Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Kỷ Niệm 75 Năm Ngày Nhật Đầu Hàng (2/9/1945 — 2/9/2020): Nguyên Nhân và Ảnh Hưởng (Phần I)

 

Kỷ Niệm 75 Năm Ngày Nhật Đầu Hàng (2/9/1945 — 2/9/2020): Nguyên Nhân và Ảnh Hưởng (Phần I)

Đỗ Kim Thêm

30-8-2020

Tóm lượcLần đầu tiên Mỹ thử nghiệm bom nguyên tử thành công trong khi Đức còn tụt hậu về tình trạng nghiên cứu. Nhờ có gián điệp Đức, Liên Xô biết các đề án của Mỹ và không phản ứng. 

Trong bản Tuyên bố Postdam, Đồng Minh đòi hỏi quân đội Nhật đầu hàng vô điều kiện. Vì Nhật không đáp ứng, nên Truman quyết định cho ném bom nguyên tử vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 tại Hiroshima và ngày 9 tháng 8 tại Nagasaski. 

Ngày 15 tháng 8, Nhật Hoàng tuyên bố chấp nhận điều kiện của Đồng Minh đề ra, nhưng không nêu đích danh là đầu hàng. Sáng ngày 2 tháng 9, Mỹ nhận lời đầu hàng của quân đội Nhật. 

Lý do chủ yếu buộc Nhật đầu hàng không phải là do Mỹ ném bom mà do Liên Xô tuyên chiến. Khi các giải pháp đàm phán với Liên Xô và chống Mỹ đổ bộ không còn cơ hội thành công, Nhật thấy không thể luỡng đầu thọ địch và chịu cảnh đất nước bị Đồng Minh chia cắt.

Sau khi Nhật đầu hàng, các nước thuộc địa trong vùng Á Đông lần lượt thu hồi độc lập bằng giải pháp ngoại giao, trừ Việt Nam phải vũ trang chiến đấu chống Pháp.

Bối cảnh 

Từ mờ sáng ngày 16/6/1945, ba ngày trước khi hội nghị Postdam khai mạc, một nhóm các nhà vật lý nguyên tử Mỹ và Anh đã thực hiện một cuộc thử nghiệm bom nguyên tử lần đầu tiên trong vùng sa mạc Alamogordo thuộc tiểu bang New Mexico. Nỗ lực này là kết quả của dự án Mahattan, một công trình nghiên cứu dài hạn do chính phủ Mỹ tài trợ, mà năng động chính là Mỹ lo sợ Đức sẽ chiếm ưu thế trong việc sản xuất và sử dụng bom nguyên tử, vì Đức đã nổi danh có sẵn các nhà nghiên cứu hàng đầu như Otto Hahn, Werner Heisenberg và Carl Friedrich von Weizsäcker.

Thật ra, lo sợ này không có cơ sở. Dù quan tâm đến tác dụng thần kỳ của loại bom này trong ngắn hạn, nhưng Adolf Hitler, thủ lĩnh Đảng Đức Quốc Xã, vẫn chưa nghĩ tới việc phát triển bom thành một ngành kỹ thuật mới cho mục tiêu quân sự, mà lý do là không biết chắc khi nào có thể mang ra sử dụng.

Vào tháng 6 năm 1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt triệu tập The Atomic Energy Commission, một Ủy ban Nghiên cứu bom; nhìn chung, Mỹ đạt được trình độ mà Đức chưa đạt sau năm 1944. Vào tháng 10 năm 1944 và đầu tháng 3 năm 1945, Schutzstaffel (SS), Tổ chức Vũ trang của  Đức Quốc xã, đã cho thí nghiệm bom tại một địa điểm ngoại vi của trại tập trung Buchewald, Thüringen. Do đó, tình trạng nghiên cứu và sử dụng bom của Đức vẫn còn thua xa Mỹ.

Từ lâu, Mỹ quyết định vụ thử nghiệm tuyệt mật này. Tại một địa điểm cách xa Alamogordo 30 cây số, William L. Laurence, ký giả chuyên mục thời sự khoa học cho New York Times, đã theo dõi và mô tả: “Trong khoảng im lặng vô biên, một ngọn lửa bùng lên quả đất mà chưa ai thấy bao giờ. Một thời gian ngắn sau, ánh sáng lan toả tràn ngập khắp đất trời và một tiếng sấm long trời nổ ra. Ngay sau khi ánh sáng này lặp lại, một loạt các âm thanh giống như của hàng ngàn quả bom nổ cùng một lúc và mặt đất lung lay như trong một cơn động đất“.

Quả bom mang tên Trinity có sức công phá vượt qua sự mong đợi của J. Robert Oppenheimer, nhà lãnh đạo nhóm chuyên trách. Tuy thành công trong âm thầm, nhưng ảnh hưởng của bom làm thay đổi triệt để cho cục diện thế giới về sau.

Sau khi đến Postdam, Tổng thống Harry Truman nhận tin thử nghiệm thành công và nghĩ ngay rằng bom sẽ kết thúc nhanh chóng chiến tranh tại Viễn Đông mà không ai lường được trước.

Ngày 18 tháng 6, Đô Đốc Willian D. Leahy, Tổng Tham mưu trưởng, báo tin cho Tổng thống Truman biết, diễn biến về các trận giao tranh tại Okinawa từ tháng 4 cho đến tháng 6, Nhật làm cho khoảng 268.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, số thương vong cao nhất cho đến thời điểm đó tại các mặt trận của Đệ nhị Thế chiến.

Ngay trong mùa hè năm 1945, Tổng thống Truman, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Henry L. Stimson và Ngoại trưởng James F. Byrnes cho rằng, khi cuộc chiến tiếp tục với các loại vũ khí quy ước trong nhiều tháng tới, thì Nhật sẽ đầu hàng vào mùa thu năm 1946.

Là thượng nghị sĩ và quan tâm đến thánh phần cử tri địa phương và các chuyên đề an ninh, cả hai Truman và Byrnes luôn nghĩ là chính giới Mỹ đang tiếp tục đeo đuổi một cuộc chiến đẫm máu. Dù Mỹ có đủ phương tiện để chiến thắng, khi chịu nhiều tổn thất như vậy, thì sẽ không được công luận tha thứ. Vì thế, Truman và các cố vấn thân cận đều đồng thuận cho việc sử dụng bom mới.

Thoạt đầu, ngày 17 tháng 7, Truman tiết lộ cho Thủ tướng Anh Winston Churchill về cuộc thử nghiệm và cả hai quyết định là không báo tin cho Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Josef Stalin biết. Lý do cho sự im lặng này là cả hai muốn cho Stalin tham gia chống Nhật ở mặt trận Thái Bình Dương.

Harry Truman và Josef Stalin. Nguồn: Internet

Trong một cách tình cờ bên lề cuộc họp Postdam ngày 24 tháng 6, Truman báo cho Stalin biết là Mỹ vừa sản xụất một loại bom mới với sức công phá khác thường. Stalin tỏ ra phản ứng bình tĩnh và hy vọng rằng Mỹ sẽ sử dụng bom cho mục tiêu chống Nhật.

