Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Từ chuyện Hà Nội và ‘ngăn tủ’, ‘rũ nôi’

 

Từ chuyện Hà Nội và ‘ngăn tủ’, ‘rũ nôi’

Ông Chu Ngọc Anh. (Hình: Trích xuất từ most.gov.vn)

Tuần rồi, ông Chu Ngọc Anh – Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KHCN) – đột nhiên nổi như cồn vì hai lý do: Thứ nhất, thiên hạ kháo nhau, ông là người được đảng chọn làm Chủ tịch thành phố Hà Nội thay ông Nguyễn Đức Chung vừa thất sủng. Thứ hai, ông vừa tuyên chiến với… “ngăn tủ” và thúc… “rũ nôi”.

Không rõ tin ông Chu Ngọc Anh sẽ trở thành Chủ tịch thành phố Hà Nội chính xác đến mức nào nhưng tuần rồi, đã có một vài cơ quan truyền thông chính thức, chẳng hạn như tờ Lao Động, đột nhiên ca ngợi ông Chu Ngọc Anh hết sức… bất thường. Tuy tựa bài viết vừa đề cập (Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tuyên chiến với “ngăn tủ”, “rũ nôi” tiềm lực Hà Nội) (1) nhằm đề cao ông Anh, khiến thiên hạ buộc phải chú ý đến Bộ trưởng KHCN nhưng rõ ràng sự chú ý đó hại nhiều hơn… lợi! Cách đề cao chẳng khác gì minh họa cho khuyến cáo của cổ nhân: Khen nhau như thế bằng mười hại nhau! – hay lối khái quát mà giới bình dân quen dùng: Khen cho nó… chết!

Theo Lao Động, tại một cuộc thảo luận về KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vừa diễn ra hôm 14 tháng 8, ông Anh yêu cầu KHCN phải có “tâm thế phục vụ, đồng hành” và trong bài viết nửa tường thuật, nửa bình luận này, Lao Động đề cập đến một sự kiện cũng liên quan đến ông Anh hồi… tháng rồi…

Tháng rồi, khi làm việc về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ông Anh nhận định, tuy Hà Nội là “cái nôi với 80% trường đại học, viện nghiên cứu. 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, nơi sinh sống của ‘phần lớn tinh hoa cả nước’ với 65% giáo sư, tiến sĩ…” nhưng vẫn chưa có “nhiều đề tài, sáng chế hữu ích, có tính thực tiễn, xứng tầm Thủ đô”. Do vậy, ông chỉ đạo, KHCN phải… “rũ nôi” để “đứng dậy, lớn mạnh, thực sự trờ thành một thung lũng silicon”. Lao Động còn nhắc lại một trăn trở của ông Anh hồi… 2018: Công quỹ đã chi tới 2.900 tỉ cho nghiên cứu KHCN nhưng những nghiên cứu này chỉ nằm trong… “ngăn tủ” và rõ ràng là lãng phí vì “chậm ứng dụng trong cuộc sống”.

Sau khi nhặt nhiều phát ngôn của ông Anh suốt từ 2018 đến nay để chứng minh ông Anh “thành thật” khi đề cập đến “tâm thế phục vụ, đồng hành”, đòi hỏi KHCN phải có “trách nhiệm với từng đồng thuế của dân”, Lao Động khẳng định ông Anh sẽ là một nhân vật để Khu Công cao Hoà Lạc “rũ nôi”, để Hà Nội “rũ nôi”, để đất nước “rũ nôi”

Theo Wikipedia thì ông Anh là một Giáo sư – Tiến sĩ kiêm chính khách. Ông là Ủy viên BCH TƯ đảng và Bộ trưởng KHCN từ năm 2016. Không cần tìm số liệu, chỉ cần nhìn vào những phát biểu đã được Lao Động hệ thống lại cũng đủ thấy bất an vì ông Chu Ngọc Anh… liều quá. Tại sao đã phát hiện tình trạng nghiên cứu KHCN ngốn tới 2.900 tỉ nhưng đa số nghiên cứu chỉ nằm trong “ngăn tủ” từ năm 2018 mà đến giờ nghiên cứu KHCN vẫn nằm trong “nôi”. Ai đã đặt KHCN vào “nôi” và năng lực của ông thế nào, trách nhiệm cá nhân của ông ra sao khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng KHCN mà đến giờ, Hà Nội nói riêng và KHCN nói chung phải… “rũ nôi”?

Nhận định ông Anh… thành thật, quyết đoán là… ngoa ngôn. Thân là Ủy viên BCH TƯ đảng, đảm nhận vai trò Bộ trưởng KHCN đã bốn năm mà tình trạng nghiên cứu KHCN dù ngốn hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác vẫn không thể ứng dụng, chỉ nằm trong… “ngăn tủ” và giờ đòi phải… “rũ nôi” còn… ngoa ngoắt hơn!

***

Bộ trưởng KHCN… ngoa ngôn, chỉ trích tình trạng KHCN không hữu dụng, các nghiên cứu chỉ nằm trong “ngăn tủ” và đòi phải “rũ nôi” như một người… ngoài cuộc, hoàn toàn… vô can, không phải là cá biệt! Hệ thống truyền thông chính thức không những không thắc mắc mà còn khen là “thành thật” và “quyết đoán” cũng là… ngoa ngôn!

Đáng bàn là tại Việt Nam, ngoa ngôn như thế đã trở thành nếp, phổ biến từ trên xuống dưới… Cho nên cứ Hà Nội, TP.HCM ngập sâu, ngập lâu, thiên hạ lại nhắc đến tuyên bố… “vận nước đang lên” của… Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước (3). Hay đối diện với những bất cập của chính sách, bất toàn về kinh tế – xã hội, người ta lại… nhớ tới ví von “cột điện ở Mỹ cũng sẽ về Việt Nam nếu biết đi” (4) của… Thủ tướng để… cười cho đỡ… buồn bực! Vì sao ngoa ngôn không những không bị xem là thói hư, tật xấu mà còn phát triển tới mức giống như một phẩm chất tất yếu, một loại cảm hứng tất nhiên phải có nếu muốn trở thành viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền?

Vì quan niệm về đạo đức lệch chuẩn chung nên không thể phân biệt được đúng – sai, phải – trái theo lẽ thường? Vì năng lực trí tuệ của cá nhân có giới hạn nên không tiên liệu được hậu quả đối với chính mình và hệ thống? Vì hết sức chủ quan bởi xét cho đến cùng, sự tồn tại và thăng tiến của một cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào quy hoạch nhân sự chứ không phải lá phiếu của đồng bào nên không cần bận tâm đến suy nghĩ của họ, thành ra chọc cho dân giận, thúc cho họ mắng trở thành… lạc thú?

Chú thích

(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-truong-chu-ngoc-anh-tuyen-chien-voi-ngan-tu-ru-noi-tiem-luc-ha-noi-828112.ldo

(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_Ngọc_Anh_(chính_khách)

(3) https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-van-nuoc-dang-len-1064186.html

(4) https://tinhhoa.net/thu-tuong-neu-cot-dien-o-my-ma-biet-di-no-se-ve-viet-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.