Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Sắc thái của dân chủ, tự do

 

Sắc thái của dân chủ, tự do

Blog VOA

24-8-2020

Tuần trước, sau cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ với một thân hữu, kẻ viết bài này nhận được video clip và ít dòng tâm sự từ anh. Xin giới thiệu để độc giả cùng xem và cùng ngẫm nghĩ những điều anh đã chia sẻ…

… Thay vì mô tả bằng lời, tôi gửi anh một video clip (đính kèm email này) do chính tôi ghi bằng điện thoại. Tôi tin anh có thể cảm nhận rõ ràng hơn về “văn hóa quân đội” (military culture). 

Chẳng phải anh mà rất nhiều người Mỹ không có liên hệ với quân đội đều chưa từng thấy những hình ảnh như tôi vừa ghi, dẫu điều này diễn ra đều đặn mỗi ngày tại các căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn thế giới (trừ các tiền đồn) suốt từ thế kỷ 19 đến giờ. 

Hàng ngày, các căn cứ đều tổ chức thượng kỳ (kéo quốc kỳ Mỹ lên cột cờ chính) vào lúc 6:30 và hạ kỳ (kéo quốc kỳ xuống) vào lúc 17:00. Năm phút trước khi thượng kỳ hoặc hạ kỳ sẽ có một hồi kèn báo để mọi người chuẩn bị. 

Một phút trước khi quốc kỳ được kéo lên hay hạ xuống sẽ có thêm một hồi kèn nữa – sau hồi kèn này, tất cả các sinh hoạt trong căn cứ đều tạm ngưng, mọi người, bất kể quân nhân hay thường dân, đang mặc quân phục hay y phục dân sự, ở bất kỳ đâu trong căn cứ sẽ cùng hướng về phía có cột cờ chính, chờ hồi kèn chính của nghi thức thượng kỳ hoặc hạ kỳ để chào quốc kỳ đang được kéo lên hay hạ xuống. 

Video clip tôi thực hiện ghi lại khung cảnh phía sau nhà tôi. Đó là điều vẫn diễn ra cuối mỗi buổi chiều,… Một số đứa trẻ trong độ tuổi thiếu niên đi dạo hoặc dắt chó đi chơi, ngồi tán dóc, chơi bóng rổ… Những đứa trẻ đó không phải quân nhân nhưng sống trong các căn cứ quân sự Mỹ thành ra chúng biết thế nào là “military culture”… 

Nếu để ý anh sẽ thấy, hồi kèn báo chuẩn bị hạ kỳ trỗi lên vào đúng lúc một đứa trẻ đang chơi bóng rổ sắp sửa kết thúc đợt tấn công đối phương nhưng nó và bạn bè tự động ngừng lại để… chào cờ, pha tấn công chỉ được thực hiện sau khi hồi kèn hạ kỳ vừa dứt… Tôi đã từng chứng kiến hai đứa trẻ vì bất đồng gì đó mà lao vào vật nhau ra sân cỏ, chưa phân thắng – bại thì hồi kèn báo chuẩn bị hạ kỳ trỗi lên, chúng buông nhau ra, đứng dậy chào cờ. Chào cờ xong, mỗi đứa đi về một hướng, nhờ hạ kỳ “cuộc chiến” giữa chúng kết thúc…

Với quân nhân Mỹ, quốc kỳ Mỹ – biểu tượng của quốc gia, dân tộc – là linh vật vì thấm cả máu, mồ hôi của tiền nhân lẫn máu, mồ hôi của chính họ và đồng đội họ. Đó cũng là lý do họ và những người có liên quan đến quân đội kính trọng quốc kỳ một cách đặc biệt. Tuy nhiên không phải vì thế mà họ được phép hoặc được khuyến khích tấn công những người có thái độ, lời nói bất kính với quốc kỳ Mỹ. Những hành vi xúc phạm quốc kỳ Mỹ có thể làm họ khó chịu, thậm chí làm cảm xúc của họ bị tổn thương nhưng như mọi người Mỹ khác, họ phải nhớ, thực thi dân chủ, bảo vệ tự do là phải tôn trọng sự khác biệt. 

Đổ mồ hôi, đổ máu để quốc kỳ Mỹ có thể tung bay không đồng nghĩa với việc có đặc quyền xâm hại những quyền căn bản của một cá nhân khác. Đó cũng là lý do tại Mỹ, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với một người xúc phạm quốc kỳ vẫn bị… còng!

Rất nhiều quân nhân Mỹ thích bài “If I die before you wake” (Nếu tôi chết trước khi bạn thức giấc) của Dustin Evan. Tôi không biết anh nghe bài hát này lần nào chưa? Nếu chưa, anh có thể theo link tôi đính kèm email này, vào You Tube nghe một lần cho biết.

Sở dĩ quân nhân Mỹ thích bài hát ấy vì nó diễn tả tâm trạng một quân nhân Mỹ đang chiến đấu ở phía bên kia trái đất. Một trong những tâm sự của người lính đang viễn chinh này là ở nhà – ngay trên lãnh thổ Mỹ, có những người phản đối cuộc chiến mà anh ta tham gia. Anh ta giải thích, việc đồng bào anh ta đang thực thi quyền phản chiến cũng là lý do để anh ta chiến đấu, thành ra nếu anh ta chết trước khi bình minh đến trên lãnh thổ Mỹ thì đó cũng chẳng phải là giá quá cao…

Dân Mỹ nghĩ về quân đội Mỹ và quân nhân Mỹ thế nào thì anh biết rồi. Tôi tin “military culture” góp phần đáng kể vào việc xây dựng sự tôn trọng và tình cảm đó. “Military culture” của quân đội Mỹ không có chỗ cho kể công, không buộc biết ơn và đòi phải đền ơn bằng cách phải nói điều này, phải làm điều kia cho xứng đáng với công lao. Đó không đơn thuần là khác biệt về “military culture” giữa quân đội của một số quốc gia. Đó là khác biệt căn bản về quan niệm và cách thực thi dân chủ, tự do. Đúng không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.