Thực ra, Stalin đã biết được đề án Mahattan từ lâu nhờ Klaus Fuchs, một nhà vật lý nguyên tử Đức đào thoát sang Anh làm gián điệp cho Nga. Fuchs cũng là người trực tiếp tham gia tại Alamogordo và báo tin cho Stalin.

Đến ngày 25 tháng 7, Stalin cam kết tham chiến chống Nhật trong khi Truman hy vọng là Stalin chấp nhận các yêu sách của Đồng Minh trong việc phân chia lãnh thổ châu Âu sau chiến tranh.

Ngay trong nhật ký ngày 25 tháng 7, Truman tỏ lộ là khi Tokyo không kết thúc chiến tranh, Mỹ sẽ ném bom trước ngày 10 tháng 8, vì là một điều tốt cho thế giới, nhất là tận dụng cơ hội kịp thời để cứu nguy sinh mệnh cho hàng trăm ngàn lính Mỹ trong khi Hitler hoặc Stalin chưa có bom tương tự. Mỹ tìm cách tránh gây tổn thương cho phụ nữ và trẻ em. Vào thời điểm này, Mỹ chưa đưa ra quyết định chính thức và Nhật còn có cơ hội đầu hàng.

Cụ thể là trong một tối hậu thư ngày 26 tháng 6, Truman, Churchill và Tưởng Giới Thạch (không tham gia hội nghị Postdam) yêu cầu Nhật Hoàng Hirohito, chậm nhất là đến ngày 2 tháng 8, buông vũ khí để tránh cho việc Nhật bị san bằng thành bình địa và quân đội Nhật bị đại bại. Đồng Minh nhấn mạnh trong thư là chủ nghĩa quân phiệt vô trách nhiệm và giới hữu trách về chính sách xâm lăng phải bị loại trừ và những tội phạm chiến tranh phải bị đem ra xét xử. Nhật không thể bác bỏ các điều kiện tiên quyết này do Đồng Minh đề ra.

Như trong Bản Tuyên bố tại Cairo vào tháng 11 năm 1943 đề cập, quyền toàn vẹn lãnh thổ và dân tộc tự quyết của Nhật phải bị giới hạn cho đến khi Nhật tái lập được hoà bình và dân chủ.

Khác với trường hợp của Đức, điểm chính yếu của Bản Tuyên bố Postdam là đòi hỏi quân đội Nhật đầu hàng, trong khi nước Nhật và người Nhật có quyền tự quyết về chính trị, khai thác tài nguyên và tham dự vào nền thuơng mại thế giới, đó là triển vọng cho tương lai của Nhật. Trong chiều hướng này, Đồng Minh không đòi hỏi Nhật Hoàng Hirohito phải thoái vị hay chấp nhận cho tiếp tục trị vì; việc chuyển sang chế độ cộng hoà và đe doạ ném bom cũng không được đặt ra.

Từ ngày 7 tháng 4 năm 1945, được Nhật Hoàng tin cẩn và do áp lực của các phe chủ hoà, Đô đốc Kantaro Suzuki được giao cho chức vụ thủ tướng chính phủ. Vào tháng 6 tại Moskow, theo sự điều động của Ngoại trưởng Togo Shigenori, cựu Thủ tướng Konoe Fumimaro có thảo luận với Liên Xô để cố làm thay đổi quan điểm trung lập của Liên Xô trong vai trò trung gian. Phía Liên Xô phản ứng dè dặt và muốn chận đứng các động thái mới của Nhật. Tại Postdam, Kanoe cũng có bày tỏ lập trường này, nhưng không kết quả.

Lúc bây giờ, giới lãnh đạo Nhật bị phân hoá trầm trọng. Phe hiếu hoà do Ngoại trưởng Togo lãnh đạo thấy Bản Tuyên bố Postdam có những điểm tích cực, nhưng vấn đề chính cần phải làm sáng tỏ là vị thế của Nhật Hoàng Hirorito. Nhóm quân phiệt cực đoan xoay chung quanh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anami và Tướng Tư lệnh Quân đội Umezu cho rằng chấp nhận tối hậu thư là không phù hợp với danh dự của Nhật.

Vào ngày 28 tháng 7, sau khi thảo luận chi tiết, Hội đồng Tối cao Chiến tranh của Nhật khuyến cáo là phải chờ đợi trả lời của phía Liên Xô sau chuyến đi của phái bộ Konoe. Trong một cuộc họp báo tiếp theo, Thủ tướng Suzuki tuyên bố là Nhật phải tự quyết định theo cách “mokusatzu”, có thể hiểu là không cần lưu ý tới vấn đề.

Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anami đưa ra một khẩu hiệu, mà ngày hôm sau trên báo chí xác định là “không quan tâm”. Theo quan điểm của Mỹ, đó là sự cự tuyệt và có lý do chuẩn bị cho việc ném bom lần thứ nhất.

Cảnh bom nổ tại Hiroshima. Nguồn: Internet

Theo lời một giới chức chuyên trách hoạch định, địa điểm không kích là Hiroshima, một thành phố cảng cũng là một căn cứ quân sự và trung tâm công nghiệp. Theo lệnh của Tổng thống Truman, từ trên cao độ 680 mét, vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 lúc 8 giờ 15, phi hành đoàn “Enola Gay” đã cho nổ bom nguyên tử đầu tiên mang tên “Little Boy”. Trong số 355.000 cư dân, có 80.000 chết ngay, đến cuối năm 1945 chết thêm 60.000, 4/5 các nhà cửa bị huỷ diệt hay hư hại nặng. Về sau, bụi phóng xạ nguyên tử làm cho hơn 60.000 người bị nhiễm.

Ngày 8 tháng 8, hai ngày sau khi ném bom Little Boy, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và phía Mỹ chưa có thư đầu hàng của Tokyo. Truman doạ sẽ tiếp tục không kích mạnh hơn trong trường hợp Nhật không đầu hàng.

Lý do cho việc đầu hàng không thành là Hội đồng Tối cao Chiến tranh chỉ biểu quyết với tinh thần nhất trí, nhưng hai phe cực đoan và hiếu hoà đối nghịch gay gắt, Hội đồng bế tắc trong quyết định tối hậu.

Sau đó, Truman ra lệnh ném quả bom thứ hai mang tên “Fatman“. Bom được sản xuất trong loạt ba quả bom theo dự án Mahattan và ném vào ngày 9 tháng 8 lúc 11 giờ tại thành phố cảng Nagasaski. Bom rơi đúng vào phân xuởng quốc phòng của công xưởng Mitsubishi làm cho 39.000 trong số 270.000 cư dân chết ngay, đến cuối năm 31.000 người khác chết. Mức độ thiệt hại nhà cửa lên đến 40%.

