Lầu Năm Góc đã sẵn sàng đối phó với Trung Quốc
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã kỷ niệm 93 năm ngày thành lập vào ngày 1 tháng 8 với một bài phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Một lần nữa, ông Tập kêu gọi biến PLA thành một quân đội đẳng cấp thế giới, một quân đội có thể đưa tham vọng của đảng vượt ra xa ngoài biên giới Trung Quốc. Phát biểu của ông Tập là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của cạnh tranh toàn cầu giữa một trật tự quốc tế mở và tự do và một hệ thống chuyên chế do Bắc Kinh cổ vũ.
PLA không phải là một quân đội phục vụ quốc gia, chưa nói đến Hiến pháp, như các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ vẫn làm. PLA thuộc về — và phục vụ — một thực thể chính trị, đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một PLA có năng lực hơn là một quân đội có khả năng cao hơn trong việc thúc đẩy tầm nhìn trong nước của đảng, hệ thống quốc tế một chiều mà Bắc Kinh mong muốn, cũng như một chương trình nghị sự về kinh tế và chính sách đối ngoại vốn thường đối nghịch với lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh. Do đó, tất cả các quốc gia tìm kiếm thịnh vượng và an ninh trong một trật tự mở và tự do phải xem xét cẩn thận các tác động từ các yêu cầu, quyền tiếp cận, đào tạo và công nghệ của PLA.
Hiện đại hóa PLA là một xu hướng mà thế giới phải nghiên cứu và chuẩn bị đối phó – giống như Mỹ và phương Tây đã nghiên cứu và ứng phó với các lực lượng vũ trang của Liên Xô trong thế kỷ 20. PLA công khai ý định hoàn thành hiện đại hóa quân đội vào năm 2035 và trở thành một lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2049. Kế hoạch hiện đại hóa toàn diện của họ bao gồm một kho vũ khí tên lửa thông thường mạnh mẽ cùng một loạt các khả năng tác chiến điện tử, không gian và mạng tiên tiến. Nó cũng bao gồm việc triển khai trí tuệ nhân tạo để củng cố sự kìm kẹp chuyên chế và tiếp tục đàn áp có hệ thống đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ.
Việc Đảng Cộng sản TQ nhấn mạnh giáo dục tư tưởng, hiện đại hóa và thắt chặt kiểm soát đối với PLA cho thấy cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi quân đội là công cụ quan trọng giúp đạt được các mục tiêu của họ. Nổi bật trong số này là việc định hình lại trật tự quốc tế theo cách làm xói mòn các quy tắc được chấp nhận trên toàn cầu trong khi bình thường hóa chủ nghĩa chuyên chế, tạo điều kiện cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc cưỡng ép các nước khác và cản trở chủ quyền của họ.
Những hành động này của Trung Quốc đã thúc đẩy Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra phản ứng toàn diện và đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Quốc phòng (NDS) của chúng ta. NDS hướng dẫn nỗ lực của chúng ta để điều chỉnh và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Mỹ nhằm cạnh tranh với các cường quốc, trong đó Trung Quốc là trọng tâm chính.
Trước hết, cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc đòi hỏi chúng ta phải có một lực lượng đủ sức cạnh tranh, răn đe và chiến thắng trên tất cả các chiến trường: trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ và không gian mạng.
Để hỗ trợ nỗ lực này, Lầu Năm Góc đang đầu tư vào cả các năng lực thông thường tiên tiến lẫn các công nghệ mang tính cách mạng như vũ khí siêu thanh, liên lạc 5G, phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp, cùng trí tuệ nhân tạo — tất cả đều sẽ rất quan trọng trong việc duy trì lợi thế của chúng ta trong nhiều thập niên tới.
