Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông?
26-8-2020
Trung Quốc có thể đã phóng các tên lửa đạn đạo DF-21D (Đông Phong 21D) và DF-26 (Đông Phong 26) ra Biển Đông vào sáng nay 26.8, dựa theo các thông báo thiết lập vùng cấm bay và hoạt động của máy bay trinh sát điện tử Mỹ.
Ngày 25.8, Trung tâm Kiểm soát đường dài Quảng Châu ban hành thông báo cho phi công (NOTAM) về việc thiết lập 3 vùng cấm bay ở trong lãnh thổ Trung Quốc và 2 khu vực khác ở Biển Đông.
Chuyên gia về quân sự Trung Quốc Henri Kenhmann là người đầu tiên đăng tải thông báo kèm theo nhận định trên Twitter của ông vào sáng nay.
Thông báo số hiệu A3325/20 thiết lập 5 vùng cấm bay: một ở Quý Châu, một ở Quảng Tây, một ở Phúc Kiến giáp Quảng Đông, một ở ngoài khơi Quảng Đông và một ở đông nam Hải Nam.
Trong đó, khu vực cấm bay ở đông nam Hải Nam khớp với khu vực mà Trung Quốc khoanh vùng để tiến hành tập trận từ ngày 24-29.8, theo thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam trước đó.
Khu vực ngoài khơi Quảng Đông cũng gần như chồng lên khu vực Trung Quốc khoanh vùng để tập trận, theo thông báo của Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông.
Các vùng cấm bay được thiết lập trong khoảng thời gian từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30 ngày 26.8 (giờ Việt Nam).
Các thông báo này rõ ràng là dấu hiệu về việc Trung Quốc sẽ phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông trong khung thời gian này.
Trong đó, khu vực mà Trung Quốc khoanh vùng để tập trận ở đông nam Hải Nam bao trùm một phần quần đảo Hoàng Sa là khu vực mục tiêu.
Nhận định này càng được củng cố hơn nữa sau khi một chiếc máy bay trinh sát điện tử RC-135S Cobra Ball cất cánh từ căn cứ Kadena ở Okinawa bay vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào sáng nay.
RC-135S Cobra Ball là máy bay trinh sát điện tử theo dõi quỹ đạo tên lửa đạn đạo đặc biệt của Không quân Mỹ.
Sau khi quần thảo ở khu vực trong vài tiếng đồng hồ, khoảng sau 9 giờ, máy bay đã bay ngược trở ra Biển Philippines để trở về căn cứ. Điều này gợi ý vụ phóng tên lửa của Trung Quốc có thể đã hoàn tất.
Một nguồn tin của tôi nhận định Trung Quốc có thể phóng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.
Dựa trên vị trí thiết lập của các vùng cấm bay, tôi xác định tên lửa DF-21D nhiều khả năng đã được phóng đi từ một căn cứ hải quân hoặc không quân ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, vốn cách khu vực mục tiêu xấp xỉ 1.000 dặm.
Khu vực phóng của quỹ đạo còn lại nhiều khả năng nằm tại khu vực triển khai tên lửa Đại Sài Đán – Đức Linh Cáp (Da Qaidam – Delingha) ở tỉnh Thanh Hải. Khu vực này nằm cách khu vực mục tiêu khoảng 1.800 dặm.
DF-21D, tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn có thể hơn 1.000 dặm, vốn được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” của Trung Quốc. Còn DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung xa với tầm bắn lên đến 2.500 dặm.
Vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc cũng thông báo phong tỏa một khu vực lớn ở Biển Đông nằm giữa bãi Macclesfield và quần đảo Trường Sa để tiến hành tập trận cũng như thiết lập một vùng cấm bay ở Biển Đông.
Theo tiết lộ của quân đội Mỹ sau đó, Trung Quốc đã tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D ở Biển Đông trong cuộc tập trận nói trên.
Những diễn biến kể trên gợi ý Trung Quốc dứt khoát đã lên kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông trong khoảng thời gian từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30 sáng nay.
Vấn đề có lại là liệu Trung Quốc có tiến hành như kế hoạch hay là hủy bỏ vào phút chót. Có lẽ chúng ta phải chờ thêm xác nhận từ phía Mỹ hoặc Trung Quốc trong vài ngày tới.
Trong khi đó, tình hình đối đầu Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng với việc Trung Quốc tố cáo máy bay do thám tầm cao U-2 của Mỹ bay vào vùng cấm bay được Trung Quốc lập ra để tập trận ở Chiến khu Bắc bộ của nước này trong ngày 25.8.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố kiên quyết phản đối và cho biết đã giao thiệp nghiêm khắc với phía Mỹ.
U-2 là chiếc máy bay gợi nhớ đến nhiều sự kiện Chiến tranh Lạnh, với hai vụ bắn hạ: năm 1960 ở Liên Xô và năm 1962 trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Trong thập niên 1960, Trung Quốc cũng vài lần bắn hạ máy bay U-2 do phi công Đài Loan điều khiển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.