Cảnh bom nổ tại Nagasaski. Nguồn: Internet

Sau hai lần ném bom, chính giới Tokyo cũng chưa chấp nhận đầu hàng. Trước lúc nửa đêm ngày 9 tháng 8, Nhật Hoàng can thiệp vào cuộc họp của Hội đồng Tối cao Chiến tranh. Khi Thủ tướng Suzuki yêu cầu Nhật Hoàng quyết định trước hai đường lối hoà hay chiến, Nhật Hoàng đứng về phía Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Togo, người chủ trương chấp nhận tối hậu thư. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Nhật, thông qua Toà Đại sứ Nhật tại Bern (Thụy Sĩ), cho biết là Nhật sẳn sàng đầu hàng, nhưng trong điều kiện là phe thắng trận không được xâm phạm đến quyền tối thượng của Nhật Hoàng.

Sau đòi hỏi này, Mỹ có tham khảo ý kiến với Anh, Nga và Liên Xô, tất cả hứa hẹn một hình thức cho nhà nước Nhật là sẽ do dân Nhật tự do quyết định và Đồng Minh chỉ chiếm Nhật cho đến khi mục đích của Bản Tuyên bố Postdam đạt được.

Vào sáng sớm ngày 12 tháng 8, Ngoại trưởng Byrnes ký một văn thư trình bày quan điểm cho Tokyo xem. Vào ngày 14 tháng 8, trước áp lực của Nhật Hoàng, Hội đồng Tối cao Chiến tranh chấp thuận văn kiện của Mỹ.

Buổi tối cùng ngày, một âm mưu khuynh đảo của nhóm phản loạn thất bại. Đây là một đêm kinh hoàng cho thủ đô Tokyo, mọi người sống trong hoảng loạn khi giới quân phiệt lùng bắt và tàn sát phe hiếu hoà. Nhờ may mắn, Thủ tướng Suzuki cũng thoát chết trong đường tơ kẻ tóc khi tháo chạy. Cuối cùng, vì không cam chịu thất bại và mất danh dự, nhiều phần tử quân phiệt cực đoan mổ bụng tự tử (Harakiri).

Ngày 15 tháng 8, trong một bài diễn văn truyền thanh dài bốn phút rưởi, Nhật Hoàng thông báo chấp nhận điều kiện của Đồng Minh đề ra mà không nêu đích danh là đầu hàng, nhưng kết án việc ném bom Hiroshima và Nagasaki và cho là tiếp tục cuộc chiến có nghĩa là làm cho Nhật sụp đổ toàn diện. Ngày hôm sau, Nhật Hoàng ra lệnh đình chiến trong tất cả các mặt trận.

Nhật Hoàng Hirohito và văn bản đầu hàng. Nguồn: Internet

Trước 9 giờ sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên chiến hạm Missouri đang đậu trong vịnh Tokyo, trước sự hiện diện của các đại diện các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Canada và Pháp, Tướng Douglas Mac Arthur, Tư lệnh Lực lượng Mỹ, nhận lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của quân đội Nhật. Về phía Nhật, Tân Ngoại trưởng Shigemitsu và Tướng Umezu Yoshijiro, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, ký kết văn kiện này. Thế là Đệ nhị Thế chiến tại mặt trận Thái Bình Dương kết thúc.

Truman hay tin ném bom khi đang ở giữa biển khơi trên đường từ Postdam về Mỹ và phản ứng nhẹ nhõm. Khi quyết định ném bom, Truman không mang suy nghĩ đạo đức nào, cho bom là một vũ khí hợp pháp và cần thiết để ngăn chận chiến cuộc trong một thời hạn sớm nhất khi so với số binh sĩ Mỹ thương vong.

Lễ ký kết đầu hàng. Nguồn: Internet

Theo quan điểm chiến lược, giới chức Mỹ chấp nhận việc tử thương cho Nhật là bình thường. Họ có thói quen hạ thấp mức độ đạo đức trong các vụ ném bom và không quan tâm đến các hậu quả, cho dù trong đó có vô số nạn nhân dân sự, kể cả phụ nử và trẻ em, nhiễm bụi phóng xạ trong lâu dài không là vấn đề trọng đại. Số thương vong cho Nhật lên tới hàng trăm ngàn, riêng tại Tokyo là bi thảm nhất, ngày 9 và 10 tháng 3 năm 1945, số thiệt mạng là hơn 85.000.

Nguyên nhân

Tại sao Truman quyết định ném bom? Không có cơ sở nào để giải thích việc kỳ thị chủng tộc Nhật là lý do. Cũng có suy đoán cho là bom có thể ném sớm hơn cho Đức, nhưng không thể suy đoán là Mỹ sử dụng bom một lần để cho thế giới thấy chiến tranh sẽ không còn là một phương tiện tiếp nối cho chính trị.

Karl T. Compton và James Conant

Karl T. Compton, Viện trưởng Học viện MIT và James Conant, Viện trưởng Đại học Harvard, hai cố vấn khoa học cấp cao của Truman, cho là vũ khí này không được sử dụng trong cuộc chiến. Trong thư ngày 11 tháng 6 năm 1945 gởi cho Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Stimson, Crompton cho biết là thế giới không có một lời cảnh báo phù hợp trong khi đang chờ đợi một cuộc chiến mới có thể bộc phát. Đây là một cân nhắc cho tương lai xa, chính vì thế mà có thể xác định thời điểm quyết định cho việc sử dụng bom là trong khoảng thời gian mùa hè năm 1945.

Gar Alperovitz

Sau năm 1965, Gar Alperovitz, Giáo sư Chính trị học tại Đại học Maryland, đã phê bình nghiêm khắc về việc ném bom. Trong hai tác phẩm Atomic Diplomacy: Hiroshima and Potsdam và The Decision to Use the Atomic Bomb, Alperovitz chủ trương xét lại lịch sử với luận điểm là tại sao sử dụng bom ngay trước khi Nhật sụp đổ quân sự, đó là quyết định không cần thiết.

Thực ra, sau khi được tin về cuộc thử nghiệm tại Alamogordo, Byrnes cũng kết luận là Mỹ chống Nhật là không còn cần thiết khi Liên Xô tham chiến. Byrnes hy vọng là với sức mạnh quân sự mới tạo được, Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tích cực đến chính sách của Liên Xô tại châu Âu, nhưng vấn đề chỉ có thể đặt ra trong phái đoàn Mỹ tại Postdam.

Ngược lại, Truman có một mục tiêu khác là muốn gây cho Liên Xô kinh sợ. Khi phô trương sức mạnh bom nguyên tử tại Viễn Đông, Mỹ sẽ tạo ra các ảnh hưởng tích cực đối với chính sách của Liên Xô tại châu Âu. Khi đối mặt với Stalin trong hội nghị Postdam, Truman tỏ ra nghiêm khắc hơn.

Nếu cho rằng việc Nhật đầu hàng là không thể tránh, quan điểm này không thuyết phục. Tài liệu về sau có kiểm chứng và hậu thuẫn cho lập luận là nếu Mỹ không ném bom nguyên tử, chiến tranh sẽ còn kéo dài. Theo nhận định này, quyết định của Truman là có lý.

