc một khách hàng phát ngôn về chất lượng của sản phẩm mà mình mua, về bản chất, là một vấn đề dân sự. Không có lợi ích công cộng nào bị tổn hại vì phát ngôn này. Chỉ có lợi ích tư nhân, cụ thể là của Vinfast, bị tổn hại. 

Chuyện phát ngôn của khách hàng đúng hay sai thì hậu xét, yếu tố đó không làm ảnh hưởng tới bản chất dân sự của vụ việc.

Tranh chấp giữa Vinfast và khách hàng Trần Văn Hoàng, do đó, chỉ nên được giải quyết qua con đường dân sự: thỏa thuận, trọng tài hay tòa án dân sự. Việc tố giác Trần Văn Hoàng ra công an được gọi là hành vi hình sự hóa một vụ việc dân sự. Rất tiếc, luật Việt Nam hiện nay đang có nhiều điều khoản hình sự hóa các quan hệ dân sự, tạo điều kiện cho các công ty như Vinfast mượn tay công an để trừng phạt khách hàng của mình.

Nếu một hãng xe ô-tô có thể yêu cầu công an bảo vệ lợi ích riêng của mình thì chủ một cửa hàng bánh đúc có thể yêu cầu tương tự khi có khách chê bánh dở không?

Hỏi tức là trả lời.

T.H.L.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.