Thứ hai, việc mở rộng và củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác cũng rất quan trọng đối với nỗ lực này, vì điều này mang lại lợi thế bất cân xứng mà các đối thủ của chúng ta không thể sánh kịp. Trong khi PLA tiếp tục các hành vi gây hấn với các nước láng giềng, chẳng hạn như đánh chìm tàu cá Việt Nam, quấy rối hoạt động dầu khí của Malaysia và áp đặt các yêu sách biển trái luật quốc tế, các lực lượng Mỹ tiếp tục củng cố các mối quan hệ đối tác lâu dài của chúng ta và bảo vệ quyền lợi của tất cả các nước.
Chẳng hạn, trong quá trình tham vấn với người đồng cấp Australia vào tháng trước, chúng tôi đã ký một tuyên bố về các nguyên tắc cam kết tăng cường hợp tác và củng cố thế trận quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thập niên tới và hơn thế nữa. Cũng trong tháng 7, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp quốc phòng ba bên mới nhất để thúc đẩy chia sẻ thông tin và tăng cường khả năng phối hợp tác chiến, thể hiện qua cuộc tập trận hải quân gần đây của chúng tôi ở Biển Philippines.
Thứ ba, bởi vì việc tạo ra các mạng lưới rộng lớn gồm các đối tác có năng lực, cùng chí hướng đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược của chúng ta nhằm phá vỡ ảnh hưởng tiêu cực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên Lầu Năm Góc tiếp tục xây dựng năng lực cho các đối tác của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Điều này được thực hiện thông qua các chương trình như Sáng kiến An ninh Hàng hải, nơi chúng tôi đã cung cấp khoảng 394 triệu đô la hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực hàng hải của các đồng minh và đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những hành động như vậy giúp làm giảm khả năng dễ bị tổn thương của các quốc gia này trước sự ép buộc của Trung Quốc và giúp chúng tôi mở rộng các nỗ lực huấn luyện, tập trận, hoạt động và lập kế hoạch chung.
Những sáng kiến này phản ánh cam kết kiên định của Mỹ trong việc sát cánh cùng các đồng minh và đối tác nhằm chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh, ủng hộ chủ quyền của tất cả các quốc gia và bảo vệ hệ thống quốc tế mở và tự do vốn đã thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng trong nhiều thập niên qua cho hàng tỷ người. Tuy nhiên, Mỹ không thể một mình gánh vác gánh nặng này và chúng tôi tiếp tục kêu gọi các đồng minh chia sẻ gánh nặng đó với chúng tôi một cách công bằng và bình đẳng như những đối tác thực sự. Chúng tôi cũng khuyến khích các quốc gia cùng chí hướng thể hiện sự đoàn kết và thận trọng hơn trong việc điều chỉnh các chính sách của họ đối với Trung Quốc để bảo vệ các mục tiêu và lợi ích chung. Các quyết định gần đây của New Zealand và Vương quốc Anh nhằm cấm Huawei khỏi mạng 5G của họ là những ví dụ điển hình.
Không giống như Trung Quốc Cộng sản, Hoa Kỳ tượng trưng cho một hệ thống toàn cầu mở và tự do, nơi tất cả các quốc gia có thể thịnh vượng dựa trên các giá trị chung cũng như các quy tắc và chuẩn mực lâu đời. Và không giống như các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta, PLA là một công cụ trung thành của Đảng Cộng sản TQ. Do đó, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia xem xét lại — và cân nhắc cắt giảm — quan hệ của mình với PLA để đảm bảo rằng họ không giúp thúc đẩy chương trình nghị sự sai trái của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gây hại cho tất cả chúng ta.
Tuần này, tôi sẽ đến Hawaii, Palau và Guam để gặp gỡ trực tiếp và qua mạng với những người đồng cấp của tôi cũng như các nhà lãnh đạo cấp cao khác trong khu vực nhằm truyền đạt tầm quan trọng của những nỗ lực này và cam kết của chúng tôi đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.
Các quốc gia coi trọng tự do, nhân quyền và pháp quyền phải sát cánh cùng nhau để chống lại vai trò cưỡng ép của PLA trong các nỗ lực hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm phá hoại chủ quyền của các quốc gia.
M.E.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.