Vào tháng 7 năm 1945, Mỹ ước tính sẽ chiếm các đảo của Nhật vào ngày 1 tháng 11 năm 1945. Với khoảng 766.000 lính Đồng Minh, nghĩa là có mức độ quy mô hơn cuộc đỗ bộ tại Normandie, Pháp, trong năm 1944, Mỹ sẽ gây cho Nhật từ 5 triệu đến 10 triệu người chết.

Qua tài liệu của Nhật thu thập được, Mỹ phát hiện việc Nhật chuẩn bị tấn công chống Mỹ là còn quy mô hơn. Để bảo vệ, Nhật có 350.000 quân chính quy và sau đó tăng cường khoảng 575.000 Lực lượng Dân sự Phòng vệ. Ngoài ra, Nhật với hơn 10.000 máy bay cũng sẳn sàng thực hiện các phi vụ thần phong (kamikaze), tấn công và tự sát vào các tàu chiến của Mỹ khi cập đảo và đổ bộ. Sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Hoa Kỳ đã giải ngũ khoảng 784.000 lính ở Kyushu. Nhìn chung, lực lượng phòng thủ Nhật đông hơn quân Đồng minh.

Theo một lập luận khác, trong giai đoạn này, Truman không coi trọng việc Liên Xô tuyên chiến chống Nhật và không có hoạt động nào để ngăn chận bước tiến này. Đối với châu Âu, trong mùa hè năm 1945, Mỹ không có biện pháp triệt để nào để chống Liên Xô, không phải là vì Mỹ quan tâm đến việc hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô trong việc kiểm soát vũ khí cho trang bị quốc phòng, một kế hoạch mà Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Stimson, đồng thuận.

Một giải đoán khác là ném bom cho phép Truman gây thêm chú ý cho Liên Xô. Liên Xô sẽ không chiếm đóng Nhật và hậu qủa là Mỹ không có khó khăn ở Nhật như tại Đức. Kể từ 21 tháng 7, tại Hội nghị Postdam, Mỹ không tỏ ra có thái độ cứng rắn đối với Liên Xô.

Đúng ra, Mỹ muốn hợp tác với Liên Xô khi đương nhiên chấp nhận là Liên Xô có ảnh hưởng mạnh hơn tại Trung Âu và Đông Âu. Tại Tây Âu là khác hẳn, tình hình chuyển biến thuận lợi cho Mỹ, đẩy cho thanh thế của Mỹ ngày càng lên cao, đặc biệt là trong mối quan hệ với Liên Xô và toàn cầu.

Nhìn chung trong bối cảnh này, theo Alperowitz, cho dù bom nguyên tử là một cuộc cách mạng về kỹ thuật quân sự, nhưng từ sau năm 1945, Mỹ không theo đuổi một chính sách ngoại giao bằng bom nguyên tử. Một cuộc đối đầu trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh bắt đầu là chậm hơn sau đó. Tham chiến của Liên Xô chống Nhật vào ngày 8 tháng 8 năm 1945 là quá muộn, đúng hơn phải nói là có tính biểu tượng vào giây phút chót.

Ward Wilson

Gần đây, Ward Wilson, Sử gia làm việc tại British American Security Information Council (BASIC) có đề ra các lý giải khác trong tiểu luận The Bomb Didn’t Beat Japan… Stalin Didvà tác phẩm Five Myths About Nuclear Weapons.

Tương phản với quan điểm của Gar Alperovitz và công luận, theo Wilson, hai quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki không phải là lý do chính dẫn tới việc Nhật đầu hàng mà là việc Liên Xô tuyên chiến. Wilson dẫn chứng nhiều khía cạnh thuyết phục mà ý nghĩa tiềm ẩn sâu xa hơn.

Vấn đề là thời điểm làm đối sách. Chính giới Nhật phải phản ứng cấp thời cho vận mệnh của nước Nhật. Có thực quyền quyết định trong giai đoạn sinh tử này là Hội đồng Tối cao Chiến tranh, một siêu nội các gồm 6 thành viên. Đối với Hội đồng, ngày quan trọng nhất không phải là hai ngày ném bom tại Hiroshima và Nagasaki, mà là ngày đầu tiên họp bàn về việc đầu hàng sau 14 năm tham chiến.

Trước đó, trong mùa hè năm 1945, tình hình chung diễn biến rất tồi tệ. Việc Đồng Minh tổ chức phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh ở Nürnberg, Đức tác động mạnh. Đồng Minh đang nghĩ gì về nước Nhật và sẽ làm gì đối với Nhật Hoàng? Đưa Nhật Hoàng ra trước tòa hay truất phế? Quan tâm chính của Hội đồng là dân Nhật không thể từ bỏ truyền thống suy tôn Nhật Hoàng trong quyết định táo bạo của Đồng Minh.

Vụ ném bom Hiroshima diễn ra trước đó ba ngày. Chuyên gia cho rằng trong số tất cả 68 thành phố bị không kích, Hiroshima được xếp thứ hai về số thường dân thiệt mạng, nhưng tính theo số diện tích bị phá hủy là được xếp vào hảng thứ tư và tính theo tỷ lệ bị phá hủy đứng vào hạng xếp thứ 17. Do đó, Hội đồng không cho mức độ hủy diệt Hiroshima là trầm trọng. Nếu là lý do buộc Nhật đầu hàng thì tại sao phải mất đến ba ngày sau Hội đồng mới họp bàn.

Lý do cho vụ ném bom Nagasaki khác hơn. Thảm hoạ diễn ra vào buổi sáng ngày 9 tháng 8 và tin này đến cho Hội đồng vào buổi chiều, đó là lúc họp bàn đã kết thúc trong bế tắc và toàn bộ nội các được yêu cầu triệu tập để tiếp tục giải quyết. Cũng như Hiroshima, tác hại tại Nagasaki không là động cơ cho việc đầu hàng.

Có lập luận khác cho rằng trì hoãn quyết định là hợp lý vì Hội đồng cần có thời gian để kiểm chứng các tác động của hai vụ ném bom. Cách lý giải này không phù hợp với các bằng chứng tìm thấy về sau.

Trước hết, Thị trưởng thành phố Hiroshima đã báo cáo về hiện trạng cho Tokyo trong cùng ngày. Theo tin nhận được, khoảng một phần ba dân chúng bị tử vong và khoảng hai phần ba thành phố bị phá hủy, đó là thiệt hại sơ khởi. Uớc lượng này không cách biệt nhiều so với kiểm chứng sau cùng. Do đó, Hội đồng đã biết hậu quả và không phản ứng.

Sau đó, Uỷ ban Điều tra Lục quân Nhật có báo cáo chi tiết, nhưng không ai biết là tại sao mà cho đến ngày 10 tháng 8 bản văn đã không trình nộp cho Hội đồng, mà nhận đuợc sau khi đã có quyết định đầu hàng, mặc dù trước đó Hội đồng đã được báo cáo bằng miệng. Do đó, Nhật đưa ra quyết định đầu hàng là không bắt nguồn do thẩm định các tác hại của hai vụ ném bom.

