Tình báo Hoa Kỳ và câu chuyện phản quốc
Nhã Duy
30-8-2020
Ngày 5 tháng 6 năm 2010, tổng thống Barack Obama tuyên bố tại tòa Bạch Ốc khi bổ nhiệm cựu Trung tướng James Clapper vào chức vụ Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (DNI) rằng: “Clapper có phẩm cách cao ở những cố vấn mà tôi đánh giá cao là, họ sẵn sàng nói với cấp lãnh đạo những gì chúng ta cần biết chứ không phải điều chúng ta muốn nghe“.
Việc bổ nhiệm tướng Clapper làm giám đốc cơ quan tình báo quan trọng bậc nhất về an ninh quốc gia cùng lời tuyên bố của Obama cho thấy, một chính sách nhất quán và cung cách lãnh đạo của ông trong vấn đề bổ nhiệm nhân sự vào các trọng trách ra sao. Obama luôn bổ nhiệm người có khả năng xứng đáng nhất vào vị trí cần thiết, bất kể đảng phái, không ngoài mục đích đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
DNI là cơ quan tình báo quốc gia Hoa Kỳ được thành lập từ sau vụ khủng bố 911, bao gồm 17 cơ quan tình báo, kể cả CIA vốn là cơ quan tình báo trung ương trọng yếu của nước Mỹ. Xuất thân từ một Trưởng Cục Tình Báo Không Quân Hoa Kỳ, lên đến Trưởng Cục Quân Báo rồi dẫn dắt Cơ Quan Tình Báo Bộ Quốc Phòng, tướng Clapper là một nhân vật lão luyện, thâm niên trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ để dẫn dắt DNI. Ông từng phục vụ qua ba đời tổng thống tiền nhiệm, từ thời Bush cha đến Bill Clinton, George W. Bush và được Obama chọn thay thế giám đốc tiền nhiệm Dennis Blair vì có những bất đồng với cục tình báo CIA.
Như nói ở trên, ngành tình báo có nhiệm vụ và vai trò quan trọng không chỉ với an ninh quốc gia mà cả chiến lược quân sự cùng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, thông qua các tin tức thu thập, phân tích và được đệ trình lên nội các cùng các nhà lập pháp. Từ Đệ Nhị Thế Chiến sang cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô và khối cộng sản cho đến những cuộc chiến mà Hoa Kỳ từng tham dự, cơ quan CIA đều đóng vai trò đắc lực để Hoa Kỳ thay đổi chiến thuật hay áp dụng chính sách lên các quốc gia hay khu vực liên quan. Theo tài liệu lưu trữ của CIA, tổng hành dinh CIA tại Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam được xem là cơ quan CIA quy mô và đông đảo nhân viên nhất từng hiện diện bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Với sự nguy hiểm của Nga và tham vọng bành trướng của Trung Cộng cùng những diễn biến phức tạp tại Trung Đông, với những kỹ thuật tân tiến được kẻ thù sử dụng qua internet, nhiệm vụ của ngành tình báo và phản gián Hoa Kỳ càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết. Đặc biệt là khi cộng đồng tình báo Hoa Kỳ thừa nhận rằng, đã có sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử 2016 và những dấu hiệu muốn thay đổi cục diện cuộc bầu cử 2020 sắp tới.
Vậy thì hiện nay, người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia DNI trước tình trạng như vậy là ai?
Giám đốc DNI hiện nay là John Ratcliffe, một dân biểu Cộng Hòa được cơ quan think tank The Heritage Foundation xem là nhân vật bảo thủ nhất nhì tại quốc hội. Xuất thân là một luật sư tư nhân, trở thành thị trưởng một thị trấn nhỏ chỉ vài ngàn cư dân tại Texas, John Ratcliffe đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ năm 2014 và được vào Ủy Ban Tư Pháp và An Ninh Nội Địa.
Ratcliffe đặc biệt ủng hộ chính sách và đường lối của Donald Trump, tỏ ra một dân biểu trung thành, bảo vệ tối đa cho Trump tại Quốc Hội. Phủ nhận các báo cáo về việc Nga liên can đến cuộc bầu cử 2016, tấn công cuộc điều tra của công tố viên Robert Mueller cho đến nằm trong nhóm bảo vệ Donald Trump trước cuộc luận tội truất phế, chỉ là vài điều có thể kể về ông ta.