Ngày 8 tháng 8, Ngoại trưởng Togo Shigenori yêu cầu Thủ tướng Kantaro Suzuki triệu tập Hội đồng để họp bàn về vụ Hiroshima, nhưng các thành viên đã từ chối. Lý do từ chối không được tiết lộ, ngạc nhiên nhất là Hội đồng lại họp cho việc đầu hàng ngay ngày hôm sau.

Một lập luận khác cho là chính giới Nhật không phân biệt tác hại của hai cuộc ném bom. Tài liệu về sau cho thấy là trong 68 thành phố bị không kích, có 66 cuộc là bằng bom thông thường và hai bằng bom nguyên tử, tất cả làm cho toàn bộ hay một phần các thành phố Nhật bị hủy hoại, khoảng 1,7 triệu người mất nhà, 300.000 người chết và 750.000 bị thương.

Khi tính mức công phá, các chuyên gia cho là trong một cuộc không kích sẽ có khoảng 4 đến 5 kiloton bom được thả xuống mỗi thành phố. Một kiloton tương đương với một ngàn tấn và là đơn vị tiêu chuẩn để đo cho sức công phá của bom nguyên tử. Theo ước tính chung, sức công phá tại Hiroshima là 16,5 kiloton và Nagassaki là 20 kiloton trong khi mức độ hủy diệt trong một số vụ không kích bằng bom thông thường đã đạt gần bằng vụ ném bom nguyên tử. Một bằng chứng khác là vào ngày 13 tháng 8, Tướng Anami xác nhận hai vụ ném bom nguyên tử không tác hại nhiều hơn những vụ ném bom thông thường khác.

Về phương diện tâm lý dân Nhật, có một lý giải khác. Cựu Ngoại trưởng Shidehara Kijuro cho rằng: “Người dân sẽ quen dần với việc ngày nào cũng phải hứng chịu bom, dần dần tinh thần đoàn kết và quyết tâm của họ sẽ mạnh mẽ hơn“. Ý kiến này cũng được nhiều người trong chính phủ đồng thuận. Kiến thức về bom nguyên tử của dân chúng rất hạn chế, trừ các chuyên gia.

Theo Wilson, chính giới Nhật xem Liên Xô tuyên chiến là lý do đầu hàng. Dù lực lượng vẫn còn mạnh và quân nhu còn đầy đủ, gần 4 triệu binh sĩ được vũ trang hùng hậu và 1,2 triệu binh sĩ đang ra sức bảo vệ lãnh thổ, Nhật đang bi quan khi không biết là sẽ thua hay thắng, diễn biến tình thế tuỳ thuộc vào hai chiến lược ngoại giao và quân sự.

Về giải pháp ngoại giao, Ngoại trưởng Togo Shigenori sẽ thuyết phục Stalin làm trung gian thu xếp giữa  Đồng Minh và Nhật. Cơ sở pháp lý là Thỏa thuận Trung lập giữa Nhật và Liên Xô sẽ hết hạn trong năm 1946, nếu Stalin đảm bảo được không làm cho Hoa Kỳ tăng cường ảnh hưởng ở châu Á, có nghĩa là, Liên Xô sẽ có lợi thế chiến lược trong tương lai. Đây là một cơ sở thuận lợi cho Nhật nhưng đầy rủi ro vì không lường đoán đuợc phản ứng của Liên Xô.

Giới quân phiệt chủ trương dùng Lục quân Nhật đối đầu khi lực lượng Mỹ đổ bộ. Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anami Korechika cổ súy cho giải pháp quân sự và cho là số thương vong rất lớn của binh sĩ Mỹ là thực tế chứng minh cho tinh thần chiến đấu oai hùng của Nhật, nên Nhật tỏ ra lạc quan; nếu thắng, Nhật sẽ có ưu thế tạo ra những điều kiện thuận lợi. Mặt khác, chiến lược này cũng khó lường đoán khi Mỹ cương quyết đòi Nhật đầu hàng vô điều kiện.

Cả hai lựa chọn đều vẫn còn trong giai đoạn khả thi, nên hai vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki không là yếu tố chính để Nhật phải đầu hàng.

Ngay sau khi Liên Xô tuyên chiến với Nhật, đưa quân xâm nhập vào Mãn Châu và quần đảo Sakhalin làm cho tình thế khác hẳn, có nghĩa là, Stalin không còn muốn làm trung gian mà trở thành địch thủ. Khi không thể thực hiện phương sách ngoại giao, thì giải pháp quân sự cũng không mang nhiều hứa hẹn. Những tác động mới làm cho tình hình diễn biến bất lợi.

Cụ thể là khi Nhật quyết định điều binh xuống phía nam, nơi được suy đoán là lính Mỹ sẽ đổ bộ đầu tiên và rút binh ở Mãn Châu về để lo bảo vệ chính quốc. Khi tin Nga chuẩn bị đổ bộ lên đảo Hokkaido gây cho Nhật hoang mang hơn.

Do đó, Liên Xô đã vô hiệu hóa hai chiến lược quân sự và ngoại giao của Nhật. Trong chiều hướng suy luận này, hai vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki không có ý nghĩa quan trọng như công luận nhận định.

Trước đó, vào tháng 6 năm 1945, trong một cuộc họp của Hội đồng, Phó Tổng Tham mưu Lục quân Kawabe nói rằng: “Duy trì tuyệt đối hòa bình trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là hết sức quan trọng nếu muốn tiếp tục cuộc chiến, sự tham chiến của Liên Xô sẽ quyết định số phận của Nhật. Chính giới Nhật đã không mấy lo sợ trước đe dọa tiếp tục đánh bom của Mỹ, mà chính là vai trò chiến lược của Liên Xô.

Tài liệu về cuộc họp Hội đồng sau này có xác nhận các lý giải theo Wilson. Ngày 9 tháng 8, lúc 10 giờ 30, Thủ tướng Suzuki có đệ trình cho Nhật Hoàng về tình hình t khẩn trương: “Việc Liên Xô tham chiến sáng hôm nay đã đưa chúng ta vào một tình thế hoàn toàn không có lối thoát, không thể tiếp tục chiến tranh được nữa” xin Thiên Hoàng đưa ra “thiên đoán”, một quyết định thiêng liêng”.

Ngày 10 tháng 8, Nhật Hoàng phán rẳng: “Trẫm đã suy nghĩ kĩ, khi Nga tham chiến, Nhật lâm vào tình thế lưỡng đầu thọ địch, cả hai mặt đều bị tiến công. Chỉ còn một giải pháp mà Thủ tướng Suzuki đề xuất (đầu hàng) là mới có thể tìm được lối thoát”

Nếu tình hình diễn biến như trong trường hợp này, một bi kịch hậu chiến cho Nhật sẽ là bị chia cắt thành hai lãnh thổ, một miền Nam tự do do Đồng Minh và một miền Bắc cộng sản do Liên xô chiếm đóng. Bức tường Berlin có thể xây cho Tokyo. Người dân Bắc Nhật sẽ phải chịu đựng như dân Đông Đức. Xung đột Nam-Bắc Triều Tiên như sau này cũng là khó tránh.

Cuối cùng, dù giải thích khác nhau, nhưng hai lập luận của Gar Alperovitz và Ward Wilson có giá trị bổ sung.

Khi thừa nhận bom nguyên là cái cớ cho việc bại trận, việc giải thích này đã xoá tan tất cả những nhận định sai lầm trước đó trong chính sách xâm lăng của Nhật. Quan trọng nhất là Nhật Hoàng bảo vệ được chính danh và không chịu trách nhiệm trước Toà án Quân pháp Quốc tế Tokyo. Vì sự lu mờ các tội ác trước lịch sử mà Nhật thu hút sự cảm thông của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực tái thiết hậu chiến.

Ngược lại, thanh thế của Mỹ vả Liên Xô được đề cao. Hai cuộc ném bom nguyên tử gây ra những tổn thất bi thảm cho Nhật. Nhưng việc sử dụng bom giúp cho Nhật ngăn chặn sự chết chóc lớn hơn nhiều so với những gì xảy ra. Hoa Kỳ đã chọn giải pháp ít tồi tệ hơn và gây ảnh hưởng ngoại giao ở châu Á, nhất là an ninh thế giới sẽ được củng cố.

Khi Liên Xô làm cho Nhật đầu hàng trong bốn ngày, thành tích kỳ diệu này là điều mà Hoa Kỳ không thể làm được trong bốn năm. Do đó, ảnh hưởng ngoại giao của Liên Xô được lan rộng.

Ảnh hưởng tại châu Á

Nhật

Khi chiếm đóng Nhật trên danh nghĩa là Đồng Minh qua danh hiệu Supreme Commander for the Allie Powers (SCAP), nhiệm vụ chính của Mỹ là giải giới, tái thiết hậu chiến và xây dựng dân chủ. Để thực hiện, Nhật phải cam kết là chịu mất các thuộc địa, không còn quân đội và quyền đối ngoại.

Tuân theo Bản Tuyên bố Potsdam và mô hình Toà Quân pháp Chiến tranh tại Nürnberg Đức, ngày 19 tháng 1 năm 1946, Tướng Douglas MacArthur, Tổng tư lệnh, thành lập “Toà án Quân sự Quốc tế cho vùng Viễn Đông” đề xét xử 28 nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Nhật.

Sau khi nghe tin, Cựu Thủ tướng Konoe và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sugiyama Gen tự sát để tránh cảnh bị tống giam. Tướng Tojo Hidekie, một trong bảy nhân vật chính của phiên toà, cũng tự sát, nhưng bị thương nặng. Sau hơn hai năm luận tội, bảy bị cáo bị kết án tử hình vào ngày 23 tháng 12 năm 1948 và hầu hết những người khác bị án chung thân. Từ sau năm 1956, tất cả các bị cáo còn sống đều được tha bổng.

Toà án Quân sự Quốc tế tại Tokyo. Nguồn: Internet

Do sự thu xếp của Tướng Douglas MacArthur, Mỹ chủ động ngụy tạo các lời khai của nhiều bị cáo nhằm mục đích miễn tố cho Nhật Hoàng Hirohito và các thành viên trong Hoàng gia. Bằng hình thức khoan hồng này, Mỹ không gặp sự kháng cự của dân chúng Nhật, vì không làm tổn thương đến thanh danh của Nhật Hoàng, một biểu tượng để đảm bảo thực hiện tái thiết hậu chiến và cải cách dân chủ.

Tướng Douglas MacArthur và Nhật Hoàng Hirohito. Nguồn: Internet

Hiến Pháp mới năm 1946 thành hình và quy định cấu trúc mới cho Nhật. Nhật Hoàng không còn lãnh đạo mà là biểu tượng cho truyền thống dân tộc. Quan trọng nhất là quy định của Điều 9 Hiến Pháp, Nhật không có quân đội mà chỉ có Lực lượng Dân sự Phòng vệ. Thời kỳ SCAP chiếm kết thúc vào tháng Tư năm 1952 với Hoà Ước San Francisco do Nhật và 48 nước cùng ký kết.

Liên Xô

Ngay sau khi tuyên chiến, Hồng Quân tấn công Mãn Châu và đưa quân tới Bắc Hàn cũng như Đảo Kurilen và Sachalin, cả hai đã bị sát nhập vào lãnh thổ của Liên Xô, trong khi bốn đảo cực nam của Kurilen không thuộc quần đảo được Sa Hoàng nhượng lại cho Nhật vào năm 1875. Việc này có nghĩa là Liên Xô sát nhập lãnh thổ do Nhật chiếm đóng, sau khi trục xuất các cư dân. Gần đây, tranh chấp lãnh thổ gây cho bang giao của Nhật và Nga thêm phức tạp, và triển vọng cho một giải pháp theo luật quốc tế là khó khả thi.

Hàn Quốc

Sau khi Nhật bại trận, Hoa Kỳ và Liên Xô quyết định chia Hàn Quốc thành hai khu hành chính dọc theo vĩ tuyến 38. Liên Xô chiếm Bắc Hàn và thành lập Ủy ban Nhân dân Lâm thời do Kim Il Sung lãnh đạo vào tháng 2 năm 1946. Quân đội Hoa Kỳ chiếm Nam Hàn và xây dựng một chính phủ quân sự và tự quản.

Mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Liên Xô và Hoa Kỳ làm cho các cuộc đàm phán về một chính phủ lâm thời cho Hàn Quốc thất bại. Cơ quan Liên Hiệp Quốc do Mỹ khống chế đã tổ chức cuộc bầu cử tự do vào năm 1948; tuy nhiên, chỉ diễn ra ở miền Nam. Kết quả là Cộng hòa Nam Hàn được thành lập và Syngman Rhee chấp chính là tổng thống. Sau đó, miền Bắc thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do Kim Il Sung lãnh đạo và các lực lượng ngoại nhập chiếm đóng lần lượt rút quân.

Quân đội Mỹ vắng mặt, tạo cơ hội cho quân đội Bắc Hàn vượt biên giới mà Moscow và Bắc Kinh đã chấp thuận. Ngày 25 tháng 6 năm 1950, Tướng Bành Đức Hoài chỉ huy 270.000 quân Trung Quốc giúp Bắc Hàn tiến chiếm miền Nam. Ba ngày sau, Bắc Hàn và Trung Quốc chiếm đóng Seoul. Tháng 9 năm 1950, Quân đội Liên Hiệp Quốc bắt đầu phản công dưới sự lãnh đạo của Mỹ; Tướng Douglas MacArthur được Tổng thống Truman chỉ định đem quân đánh Bắc Hàn. Trong vài tuần sau, Mỹ đẩy quân Bắc Hàn đến biên giới của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc hỗ trợ cho Bắc Hàn chống lại đối thủ; cả hai bên chịu tổn thất nặng nề và diễn biến chiến trường dừng lại ở vĩ tuyến 38.