Đó là lý do Ratcliffe được Trump để mắt và chọn bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tình báo Hoa Kỳ khi cựu giám đốc DNI là Dan Coats – người được xem là chính trực và có khả năng, bị buộc từ nhiệm vì vẫn thường đưa ra các tin tình báo trái ngược lời Trump. Từ sự can dự của Nga, vấn đề Trung Cộng, Bắc Hàn hay khủng bố,… Dan Coats từng bảo rằng, quả là điều xấu hổ cho tình báo Hoa Kỳ khi không biết gì về nội dung cuộc nói chuyện tay đôi giữa Donald Trump với Putin tại hội nghị thượng đỉnh Helsinki năm 2018, khi chỉ có Trump và Putin cùng người thông dịch mà thôi. Việc thay thế Dan Coats xảy ra chỉ một thời gian rất ngắn sau khi tin tức về cuộc nói chuyện của Donald Trump tạo áp lực lên tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine bị tiết lộ ra ngoài.
Chủ Tịch khối thiểu số Thượng Viện Chuck Schumer tuyên bố về việc bổ nhiệm này rằng: “Rõ ràng John Ratcliffe được chọn nhờ vào lòng trung thành mù quáng với Donald Trump“. Điều này dễ nhận thấy vì Ratcliffe không hề có kinh nghiệm về tình báo và an ninh quốc gia, cũng như là nhân vật vô cùng bảo thủ, trong khi vai trò này cần đặt nặng tính phi đảng phái để phục vụ cho lợi ích quốc gia, thay vì phục vụ lợi ích riêng cho tổng thống.
Nó tương tự việc bổ nhiệm Robert O’brien, người kế nhiệm John Bolton và là cố vấn an ninh quốc tư thứ tư trong vòng gần bốn năm qua. O’brien cũng là một người vô cùng xa lạ với cộng đồng tình báo và an ninh quốc gia, nhưng hết lòng vâng phục tổng thống.
Như điều tất nhiên, John Ratcliffe nhận chức giám đốc DNI hồi tháng Năm, chỉ vài tháng trước khi bầu cử, thì cuối tuần này, văn phòng ODNI đã thông báo rằng, họ sẽ không còn tường trình giáp mặt tin tức tình báo về bầu cử đến Ủy ban Tình báo Quốc Hội, cũng như ban tranh cử của cựu phó tổng thống Joe Biden với lý do e ngại tin tức sẽ bị tiết lộ ra ngoài. Thay vào đó, ODNI chỉ cung cấp các báo cáo văn bản, với những gì DNI chọn lọc và muốn cho biết, không để các nhà lập pháp có cơ hội chất vấn hay tìm hiểu thêm.
Đây là hành động chính trị hóa chưa hề có tiền lệ khi cơ quan tình báo quốc gia từ chối giải trình trọn vẹn tin tức tình báo và an ninh quốc gia cho giới lập pháp cùng ứng viên tổng thống. Các nguồn tin tình báo về Nga, Trung Cộng, Iran hay bất cứ quốc gia nào khác đang nhắm vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ ra sao, việc bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử như thế nào, xem như bị chặn lại với quyết định này. Trong khi chính DNI thừa nhận hồi tháng trước là Nga đang có nỗ lực can dự để Donald Trump tái đắc cử.
Donald Trump là tổng thống thường xuyên sử dụng cụm từ “phản quốc” với giới lãnh đạo tiền nhiệm, với truyền thông báo chí, cùng các nhà lập pháp khi họ lên tiếng chỉ trích hay yêu cầu mở các cuộc điều tra. Nhưng nếu như tội phản quốc được định nghĩa trong hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ là để chỉ những công dân khai chiến chống lại quốc gia hay cấu kết với kẻ thù ngoại bang, thì ai mới là kẻ phản quốc?
Bởi bất chấp an ninh quốc gia cùng sự an nguy của người dân, việc sẵn sàng bắt tay với ngoại bang qua các thủ đoạn chính trị để tái đắc cử, mới chính là hành động phản bội quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.