Kết qủa sau hai năm đàm phán là hai phe đã thoả thuận ngừng bắn vào ngày 27 tháng 7 năm 1953 và vĩ tuyến 38 là lằn ranh quân sư tạm thời cho Bắc và Nam Hàn đình chiến. Việc ngừng bắn đã duy trì nguyên trạng chia cắt cho đến ngày nay. Dù chiến tranh chấm dứt, nhưng hai phe chưa bao giờ đạt được một chung quyết cho một hòa ước vĩnh cửu.

Gần đây, do sự chủ động của Tổng Thống Donald Trump, các cuộc họp bàn về giải giới vũ khí nguyên tử cho Bắc Hàn tại Singapore và Hà Nội không mang lại kết quả. Do đó, an ninh chung cho khu vực vẫn còn là đề tài gây tranh cải cho Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan Nhật và Bắc và Nam Hàn.

Trung Hoa

Tại Trung Hoa, ngày 9 tháng 9 quân Nhật đầu hàng với Tướng Tưởng Giới Thạch. Trước đó, ngày 14 tháng 8, Liên Xô đã ký với Tưởng Giới Thạch một Thoả ước Liên minh và Hữu nghị, nội dung là công nhận các quyền do Đồng Minh đề ra trong hội nghị Yalta có liên hệ đến Mãn Châu, một căn cứ Hải quan tại Cảng Arthur (Vũ Hán) bên cạnh các đặc quyền trên bản đảo Liêu Đông, quyền độc lập của Ngoại Mông qua chính phủ Trung Hoa Quốc Gia. Về mặt nội chính, thoả ước này tăng cường vị thế cho Quốc Dân Đảng trong việc đấu tranh quyền lực với Đảng Cộng Sản mà Mao Trạch Đông cảm thấy như một sự đối đầu.

Trong những năm trước đó, Mao đã khởi động một cuộc chiến tranh du kích gian nan để chống Nhật. Tháng 8 năm 1945, quân đội của Mao tham gia các cuộc tấn công của Liên Xô tại Hoa Bắc. Với sức ép của Liên Xô và trung gian của Mỹ, cuối tháng 8, Mao đến Trùng Khánh, thủ đô tạm thời của phe Quốc Dân Đảng, để thương thuyết với Tưởng Giới Thạch.

Ngày 10 tháng 10, cả hai đã ký một Bản Tuyên bố chung sẳn sàng hợp tác cho hoà bình. Cuối cùng, Bản Tuyên bố chỉ còn là một mảnh giấy lộn khi không có cảm thông giữa hai phe đối nghịch. Do phía Mỹ bắt buộc, ngày 25 tháng 6 năm 1946, một thoả ước khác tiếp theo được ký kết, nhưng mục tiêu là cho việc tăng cường và điều động quân đội. Tháng 4, cuộc chiến ác liệt giữa hai phe Quốc-Cộng bộc phát. Tháng 2 năm 1947, cuộc nội chiến khởi đầu công khai và kết thúc hai năm sau với chiến thắng của phe Cộng Sản.

Cuối cùng, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1 tháng 10 năm 1949 và phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch từ Hoa Lục tháo chạy sang Đài Loan.

Indonesia

Sau khi Nhật đầu hàng, hầu hết người dân châu Á muốn ngăn chận việc tái lập tình trạng thống trị thuộc địa của các cường quốc châu Âu. Tại Java, một phần do Ấn và Hà Lan cai trị, dưới áp lực của phong trào thanh niên quốc gia Permuda, Achmed Sukarno và Mohamed Hatta, hai nhà lãnh đạo phong trào giành độc lập thành lập nước Cộng hoà Indonesia vào ngày 17 tháng 8 năm 1945.

Ngoài đảo Java, các lực lượng của Sukarno và Hatta còn kiểm soát Sumatra và Madura. Họ vui mừng trước tin chiến thắng, nhưng thực ra là không trọn vẹn, vì bị một phần trong quân đội Anh-Ấn phản đối, trong khi những người lính Nhật thả cho tù nhân ra theo mục đích này.

Tháng 10 năm 1946, lực lượng Hà Lan thay cho quân Anh. Các nỗ lực của cường quốc thuộc địa tạo niềm cảm thông chỉ trong ngắn hạn. Sau nhiều cuộc hành quân đẩm máu của cảnh sát từ năm 1947 đến năm 1949, dưới áp lực của công luận quốc tế và nhất là của Mỹ, chính phủ Den Haag phải khuất phục và đến tháng 12 năm 1949 Indonesie được trao trả độc lập.

Miến Điện

Cũng như Hà Lan và Pháp, Anh cũng phải đương đầu với các lực lượng đấu tranh giành độc lập tại Miến Điện. Cho dù cương quyết từ bỏ mọi hình thức thống trị thời thuộc địa, nhưng chính sách đế quốc Nhật tạo ra nhiều các ảnh hưởng của vấn đề.

Nhật chiếm đóng Miến Điện vào tháng 5 năm 1942 và thành lập một chính phủ của Myanmar do Bamo đứng đầu. Với sự hỗ trợ của Nhật, Tướng Aung San, người chống lại chính quyền thực dân Anh, tuyên bố Myanmar độc lập khỏi Anh. Năm 1944, Aung San trở thành người ủng hộ Hoa Kỳ và Anh.

Sau khi Nhật đầu hàng, Đồng Minh tuyên bố độc lập của Myanmar có hiệu lực. Sau chiến tranh, Myanmar vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Anh. Vào ngày 4 tháng 1 năm 1948, Quốc hội Anh chính thức công nhận nền độc lập của Myanmar và Myanmar thành lập Liên bang Miến Điện.

Malaysia

Khi người Nhật chiếm Malaysia, dân chúng phản ứng dữ dội. Sau chiến tranh, Anh thiết lập Liên bang Malaysia vào năm 1946. Kế hoạch này cũng bị phản đối vì biểu tượng Quốc Vương bị lu mờ và số lượng lớn người Trung Quốc và Ấn Độ mới nhập cư được hưởng quyền công dân. Trước những xung đột sắc tộc, người Malaysia lo lắng cho bất ổn xã hội trong tương lai.

Có hai yếu tố quan trọng tác động cho Malaysia là cuộc nội chiến giữa Trung Quốc Cộng sản và Quốc Dân đảng càng lan rộng và mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Anh và Malaysia xấu đi.

Vào thời điểm này, chính quyền thực dân Anh tuyên bố, Đảng Cộng sản Malaysia là một tổ chức bất hợp pháp. Do dó, cuộc chiến tranh du kích của Đảng Cộng sản bộc phát.

Trong khi dân chúng hy vọng người Anh sẽ rời khỏi Mã Lai; ngược lại, chính quyền Anh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trong khi Quân đội Liên bang chống du kích Cộng sản cực kỳ mãnh liệt kéo dài từ năm 1948 đến 1960. Điểm đặc biệt nhất là Hoa Kỳ, thực dân Anh đã chuyển người Trung Quốc cũ nằm rải rác ở vùng ngoại ô đến những nơi được chỉ định với các biện pháp kiểm soát an ninh nghiêm ngặt, tạo thành một ngôi làng mới. Những mô hình khu tập trung dân chúng trong ấp chiến lược và truy lùng diệt cộng hình thành và thành công. Khác với Việt Nam, Đảng Cộng sản bị tiêu diệt và không còn hoạt động.

Vào ngày 31 tháng 8 năm 1957, Malaysia chính thức tách khỏi nền độc lập của Anh. Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc, ban đầu dự kiến ​​được thành lập vào ngày 31 tháng 8 năm 1963. Tuy nhiên, sau phản đối của Tổng thống Indonesia Sukarno và Đảng Thống nhất Nhân dân Sarawak làm trì hoãn việc thành lập. Cuối cùng, Malaysia được chính thức thành lập vào ngày 16 tháng 9 năm 1963.

Philippines

Hoa Kỳ thấy dễ dàng hơn trong việc đối phó với các hoàn cảnh thay đổi, cho dù cũng có một tình trạng bán thuộc địa như Commenwealth. Năm 1902, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo Luật Tổ chức Philippines để thành lập Nghị viện Philippines mà các thành viên sẽ được dân chúng bầu ra. Đạo luật Tự trị Philippines năm 1916 thay thế và quy định là chính phủ Hoa Kỳ cam kết trao trả độc lập cho Philippines.

Đạo luật Độc lập Philippines năm 1934 thiết lập Commenwealth (Khối Thịnh vượng chung), một hình thức độc lập hạn chế và thiết lập một tiến trình trao trả độc lập cho Philippines. Vào năm 1935, Mỹ hứa cho Philippines được độc lập vào năm 1945. Tháng 6 năm 1946, Mỹ bảo đảm hằng loạt các đặc quyền về chính sách thương mại và quân sự. Đệ nhị Thế chiến Thế làm trì hoãn kế hoạch. Khác hẳn với Việt Nam, cuối cùng, Philippines cũng giành được độc lập mà không tốn một viên đạn hay một giọt máu.

Việt Nam

Đệ nhị Thế chiến kết thúc làm cho Pháp không còn cơ sở để tiếp tục cai trị Việt Nam. nhưng không khôn ngoan để nhận thức kịp thời và quyết định ra đi đúng lúc. Khi Pháp nhận ra trong muộn màng, thì việc từ bỏ phải chịu đẩm máu và cực kỳ tốn kém. Đó là trường hợp bi thương cho lịch sử đấu tranh của Việt Nam.

Ngày 19/8/1945, các lực lượng Việt MInh đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Nguồn: Internet

Nhật chiếm đóng Việt Nam và lập ra chế độ Hoàng đế Bảo Đại từ tháng 3 năm 1945. Bảo Đại tuyên bố là chính phủ Việt Nam có chủ quyền ở ba kỳ, độc lập theo tuyên ngôn Đại đông Á của Nhật Bản, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ với Pháp và cùng hợp tác quốc tế. Ngày 7 tháng 4 năm 1945, Bảo Đại chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim. Ngày 17 tháng 4 năm 1945 Thủ tướng Trần Trọng Kim nhậm chức và ngày 12 tháng 5, Bảo Đại tuyên bố giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Về mặt pháp lý, đây là một sự kiện quan trọng để công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền ra đời mà Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim lãnh đạo đầu tiên.

Sau ngày Mỹ ném bom tại Nhật, tình hình cực kỳ xáo trộn cho Việt Nam, chính quyền trung ương không còn hoạt động và các cơ quan hành chính và an ninh địa phương đã tan rã, phần lớn các viên chức đã bỏ trốn trong khi một số bị ám sát. Khi Nhật tuyên bố đầu hàng và quân Nhật án binh bất động gây cho Việt Nam không chính quyền và lực lượng chiếm đóng.

Nhằm phát huy tinh thần đoàn kết của giới công chức trong trào lưu đấu tranh mới, ngày 17 tháng 8 Tổng bộ Công chức Bắc Hà có tổ chức cuộc mít tinh trước Nhà Hát Lớn để ủng hộ chính phủ trong việc thu hồi chủ quyền. Cuộc biểu tình đã chuẩn bị từ lâu, nhưng khi Việt Minh đột nhiên phá hoại chương trình của buổi lễ, ảnh hưởng tác hại vô cùng nghiêm trọng.

Ngay lúc bắt đầu buổi lễ, một toán Việt Minh đã xông lên cướp khán đài. Không gặp một chống cự nào, họ treo cờ Việt Minh tại Nhà Hát Lớn và các trụ sở chính quyền. Sau hai ngày náo loạn, lực lượng Việt Minh với khoảng 800 người và 90 khẩu súng chiếm dần các cơ quan chính quyền trước sự thụ động của 1.500 vệ binh Nam Triều có vũ khí đầy đủ. Ngày 19 tháng 8 Việt Minh làm chủ tình hình sau khi đã cướp được chính quyền và chiếm các cơ quan.

Đảng Cộng sản nhận ra thời cơ nên triệu tập Hội nghị Tân trào ở Tuyên Quang từ ngày 13 tháng 8 để chuẩn bị cướp chính quyền. Sau khi được tin Nhật đầu hàng, họ họp tiếp trong hai ngày 16 và 17 tháng 8 để lập một chính phủ lâm thời. Tình hình biến đổi dồn dập gây nhiều bất ngờ làm cho Bảo Đại thoái vị và triều Nguyễn chấm dứt trị vì vào ngày 23 tháng 8. Ngày 2 tháng 9 Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Diễn biến của lịch sử cho thấy sự thật là Việt Minh cướp chính quyền trong tay của chính phủ Trần Trọng Kim, đó là một xáo trộn thuộc nội chính, vì không có một trận chiến nào của Việt MInh với Pháp và Nhật trong giai đoạn này. Khi Việt Nam đã thành hình, thì Hồ Chí Minh không có căn bản pháp lý để một lần nửa khai sinh cho đất nước và tuyên bố giành độc lập.

Tại miền Bắc, lực lượng Trung Hoa Quốc Dân Dảng chiếm thay cho Nhật, miền Nam do lực lượng Anh và Ấn chiếm đóng. Tháng 9 có xảy ra trận đụng độ đầu tiên giữa lực lượng Việt Minh với quân Pháp, họ đã giải phóng người Anh khỏi sự giam cầm của Nhật. Tháng 10, Tướng Leclerc, người giải phóng cho Paris, mang 35000 quân Pháp vào miền Nam. Nhiều nỗ lực hoà giải của Hồ Chí Minh với Pháp thất bại. Một năm sau, cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất bắt đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.